Podcast ngày 24.03.2022 – Một tháng giá thép tăng liên tiếp 6 lần

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát ở Anh lên cao nhất 30 năm
– Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,2% trong tháng 2, cao nhất kể từ tháng 3/1992, vượt dự báo trung bình tăng 5,9% trong cuộc khảo sát các nhà kinh tế học của Reuters. CPI tháng 1 của Anh tăng 5,5%.
– Kinh tế gia trưởng của ONS, Grant Fitzner, xác nhận giá cả từ hàng hóa, dịch vụ, lương thực cho tới đồ tiêu dùng không thiết yếu đã tăng mạnh. Từ tháng 12/2021, giá cả tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.
– So với tháng 1, CPI tháng 2 tăng 0,8%, tháng 2 tăng nhiều nhất kể từ năm 2009. ONS lưu ý hóa đơn năng lượng của hộ gia đình, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, và xăng dầu là lực đẩy chủ yếu đến CPI tháng 2.
– Ngân hàng trung ương Anh (BOE) ngày 17/3 đã tăng lãi suất lên 0,75% trong một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần thứ ba liên tiếp BOE tăng lãi suất trong 6 tháng nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục. BOE dự kiến lạm phát sẽ lên tới khoảng 8% vào tháng 4 tới, cao hơn gần 1% so với dự báo tháng trước, đồng thời cảnh báo lạm phát có thể còn cao hơn vào thời điểm cuối năm.
– Đồng bảng Anh đã giảm giá gần 1 xu so với đồng USD và giá trái phiếu Chính phủ Anh đã tăng do các nhà đầu tư không còn đặt cược nhiều vào việc BOE sẽ tăng lãi suất nhanh trong năm nay. Trước đó, các nhà hoạch định chính sách đã bác bỏ những kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2% vào cuối năm, đồng thời khẳng định không cần tăng lãi suất thêm trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao.

• Những dấu hiệu đáng lo ngại của ngành bất động sản Trung Quốc
– Theo CNBC, hàng loạt nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể công bố báo cáo tài chính hoặc tổ chức các cuộc họp hội đồng quản trị đúng hạn. Trong số những nhà phát triển trên có China Evergrande, tập đoàn bất động sản từng làm rung chuyển các thị trường tài chính trên thế giới năm ngoái bởi khoản nợ hơn 300 tỷ USD.
– Các tập đoàn bất động sản đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Trong hồ sơ gửi lên sàn giao dịch Hong Kong hôm 22/3, China Evergrande dẫn lý do “những thay đổi lớn” trong môi trường hoạt động kể từ nửa cuối năm ngoái và “những ảnh hưởng do các đợt bùng phát Covid-19”.
– Trong 2 tháng qua, các tập đoàn bất động sản như Shimao và Hopson cũng đã thông báo thay đổi công ty kiểm toán.
– Ngân hàng đầu tư Nomura bình luận việc các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thay đổi công ty kiểm soát ngay trước mùa báo cáo tài chính gây lo ngại về những vấn đề kiểm toán tiềm ẩn, khiến thị trường sẽ phải đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của các con số tài chính.
– Doanh số bất động sản của các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc tiếp tục lao dốc trong năm nay. Hai tháng đầu năm, doanh thu của China Evergrande đã giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm của Shimao và Sunac lần lượt là 60% và 26%.
– Việc chậm công bố báo cáo tài chính của hàng loạt công ty bất động sản cho thấy diễn biến thực sự đáng lo ngại của thị trường bất động sản Trung Quốc. Hơn nữa, với một thị trường bất động sản đóng băng và hoạt động bán lẻ hồi phục chậm, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc ngày càng trở nên thách thức trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero Covid.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Giá nguyên liệu tăng, nguồn cung khan hiếm gây khó cho ngành Than
– Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố trong quý 1/2022, lượng sản xuất than đạt 10,37 triệu tấn, lượng nhập khẩu đạt 325 nghìn tấn. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước đạt tới 11,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 265 nghìn tấn.
– Đến hết ngày 14/3, than tiêu thụ cho các nhà máy điện mới chỉ đạt hơn 17% so với sản lượng theo hợp đồng. Dự kiến trong ba tháng đầu năm, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8,5 triệu tấn, thấp hơn mục tiêu 9,7 triệu tấn được đăng ký do TKV mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn quý 1/2022 trong số 35 triệu tấn theo kế hoạch. Sản lượng than pha trộn nhập khẩu mới chỉ đạt 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.
– TKV cho biết giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng trong một thời gian dài (2019 – 2021). Không chỉ vậy, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, cùng với nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế tăng dần, đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến nhu cầu dùng than trong nước tăng rất cao, gây nên tình trạng khan hiếm than, dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây.
– Giá thành khai thác than tăng mạnh do các mỏ than ngày càng khai thác xuống sâu, một số đơn vị điều kiện địa chất biến động phức tạp, cung độ vận chuyển ngày càng xa, tiền lương và thuế phí tăng cao. Nguồn than nhập khẩu khan hiếm, có thể không nhập khẩu được theo kế hoạch dẫn đến nguy cơ không đủ than để cấp cho khách hàng, đặc biệt là các nhà máy điện so với kế hoạch.
– TKV cho biết sẽ báo cáo các bộ, ngành xem xét để điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện (sản lượng than bán cho các hộ điện chiếm trên 80% sản lượng than tiêu thụ của TKV) để bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh than của TKV trong điều kiện giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao.

• Giảm thuế môi trường với xăng, dầu từ 1/4
– Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc công bố mức thuế giảm với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn là 1.000 đồng một lít, kg. Mức giảm thuế với dầu hoả là 70% so với hiện hành, về còn 300 đồng một lít.
– Thuế môi trường với xăng sẽ bắt đầu được giảm từ 1/4/2022 đến 31/12/2022. Sau ngày này, thuế sẽ quay về mức đang áp dụng, là 3.800-4.000 đồng với xăng, 2.000 đồng một lít với dầu.
– Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.
– Giá xăng dầu vừa qua biến động mạnh với 6 lần tăng giá liên tiếp và một lần giảm giá từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 3, giá xăng bán lẻ trong nước đã lên mức cao nhất lịch sử, sát 30.000 đồng một lít. Tuy nhiên, tới ngày 21/3 thì giảm nhẹ, hiện ở mức 29.190 đồng mỗi lít xăng RON95, 28.330 đồng một lít E5 RON92.

• Một tháng giá thép tăng liên tiếp 6 lần
– Từ đầu tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép đã phải nhiều lần điều chỉnh giá do tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao..
– Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen thông báo tăng giá 300 đồng/kg với các mặt hàng: tôn mạ, thép dây mạ, ống thép mạ kẽm và 2.000 đồng/m với mặt hàng tôn cách nhiệt Hoa Sen, áp dụng từ ngày 31/3.
– Tương tự, từ 16/3, thép Kyoei, Việt Đức, Việt Nhật, Pomina cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 500 – 650 đồng/kg đối với thép cuộn CB24 và thép thanh vằn D10 CB300, với mức giá từ 18.000 đồng/kg đến 19.800 đồng/kg.
– Trước đó, ngày 15/3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Hòa Phát Hưng Yên (Tập đoàn Hoà Phát) cũng thông báo tăng thêm 600 nghìn đồng/tấn (chưa bao gồm VAT) với sản phẩm thép cây và thép cuộn xây dựng. Giá thép cây từ đầu năm tại doanh nghiệp đã 6 lần được điều chỉnh tăng giá, với mức tăng từ 200.000-600.000 đồng/tấn.
– Trong tháng 3, giá thép xây dựng Việt Ý cũng được điều chỉnh tăng giá 3 lần. Theo đó, giá thép cây D10 CB300 từ 17,07 triệu đồng/tấn lên mức 18,38 triệu đồng/tấn. Thép cây xây dựng loại D10 CB300 từ 17,46 triệu đồng/tấn tăng lên 18,78 triệu đồng/tấn.
– Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia giao dịch ở mức 627 USD/tấn, tăng 235 USD so với đầu tháng 2. Giá than cốc cũng tăng liên tục kể từ năm 2021 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép.
– Cùng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa hạ nhiệt nên giá thép chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn. Nhiều vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát đá cũng tăng giá liên tục mang đến áp lực rất lớn cho nhà thầu và các đơn vị thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Dược Hậu Giang chốt quyền chia cổ tức 2021 tỷ lệ 35%
– Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thông báo ngày 4/4 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông Công ty dược Hậu Giang (HoSE: DHG) để trả cổ tức tiền mặt năm 2021, tỷ lệ 35% (1 cổ phiếu được nhận 3.500 đồng). Doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh toán vào ngày 15/4, số tiền chi ra vào khoảng 457,6 tỷ đồng.
– Dược Hậu Giang vừa tổ chức thành công cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2022 vào ngày 18/3. Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu thuần 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng; lần lượt tăng 5% và giảm 1,3% so với thực hiện 2021.
– Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu DHG Pharma và phát triển các nền tảng truyền thông cho công ty; tăng cường danh mục sản phẩm, thúc đẩy sản phẩm mới; mở rộng thị trường để gia tăng doanh thu. Cùng với đó, đơn vị sẽ tối đa hóa chi phí, kiểm soát tốt biên lãi gộp.
– Trong năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 4.003 tỷ đồng, tăng 6,6% và cơ bản hoàn thành kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 864 tỷ đồng, tăng 5,2% và vượt 5,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 776 tỷ đồng tăng 5,1%.
– Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 47 năm hoạt động nhờ DHG đã đảm bảo nguồn nguyên vật liệu dự trữ, ổn định chuỗi cung ứng, vận chuyển và hoạt động sản xuất với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin, giúp mọi hoạt động vận hành trơn tru giữa đại dịch và chi phí được sử dụng tối ưu.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 23/03/2022, VNINDEX sau nhịp giảm điểm đầu phiên khi về mức 1.498,5, sắc xanh đã nhanh chóng trở lại với xu hướng hồi phục mạnh mẽ của nhóm vốn hóa lớn đã giúp VNINDEX bứt tốc và lấy lại mốc 1.510 điểm. Thị trường diễn biến xấu đi trong buổi chiều khi chỉ số VNINDEX rơi vào nhịp lao dốc ngay những phút đầu tiên và kết phiên đóng cửa ở 1.502,34 điểm, giảm 1,44 điểm tương đương 0,1% so với phiên ngày hôm qua. Giá trị giao dịch phiên hôm nay tương đương ngày hôm qua khi đạt 28.037,904 tỷ đồng,
– Về độ rộng thị trường, bên bán vẫn chiếm ưu thế với 260 mã giảm, chiếm trung bình khoảng trên 50% các mã cổ phiếu trên sàn Hose.
– Về mức độ ảnh hưởng, GVR, DGC, SAB và DIG là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 2,42 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm hãm đà tăng của chỉ số gồm có: GAS (-1,325 điểm), VHM (-0,893 điểm) và VIC (-0,782 điểm)
– Về nhóm ngành, ngành dầu khí vẫn chịu áp lực bán mạnh với loạt mã chìm trong sắc đỏ, nổi bật có PVC (-4,6%), PVT (-2,5%), GAS(-2,3%), PVO (-2,2%). Bên cạnh đó, hai nhóm ngành có chỉ số tăng khả quan nhất là Công nghiệp (+0,88%) và Công nghệ thông tin (+0,62%), các nhóm ngành còn tăng nhẹ 0,1% đến 0,2%.
– 2 nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là Bất động sản và Tài chính có mức giảm nhẹ lần lượt là 0,53% và 0,33%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn của nhóm ngành Bất động sản như NVL (-0,4%), VIC (-1%), VHM (-1%), các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ mức giảm cũng chỉ dưới 1%. Nhóm ngành tài chính nay có sự phân hóa rõ ràng khi các cổ phiểu ngành Ngân hàng chìm trong sắc đỏ (-0,17%) và ở chiều ngược lại các cổ phiếu ngành bảo hiểm ghi nhận sự tăng trưởng như MIG (+6,2%), PVI (+3,6%), VNR (+2,6%).
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 23/03/2022 mua ròng chỉ 1020 tỷ đồng trên sàn Hose, tăng gần đôi so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu DGC (309,76 tỷ đồng), MSN (151,88 tỷ đồng), GEX (112,88 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là VNM (-89,15 tỷ đồng), DCM (-70,87 tỷ đồng), VCI (-58,92 tỷ đồng).
– Hiện tại, vùng cản 1510 – 1520 điểm đang tạo áp lực bán mạnh kìm hãm chỉ số VNINDEX, tuy vậy thị trường vẫn còn lực đỡ khi chỉ giảm điểm nhẹ trong phiên ngày hôm nay. Nếu phiên ngày mai lực mua không quay trở lại một cách mạnh mẽ để giữ điểm quanh vùng 1500 thì khả năng chỉ số quay trở lại lấp gap vùng 1494 điểm có thể xảy ra.
– Nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ mã cổ phiếu đã đạt được mục tiêu có thể cân nhắc chốt lời dần và theo dõi những diễn biến tiếp theo của giá cổ phiếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát và gia tăng tỷ trọng ở những mã cổ phiếu tốt khi giá đã được chiết khấu về mức hợp lý.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest