Podcast ngày 11.02.2022 – Lạm phát Mỹ cao nhất kể từ năm 1982

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Lạm phát Mỹ cao nhất kể từ năm 1982

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát Mỹ cao nhất kể từ năm 1982
– Công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 1 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/1982, vượt ước tính 7,2% của Dow Jones.
– Nếu loại bỏ biến động giá thực phẩm và khí đốt, CPI tăng 6%, vượt ước tính 5,9%. Lạm phát lõi cũng tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/1982. CPI tháng 1 so với tháng trước tiếp tục cho thấy lạm phát đang ngày càng cao lên mức rủi ro, với CPI và CPI lõi đều tăng 0,6%, vượt dự báo tăng 0,4% cho cả hai chỉ số.
– Lạm phát bùng nổ khiến thu nhập của người lao động giảm đáng kể. Thu nhập thực theo giờ chỉ tăng 0,1% trong tháng 1. Một báo cáo khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 5/2 là 223.000, giảm 16.000 so với tuần trước đó và thấp hơn dự báo 230.000. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 1/1.
– Fed dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3 để ứng phó lạm phát – đang vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Số liệu lạm phát tháng 1 đang củng cố kịch bản Fed sẽ tăng ít nhất 5 lần lãi suất trong năm 2022, gây những ảnh hưởng nhất định lên mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

• Trung Quốc ‘thiếu hụt khổng lồ’ theo thỏa thuận thương mại với Mỹ
– Cơ quan Thống kê Mỹ cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2021 với Trung Quốc tăng 45 tỷ USD, tương đương 14,5%, lên 355,3 tỷ USD, cao nhất kể từ kỷ lục 418,2 tỷ USD hồi năm 2018.
– Chênh lệch của năm 2020 là 310,3 tỷ USD, thấp nhất 10 năm vì ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa liên quan Covid-19. Thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ năm 2021 tăng 27% lên kỷ lục 859,1 tỷ USD do các doanh nghiệp tái bổ sung hàng dự trữ để đáp ứng lực cầu tăng mạnh.
– Số liệu trên cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết mua thêm 200 tỷ USD nông sản và hàng hóa sản xuất, năng lượng và dịch vụ từ Mỹ so với mức năm 2017 – năm trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào chiến tranh thương mại. Cam kết này là tiêu điểm trong thỏa thương mại giai đoạn 1 của Mỹ dưới thời Donald Trump với Trung Quốc ký hồi tháng 1/2020.
– Theo phân tích, Trung Quốc chỉ đạt 57% mục tiêu mua thêm hàng hóa cho hai năm 2020 và 2021. Về phía Trung Quốc, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuần trước cho biết Bắc Kinh đang nỗ lực thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 “bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19, suy thoái toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng”.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

Cá nhân trong nước mở mới 193.400 tài khoản chứng khoán trong tháng 1
– Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 1 đạt 194.310 đơn vị, giảm 14,2% so với tháng 12/2021, tháng có số lượng tài khoản cá nhân mở mới cao thứ 3 lịch sử. Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 1 tăng trở lại đạt 210 đơn vị, cao thứ 2 lịch sử.
– Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 1 đạt gần 4,47 triệu đơn vị, tăng 4,6% so với tháng trước, tương đương gần 4,33% dân số. Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.
– Lượng tài khoản mở mới của cá nhân nước ngoài đạt 302 đơn vị, tăng 1,3% so với tháng 12 năm ngoái. Tương tự, tổ chức nước ngoài mở mới 18 tài khoản chứng khoán ở tháng 1. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 1 đạt 39.830, tăng 320 tài khoản so với cuối tháng 12/2021.
– Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch không thực sự tích cực trong tháng 1 khi bán ròng mạnh thông qua khớp lệnh. Trong khi đó, khối ngoại biến động tích cực trở lại. Cụ thể, theo FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 2.956 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tháng 1/2022, giảm 64% so với tháng 12/2021. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng trở lại 2.948 tỷ đồng, trước đó, dòng vốn này đã mua ròng khớp lệnh trong cả 12 tháng của năm 2021.
– Mặc dù thị trường trải qua đợt biến động mạnh trong các tuần đầu năm, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán vẫn chưa hạ nhiệt khi số lượng tài khoản mở mới tiếp tục đạt gần 200,000 đơn vị. Với lộ trình đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào hoạt động và hạ lô tối thiếu xuống còn 10 cổ phiếu, thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ tiếp tục có một năm sôi động.

• Ngân sách dự kiến dành 92.600 tỷ đồng từ chương trình phục hồi đầu tư 8 tuyến cao tốc
– Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương về việc đôn đốc rà soát, tổng hợp danh mục dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, tổng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phân bổ cho ngành giao thông khoảng 103.164 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 92.600 tỷ đồng, chiếm đến 90% tổng vốn đầu tư vào 8 tuyến đường bộ cao tốc.
– Trọng điểm của ngân sách sẽ được phân bổ cho cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, được bổ sung vốn nhiều nhất với số tiền 72.476 tỷ đồng. Như vậy, dự án trọng điểm này được bổ sung đủ tổng vốn gần 146.990 tỷ đồng để thực hiện.
– Tiếp đến, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến được bổ sung 3.500 tỷ đồng, nâng tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho tuyến này trong giai đoạn trung hạn từ 5.740 tỷ đồng lên 9.240 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư dự án là 18.635 tỷ đồng.
– Bên cạnh đó, tuyến cao tốc An Hữu (Tiền Giang) – Cao Lãnh (Đồng Tháp) dự kiến được bố trí thêm khoảng 1.204 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án từ 1.864 tỷ đồng lên khoảng 3.068 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng.
– Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề dự kiến được bổ sung khoảng 3.800 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách đầu tư cho dự án từ 14.247 tỷ đồng lên 18.047 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 49.745 tỷ đồng.
– Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến được bổ sung 2.320 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án từ 5.231 tỷ đồng lên 7.551 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.435 tỷ đồng.
– Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng dự kiến bố trí thêm cho cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang 3.584 tỷ đồng, dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu 4.650 tỷ đồng, cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng 1.100 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế.
– Với câu chuyện đầu tư công là trọng điểm trong năm 2022, các nhóm ngành vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Kinh Bắc đặt mục tiêu tăng vốn chủ sở hữu lên tỷ đô
– Năm 2021, doanh thu của Kinh Bắc gấp đôi lên 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp 3 lần đạt 320 tỷ đồng. Riêng phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ gấp 3,5 lần lên 784 tỷ đồng. Kinh Bắc thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm. Sang năm 2022, công ty đặt mục tiêu 9.800 tỷ đồng tổng doanh thu và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
– Lãnh đạo công ty chia sẻ mặc dù các dự án bị chậm đi trong năm 2021 trước tác động của dịch bệnh, Kinh Bắc vẫn đạt nhiều kết quả. Tại Hải Dương, công ty đã phối hợp với chính quyền để ký bổ sung 3 khu công nghiệp Kiên Thành, Thanh Hà, Bình Giang vào danh mục khu công nghiệp cả nước. Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục nộp hồ sơ cấp phép đầu tư, hiện đã nộp hồ sơ Bình Giang 1. Tại Hưng Yên, bên cạnh tiếp tục làm khu công nghiệp tập trung, công ty sẽ xin chính quyền bổ sung một số cụm khu công nghiệp trong năm nay. Cũng tại Hải Phòng, đơn vị triển khai dự án Tràng Cát để trở thành khu đô thị biển.
– Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT cho biết sắp tới sẽ có những quỹ lớn tham gia vào khi quy mô vốn của Kinh Bắc lớn lên. Vì vậy, trong năm nay, muộn nhất năm sau, doanh nghiệp đặt mục tiêu quy mô vốn chủ sở hữu lên 1 tỷ USD.
– Lãnh đạo công ty cho biết kế hoạch năm nay không phải kế hoạch đột biến vì Kinh Bắc đã có nhà đầu tư và hợp đồng sẵn sàng từ năm ngoái. Theo những hợp đồng này, công ty có thể hoàn thành kế hoạch 2021, song các hợp đồng, xin giấy phép bàn giao phải chuyển sang năm nay do những vấn đề khách quan, các khách hàng mới đến Việt Nam trong tháng cuối năm do dịch bệnh. Theo đó, một phần kết quả năm nay nhận được từ những tháng cuối năm 2021.

• Phú Tài ghi nhận hơn 500 tỷ đồng doanh thu bất động sản năm 2021
– Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) công bố BCTC hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu 1.760 tỷ đồng, tăng 11%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp tăng 18% lên 375 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 20% lên 21,3%. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng cao từ 20 tỷ lên 40 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tăng 19% lên 143 tỷ đồng, hoạt động khác giảm lãi từ 16 tỷ về 5 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn tăng 6,2% đạt 125 tỷ đồng.
– Lũy kế cả năm, Phú Tài báo doanh thu tăng 16% lên 6.490 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 526 tỷ đồng, tăng 39%; phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 43% lên 512 tỷ đồng.
– Xét doanh thu theo mảng kinh doanh năm qua, sản phẩm gỗ ghi nhận tăng 13,7% lên 3.431 tỷ đồng trong khi bán xe ôtô Toyota và sản phẩm đá gần như đi ngang. Về lợi nhuận gộp, mảng gỗ mang về 796 tỷ đồng, tăng 18% và chiếm tỷ trọng 55%. Mảng bán ô tô lỗ gộp 7 tỷ đồng, mảng đá tăng nhẹ 4%.
– Năm nay, doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận doanh thu bất động sản là 511 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 208 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm nay Phú Tài sẽ hoàn thành và bàn giao dự án Chung cư Phú Tài Residence, Quy Nhơn, Bình Định. Dự án có tổng đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, diện tích 5.830 m2, được khởi công từ năm 2019.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Trong phiên giao dịch ngày 10/02/2022, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù VN-Index dành phần lớn thời gian của phiên sáng giao dịch trong sắc xanh, tuy nhiên, diễn biến này không thể duy trì cho đến hết phiên sáng. Bước sang phiên chiều, áp lực bán dồn dập từ nhóm cổ phiếu VIC và VHM kéo VN-Index xuống dưới mức tham chiếu, có lúc chỉ số này giảm hơn 12 điểm. VN-Index có sự hồi phục nhờ lực cầu bắt đáy VIC và VHM xuất hiện ở vùng giá thấp giúp chỉ số kết phiên trong sắc xanh nhẹ (+1.41 điểm), tiến lên mức 1,506.79 điểm.
– Về mức độ đóng góp, GAS, MSN, PGV và DIG là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất khi góp hơn 3 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, bộ đôi VHM và VIC lại là những mã có tác động tiêu cực nhất, kìm hãm đà tăng của chỉ số.
– Nhóm cổ phiếu dầu khí có phiên giao dịch hết sức tích cực. Các mã như OIL, BSR, PVD tăng trung bình hơn 3%. PLX, PVS, PVC cùng tăng từ 1-2%. Với việc giá dầu vẫn đang neo cao ở mức cao 90 USD/thùng, triển vọng của nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là nhóm thượng và trung nguồn trong quý I vẫn khả quan. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp thuong mại như PLX và OIL, việc giá dầu neo cao và khan nguồn cung nội địa là những yếu tố rủi ro tiềm ẩn cho kết quả kinh doanh đầu năm nay.
– Cùng với nhóm dầu khí, nhóm phân bón cũng có phiên giao dịch sôi động. LAS tăng trần, trong khi DCM, DPM và BFC đều có mức tăng ấn tượng với khối lượng tích cực.
– Ở nhóm thực phẩm đồ uống, hai ông lớn MSN và SAB cùng khởi sắc và có cho mình mức tăng hơn 2%. Một số cổ phiếu khác trong nhóm như BHN tiến hơn 2%, TAR, TAC, SLS cùng hiện sắc xanh tích cực.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 737 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 13,4 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE đẩy mạnh bán ròng mã VIC với giá trị 452 tỷ đồng. Như vậy, VIC bị bán ròng trong 10 phiên liên tiếp với tổng giá trị 1.969 tỷ đồng. HPG và NVL bị bán ròng lần lượt 145 tỷ đồng và 85 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND tiếp tục mua ròng 229 tỷ đồng. VGC đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE phiên hôm nay với 55 tỷ đồng.
– VN-Index kết phiên giao dịch với cây nến có bóng dưới dài cho thấy lực bắt đáy diễn ra tốt ở vùng 1,495. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp và nằm dưới trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền vẫn còn khá yếu. Hơn nữa, chỉ số VN30 đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi gặp kháng cự 1,550 – 1,565 và việc VN-Index vẫn chưa đóng gap ở vùng 1,480 là các yếu tố nhà đầu tư cần cân nhắc khi giải ngân ở giai đoạn hiện tại. Những nhịp điều chỉnh nhiều khả năng sẽ diễn ra khi VN-Index và VN30 có thể quay về test lại vùng hỗ trợ lần lượt là 1,480 – 1,490 và 1,525 – 1,535

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest