Podcast ngày 22.03.2022 – PNJ báo lãi tháng 2 tăng 18% đạt 252 tỷ đồng

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/03/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – PNJ báo lãi tháng 2 tăng 18% đạt 252 tỷ đồng

1. Thông tin vĩ mô

• Thị trường sắt thép khả quan khi Trung Quốc triển khai các gói kích thích kinh tế.
– Giá quặng sắt châu Á đồng loạt tăng trong tuần qua và biến động mạnh, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.
– Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng 3 phiên liên tiếp, hồi phục mạnh mẽ sau những phiên giảm sâu trước đó, chạm mốc 835 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 3.
– Việc Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống 5,5% tạo lo ngại ban đầu về áp lực giảm giá quặng sắt, nhưng đi kèm đó là những yếu tố khác có khả năng thúc đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép tăng lên.
– Trung Quốc đang cắt giảm lãi suất, các chính quyền địa phương bắt đầu tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, và dự kiến cắt giảm thuế và nhiều chính sách nới lỏng hơn dự kiến sẽ được đưa ra trong tương lai.
– J.P.Morgan dự báo sau khi kết thúc phong tỏa, Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy nhanh chi tiêu cơ sở hạ tầng và các hoạt động xây dựng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
– Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc bước sang năm 2022 tương đối ổn định. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy nhập khẩu trong tháng 2 ước đạt 83,69 triệu tấn thấp hơn không đáng kể so với tháng 1 nhập 86,14 triệu tấn. Lũy kế 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các hạn chế về sản lượng thép mà Bắc Kinh thực hiện nhằm hạn chế ô nhiễm trong mùa đông và trong dịp Thế vận hội Olympic mùa đông vừa qua.
– Những hạn chế đó hiện đang kết thúc, và các biện pháp kích thích cho nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu được triển khai, nhiều khả năng nhu cầu thép sẽ tăng, do đó nhập khẩu quặng sắt trong những tháng tới dự báo sẽ tăng lên.

• Cơ quan năng lượng quốc tế IEA cảnh báo thế giới cần giảm tiêu thụ 3 triệu thùng dầu/ngày để giá dầu hạ nhiệt.
– IEA đã đề xuất cho các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu kế hoạch khẩn cấp như giảm hạn chế tốc độ trên đường cao tốc ít nhất 10km/giờ; làm việc tại nhà tới 3 ngày mỗi tuần; và thậm chí là những ngày Chủ nhật không ô tô tại các thành phố lớn, nhằm mục đích bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng dầu của Nga.
– Nếu thực hiện đầy đủ, các biện pháp này sẽ giúp cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới tới 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng – tương đương với lượng tiêu thụ của tất cả ô tô ở Trung Quốc. Tác dụng của kế hoạch sẽ lớn hơn nếu tất cả các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc cũng áp dụng một phần hoặc toàn bộ.
– Tuy các biện pháp khẩn cấp trên có thể gây giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào năng lượng hoá thạch, nhất là lĩnh vực giao thông, nhưng IEA cho rằng sự đánh đổi này sẽ làm giảm ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế của thế giới hơn rủi ro rơi khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
– Mỹ và các quốc gia thành viên khác của IEA nhận thấy rằng việc tăng sản lượng dầu của OPEC hay xả dự trữ dầu của IEA không còn nhiều tác dụng trong việc giải tỏa căng thẳng nguồn cung, đặc biệt khi giá dầu thế giới hiện đã quay trở lại mức trên 100 USD/thùng.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• CPI tháng 3 có thể ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng, dầu tăng.
– Theo Bộ Tài chính, dự báo Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 có thể tiếp tục cao ở mức 2-2.1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát, do tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.
– Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2, HSBC cho rằng Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát khi giá hàng hóa tăng xảy ra trên diện rộng chứ không rieeng giá nhiên liệu. HSBC còn cho rằng Việt Nam phải đối mặt với lạm phát nhiên liệu kéo dài vì giá xăng đã được điều chỉnh 6 lần liên tiếp từ đầu tháng 12, tác động trực tiếp đến giá hàng hóa tiêu dùng. Lạm phát tháng 2 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, do nền lạm phát năm ngoái thấp nên hiện tại lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát.
– World Bank cho rằng lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát mặc dù giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,4% so với cùng kỳ 2021, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước tiếp tục góp phần tăng chi phí giao thông, gây tăng giá tiêu dùng.
– Riêng về giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng mặt hàng xăng dầu trong nước đang chịu áp lực lớn về nguồn cung, do nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý và đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung, nhất là nắm bắt dự báo diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp.
– Trong bối cảnh giá xăng, dầu trong nước tăng cao và Quỹ Bình ổn xăng, dầu không còn nhiều dư địa để kìm đà tăng của giá xăng, dầu, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đề xuất Chính phủ đã thông qua Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm nay. Trường hợp được thông qua, việc điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới sẽ được thực hiện từ ngày 1/4.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• KIDO lên kế hoạch sở hữu 100% vốn TAC và VOC
– Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, KIDO sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 là 1.790 tỷ đồng tại thời điểm 31/12 và phương án tăng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty con như sau:
– Chia cổ tức 6% bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10% lên 251 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn thêm hơn 100 tỷ đồng. Sau khi thực vốn điêu lệ sẽ tăng từ 2.797 tỷ đồng lên 3.149 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2021, lợi nhuận chưa phân phối của công ty là 1.790 tỷ đồng.
– Để phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, KIDO cũng trình cổ đông thông qua giao dịch mua cổ phiếu Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC) để nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty con này lên 100% mà không phải chào mua công khai.
– Trong năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 10.497 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 688 tỷ đồng, tăng 65,3%. Mặc dù tăng mạnh nhưng doanh thu và lợi nhuận KIDO năm 2021 chỉ hoàn thành 91% và 85% so với kế hoạch đề ra.
– Năm 2022, công ty xác định mảng sản phẩm thế mạnh vẫn là dầu ăn. Bên cạnh đó, mảng bơ thực vật cũng sẽ được đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường các dòng sản phẩm bơ thực vật và bơ hạt các loại.

• PNJ báo lãi tháng 2 tăng 18% đạt 252 tỷ đồng
– Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố doanh thu thuần tháng 2 đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 26,5%; lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng đầu năm, doanh thu tăng 3,5% và lợi nhuận giảm 6,7%. Lưu ý là tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày. Lũy kế 2 tháng, doanh thu thuần đạt 7.066 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 522 tỷ đồng, lần lượt tăng 41,1% và 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
– Doanh nghiệp cho biết doanh thu bán lẻ lũy kế 2 tháng tăng 53,5%, doanh thu online tăng 115% nhờ các chương trình thúc đẩy bán hàng nhân ngày Thần Tài và dịp Valentine. Cùng với đó, doanh thu bán sỉ tăng 11% và doanh thu vàng miếng tăng 46,4%.
– Biên lợi nhuận gộp trung bình trong tháng 2 đạt 16,7% so với mức 18,2% cùng kỳ 2021 do sự dịch chuyển cơ cấu doanh thu vàng miếng và cơ cấu dòng hàng của kênh bán lẻ. Lũy kế 2 tháng, biên lợi nhuận gộp đạt 17,7% so với mức 18,5% cùng kỳ.
– Theo PNJ, trong bối cảnh giá vàng thế giới vào cuối tháng 2 tăng hơn 2% so với cuối năm trước và hơn 6% so với cuối tháng 1 do với những bất ổn về địa chính trị toàn cầu, biên lợi nhuận gộp từng kênh vẫn duy trì ở mức tương đối ổn định.
– Trong 2 tháng, PNJ đã mở 1 cửa hàng PNJ Gold, nâng cấp 1 cửa hàng PNJ Gold và đóng 3 cửa hàng PNJ Silver. Tính đến cuối tháng 2, doanh nghiệp vàng có 340 cửa hàng bao gồm 320 PNJ Gold, 11 PNJ Silver, 3 CAO Fine Jewellery, 2 PNJ Style, 1 PNJ Watch và 3 PNJ Art.

• HSG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 1.500 đến 2.000 tỷ đồng trong Niên độ tài chính 2021-2022
– Kết thúc Niên độ tài chính 2020 – 2021, sản lượng tiêu thụ HSG đạt 2.253.733 tấn, hoàn thành 125% kế hoạch, đạt 139% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 48.727 tỷ đồng, hoàn thành 148% kế hoạch, đạt 177% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng ấn tượng, đạt 4.313 tỷ đồng, hoàn thành 288% kế hoạch và đạt 374% so với cùng kỳ.
– Năm 2022, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều biến động khó lường do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới. Do đó, HSG trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2021 – 2022 trên cơ sở đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và bền vững. Cụ thể, mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 2.000.000 tấn, doanh thu đạt 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 1.500 đến 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, xung đột chính trị, biến động giá thép, giá năng lượng và các chi phí đầu vào
– Kết thúc quý I (từ 01/10/2021 đến 31/12/2021), sản lượng tiêu thụ HSG đạt 604.518 tấn, đạt 113% so với cùng kỳ bên cạnh đó doanh thu đạt 16.934 tỷ đồng, đạt 186% so với cùng kỳ, Tính đến tháng 03/2022, HSG đã đưa vào hoạt động gần 90 siêu thị Hoa Sen Home trên cả nước, triển khai nhiều hoạt động bán hàng hấp dẫn, từng bước nâng cao hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
– Tại đại hội, HSG cũng thông qua chủ trương về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, cụ thể: chuyển đổi 1 công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thuộc HSG thành Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới 1 công ty là Công ty cổ phần Phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen (gọi tắt là Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 21/03/2022, VNINDEX đã có tín hiệu tích cực ngay từ đầu phiên khi mở cửa đã tăng tới 1.474,78 điểm. Ngay sau đó đà tăng tiếp tục được duy trì và tăng mạnh hơn vào phiên chiều khi chỉ số VNINDEX đã đóng cửa ở mức 1.494,95 điểm, tăng 25.85 điểm (+1.76%) so với phiên giao dịch trước đó. Giá trị giao dịch đạt 24.224,863 tỷ đồng gần như tương đương với phiên ngày thứ 6 tuần trước. Về độ rộng thị trường trong phiên ngày hôm nay nghiêng về bên mua với 326 mã tăng, chiếm trung bình gần 60% số mã trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM và NVL là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 5,865 điểm, theo sau là MSN, GAS và VIC đóng góp lần lượt là 2,514 điểm, 2,505 điểm và 2,153 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã đều có biên độ giảm điểm nhẹ, chỉ có VJC có biên độ giảm nhiều nhất là 0,681 điểm.
– Về nhóm ngành, 10/10 nhóm ngành đều ghi nhận sắc xanh trong phiên giao dịch ngày hôm nay, nổi bật nhất là nhóm ngành Bất động sản và Tiêu dùng thiết yếu với các mức tăng lần lượt là 3,79% và 3,49%. Các cổ phiếu có mức tăng mạnh gồm có DIG, NVL, DXG tăng hết biên độ 7%, MSN (+6,1%),…..
– Hôm nay là một phiên giao dịch tích cực với cổ phiếu nhóm bảo hiểm với MIG (+7%), BMI (+6%), BVH (+4,3%) có mức tăng khá ấn tượng. Nhóm ngành Tài chính chỉ tăng nhẹ 0,76% khi những cổ phiếu vốn hóa lớn điển hình như VCB, TCB, SSI chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ quanh 1%.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch 21/03/2022 đã mua ròng 1.099,53 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, họ mua ròng nhiều nhất các cổ phiếu: STB (116.2 tỷ đồng), GEX (113,4 tỷ đồng), GAS (60,9 tỷ đồng) và VRE (56,9 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nhiều nhất: BID (-5 tỷ đồng), SAB (-5 tỷ đồng) và VJC (-4 tỷ đồng). Như vậy, phiên hôm nay khối ngoại đã mua ròng mạnh trở lại sau thời gian dài bán ròng nhiều phiên liên tiếp.
– VNINDEX kết phiên với mẫu hình nến tăng, thân dài cắt qua đường MA20 cùng khối lượng giao dịch được cải thiện hơn so với phiên trước đó. Cho chúng ta 1 tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
– Mặc dù thanh khoản vẫn ở mức thấp, chỉ số VN-Index tiếp tục đà hồi phục ấn tượng sau khi tạo đáy ngắn hạn ở vùng 1.440 điểm, đặc biệt với việc nhóm trụ VN30 có nhịp tăng mạnh, là dấu hiệu tích cực cho thị trường, vốn không có nhóm dẫn dắt trong suốt kể từ thời điểm cuối tháng 1. Việc chỉ số tăng mạnh sẽ tạo áp lực cho những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt lớn hoặc không tham gia bắt đáy khi thị trường rơi về vùng hỗ trợ 1440 –1460. Tuy nhiên, nhà đầu tư và nhà giao dịch ngắn hạn tránh mua đuổi các mã đã tăng nóng khi chỉ số đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.500 – 1.515 điểm của VN-Index và 1.505 – 1.520 điểm của VN30. Hiện tại, cơ hội trong ngắn hạn nằm ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng hay bất động sản, vốn đã bị chiết khấu mạnh và hiện tại vẫn còn dư địa thu hút dòng tiền quay trở lại.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest