Podcast ngày 28.02.2022 – Nguy cơ gián đoạn toàn cầu trước khủng hoảng Nga – Ukraine

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Nguy cơ gián đoạn toàn cầu trước khủng hoảng Nga – Ukraine

1. Thông tin vĩ mô

• Nguy cơ gián đoạn toàn cầu trước khủng hoảng Nga – Ukraine
Căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang với diễn biến ngày 24/2 Tổng thống Nga Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực miền Đông của Ukraine. Động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính, các chỉ số lớn như Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm và chỉ số MOEX của thị trường chứng khoán Nga có lúc giảm tới 45%, đây là mức thấp nhất của MOEX kể từ tháng 9/2015.
Hiện nay Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba trên thế giới. Châu Âu là nơi tiêu thụ gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga. Về cơ bản, Nga là một trạm xăng lớn của toàn cầu, nếu trạm xăng này đóng cửa, những bên phụ thuộc có thể bị tê liệt.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu, với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, từ đó đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đồng thời điều này sẽ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao hơn nữa, dẫn đến lo ngại gia tăng về diễn biến lạm phát, từ đó là cơ sở cho các ngân hàng trung ương bắt buộc phải nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 – 2023 càng ngày càng trở nên thành hiện thực.

• Giá dầu vượt 100 USD – cú sốc kép của kinh tế toàn cầu
Giá dầu Brent tương lai tăng 2,24 USD, tương đương 2,3%, lên 99,08 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 105,79 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 8/2014. Sự tăng mạnh của giá dầu được cho là nhu cầu phục hồi mạnh mẽ trên toàn thế giới sau dịch Covid-19, đặc biệt lo ngại về căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã trở thành sự thực thúc đẩy giá dầu lên cao.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần trước tăng 4,5 triệu thùng lên 416 triệu thùng.Tuy nhiên, tồn kho tại kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ giảm 2,4 triệu thùng xuống 582,4 triệu thùng, thấp nhất kể từ 2002.
Nga là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu cho châu Âu. Căng thẳng với Ukraine có thể dẫn tới việc châu Âu trừng phạt Nga, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng, đẩy giá dầu leo thang. Trong bối cảnh các nền kinh tế còn đang trong trạng thái hồi phục sau dịch Covid-19, các yếu tố này có khả năng làm trầm trọng hơn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời giá dầu sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp hàng không, logistics, sản xuất.

• Khách qua cảng hàng không đạt hơn 6 triệu, tăng gần 58%
Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết trong tháng 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều hành 60.500 chuyến, tăng 157% so với cùng kỳ 2021. Trong số này, có 13.200 chuyến bay quá cảnh, tăng hơn 67% so cùng kỳ năm trước. Lượng khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước đạt hơn 6,1 triệu lượt, tăng gần 58% so với tháng 2/2021. Trong đó, 105.000 khách quốc tế, tăng 350% so với tháng 2/2021. Khách nội địa đạt hơn 6 triệu, tăng hơn 56% so với tháng 2/2021. Ngoài ra, hàng hóa được vận chuyển thông qua đường hàng đạt 113.000 tấn, tăng gần 28% so với tháng 2/2021.
Đây là những tín hiệu khởi sắc của ngành hàng không sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đồng thời cho thấy tâm lý người dân sẵn sàng thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Đặc biệt, các hãng bay quốc tế sẽ sôi động hơn khi Việt Nam đã chính thức mở cửa từ ngày 15/3 đối với các hành khách quốc tế.
Vượt qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử đã khiến ngành hàng không chịu những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, khi thế giới cũng như Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành hàng không sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong năm 2022-23 khi các doanh nghiệp hàng không sẽ phục hồi mạnh và tăng trưởng trở lại.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Nợ xấu ngân hàng có thể tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022
Theo Ngân hàng nhà nước, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%. Tỷ lệ nợ xấu gộp tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020.
Mặc dù nửa đầu năm 2022, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực do Nghị quyết 42 vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ của Ngân hàng nhà nước sẽ chỉ có hiệu lực tới 30/6/2022
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định tình hình nợ xấu có thể diễn biến theo chiều hướng bất lợi vào nửa cuối 2022. Cụ thể theo TS. Cấn Văn Lực nhận định nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3 – 2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và có thể còn ở mức cao hơn từ năm 2024.
Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực, trong trường hợp không có hướng dẫn và quy định xử lý nợ xấu rõ ràng, hoặc tiếp tục gia hạn nghị quyết sẽ dẫn đến sự bất ổn cho hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

• Ngân hàng nhà nước đưa ra dự thảo hướng dẫn gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng
Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số lĩnh vực.
Ngân hàng nhà nước đã xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất. Theo đó, khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng VND, được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11/1/2022 đến 31/12/2023.
Ngân sách nhà nước sẽ thực hiện cấp bù lãi suất đối với các ngân hàng thương mại.
Theo đó, trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý của ngân hàng thương mại, Nhân hàng nhà nước sẽ tạm cấp bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ và sẽ cân đối để tổng số tiền hỗ trợ không vượt quá 40.000 tỷ đồng.
Như vây sau thời gian nghiên cứu, ngân hàng nhà nước đã có dự thảo hướng dẫn phân bổ gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là thông tin tích cực dành cho các doanh nghiệp, và các ngân hàng thương mại nhằm tiến gần hơn với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

3. Kênh cổ phiếu

• Việt Nam chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu hạt nhựa
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 6,9 triệu tấn nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS,…trong khi trong nước chỉ sản xuất được khoảng 1,7 triệu tấn (trong đó 600 nghìn tấn đã cam kết xuất khẩu). Hiện tại ngành nhựa Việt Nam mới chỉ tự chủ được khoảng 15%-35% nguyên liệu tùy chủng loại sản phẩm, còn lại phải nhập khẩu.
Nguyên nhân do đầu tư sản xuất nguyên liệu nhựa thường yêu cầu vốn lớn. Trong khi nhu cầu nguyên liệu nhựa nguyên sinh trong nước tăng trưởng trên 10%/năm thì tốc độ tăng trưởng nguồn cung chỉ chưa đến 3%/năm.
Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn (công suất 1,41 triệu tấn PP và PE) dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ giúp nâng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu nhựa lên khoảng 40% tuy nhiên đây vẫn là mức thấp.

• Xu hướng phát triển nhựa kỹ thuật và xây dựng
Cuối năm 2020, hai mảng nhựa bao bì và nhựa gia dụng lần lượt chiếm 39% và 32% tổng giá trị ngành nhựa Việt Nam. Đây là các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, được Việt Nam xuất khẩu mạnh do có lợi thế cạnh tranh về chi phí.

Trong tương lai, 2 mảng nhựa xây dựng và nhựa dân dụng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ:
(1) Thị trường BĐS và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn phục hồi theo chính sách đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu Nhựa xây dựng.
(2) Khoa học kỹ thuật phát triển, các sản phẩm ngày càng tinh vi và hiện đại đòi hỏi nhựa nguyên liệu sử dụng làm đầu vào cho các ngành điện tử, viễn thông, ô tô-xe máy… cũng phải có chất lượng tương ứng. Bên cạnh đó, chính sách tập trung tăng trưởng công nghiệp phụ trợ trong nước của chính phủ cũng là cơ sở để phát triển mảng nhựa kỹ thuật cao.

4. Kênh tài sản khác

• Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm thuế với xăng, dầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu liên Bộ Tài chính – Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%. Tức là mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng, và dầu là 21-27 đồng.
Trong bối cảnh dư địa điều hành giá bán lẻ xăng dầu không còn nhiều, Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần cạn và giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng đi lên, khiến giá thành phẩm xăng dầu ở mức cao… việc nhà chức trách giảm thuế trong cơ cấu giá bán lẻ cần được tính tới, để kìm hãm giá xăng dầu ở thị trường trong nước. Nếu chính sách giảm thuế được thực hiện, sẽ giúp bình ổn lạm phát trong nền kinh tế, ổn định phục hồi, phát triển kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhờ chính sách này nhờ nhu cầu tăng cao, biên lợi nhuận được cải thiện.

• Cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản Vân Đồn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 208/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng – giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 24.883 tỷ đồng và được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Địa điểm thực hiện dự án là khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Mục tiêu của dự án là xây dựng mới đồng bộ tổng thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn.
Với vị trí thuận lợi trong giao thương quốc tế như Sân bay quốc tế Vân Đồn, Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; Cảng nước sâu… có thể nói Vân Đồn đang là một trong những địa phương có tiềm năng trở thành một khu kinh tế hàng đầu tại Việt Nam và khu vực. Ngày 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở lại trong điều kiện bình thường mới mở ra cơ hội đầu tư mạnh mẽ cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về năng lượng tái tạo Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện. Có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất ĐNá đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện. Khi tham gia nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất đầu tư lên đến 9,3 – 9,7%/năm, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Vốn đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng.

5. Câu chuyện đầu tư

• Văn hóa doanh nghiệp
Một người Do Thái bước vào ngân hàng New York, đi tới quầy vay vốn và chễm chệ ngồi xuống. Giám đốc quầy vay vốn: “xin hỏi ngài có việc gì không ạ”.
“Tôi muốn vay một ít tiền, 1 usd”
“Dĩ nhiên là được, chỉ cần có bảo lãnh, vay nhiều hơn cũng không sao.”
“Được, những thứ này mang ra để bảo lãnh được chứ?”
Người Do Thái vừa nói vừa rút ra 1 đống cổ phiếu, trái phiếu… từ trong chiếc ví da xịn và đặt trước bàn làm việc của giám đốc vay vốn. Tổng cộng là 500 ngàn đô.
“Một usd của ngài đây, Lãi suất năm là 6%. Chỉ cần ngài trả đủ 6% lãi suất, 1 năm sau trả lại số tiền vay thì chúng tôi sẽ trả lại số cổ phiếu này cho ngài.”
Giám đốc ngân hàng cảm thấy rất kỳ lạ và hỏi kỹ nguyên do. Người Do Thái trả lời:
“Xin ông không cần phải lo lắng cho tôi, chỉ là trước khi tôi đến đây, tôi đã hỏi qua mấy ngân hàng chi phí thuê két bảo hiểm của họ đều rất đắt. Do vậy tôi đang xin gửi số cổ phiếu này tại đây. Chi phí thật sự quá rẻ, một năm chỉ có 0.06 đô la Mỹ.”
Thường thì ngân hàng lo rủi ro nên sẽ có chặn trên của một khoản vay, ngược lại người đi vay thường muốn khoản vay cao nhất có thể. Người Do Thái đã nhìn ra lỗ hổng này để thay đổi tư duy, tận dụng cơ hội.
Ứng dụng trong đầu tư:
Những doanh nghiệp có khả năng tận dụng tốt cơ hội, luôn thay đổi để thích ứng, có văn hóa Agile là những doanh nghiệp nên được nắm giữ dài hạn. Có hai loại doanh nghiệp có thể mua:
Một là, MAY MẮN NHỜ CÓ NĂNG LỰC. Họ nhìn thấy cơ hội một mảng mới và họ đẩy mạnh sang mảng kinh doanh đó. Dự đoán của họ đúng và họ cũng tận dụng tốt cơ hội đó đem lại.
Hai là, MAY MẮN VÀ CÓ NĂNG LỰC. Dạng công ty này hoạt động trong một lĩnh vực và vĩ mô tự nhiên thuận lợi. Họ nhanh chóng bắt kịp xu thế và phát triển rất mạnh
Hai dạng doanh nghiệp này đều nên nắm giữ. Nhưng dạng (1) thì cho thấy cái tầm của họ lớn hơn; trong khi dạng (2) chỉ cho thấy khả năng thực thi của họ tốt. Dạng (2) sẽ cần phải đánh giá doanh nghiệp thường xuyên hơn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest