Podcast ngày 27.07.2020 – Tôi sẽ mua ngay lúc này và tiếp tục mua thêm vì giá vàng đang ‘chạy’

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Tôi sẽ mua ngay lúc này và tiếp tục mua thêm vì giá vàng đang ‘chạy’

1. Vĩ mô thế giới và các thông tin đáng chú ý

EU nhất trí trừng phạt Trung Quốc luật an ninh Hong Kong

27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU ngày 24/7 đồng ý loạt biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện “quan ngại sâu sắc” với luật an ninh Hong Kong của Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại và xem xét lại các thỏa thuận thị thực với đặc khu hành chính Hong Kong, Reuters dẫn một dự thảo của EU hôm qua.

Dự thảo các đại sứ EU đề xuất cho biết liên minh sẽ “xem xét kỹ lưỡng hơn và hạn chế xuất khẩu các thiết bị cùng công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng tại Hong Kong”, đặc biệt nếu có cơ sở nghi ngờ chúng được sử dụng “trái mong muốn” trong hoạt động “trấn áp, ngăn chặn liên lạc nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”. Đề xuất này dự kiến có hiệu lực ngày 28/7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây xác nhận thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ ký với Trung Quốc hồi đầu năm đối với ông hiện giờ “đã không còn mấy ý nghĩa”.

“Nói đến Trung Quốc, thì thỏa thuận thương mại với họ hiện nay đối với tôi đã không còn mấy ý nghĩa như trước khi tôi ký nó”, ông Trump trả lời báo giới ngày 23/7.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, thậm chí dọa cắt đứt quan hệ với nước này.

Ông Trump cho rằng những lợi ích mà thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung đem lại cũng không thể bù đắp được tổn thất do dịch Covid-19 gây ra.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/7 kêu gọi Mỹ ngừng áp thuế đối với các máy bay của Airbus cũng như các sản phẩm khác của châu Âu.

Ủy viên Thương mại của EU Phil Hogan nêu rõ, các khoản thuế phi lý nhằm vào các sản phẩm châu Âu là “không thể chấp nhận được” và với sự tuân thủ quy định của WTO trong trường hợp Airbus, EU yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các khoản thuế vô lý ngay lập tức.

Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho Airbus và Boeing. Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi Washington cáo buộc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi trong hoài nghi

Kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng 3,2% trong quí 2-2020 sau khi rơi xuống đáy – 6,8% vào quí 1-2020 được đánh giá là nhanh cho dù nửa đầu năm tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn là – 1,6%.

Dù kinh tế Trung Quốc đang có sự khôi phục nhanh, nhưng các vấn đề như căng thẳng với Mỹ và châu Âu, thiên tai và đại dịch vẫn đe dọa sự phục hồi ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Nếu quan hệ với Mỹ tiếp tục xấu đi và chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19 thì rủi ro lớn nhất với kinh tế Trung Quốc chính là (i) làn sóng thất nghiệp và giảm thu nhập của người dân, (ii) tình trạng dư thừa sản lượng, dẫn đến (iii) khả năng quay trở lại của nợ xấu và (iv) làn sóng phá sản của các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu.

2. Vĩ mô trong nước

Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới.

Nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn như nhiều nền kinh tế hiện nay thì có thể dẫn đến mất giá nội tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn, làm trì hoãn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Theo nhóm nghiên cứu, trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp. Các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động của giãn cách xã hội nên được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Sẽ có gói kích thích kinh tế mới tính cho cả năm 2021

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Cạnh tranh khẳng định, đại dịch COVID có sức tàn phá chưa từng có đối với nền kinhh tế toàn cầu.

Việt Nam, tuy kiểm soát đại dịch sớm hơn nhiều so với các quốc gia song tính đến 6 tháng đầu năm 2020, vẫn có những chỉ dấu khá tiêu cực, và giảm âm trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, bất động sản…

“Tăng trưởng âm của Việt Nam tuy cao nhưng lại vẫn chưa bằng các nước khác. Cái may của chúng ta là do chúng ta chưa… quá phát triển. Ví dụ khu vực dịch vụ chỉ mới tăng trưởng chiếm 43%GDP, trong khi ở các nước là 78%. Kinh tế dựa vào nông nghiệp, mỗi người dân thường có một ngôi nhà, mảnh vườn khiến chúng ta cũng không kiệt quệ ngay so với các nước là sống bằng lương. Ngoài ra, thói quen khiến đại đa số dân thuộc tầng lớp trung lưu có tiết kiệm. Đây là “bộ đệm” để đời sống nhìn chung còn có sức cầm cự”, chuyên gia đánh giá.

“Nỗ lực cắt giảm chi phí, ngủ đông, thay đổi sản phẩm, chuyển đổi số, thay đổi thị trường, tận dụng gói hỗ trợ Nhà nước… tuy nhiên khối SME vẫn không đủ tự sức vượt qua được khủng hoảng. Bên cạnh sự hỗ trợ lớn nhất, hay nhất của Chính phủ kiểm soát dịch, bỏ giãn cách xã hội, trả lại điều kiện quan trọng nhất cho doanh nghiệp được hoạt động bình thường, thị trường có nhu cầu, có sức mua, có sản xuất, thì việc cố gắng đẩy nhanh các gói đã có, bổ sung, hoãn giãn dài ra và phải được hết năm. Hoặc có thể cứu trợ hỗ trợ cho các tập đoàn 1 số lĩnh vực… là hướng đi quan trọng để có lực đẩy, lan tỏa. Theo đó, có thể tháng 9 này Việt Nam sẽ có gói kích thích mới kinh tế, tính cho cả năm 2021, với hướng hỗ trợ mạnh mẽ tính đến các xu hướng mới như công nghệ, nông nghiệp công nghiệp…”, ông Thành cho biết.

3. Chứng khoán và các kênh đầu tư

Căng thẳng Mỹ – Trung kéo yên Nhật lên đỉnh một tháng

Giá yên Nhật chiều nay lên 106,38 yên đổi một đôla Mỹ. Đây là mức mạnh nhất kể từ cuối tháng 6.

Căng thẳng Mỹ – Trung đang làm rối loạn thị trường tài chính. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay yêu cầu đại sứ quán Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Thành Đô, vài ngày sau khi Washington có yêu cầu tương tự với lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có bài phát biểu không mấy thiện chí với Bắc Kinh.

“Thị trường đang coi đây là dấu hiệu căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, đó là hành động trả đũa hơn là khiêu khích. Thị trường dù rất lo lắng, nhưng nếu mọi chuyện dừng lại ở đây, nhà đầu tư sẽ quen dần với việc hai bên chỉ phát biểu cứng rắn và sẽ không áp thuế nhập khẩu lên nhau”, Moh Siong Sim – nhà phân tích ngoại hối tại Bank of Singapore nhận định.

“Tôi sẽ mua ngay lúc này và tiếp tục mua thêm vì giá vàng đang ‘chạy’”, Mark Mobius nói.

Lãi suất thực âm, USD suy yếu, lo ngại về ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch Covid-19 cùng bất ổn địa chính trị đẩy giá hai kim loại quý này. UBS Group AG nâng dự báo ngắn hạn giá vàng lên 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 9, với lý do đây là tài sản phù hợp để đa dạng đầu tư trong thế giới lãi suất thấp.

“Khi lãi suất là 0 hoặc cận 0, vàng trở thành tài sản có sức hút bởi bạn không phải lo lắng về việc kim loại quý này không mang lại lãi suất. Trong khi đó, giá vàng đi lên khi bất ổn trên thị trường tăng”, Mark Mobius, đồng sáng lập Mobius Capital Partners, trả lời phỏng vấn Bloomberg TV. “Tôi sẽ mua ngay lúc này và tiếp tục mua thêm vì giá vàng đang ‘chạy’, diễn biến tốt”.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest