Podcast ngày 25.02.2022 – Giá dầu thế giới vượt 100 USD lần đầu tiên trong 7 năm

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Giá dầu thế giới vượt 100 USD lần đầu tiên trong 7 năm

1. Thông tin vĩ mô

• Giá dầu thế giới vượt 100 USD lần đầu tiên trong 7 năm
– Giá dầu thô Brent đã chính thức vượt 100 USD/thùng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên dầu leo lên tới mốc này kể từ tháng 9/2014.
– Trước diễn biến căng thẳng ở miền đông Ukraine, nhiều quốc gia đã tuyên bố sẵn sàng cùng các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mở kho dự trữ dầu trong trường hợp giá bị ảnh hưởng.
– Cùng với giá dầu, giá khí đốt tự nhiên cũng tăng mạnh, khí đốt tự nhiên tăng 3,33% sau động thái của Nga. Vàng giao ngay, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn, tăng 1,05% và giao dịch ở mức 1.927,67 USD.
– Nga là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu cho châu Âu. Căng thẳng với Ukraine có thể dẫn tới việc châu Âu trừng phạt Nga, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa, căng thẳng tại Ukraine sẽ tiếp tục tạo áp lực cho giá dầu leo thang, gây nên cú sốc trực tiếp đến mức độ lạm phát đang ngày càng vượt tầm kiểm soát ở các nền kinh tế phát triển. Trong bối cảnh các nền kinh tế còn đang trong trạng thái hồi phục sau dịch Covid-19, các yếu tố nên có khả năng làm trầm trọng hơn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với việc cơ sở cho các ngân hàng trung ương bắt buộc phải nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 – 2023 càng ngày càng trở nên thành hiện thực.

• PwC: Hoạt động M&A toàn cầu đạt mức kỷ lục trong 2021 và được kỳ vọng tăng trưởng trong 2022
– Năm 2021 ghi nhận tổng khối lượng và giá trị giao dịch các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 62,000, tăng 24% so với năm 2020. Giá trị thương vụ được công bố đạt mức 5.1 nghìn tỷ USD, bao gồm 130 giao dịch quy mô lớn trị giá hơn 5 tỷ USD, cao hơn 57% so với năm 2020 và vượt kỷ lục 4.2 nghìn USD của năm 2007.
– Hoạt động M&A trong năm vừa qua được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhu cầu tăng cao đối với công nghệ, các tài sản kỹ thuật số và dữ liệu, cũng như sức cầu bùng nổ đã bị dồn nén trong năm 2020. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã ghi nhận tổng khối lượng giao dịch tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong các châu lục.
– Quỹ đầu tư tư nhân tiếp tục ghi nhận tần suất và giá trị giao dịch cao. Gần 40% các giao dịch trong năm 2021 có liên quan đến các quỹ này, tăng mạnh so với chỉ hơn 25% cho 5 năm về trước. Ngoài ra, các quỹ đầu tư tư nhân cũng đã tham gia vào các thương vụ mang giá trị cao hơn, chiếm 45% trong tổng giá trị giao dịch năm 2021, so với chỉ 30% trong 5 năm qua. Hướng tới năm 2022, các quỹ đầu tư tư nhân đã và đang tăng cường năng lực giao dịch của mình. Tổng nguồn vốn của các quỹ tư nhân toàn cầu đạt 2.3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021, cao hơn 14% so với đầu năm – mang lại nguồn động lực lớn thúc đẩy các hoạt động M&A trong năm 2022. Tuy nhiên, thách thức dành cho các quỹ này chính là tìm ra phương pháp đem lại giá trị trước áp lực về lãi suất và hệ số tăng cao, cùng với những áp lực liên quan đến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
– Khi sự lạc quan về kinh tế vẫn ở mức cao, thị trường M&A toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022, với khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục phản ánh một thị trường sôi nổi cùng với nguồn vốn dồi dào. Hơn nữa, chủ đề ESG cũng sẽ ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược M&A trong năm 2022 khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí này để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội kiến tạo giá trị. Với cam kết về giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân, nguồn vốn gia tăng sẽ được huy động đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang những nguồn năng lượng xanh, tạo cơ hội cho hoạt động M&A sôi nổi trong lĩnh vực này.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng, dầu nhập khẩu trong quý II/2022
– Theo quyết định số 242 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tổng lượng nhập khẩu tăng thêm bổ sung lượng xăng, dầu thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước quý II/2022 là 2.400.000 m3, gồm 840.000 m3 xăng và 1.560.000 m3 dầu cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trên tổng số 31 công ty hoạt động trên thị trường, bao gồm: Petrolimex, PVOIL, Công ty TNHH Thuỷ bộ Hải Hà, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Nam sông Hậu, Công ty TNHH TMVT&DL Xuyên Việt Oil, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lê, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty cổ phần Hoá dầu Quân đội.
– Quyết định nêu rõ, giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II năm 2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu trong nước. Đặc biệt, số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung. Ngoài ra, các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung.
– Việc yêu cầu của Bộ Công Thương cho việc tăng nhập khẩu xăng dầu cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu cho năng lượng trong nước đang ở mức cảnh bảo. Đáng lo ngại hơn, việc phải tăng nhập khẩu năng lượng trong bối cảnh giá dầu đã vượt mốc hơn 100 USD/thùng sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinhd doanh của các doanh nghiệp xăng dầu thương mại trong quý tới.
• Vượt Thái Lan, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh
– Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh từ 5-10 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục giảm thêm 1-4 USD/tấn. Với mức tăng này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới đã vượt qua gạo Thái Lan.
– Ngày 24/2/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam cùng tăng 5 USD/tấn bán ra ở mức 403-407 USD/tấn (gạo 5%), giá 378-382 USD/tấn (gạo 25% tấm); sau khi tăng 10 USD/tấn, giá gạo 100% tấm của Việt Nam bán ra ở mức 338-340 USD/tấn.
– Ngược với xu thế của gạo Việt Nam, gạo Thái Lan giảm thêm từ 1-4 USD/tấn. Trong đó, gạo 5% tấm giảm 4 USD/tấn, bán ra ở mức 399 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 4 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 2 USD/tấn, bán ra ở mức 396-400 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam 18 USD/tấn; gạo 100% tấm của Thái Lan cũng giảm 1 USD/tấn, bán ra ở mức 387-391 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam 49 USD/tấn.
– Như vậy, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang có nhiều lợi thế giúp trụ vững ở mức giá ổn định. Dự kiến xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào đầu quý II khi nguồn cung gạo từ vụ đông xuân 2021-2022 dồi dào hơn, tạo đà hồi phục mạnh mẽ cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Hòa Phát rót thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản
– Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố Nghị quyết HĐQT tăng góp vốn cho Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát. Cụ thể, Hòa Phát sẽ góp 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản để tăng vốn từ 2.700 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 99,93% lên 99,97%.
– Hòa Phát công bố kế hoạch thành lập Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát vào cuối năm 2020 với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng, và vừa được tăng vốn lên 2.700 tỷ đồng vào đầu năm 2022. Phân khúc bất động sản mà Hòa Phát hướng đến là khu công nghiệp, đại đô thị, sân golf. Sản phẩm cốt lõi là các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha, bất động sản cao cấp hướng đến người dân có thu nhập trung bình và cao. Trong năm 2021, tập đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đề xuất nhiều dự án tại Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi.
– Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, tập đoàn sẽ không chỉ làm “vua thép” mà sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn còn đơn vị thành viên khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát. Công ty này được thành lập từ 2001 và phụ trách đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp để cho thuê lại, đầu tư và kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp.

• Novaland lập công ty con làm dự án 23.500 ha tại Đắk Nông
– HĐQT Novaland (HoSE: NVL) vừa thông qua góp 51 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Novaland Đất Tâm theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đơn vị này có vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, theo đó Novaland sẽ sở hữu 51% vốn điều lệ. Novaland Đất Tâm dự kiến đặt trụ sở tại 61 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
– Đầu tháng 1, liên danh Novaland và CTCP Đầu tư Đất Tâm đã trình bày ý tưởng về một dự án khu du lịch quy mô lớn, tạo nhiều sản phẩm vui chơi giải trí cộng đồng, du lịch trải nghiệm, thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, tâm linh. Dự án có quy mô khoảng 23.500 ha với 7 phân khu với các tiện ích cùng chuỗi lưu trú. Liên danh cho biết đây sẽ là một trong những dự án trọng điểm với cụm sân golf trên núi.
– Tập đoàn cho biết giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ phát triển 100.000 sản phẩm; giai đoạn 2026-2030 phát triển dự án tại 30 tỉnh thành, cung cấp ra thị trường 150.000 sản phẩm. Mục tiêu của Novaland sẽ gồm thị trường lân cận TP HCM, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và khu vực miền Bắc.
– Đến nay, Novaland đã và đang đầu tư, phát triển hơn 50 dự án bất động sản, 60.000 sản phẩm bất động sản tại TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Nổi lên gần đây là các dự án đô thị du lịch quy mô hàng ngàn ha đang thi công xây dựng tại thành phố Phan Thiết, Hồ Tràm, Bà Rịa – Vũng Tàu.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index khởi đầu phiên giao dịch ngày 24/02/2022 với tâm lý khá thận trọng. Nửa đầu phiên sáng, VN-Index liên tục giằng co quanh mốc tham chiếu. Thông tin về tình hình chiến sự tại Ukraine xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông đã có tác động mạnh lên chứng khoán thế giới lẫn Việt Nam những phút cuối của phiên sáng. Đà giảm này còn tồi tệ hơn ở đầu phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index có thời điểm bay mất gần 40 điểm trước tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về những tác động tiềm tàng lên đà phục hồi kinh tế khi cuộc chiến tranh chính thức nổ ra. Tuy nhiên sau những phút hoang mang, VN-Index đã phục hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy tăng cao. Kết phiên, chỉ số đã thu hẹp bớt đà giảm trước đó xuống chỉ còn giảm 17 điểm. VN-Index dừng chân ở mức 1,494.85 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index khi lấy đi gần 3 điểm của chỉ số này. Theo sau VIC là các mã VCB, VHM, BID. Ở chiều ngược lại, GAS, VPB và MSN là những mã có tác động tích cực nhất.
– Tình hình địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng đã khiến cho giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng và neo ở mức cao. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước cũng tiếp tục xu hướng tăng trong phiên giao dịch. Trong đó, PVT, PVB và PVC cùng nhau ở hết biên độ tăng trần. Cổ phiếu PVD leo dốc 6.3%, PVS và OIL tăng gần 5%. Tuy nhiên, hai cổ phiếu có thể dẫn dắt được chỉ số là PLX và GAS chịu áp lực bán khi gặp kháng cự và gây thất vọng khi chỉ giữ được mức tăng hơn 1% khi kết thúc phiên giao dịch.
– Trong khi đó, bộ đôi VIC và VHM giao dịch khá tiêu cực với mức giảm lần lượt là 2.91% và 1.01%.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 176 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 18,3 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh các cổ phiếu ngân hàng gồm HDB, CTG hay MBB, trong đó, HDB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 227 tỷ đồng. CTG và MBB bị bán ròng lần lượt 65 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, GAS cũng bị bán ròng 54 tỷ đồng. Chiều ngược lại, KDC được mua ròng mạnh nhất với 174 tỷ đồng. DGC và GEX được mua ròng lần lượt 80 tỷ đồng và 67 tỷ đồng.
– VN-Index có phiên biến động mạnh, có lúc chỉ sổ rơi gần 40 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy xuất hiện ở vùng giá thấp đã kéo chỉ số hồi phục trở lại và chỉ còn giảm hơn 17 điểm. Thông tin về xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến cho thị trường chao đảo trong phiên chiều. Khối lượng giao dịch đột biến trên hai sàn HOSE và HNX, khi đồng loạt tăng gần 50%.
– Với diễn biến mới trong sáng nay, nhà đầu tư đã tăng áp lực bán. Tuy nhiên, nếu so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới, mức giảm ở thị trường trong nước không đáng kể. Nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại nên cần ưu tiên yếu tố quản trị rủi ro, đặc biệt với các cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn hoặc xu hướng yếu, khi phiên đầu tiên ghi nhận giá trị giao dịch vượt 30,000 tỷ đồng kể từ đầu năm là một phiên giảm điểm mạnh.
– Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá bi quan khi lực cầu bắt đáy xuất hiện tại vùng 1,470 cho thấy những phiên điều chỉnh là cơ hội để cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu cơ bản bị chiết khấu về mức giá hợp lý

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest