Podcast ngày 25.03.2022 – Mỹ tái miễn trừ thuế quan đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/03/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ THẾ GIỚI 

  • Mỹ tái miễn trừ thuế quan đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc 
  • Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết các mặt hàng được miễn trừ thuế quan liên quan đến các sản phẩm phải chịu thuế theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974, có hiệu lực từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12. 
  • Trước đó, USTR đã lấy ý kiến công chúng vào cuối năm 2021 về việc liệu có khôi phục miễn trừ thuế quan đối với 549 nhóm sản phẩm từ Trung Quốc hay không, và sẽ khôi phục miễn trừ đối với 352 mặt hàng, bao gồm nhiều loại linh kiện sản xuất và hàng tiêu dùng, từ các linh kiện trên màn hình tivi đến balô, xe đạp và gối. 
  • Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2020. Thỏa thuận này giúp xoa dịu cuộc chiến thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước, ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước trị giá hàng trăm tỷ USD do cuộc chiến thuế quan. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết sẽ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn chưa thể làm giảm thặng dư thương mại với Mỹ theo cam kết của thỏa thuận giai đoạn 1 khi mới chỉ đáp ứng 57% mức nhập khẩu mục tiêu từ Mỹ.  
  • Các tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu đi qua Nga trở thành vấn đề mới nhất của chuỗi cung ứng 
  • Khi xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra, các nhà xuất khẩu và công ty hậu cần vận chuyển phụ tùng ô tô, ô tô, máy tính xách tay và điện thoại thông minh đang tìm cách tránh các tuyến đường bộ đi qua Nga hoặc khu vực giao tranh. Rủi ro an ninh và rào cản thanh toán xuất phát từ các lệnh trừng phạt đang gia tăng, cũng như cảnh giác khách hàng châu Âu có thể tẩy chay các sản phẩm sử dụng đường sắt của Nga. 
  • Xung đột đang làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng lớn nhất, gây thêm áp lực lên các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn vẫn đang quay cuồng với tình trạng thiếu nhân lực do đại dịch gây ra. 
  • Tờ People’s Daily đưa tin, bắt đầu từ tháng 3, khối lượng xuất khẩu trên các chuyến tàu từ cảng Đại Liên đến châu Âu đã “giảm đáng kể”. Trước đó, các lô hàng đã tăng trưởng trung bình hơn 70% trong 2 tháng đầu năm. 
  • Ngoài ra, sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến các nhà chức trách thắt chặt kiểm soát, cùng với việc kiểm tra hàng loạt công nhân và lái xe. Một hàng dài xe tải đã chờ đợi để vào cảng container Yantian của Thâm Quyến vào đầu tháng này, với công ty vận tải lớn Hapag-Lloyd AG ước tính sự chậm trễ của ít nhất 13 tàu. 
  • Các liên kết đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu đã được hình thành trong thập kỷ qua như một phần của dự án Con đường Tơ lụa mới của chính quyền Trung Quốc, sau này được chuyển thành sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”. Đây là sự kết hợp đầy tham vọng giữa chính sách đối ngoại và chiến lược kinh tế nhằm mở rộng ảnh hưởng của đất nước trên khắp các châu lục. Năm ngoái, theo ước tính của Bain & Co, các chuyến tàu đã vận chuyển khoảng 1,46 triệu container chở hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD giữa Trung Quốc và châu Âu trên các tuyến đường, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

  • Cước tàu biển vẫn tăng chóng mặt 
  • Ông Nguyễn Xuân Châu – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Long Sài Gòn – bày tỏ lo lắng khi cước tàu biển hiện tăng gấp 10 lần so với giai đoạn trước khi bùng phát dịch Covid-19. “Trước khi đại dịch xảy ra, giá cước một container lạnh 40 feet đi châu Âu khoảng 1.600-1.800 USD và đi Mỹ khoảng 2.000-2.200 USD. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã dần được kiểm soát ổn định, hàng hóa lưu chuyển nhiều hơn nhưng cước container loại nêu trên đi châu Âu lên tới 16.000-18.000 USD, đi Mỹ là 22.000 USD” – ông Châu so sánh. 
  • Theo ông Châu, với giá cước như trên, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn mà ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phụ thuộc gần như toàn bộ nguyên vật liệu nhập khẩu, khiến tình trạng nông dân bỏ ao, bỏ trại… vì càng chăn nuôi càng lỗ ngày càng trở nên phổ biến. 
  • Ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Mega A, cho biết container lạnh chứa hàng nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc đang thiếu trầm trọng bởi nhu cầu xuất hàng qua đường biển tăng đột biến khi Trung Quốc kiểm soát chặt đường bộ để bảo đảm mục tiêu “zero Covid”.  
  • Đại diện hãng tàu Hyundai cho biết tính từ đầu năm đến nay, giá cước container đi đến nhiều thị trường đã tăng 60%-70% tại các thị trường trọng điểm, và 30% tại các thị trường nhỏ hơn. Hiện giá container từ Việt Nam đi Trung Quốc lên đến 5.000-6.000 USD/container, còn chiều ngược lại khoảng 2.000 USD/container. 
  • Tình trạng ùn tắc làm cho thời gian quay vòng của tàu thêm 20%-25%, gây nên khủng hoảng thiếu tàu và vỏ container, đẩy giá cước vận chuyển container tăng cao so với trước khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, nhu cầu hồi phục kinh tế sau đại dịch đẩy khối lượng vận chuyển container trên toàn cầu dự kiến tăng 6%-8%/năm. Do đó, nhiều tổ chức tư vấn hàng hải dự đoán thị trường vận chuyển container sẽ giữ mức giá hiện nay trong 2-3 năm tới. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

  • Masan Group lỗ hơn 5.600 tỷ đồng kể từ khi gia nhập thị trường bán lẻ 
  • Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với doanh thu đạt 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lên tới 11.489 tỷ đồng, cao gấp 5 lần năm trước. Trong các mảng kinh doanh của tập đoàn, ‘sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu’ tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính trên doanh thu, mảng bán lẻ tiêu dùng mới là số một khi tiếp tục đem về hơn 30.000 tỷ đồng. 
  • Tuy nhiên, mảng bán lẻ tiêu dùng năm qua vẫn lỗ 1.446 tỷ đồng, sau khi năm 2020 lỗ 4.186 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 năm sau khi nhận chuyển nhượng VinMart và VinMart+ từ tập đoàn Vingroup (nay đổi tên thành WinMart, WinMart+), Masan đã lỗ tổng cộng hơn 5.600 tỷ đồng từ mảng bán lẻ. Mặc dù vậy, điểm tích cực là số lỗ đã giảm đáng kể. Hơn nữa, mức lỗ 1.446 tỷ đồng là thấp nhất kể từ năm 2015 tới nay của hệ thống WinMart, WinMart+ . 
  • Thời gian qua, Masan Group đã tích cực chuyển đổi siêu thị và cửa hàng thành các điểm bán trong chiến lược ‘Point of Life’. Từ giữa năm 2021, doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart . Ông Danny Le, CEO Masan Group, chia sẻ đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, cả 2 bên có thể thu hút 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng.  
  • Bên cạnh dịch vụ tài chính và đồ uống mang đi, doanh nghiệp còn đưa dịch vụ số (Mobicast) và nhà thuốc (Phano Mart) vào các siêu thị, với mục tiêu là để khách hàng chỉ cần bước chân vào một cửa hàng WinMart là có thể được phục vụ tất cả các dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, bản thân WinMart và WinMart cũng đang là nơi phân phối cực kỳ hiệu quả cho các sản phẩm do Masan Group sản xuất, như thịt, mì ăn liền, gia vị. 
  • Đáng chú ý, để gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại, cũng như doanh thu và lợi nhuận, công ty sẽ hướng tới nhượng quyền thương hiệu. 2 điểm bán đầu tiên đã ra mắt hồi cuối năm 2021. Nhượng quyền sẽ giúp Masan Group nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất. Ban điều hành đặt kế hoạch triển khai 200 cửa hàng nhượng quyền trong năm 2022. 
  • Dabaco chốt quyền thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 
  • Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền thưởng cổ  phiếu tỷ lệ 1:1 là 6/4. Tập đoàn sẽ phát hành thêm hơn 115,2 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ công ty gấp đôi đạt 2.304 tỷ đồng. 
  • Năm nay, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu 22.559 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm ngoái, kế hoạch này vượt gấp đôi về doanh thu và hơn 10% về lợi nhuận. Tuy vậy, chỉ tiêu lợi nhuận đề ra vẫn thấp hơn 34% so với mức mà doanh nghiệp này đã thực hiện vào năm 2020. 
  • Năm 2021, công ty chăn nuôi đạt 10.813 tỷ đồng, tăng 8% và thực hiện 70% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế giảm 41% về 830 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu năm. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

  • Phiên giao dịch 24/03/2022, VNINDEX mở phiên tương đối thuận lợi bằng sắc xanh tăng điểm ở mốc 1.504 điểm. Tuy nhiên, các nhịp rung lắc liên tục xuất hiện khiến VNINDEX ở thế giằng co và đóng cửa phiên sang ở 1.501 đểm (-0,08%). Kịch bản của phiên giao dịch buổi sang tiếp tục diễn ra vào buổi chiều khi ban đầu thị trường đã tăng trở lại nhưng do áp lực bán từ nhóm VN30 nên kết phiên đóng cửa ở 1.498,26 điểm, giảm 4.08 điểm tương đương 0,27% so với phiên ngày hôm qua. Giá trị giao dịch phiên hôm nay tương đương ngày hôm qua khi đạt 24.833,507 tỷ đồng. Về độ rộng thị trường, phe bán vẫn chiếm ưu thế với 228 mã giảm, chiếm trung bình khoảng trên 50% các mã cổ phiếu trên sàn HSX. 
  • Về mức độ ảnh hưởng, PDR, VGC, VJC và REE là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 1,71 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã tác động mạnh đến việc giảm điểm của chỉ số gồm có 2 mã vốn hóa lớn: VCB (-1,699 điểm), VHM (-1,675 điểm). 
  • Về nhóm ngành, 4 nhóm ngành tăng và 5 nhóm ngành giảm. Nhóm ngành tăng tích cực có thể kể đến nhóm ngành Công nghiệp (+1,46%) trong đó VGC (+6,83%), HBC (+2,97%) …  
  • 2 nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là Bất động sản và Tài chính lại là hai cản chính của thị trường khi có mức giảm lần lượt là 0,27% và 0,71%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sắc đỏ của nhóm ngành Bất động sản như NVL (-1,19%), VIC (-0,49%), VHM (-1,94%), các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ mức giảm quanh 1%. Nhóm ngành Tài chính nay có sự phân hóa rõ rệt khi các cổ phiểu ngành Ngân hàng và Chứng khoán chìm trong sắc đỏ lần lượt là (-0,82%) và (-0.93%); ở chiều ngược lại các cổ phiếu ngành bảo hiểm và Tài chính tổng hợp ghi nhận sự tăng trưởng như MIG (+0,38%), BCG (+6,98%), IPA (+1,46%). 
  • Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 24/03/2022: sau 3 phiên mua ròng thì đến hôm nay khối ngoại đã bán ròng nhẹ 116,42 tỷ đồng trên sàn HSX. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu DGC (357,92 tỷ đồng), VHC (50,48 tỷ đồng), VGC (41,7 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là DXG (-170,19 tỷ đồng), VNM (-128,80 tỷ đồng), HPG (-89,89 tỷ đồng). 
  • Hiện tại, chỉ số VNINDEX đã rơi xuống dưới mốc 1500 điểm trong bối cảnh nhiều cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn trên sàn HOSE bị bán mạnh. Nếu phiên ngày mai lực mua không quay trở lại một cách mạnh mẽ để giữ điểm quanh vùng 1500 thì khả năng chỉ số quay trở lại vùng hỗ trợ  1,485 -1,500 điểm có thể xảy ra. Nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ mã cổ phiếu đã đạt được target có thể cân nhắc chốt lời dần và theo dõi những diễn biến tiếp theo của giá cổ phiếu, hạn chế mua đuổi những mã cổ phiếu đã tăng vượt khỏi vùng mua có thể quản trị rủi ro. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát và gia tăng tỷ trọng ở những mã cổ phiếu tốt khi giá đã được chiết khấu về mức hợp lý. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest