Podcast ngày 26.11.2020 – Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động M&A tại Việt Nam

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Các hãng hàng không thế giới thất thu 157 tỷ USD trong 2 năm do COVID-19

Hiệp hội hàng không vận tải quốc tế (IATA) cho biết, các hãng hàng không thế giới có thể thất thu lên tới 157 tỷ USD trong năm nay và năm tới. Trước đó, cơ quan này dự đoán các hãng hàng không thế giới thiệt hại 100 tỷ USD trong giai đoạn 2 năm. Tuy nhiên, Hiệp hội hàng không vận tải quốc tế đang phải hạ triển vọng của ngành công nghiệp hàng không, trong bối cảnh nhiều quốc gia phải đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 2. Tổng giám đốc Hiệp hội hàng không vận tải quốc tế Alexandre De Juniac cho rằng, hoạt động đi lại cao điểm mùa cuối năm cũng sẽ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Triển vọng do Hiệp hội hàng không vận tải quốc tế đưa ra cho thấy những thách thức của ngành công nghiệp hàng không phải đối mặt, bất chấp có nhiều dấu hiệu khả quan về vaccine ngừa Covid-19. Số lượng hành khách dự kiến giảm xuống 1,8 tỷ trong năm nay, so với mức 4,5 tỷ người của năm ngoái.

Hiệp hội hàng không vận tải quốc tế ước tính số khách du lịch sẽ phục hồi, tăng lên 2,8 tỷ USD vào năm tới. Dự đoán được đưa ra với hi vọng nhiều nước sẽ mở cửa trở lại biên giới vào giữa năm tới, cùng với các dấu hiệu tích cực của việc phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19.

Vaccine COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc nộp đơn đưa ra thị trường

Theo thông tin mới nhất vừa được bà Thạch Thạnh Di (Shi Shengyi), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Trung Quốc (Sinopharm) tiết lộ, tập đoàn này đã nộp hồ sơ lên Cục Quản lý giám sát Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc để đưa loại vaccine ngừa Covid-19 do Sinopharm phát triển ra thị trường. Như vậy, đây là loại vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc hoàn tất hồ sơ chuẩn bị cho việc tung ra thị trường tính đến thời điểm này.

Trước đó, Sinopharm từng khẳng định, các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc (CNBG) thuộc tập đoàn này nghiên cứu và phát triển “tốt hơn dự kiến”, nhưng không cho biết cụ thể về các dữ liệu này. Được biết, vaccine của Sinopharm đã thử nghiệm trên hơn 50.000 người thuộc 125 quốc tịch tại nhiều nước trên thế giới.

Trung Quốc hiện có 5 loại vaccine Covid-19 tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 3, trong đó vaccine của Sinopharm là một trong những loại được chọn để sử dụng khẩn cấp ở nước này từ hồi tháng 7. Hiện nay, đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới ký kết hợp tác vaccine với Trung Quốc. Các quốc gia này sẽ được ưu tiên tiếp cận và sử dụng các loại vaccine Covid-19 sau khi nước này thử nghiệm thành công.

2. Vĩ mô Việt Nam

Xuất khẩu tôm sang EU tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, sau khi giảm trong những tháng trước đó, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt từ đầu quý III năm nay nhờ tác động tích cực từ hiệp định EVFTA (có hiệu lực ngày 1/8/2020).

Tháng 10/2020, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 65,4 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2019. Tổng 10 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 436,7 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

EU là thị trường lớn 4 (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc) của XK tôm Việt Nam khi chiếm 14% tổng giá trị. Trong đó, Hà Lan, Đức và Bỉ là 3 thị trường lớn nhất trong khối EU. Tháng 10 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Hà Lan tăng 32%, Đức tăng 53% và Bỉ tăng 48% so với cùng kỳ 2019.

Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. Đây là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và sẽ là thị trường được nhiều doanh nghiệp tập trung XK trong những tháng cuối năm. Cùng với hiệu ứng tích cực và những ưu đãi thuế đối với tôm đông lạnh từ hiệp định EVFTA, XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng, góp phần đưa tổng XK tôm cả năm 2020 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2019.

Hàng hóa qua cảng biển tăng mạnh bất chấp dịch COVID-19

Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 57,2 triệu tấn trong tháng 11 (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng hàng container thông qua đạt hơn 1,8 triệu teus (đơn vị đo sức chứa hàng hóa), giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, trong tháng 10, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam cũng sụt giảm. Cụ thể, lượng hàng qua cảng tháng 10 ước đạt hơn 57,6 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng container thông qua ước đạt gần 1,8 triệu teus, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về việc hai tháng liên tiếp sản lượng hàng hóa qua cảng biển sụt giảm, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 vẫn tác động đáng kể đến hoạt động hàng hải. Thông thường, những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn hàng hóa tăng mạnh. Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh lên chuỗi sản xuất toàn cầu, sản lượng hàng hóa trong năm 2020 bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng trong năm 2020, khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt mức tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt gần 630 triệu tấn hàng hóa thông qua. Trong đó, lượng hàng container ước đạt gần 20 triệu teus, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động M&A tại Việt Nam

Dự báo, xu hướng M&A công ty Nhật vào Việt Nam dự sẽ tiếp tục sôi động. Bởi, các công ty Nhật cần thị trường mới để mở rộng, khi mà hầu hết các lĩnh vực ở Nhật đã phát triển chạm trần, gần 1/3 dân số tuổi trên 65 tuổi, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi, hơn người Việt Nam gần 20 tuổi, dân số giảm khoảng 276.000 mỗi năm.

Một yếu tố khác thúc đẩy chiến lược tăng trưởng M&A được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.345 tỷ USD, tồn tại tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0% và dưới sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông khiến năm 2019 đạt kỷ lục với hơn 4.000 thương vụ trong tất cả các loại hình M&A.

Theo quan điểm của người Nhật, các công ty Nhật Bản hiện có rất ít việc làm ở một thị trường như Thái Lan, với khoảng 5.500 công ty Nhật Bản ở nước này và quá muộn để nhập cuộc. Về Myanmar, chỉ có chưa đến 400 công ty Nhật Bản và các nhà đầu tư Nhật Bản bảo thủ vẫn phải chờ xem xét thời điểm thích hợp. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư. Như đã biết, Thủ tướng mới của Nhật Bản, theo đúng chính sách người tiền nhiệm, khi chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến thăm đầu tiên bên ngoài Nhật Bản..

Người dùng Hà Nội, TP. HCM sẽ có thể sử dụng 5G từ tháng sau

Mới đây, VNPT vừa được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cấp phép thử nghiệm thương mại 5G. Như vậy, cả ba nhà mạng Viettel và MobiFone, VinaPhone đều đã được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G. Cụ thể, VNPT sẽ được phép thử nghiệm thương mại 5G ở cả Hà Nội và TP.HCM. Khu vực thử nghiệm sẽ là các quận trung tâm, tại những địa điểm tập trung đông người và không gian công cộng. Trước đó, Bộ TT&TT đã cho phép Viettel được thử nghiệm 5G tại khu vực Hà Nội, còn với MobiFone là tại TP.HCM.

Đại diện VNPT cho biết, công tác chuẩn bị thương mại hóa 5G đang bước vào giai đoạn cuối. VNPT đã thử nghiệm 5G tích hợp trên hệ thống mạng vô tuyến, truyền dẫn và mạng lõi hiện hữu. Do vậy, quá trình chuẩn bị thử nghiệm thương mại hóa 5G hiện rất thuận lợi.

Song song với công tác chuẩn bị mạng lưới, nhà mạng này cũng đang phối hợp với các nhà sản xuất điện thoại di động để kiểm tra việc tích hợp các thiết bị đầu cuối 5G đang có trên thị trường. Theo dự kiến, VinaPhone sẽ chính thức thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 12 tới.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest