Podcast ngày 18.03.2022 – Fed nâng lãi suất thêm 0,25%, dự kiến tăng 6 lần nữa trong năm 2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/03/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Fed nâng lãi suất thêm 0,25%, dự kiến tăng 6 lần nữa trong năm 2022

1. Thông tin vĩ mô

• Fed nâng lãi suất thêm 0,25%, dự kiến tăng 6 lần nữa trong năm 2022
– Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 – 16/3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25 – 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018.
– Fed dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay, đồng nghĩa đưa lãi suất về mức 1,75 – 2%. Đồng thời, Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023 nếu tình hình lạm phát không được cải thiện trong 12 tháng tới.
– Các nhà lập chính sách tại Fed hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay xuống 2,8% từ mức 4% đưa ra hồi tháng 12/2021 sau khi đánh giá lại các rủi ro mới mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
– Fed ước tính lạm phát vẫn sẽ giữ trên mục tiêu 2%, duy trì ở 4,1% trong năm nay và giảm còn 2,3% cho đến hết năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp năm nay dự báo giảm còn 3,3% và giữ nguyên cho năm tiếp theo, sau đó tăng lên 3,6% vào năm 2024.
– Lộ trình lãi suất dự kiến cho thấy Fed đang mạnh tay hơn kỳ vọng, phản ánh lo ngại từ ngân hàng trung ương Mỹ với lạm phát – đang tăng nhanh hơn và nguy cơ kéo dài hơn. Điều này đồng nghĩa Fed khó có thể nhẹ nhàng dừng các chính sách khẩn cấp được triển khai để hỗ trợ kinh tế vượt đại dịch. Theo Reuters, tính đến cuối năm 2023, lãi suất dự báo ở 2,8%, cao hơn mốc 2,4% mà Fed đang cảm thấy sẽ làm giảm tốc đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.

• Nga: Lạm phát chạm mức cao nhất kể từ năm 2015
– Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát tại Nga đã tăng lên mức 12,54% trong 12 tháng tính đến ngày 11/3, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và cao hơn mức 10,42% ghi nhận một tuần trước, do đồng ruble mất giá đã khiến giá cả tăng vọt trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.
– Trong khi đó, lạm phát tính theo tuần lại giảm nhẹ xuống 2,09% trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, từ mức 2,22% một tuần trước đó, vốn là mức tăng giá mạnh nhất trong một tuần kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Rosstat.
– Nga đang chứng kiến giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, từ đồ ăn cho trẻ em đến dược phẩm, đều tăng mạnh trong tuần trước. Trong đó, giá đường và cà chua tăng hơn 12%. Lạm phát tăng mạnh khi đồng ruble giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay và nhu cầu đối với một loạt mặt hàng, từ thực phẩm thiết yếu đến ô tô, có dấu hiệu gia tăng, trước những đồn đoán rằng giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa.
– Với mục tiêu lạm phát hàng năm 4%, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất chủ chốt lên 20% vào cuối tháng Hai. Điều kiện tiền tệ thắt chặt sẽ tạo điều kiện để lạm phát giảm tốc, nhưng sẽ không thể ngăn lạm phát vượt mức 20% trong năm nay, nhất là trong bối cảnh những lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của nền kinh tế Nga trong dài hạn. Ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 18/3 và được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Tăng tốc dòng vốn FDI
– Trong 2 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dự án đăng ký mới tăng tới 45,2%, đạt 183 dự án. Tuy nhiên, đầu tư đăng ký mới đạt 631,8 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết việc vốn đầu tư đăng ký mới hai tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là hoàn toàn dễ hiểu. Đó là bởi hai tháng đầu năm ngoái, nhiều dự án quy mô trên 100 triệu USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt còn có Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, với mức mức đầu tư 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022, chỉ có một dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD.
– Tỷ lệ vốn FDI vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Không chỉ tăng về số lượng, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn xuất hiện dự án chất lượng cao, xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
– Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam với quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD ở khu đất rộng 44 ha, thuộc tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, nhà máy được khởi công nửa cuối năm 2022 và đi vào hoạt động bắt đầu từ năm 2024.
– Không chỉ tăng vốn đầu tư dự án mới, nhiều tập đoàn lớn đã và đang mở rộng dự án tại Việt Nam sau khi đạt được nhiều thành công về kinh doanh. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
– Cho dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng. Năm 2022, được dự báo sẽ thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Và Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• FPT trình chia cổ tức 2021 tỷ lệ 40%, kế hoạch lãi 2022 tăng 20%
– Công ty cổ phần FPT (HoSE: FPT) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Theo đó, HĐQT trình phương án trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 tỷ lệ 20%, đã tạm ứng 10% và 10% còn lại sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt, thời gian chia dự kiến là trước khi kết thúc quý III. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và được thực hiện cùng với trả cổ tức tiền mặt còn lại 2021.
– Nhiều năm qua, chính sách cổ tức của FPT luôn nhất quán 20% tiền mặt theo kế hoạch đặt ra ban đầu và cổ tức cổ phiếu tùy năm do ĐHĐCĐ quyết định.
– HĐQT trình kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 42.420 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khối công nghệ đóng góp 24.900 tỷ đồng, tăng 21%; khối viễn thông 14.560 tỷ đồng, tăng 15% và khối giáo dục, đầu tư tăng 32,5% đạt 2.960 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 20,2% lên 7.618 tỷ đồng. Mảng công nghệ kỳ vọng đạt 3.360 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 19,3%; khối viễn thông 2.812 tỷ đồng, tăng 17,4% và mảng còn lại tăng 28,4% với 1.446 tỷ đồng.
– Chính sách cổ tức kế hoạch năm 2022 cũng được duy trì bằng tiền mặt 20% và mức cụ thể sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 quyết định.
– Năm nay, FPT đặt mục tiêu triển khai các gói giải pháp công nghệ tiên tiến ứng dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)… và mở rộng kênh bán hàng trong nước, nước ngoài.

• Dệt may TCM: Lợi nhuận giảm 12% trong tháng 2, nhận đơn hàng đến quý III
– Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh thu đạt hơn 11,3 triệu USD (260 tỷ đồng), tăng 18% so với cùng kỳ và bằng 65% tháng đầu năm. Trong đó, sản phẩm may chiếm 77%, theo sau là nguồn thu từ vải với 15% và tỷ trọng mảng sợi là 7% cơ cấu tổng doanh thu. Lãi sau thuế giảm 12% về 571.762 USD (13 tỷ đồng), tương đương 52% thực hiện tháng 1.
– Trong tháng 2, xuất khẩu của công ty sang châu Á chiếm 71,12%. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, ở mức 24,59% tổng lượng hàng xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường Nhật với 24,29%, Trung Quốc 10,07%. Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chiếm 22,8%, trong đó 22,4% tại Mỹ. Xuất khẩu sang châu Âu chiếm 6,1% và Anh chiếm ưu thế với tỷ trọng 5,13%.
– Luỹ kế hai tháng đầu năm, doanh thu đạt hơn 28,6 triêu USD, tăng 14%. Song chi phí sản xuất và đầu vào tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận có phần giảm nhẹ so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ở mức 1,6 triệu USD, tương ứng 98% cùng kỳ năm ngoái.
– Doanh nghiệp thông tin hiện đã nhận đơn hàng đến quý III. Công ty đã và đang hoàn thành xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 và đang dần lắp đặt máy móc, thiết bị và đi vào hoạt động những chuyền đầu tiên vào đầu tháng 3 và góp phần đẩy mạnh sản xuất đơn hàng cho năm nay, mang lại kỳ vọng về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho công ty trong thời gian tới.

• Khởi công Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng trong tháng 5
– Lãnh đạo Thép Hòa Phát Dung Quất – đơn vị thành viên Tập đoàn Hòa Phát cho biết công ty được tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án, với tổng vốn gần 150.000 tỷ đồng. Trong đó, khu liên hợp 1 (vốn thực hiện trên 63.800 tỷ đồng) đã xây dựng hoàn thành và đi vào vận hành cả 2 giai đoạn; khu liên hợp 2 (85.000 tỷ đồng) đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến tháng 5 năm nay khởi công; bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất (trên 3.770 tỷ đồng) đang thi công xây dựng, dự kiến tháng 6/2023 đưa vào vận hành 1 bến và tháng 12/2023 đưa vào vận hành đồng bộ cả 3 bến; cấp nước thô cho khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn thành thủ tục pháp lý và đi vào hoạt động giai đoạn 1.
– Vào kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông Hòa Phát đã thông qua việc thực hiện dự án sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với mức vốn đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng. Dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có diện tích dự kiến 283,73 ha tại xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công suất dự án dự kiến là 5,6 triệu tấn/năm; riêng thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến 4,6 triệu tấn/năm (tăng so với mức dự kiến 3 triệu tấn/năm trước đây); thép thanh, thép dây chất lượng cao 1 triệu tấn/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.
– Bên cạnh các dự án đang triển khai, trong thời gian tới, tập đoàn đề xuất đầu tư thêm một số dự án mới như dự án Ferro (hợp kim sắt), diện tích khoảng 300 ha; khu công nghiệp (800 ha); khu liên hợp 3 (312 ha); đất dự trữ phát triển công nghiệp (524 ha); hệ thống cảng và khu hậu cần cảng phục vụ dự án Khu liên hợp 3 và các dự án vệ tỉnh (113,5 ha).

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 17/03/2022, VNINDEX giằng co trong sắc xanh và kết phiên ở mức 1.461,34 điểm, tăng 2,01 điểm (+0,14%) so với phiên ngày hôm qua. Giá trị giao dịch trên sàn HSX tăng 14% so với phiên trước, đạt gần 21.391 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 239 mã tăng, chiếm 48,48% số mã trên sàn HSX. Trái ngược với sắc xanh của VNINDEX, VN30 đóng cửa giảm 2,77 điểm (-0,19%) còn 1.469,92 điểm với sự phân hóa mạnh của các cổ phiếu trong rổ: 12 mã tăng, 13 mã giảm và 5 mã tham chiếu.
– Về mức độ ảnh hưởng lên chỉ số VNINDEX, BID là mã đóng góp tăng nhiều nhất cho chỉ số với 1,96 điểm, theo sau là CTG và VCB đóng góp lần lượt là 0,86 điểm và 0,6 điểm. Ở chiều ngược lại, GAS, MSN, VNM là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VNINDEX, làm mất đi của chỉ số tổng -2,81 điểm.
– Về nhóm ngành, 5 nhóm ngành tăng và 5 giảm. Nhóm ngành tăng mạnh nhất là Công nghệ thông tin (+1,09%), trong đó FPT (+0,4%), CMG (+6,9%). Hai nhóm ngành vốn hóa lớn nhất thị trường là Tài chính và Bất động sản lần lượt tăng nhẹ 0,05% và 0,58% với điểm sáng là: BID (+4,6%), NLG (+2,9%)…
– Nhóm ngành Năng lượng và Tiêu dùng thiết yếu giảm mạnh nhất, lần lượt là -1,08% và -1,05% với nhiều cổ phiếu giảm điểm: PLX (-0,7%), PVD (-3%), VNM (-1,2%), MSN (-1,8%)…
– Phiên giao dịch 17/03/2022, khối ngoại đã mua ròng trở lại sau 8 phiên liên tiếp bán ròng. Cụ thể, họ mua ròng 135,63 tỷ đồng trên sàn HSX, nhiều nhất là các cổ phiếu: DPM (80,2 tỷ đồng), CTG (70,7 tỷ đồng), PNJ (51,5 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nhiều nhất: LPB (85,57 tỷ đồng), HPG (45,35 tỷ đồng) và VIC (38,32 tỷ đồng).
– VNINDEX đã tăng điểm ba phiên liên tiếp và động thái mua ròng trở lại của khối ngoại cũng là tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, phiên 17/3/2022 chỉ tăng nhẹ, đóng cửa với thân nến đỏ hẹp và sự phân hóa mạnh diễn ra giữa các nhóm ngành cho thấy bên mua chưa đủ quyết liệt để đẩy chỉ số lên cao hơn.
– Hiện tại, VNINDEX vẫn đang trong xu hướng đi ngang với vùng hỗ trợ ở 1.425-1.440 và vùng kháng cự ở 1.505-1.520 điểm. Trong bối cảnh hiện tại, nhà giao dịch ngắn hạn tiếp tục theo dõi diễn biến của giá, chỉ nắm giữ những cổ phiếu tích cực, cân nhắc giảm tỷ trọng hoặc dừng lỗ với những cổ phiếu có tín hiệu suy yếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát và gia tăng tỷ trọng với những cổ phiếu tốt để nắm giữ trong dài hạn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest