Tổng quan thị trường trái phiếu Việt Nam trên 3 mặt trận quan trọng

tổng quan thị trường trái phiếu việt nam

Mục lục

Bất chấp các tác động của dịch bệnh, thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn phát triển ổn định ở cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng thương mại. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng kết lại tình hình của từng mảng trái phiếu cùng các dự đoán trong tương lai.  

Tổng quan thị trường trái phiếu Việt Nam
Tổng quan thị trường trái phiếu Việt Nam

Thị trường trái phiếu Việt Nam đầy triển vọng ở cả lĩnh vực trái phiếu chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp

Nếu như trái phiếu chính phủ đang trong giai đoạn phát triển “chậm mà chắc”, thì thị trường lại chứng kiến sự nở rộ của trái phiếu doanh nghiệp. Còn về phía các ngân hàng thương mại, những đơn vị này đang chứng tỏ vị thế ngày một quan trọng của mình trên thị trường trái phiếu.

Thị trường trái phiếu Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực từ trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định mới

Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định việc chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có hiệu lực được hơn 6 tháng. Song song với đó là Nghị định 155/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Các quy định và chế tài nghiêm ngặt này đã góp phần xây dựng một thị trường trái phiếu Việt Nam an toàn, lành mạnh hơn. Sự quy củ đó cũng mang lại cho sân chơi này nhiều dấu hiệu khởi sắc. 

Chỉ trong nửa đầu năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đạt con số 168.702 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 3%. Trong đó, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, chiếm hơn 8% lượng trái phiếu phát hiện. Đây là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch dần dần từ phát hành riêng lẻ sang công chúng. Điều này rất có ích cho thị trường. Lãi suất phát hành trung bình của trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là 7,9%/năm, giảm 1.6% so với năm 2020. 

Trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu Việt Nam
Trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu Việt Nam

Với đà tăng trưởng này, chúng ta toàn hoàn có thể kỳ vọng vào các bước tiến mới hơn của trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư cũng không nên lơ là trước các rủi ro tiềm ẩn. Rủi ro phổ biến nhất chính là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sau khi phát hành một khối lượng lớn trái phiếu với lãi suất ngất ngưởng. Doanh nghiệp cần có sự tính toán cẩn thận, đừng vì mục tiêu huy động được vốn lớn mà “đánh cược” bằng trái phiếu. Các nhà đầu tư cá nhân cũng nên tỉnh táo trước lãi suất hấp dẫn mà cần dành thời gian đánh giá, lựa chọn kỹ càng.

Trái phiếu chính phủ trên thị trường trái phiếu Việt Nam giữ sự ổn định dù chịu nhiều ảnh hưởng

Thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm qua đã đối mặt với rất nhiều khó khăn do COVID-19 gây ra, trong đó trái phiếu chính phủ chịu nhiều tác động nhất. Tuy vậy, trong năm 2020 vừa qua, trái phiếu chính phủ vẫn khá ổn định ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Chỉ đến tháng 10/2020, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 100% chỉ tiêu trong năm, thành công huy động được 260.116 tỷ đồng cho trái phiếu chính phủ, cao hơn năm 2019 đến 17.8%. 

Sang đến năm 2021, thị trường trái phiếu chính phủ trở nên sôi động hơn đáng kể và mang về nhiều thành thích khả quan. Cụ thể, sau 41 đợt đấu thầu được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động 141.493 tỷ đồng trái phiếu. Tính riêng tháng 6 vừa qua, tổng giá trị giao dịch của trái phiếu chính phủ trên thị trường là 270.921 tỷ đồng, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên là 12.314 tỷ đồng. Tổng dư nợ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tính đến cuối tháng 6/2021 là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 0.74 so với năm trước. 

Trái phiếu chính phủ trên thị trường trái phiếu Việt Nam
Trái phiếu chính phủ trên thị trường trái phiếu Việt Nam

Các thành tựu trên có được là do Kho bạc Nhà nước chủ trương duy trì và phát huy các giải pháp có hiệu quả năm 2020, đảm bảo nguồn huy động vốn cân đối cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Kho bạc còn phát hành bổ sung các mã trái phiếu đang lưu hành nhằm tăng quy mô. Bên cạnh đó, hoạt động hoán đổi trái phiếu, phát hành trái phiếu thả nổi và trái phiếu đảm bảo thanh khoản cũng được đẩy mạnh.

“Người dẫn đầu” Thị trường trái phiếu Việt Nam gọi tên các ngân hàng thương mại 

Trong năm 2020, các ngân hàng thương mại chính là chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất trên thị trường trái phiếu Việt Nam. Trong vòng 12 tháng năm 2020, các ngân hàng thương mại đã phát hành 138.916 tỷ đồng, cao hơn năm 2019 11.2%. Mục đích phát hành trái phiếu của các ngân hàng này là nhằm đảm bảo các quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trong trung và dài hạn, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại (hệ số CAR). 

Trong 2 quý đầu năm 2021, các ngân hàng thương mại đã “vượt mặt” khối ngành bất động sản, vươn lên vị trí số 1 trên thị trường phát hành trái phiếu. Trong tháng 5/2021, khối lượng phát hành của nhóm ngân hàng là 18.485 tỷ đồng, chiếm gần 64% trên tổng số. Hầu hết lãi suất của các trái phiếu ngân hàng đều dao động ở mức 4%/năm, thấp hơn so với lãi suất tiết kiệm (5,8 – 6,5%/năm). Và đương nhiên, mức lãi suất này so với lãi suất của trái phiếu bất động sản (12-13%/năm) càng thấp hơn rất nhiều. 

Sở dĩ trái phiếu ngân hàng có khả năng thu hút đầu tư tốt như vậy dù lãi suất thấp hơn bất động sản, là vì nó được đánh giá cao nhất về độ an toàn, nhờ thanh khoản cao và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, chúng ta thấy được nhu cầu về các sản phẩm chứng khoán an toàn đang ngày một tăng cao trong bối cảnh đại dịch. Cũng từ nguyên do đó mà các chuyên gia dự đoán việc phát hành trái phiếu của kênh ngân hàng thương mại vẫn sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, lãi suất của các trái phiếu này cũng được dự đoán sẽ có sự tăng nhẹ trở lại vào khoảng cuối năm nay, do tình hình cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng. 
Tóm lại, ở cả 3 mặt trận trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu do ngân hàng thương mại phát hành, thị trường trái phiếu Việt Nam đều đang làm rất tốt, không chỉ chống chọi được với các ảnh hưởng của đại dịch mà còn phát triển hơn so với năm trước. Để đảm bảo đà tăng trưởng này, các đơn vị phát hành cần đảm bảo tuân theo các quy định của Nhà nước. Phía nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần có sự tìm hiểu thông tin và đánh giá tỉ mỉ, nhất là đối với các trái phiếu có lãi suất cao.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest