Podcast ngày 29.03.2022 – Xuất khẩu cá tra tăng 93,6% ở 4 thị trường lớn

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/03/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Nỗi lo Fed sẽ tăng lãi suất mạnh như thập niên 1980 để chống lạm phát
– Các ngân hàng đầu tư ở phố Wall lần lượt đưa ra dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động quyết liệt hơn so với dự kiến nhằm hạn chế đà leo thang của giá cả trong bối cảnh tình hình lạm phát ở Mỹ đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
– Tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs gây ngạc nhiên khi đưa ra dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong hai cuộc họp chính sách tiền tệ tới đây.
– Morgan Stanley và Jefferies nhanh chóng thể hiện quan điểm đồng tình với nhận định này mặc dù từ năm 2000 tới nay, chưa có cuộc họp nào Fed nâng lãi suất với bước nhảy lớn như vậy.
– Tiếp đó là Citigroup, với dự báo Fed thậm chí sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 4 cuộc họp tới đây. Không chỉ vậy, Citigroup còn tính đến khả năng Fed hành động mạnh tay hơn, tăng lãi suất với bước nhảy như vậy trong tất cả các cuộc họp còn lại của năm nay.
– Những dự báo này phản ánh mức độ lo ngại về triển vọng lạm phát. Tình hình đã xấu đi nhiều trong những tuần gần đây, khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo theo sự leo thang chóng mặt của giá lương thực-thực phẩm, năng lượng và hàng hoá cơ bản khác.
– Thông thường, Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần nâng. Tuy nhiên, bối cảnh của nền kinh tế Mỹ hiện tại không còn trong trạng thái bình thường khji chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đang tăng với tốc độ mạnh nhất 40 năm. Tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982.
– Cách đây mới chỉ 1 năm, các quan chức Fed phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương có thể không tăng lãi suất cho tới ít nhất năm 2024. Giờ đây, các nhà đầu tư đang dự báo Fed có 6-7 lần tăng lãi suất trong năm nay.
– Lần gần đây nhất Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm hoặc hơn mỗi lần trong 4 cuộc họp liên tiếp là vào cuối năm 1994 đầu năm 1995. Chuỗi lần nâng lãi quyết liệt đó đã dẫn tới biến động lớn trên thị trường tài chính Mỹ, với thị trường trái phiếu sụt giảm chóng mặt và các quỹ phòng hộ thua lỗ trầm trọng. Chỉ vài tháng sau đó, Fed buộc phải đảo ngược chính sách, bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại.
– Fed đang chuyển từ hỗ trợ hết mức có thể cho nền kinh tế sang trạng thái “hãm phanh”. Sự dịch chuyển lập trường này là hợp lý, xét tới lạm phát đang cao và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu Fed thật sự mạnh tay với các đợt tăng lãi suất sắp tới, thị trường tài chính và chứng khoán toàn cầu sẽ gặp những thách thức thật sự.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Áp lực trong kiểm soát lạm phát
– Nhu cầu và giá hàng hóa cho sản xuất, tiêu dùng tăng nhanh đang gây áp lực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm. 3 yếu tố gây trở ngại đến việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 là: (1) Tổng cầu tăng đột biến, (2) giá cả nguyên vật liệu tăng cao, (3) đứt gãy chuỗi cung ứng, kể cả trong nước và quốc tế.
– Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tổng cầu trong năm 2022 đã tăng mạnh so với năm 2021.
– Nền kinh tế trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, tổng cầu thế giới tăng dẫn đến tình trạng nguyên, vật liệu cũng tăng giá mạnh. Như vậy, nguy cơ nhập khẩu lạm phát không thể tránh khỏi.
– Bên cạnh đó, đứt gãy chuỗi cung ứng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trên thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhiên liệu và khí đốt khiến lạm phát châu Âu tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm, lên tới 5,1%. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng đẩy giá một loạt hàng hóa khác tăng, gây áp lực rất lớn đối với lạm phát. Cùng với đó giá lương thực cũng tăng. Mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đã công bố chỉ số giá lương thực của thế giới tăng cao nhất trong 61 năm qua, so với đầu năm đã tăng 24,1%. Giá lương thực thế giới tăng sẽ tác động đến lạm phát của Việt Nam.
– Lạm phát cao sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, hình thành mặt bằng giá mới. Khi đó, tất cả những quyết định về sản xuất, kinh doanh, đầu tư đều phải tính toán trên mặt bằng giá mới và làm cho mọi chi phí đều cao hơn. Mặt bằng giá mới sẽ khiến thu nhập thực của người dân bị giảm, làm giảm sức chi tiêu gây tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

• Xuất khẩu Việt Nam đứng trước thách thức từ chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc
– Nhiều tỉnh, thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc đang bị phong toả. Cụ thể, một số tỉnh, thành phố lớn mà Trung Quốc đã phong toả toàn bộ đó là tỉnh Cát Lâm, Hà Bắc, Thâm Quyến, Đông Quan, Thượng Hải và Tây An. Việc này sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
– Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
– Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Cùng với đó, Trung Quốc cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
– Ngành bị ảnh hưởng lớn có thể nhắc đến Thuỷ sản do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 – 60% tổng sản lượng tiêu thụ. Khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.

• Xuất khẩu cá tra tăng 93,6% ở 4 thị trường lớn
– Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra đang tăng mạnh trở lại ở hầu hết các thị trường lớn, đặc biệt là 4 thị trường: Mỹ, Trung Quốc – Hong Kong, CPTPP, EU… với tổng giá trị xuất khẩu đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.
– Dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 – 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng. Doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ, tạo động lực cho giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
– Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc- Hong Kong gặp nhiều khó khăn do chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc.
– Với thị trường CPTPP, xuất khẩu cá tra trong hai tháng đầu năm nay đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 18,3 triệu USD, tăng 23,3%; sang Canada đạt 9,6 triệu USD, tăng 81,5%; sang Australia đạt 6,8 triệu USD, tăng 19%; sang Malaysia đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 165%. Nếu tình hình Covid trên thế giới được kiểm soát tốt, dự báo trong ít nhất hai quý tới, xuất khẩu cá tra sang CPTPP tăng trưởng dương tới hai con số.
– Tại thị trường EU, trong 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu biểu là giá trị xuất khẩu sang Hà Lan đạt gần 10 triệu USD, tăng 78,3%; Đức đạt 3,4 triệu USD, tăng 98%.
– Theo VASEP, hoạt động xuất khẩu cá tra đang hồi phục sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đang đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu, giá cá nguyên liệu tăng đột ngột, cước vận tải tăng theo giá xăng dầu thế giới. Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi mới chỉ ở giai đoạn đầu.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Masan Group lỗ hơn 5.600 tỷ đồng kể từ khi gia nhập thị trường bán lẻ
– Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với doanh thu đạt 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế lên tới 11.489 tỷ đồng, cao gấp 5 lần năm trước.
– Trong các mảng kinh doanh, ‘sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu’ tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính trên doanh thu, mảng bán lẻ tiêu dùng là số một khi mang về hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng bán lẻ tiêu dùng năm qua vẫn lỗ 1.446 tỷ đồng, sau khi năm 2020 lỗ 4.186 tỷ đồng.
– Như vậy, trong 2 năm sau khi nhận chuyển nhượng VinMart và VinMart+ từ tập đoàn Vingroup (nay đổi tên thành WinMart, WinMart+), Masan Group đã lỗ tổng cộng hơn 5.600 tỷ đồng từ bán lẻ. Theo Masan, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên việc duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
– Masan Group đã tích cực chuyển đổi siêu thị và cửa hàng thành các điểm bán trong chiến lược ‘Point of Life’. Từ giữa năm 2021, doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart, đồng thời biến Phúc Long trở thành công ty con, và đặt các kiosk Phúc Long ngay bên trong siêu thị Winmart.
– Trong năm 2022, Masan tiếp tục hướng đến mở rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

• Thế Giới Di Động (MWG): Lợi nhuận mùa Tết tăng trưởng 8%, không theo đuổi mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp năm 2022
– CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) công bố kết quả kinh doanh mùa Tết (tháng 1, 2) năm 2022 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 8% so với nền mùa Tết năm 2021.
– Doanh thu online đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong 2 tháng, tăng 150% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Tăng trưởng chủ yếu đến từ sự bứt phá của chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh với doanh thu online đạt kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tăng 160% và chiếm gần 19% tổng doanh số của chuỗi này.
– 2 tháng đầu năm, Bách Hoá Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 3.900 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Kể từ cuối tháng 2, BHX bắt đầu triển khai các sự thay đổi mới như thu hút khách hàng bằng chiến lược giá bán cực kỳ hấp dẫn so với kênh truyền thống và nỗ lực chỉ bán hàng mới trong ngày để biến thực phẩm tươi sống trở thành thành điểm đến.
– Năm 2022, chiến lược xuyên suốt của MWG là tối ưu năng lực mua hàng và đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy bán hàng, chăm sóc khách hàng, nâng cấp trải nghiệm mua sắm. Từ đó, công ty đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc mở rộng tập khách hàng, tăng lượt mua sắm và sản lượng tiêu thụ, không đặt mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 28/03/2022, VN-Index mở cửa không mấy tích cực, áp lực bán diễn ra ngay từ những phút mở cửa tại hầu hết các nhóm cổ phiếu khiến VN-Index giảm 8 điểm về gần mức 1490 điểm trước khi có nhịp hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, nhịp hồi trong phiên quá ngắn để ngăn cản đà giảm cho đến hết phiên chiều. Kết phiên VN-Index đóng cửa ở mức 1.483,18 điểm, giảm 15,32 điểm (-1,02%) so với phiên giao dịch trước đó. Giá trị giao dịch phiên hôm nay đạt 32.880,050 tỷ đồng. Về độ rộng thị trường, phe bán chiếm ưu thế với 315 mã giảm, chiếm trung bình khoảng 63% các mã cổ phiếu trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số, có các mã MWG, FPT là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VN-Index với tổng 1,479 điểm, theo sau là DGC và DCM đóng góp lần lượt là 0,431 điểm và 0,249 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm hãm đà tăng của chỉ số gồm có: BID (-2,382 điểm), VHM (-1,108 điểm), VNM (-0,957 điểm) và DIG (-0,903 điểm).
– Về nhóm ngành, 4/10 nhóm ghi nhận sắc xanh, trong đó tích cực nhất là nhóm ngành Tiêu dùng (+2,14%), Công nghệ thông tin (+2.52%). Các cổ phiếu tích cực gồm có MWG (+3,7%), FPT (+2,5%),….. Các nhóm ngành còn lại ghi nhận mức giảm mạnh gồm Bất động sản (-1,62%), Công nghiệp (-2,08%), Tài chính (-1,62%). Tiêu điểm là nhóm cổ phiếu họ nhà “FLC” bị dư bán sàn cả chục triệu cổ do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các thông tin và tin đồn liên quan đến rắc rối pháp lý của chủ tịch FLC là Trịnh Văn Quyết.
– 2 nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là Bất động sản và Tài chính đều ghi nhận mức giảm 1,62%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn của nhóm ngành Bất động sản như NVL (-3%), VIC (-0,6%), VHM (-1,3%), các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giảm mạnh 7% có CEO, DIG, LDG. Nhóm ngành Tài chính nổi bật có STB, BID có mức giảm mạnh tương ứng là -5,3% và -4,3%, các mã còn lại đều ghi nhận mức giảm từ 1-3%.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 28/03/2022 bán ròng 87,17 tỷ đồng trên sàn HSX,. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu VNM (-104,6 tỷ đồng), VCI (-50,58 tỷ đồng), DHC (-39,86 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã mua ròng nhiều nhất là FTS (41,64 tỷ đồng), NKG (38,31 tỷ đồng), KDH (35,87 tỷ đồng).
– Nhà đầu tư ngắn hạn cần theo dõi thêm diễn biến của giá, hạn chế giải ngân với những mã có áp lực bán vẫn còn mạnh và giảm tỷ trọng hoặc quyết đoán cắt lỗ những mã cổ phiếu yếu, đã chạm vùng dừng lỗ đề ra nếu nhịp hồi kỹ thuật xuất hiện. Hơn nữa, nhà đầu tư cân nhắc chốt lời dần những cổ phiếu đã đạt mục tiêu để bảo đảm lợi nhuận trong thời điểm thị trường biến động.
– Đồng thời, nhà đầu tư cần tránh hoảng loạn khi tâm lý thị trường đang gặp ảnh hưởng của sự nhiễu loạn thông tin, đặc biệt cần tránh bị chi phối tâm lý bởi những tin đồn không được xác thực từ nhóm cổ phiếu đầu cơ trên thị trường. Chỉ số VN-Index giảm trong ngày hôm nay là điều có thể lường trước được khi các phiên trước đấy cho thấy sự suy yếu của chỉ số sau khi mở gap tại vùng 1.480 – 1.490. Điểm tích cực trong phiên hôm nay diễn ra khi lực cầu xuất hiện tại vùng hỗ trợ 1.470 điểm.
– Hơn hết, nhà đầu tư cần đề cao yếu tố quản trị rủi ro, khi chỉ số của nhóm tài chính ngân hàng và nhóm bất động sản đang suy yếu, cho thấy rủi ro ngắn hạn đến từ nhóm cổ phiếu trụ của thị trường tại thời điểm hiện tại.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest