Podcast ngày 18.02.2022 – Lạm phát tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong 30 năm qua

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Lạm phát tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong 30 năm qua

1. Thông tin vĩ mô

• Người Mỹ chi tiêu mạnh tay trong tháng 1, doanh số bán lẻ tăng 3.8%
– Theo bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 1/2022, doanh số bán lẻ – thước đo chi tiêu tại cửa hàng, trực tuyến và nhà hàng – tăng 3.8% so với tháng trước đó, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2021 – thời điểm các gói hỗ trợ bắt đầu phân phối cho người dân Mỹ. Đà tăng này còn phát đi tín hiệu nền kinh tế Mỹ khởi đầu năm 2022 với lượng việc làm dồi dào, mức tăng tiền lương lớn và người tiêu dùng có tiền mặt để chi tiêu, bất chấp lạm phát cao.
– Biên bản họp tháng 1/2022 của Fed cho thấy các quan chức đang xem xét tăng lãi suất kể từ cuối tháng 3/2022 và thu hẹp bảng cân đối kế toán 9,000 tỷ USD trong năm nay nhằm thắt chặt điều kiện tài chính để hạ nhiệt lạm phát.
– Không như các báo cáo dữ liệu kinh tế khác, doanh số bán lẻ Mỹ không được điều chỉnh lạm phát, đồng nghĩa với việc doanh số bán lẻ cao hơn có thể phản ánh mức giá cao hơn thay vì khối lượng mua nhiều hơn.
– Mức tăng chi tiêu diễn ra trên diện rộng, với các khoản mua xe hơi, nội thất và vật liệu xây dựng đều tăng. Doanh số trực tuyến cũng tăng mạnh. Hóa đơn thanh toán tại nhà hàng và quán bar giảm khi người tiêu dùng hạn chế các dịch vụ trực tiếp trong đợt bùng phát dịch gần nhất. Chi tiêu bán lẻ cũng trồi sụt trong vài tháng gần đây khi người tiêu dùng đối mặt với lạm phát ngày càng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng.
– Doanh số bán lẻ tháng 01/2022 cho thấy đà tăng trưởng đang mạnh dần khi các gián đoạn chuỗi cung ứng suy giảm. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở 4% và lạm phát 7.5%, đây là những yếu tố ủng hộ cho Fed bắt đầu kế hoạch nâng lãi suất kể từ cuối quý I, và sẽ tạo áp lực lên sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán, vốn đã tăng trưởng lịch sử trong 2 năm vừa qua.

• Lạm phát tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong 30 năm qua
– Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 1 đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,4% vào tháng 12 và cao hơn nhiều so với mức tăng 0,7% của tháng 1/2021. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1992, khi CPI của Anh đạt mức 7,1%.
– Lạm phát cơ bản, không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, ở mức 4,4% trong tháng 1, so với mức 4,2% của tháng 12/2021.
– BoE dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 7% vào tháng 4, khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem tăng giá trần năng lượng. Trong khi đó, bà Elizabeth Martins, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC, dự báo mức đỉnh lạm phát có thể còn cao hơn mức dự báo của BoE, nhưng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống 4,4% vào cuối năm nay.
– Với việc lạm phát liên tục tăng mạnh, BoE đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới quyết định tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25% trong tháng 1, và đã tiếp tục phải tăng lãi suất lần thứ hai lên mức 0,5% chỉ chưa đầy 1 tháng sau đấy.
– Lộ trình tăng lãi suất 2 lần trong 2 tháng của BoE khiến việc dự báo Fed có thể tăng lãi suất đến 5 lần trong năm 2022 không còn ngạc nhiên khi bối cảnh chung của các nền kinh tế phát triển toàn cầu đang đối mặt là lạm phát cao kỷ lục.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• World Bank: Lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát
– Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2 của Việt Nam vừa công bố, WB nhận định lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. WB lý giải chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.
– WB cũng cho rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội mới giai đoạn 2022-2023 được khởi động trong tháng 1 vừa qua chưa tác động nhiều đến tăng trưởng năm nay. Ngoài ra, việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể (khoảng 0,1% GDP đánh giá lại) và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ.
– Trước đó, HSBC cũng đưa ra nhận định lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm nay. HSBC cho rằng trên thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh sức cầu chưa tăng. Vì vậy, HSBC điều chỉnh dự báo lạm phát của Việt Nam nay tăng ở mức 3% thay vì 2,7% như trước đó. Con số này vẫn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.
– Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý) tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

• Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc molnupiravir
– Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gồm Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty Cổ phần Hóa – dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.
– Molnupiravir là hoạt chất có tác dụng kháng virus và có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, giảm nguy cơ trở bệnh nặng và tử vong. Thuốc dạng viên, dùng theo đường uống, thuận tiện cho F0 tại nhà.
– Như vậy, đây là thuốc kháng virus đầu tiên điều trị Covid-19 được chính thức cấp phép tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế đã cấp hơn 300.000 liều thuốc molnupiravir cho Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ. Chương trình này được triển khai tại TP HCM từ giữa tháng 8 và đã mở rộng ra 51 địa phương có dịch. Kết quả thử nghiệm do Bộ Y tế công bố hồi tháng 11/2021, cho thấy gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.
– Molnupiravir cùng với favipiravir, remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam. Remdesivir là thuốc tiêm truyền tĩnh mạch, dùng cho bệnh nhân nặng, chỉ sử dụng trong bệnh viện.
– Việc Việt Nam tiếp tục cấp phép sử dụng thuốc dạng viên điều trị Covid-19 là yếu tố khích lệ cho nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã bắt đầu quá trình bình thường mới và sống chung với dịch bệnh. Ngành hàng không, du lịch và bán lẻ sẽ được hưởng lợi nhất khi Covid-19 dần được đẩy lùi với các biện pháp phòng chống bệnh mới.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• PNJ chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 tỷ lệ 6%
– Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) thông báo ngày 8/3 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông thực hiện quyền tạm ứng cổ tức và tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2022. Cụ thể, công ty dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 6%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 600 đồng. Với hơn 227 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền dự kiến chi đợt này khoảng 136 tỷ đồng. Thời gian thanh toán là ngày 7/4.
– Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2021 thông qua chính sách cổ tức tỷ lệ 20%. Phương án phân phối lợi nhuận này dựa trên kỳ vọng doanh thu hơn 21.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế gần 1.230 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 15% so với năm trước.
– Trong năm qua, doanh thu thuần tăng 12% đạt 19.593 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp là 18,2%, thấp hơn so với mức 19,6% của năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 1.037 tỷ đồng, giảm gần 4%, tương đương 84% chỉ tiêu năm.
– Trong năm 2021, sự tăng trưởng doanh thu của PNJ có sự phân hóa. Doanh thu kênh bán lẻ duy trì đà tăng 10,5%; doanh thu vàng miếng tăng trưởng 25% trong năm qua. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước giảm 3,8%; doanh thu sỉ cũng giảm 5,5% so với năm 2020.
– PNJ được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2022 sau khi kinh doanh thua lỗ gần 200 tỷ đồng trong quý III khi xã hội mở cửa trở lại và các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ.

• PVTrans đặt kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm 43%
– PVTrans (HoSE: PVT) đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 43% so với năm 2021.
– Trong giai đoạn dịch bệnh và thời gian nghỉ Tết Nhâm Dần vào tháng 1, PVTrans vẫn hoạt động ổn định. Các tàu tiếp tục vận chuyển dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, các tàu còn lại hiện đang được khai thác tuyến quốc tế. Theo đó, doanh thu hợp nhất tháng 1 ước đạt 600 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế ước đạt 50 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch năm.
– Về kế hoạch trẻ hóa đội tàu, PVTrans đang đầu tư 1 tàu dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT.
– Điều kiện thị trường chưa phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch khiến cho doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn. Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021, PVT ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng gần như đi ngang so với thực hiện năm trước với hơn 7.368 tỷ đồng và 666 tỷ đồng. Tuy nhiên so với kế hoạch, PVTrans đã vượt 23% chỉ tiêu doanh thu và vượt gấp đôi chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.

• 250 triệu cổ phiếu GTN sắp hủy niêm yết trên HoSE
– Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo quyết định việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu GTN của GTNfoods (HoSE: GTN). Cụ thể, toàn bộ 250 triệu cổ phiếu GTN tương ứng giá trị theo mệnh giá 2,500 tỷ đồng sẽ được hủy niêm yết kể từ ngày 8/3. Ngày giao dịch cuối cùng là 7/3.
– Lý do hủy niêm yết là GTNfoods sẽ sáp nhập vào Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico, UpCoM: VLC). Cụ thể, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,2 triệu cổ phiếu VLC để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN theo tỷ lệ 1,6:1 (cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN sẽ được hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC). Ngày đăng ký cuối cùng để hoán đổi và thời điểm chốt danh sách để hoán đổi là 9/3.
– Sau khi sáp nhập, các cổ đông của GTNfoods sẽ trở thành cổ đông Vilico; GTNfoods sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho Vilico.
– Tuy nhiên, GTNfoods đang là công ty mẹ nắm 47 triệu cổ phiếu, tương đương 74,5% vốn Vilico. Do thực hiện sáp nhập, toàn bộ 47 triệu cổ phiếu sẽ bị hủy và giảm vốn điều lệ Vilico. Như vậy, vốn điều lệ Vilico sau sáp nhập dự kiến là 1.723 tỷ đồng, trong đó Vinamilk sở hữu 68% và các cổ đông khác nắm 32%.
– Trên thị trường, giá cổ phiếu GTN đang ở mức 18.650 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu VLC dao động quanh 31.600 đồng/cp trong phiên 17/2.
– Sau sáp nhập, Vilico sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Doanh nghiệp đang có chủ trương đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn không quá 1.700 tỷ đồng.
– Đầu năm ngoái, Vilico đã công bố quyết định hợp tác với Tập đoàn Sojitz lập liên doanh đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bò thịt. Vốn góp của Vilico là 51% và Sojitz là 49%. Vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD và dự kiến tăng lên theo quy mô phát triển trong các năm tiếp theo.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index mở cửa phiên ngày 17/02/2022 tương đối lạc quan với mức tăng nhẹ hơn 3 điểm ngay sau phiên ATO. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu Large Cap trong phiên sáng đã lan tỏa sự hưng phấn trên thị trường giúp VN-Index nới rộng đà tăng, nhưng tâm lý thận trọng trong phiên đáo hạn phái sinh khiến VN-Index chỉ tăng 2 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Bước sang phiên chiều, tâm lý thị trường dần được cải thiện, đặc biệt sự hưng phấn trong phiên ATC đã kéo VN-Index bật tăng mạnh mẽ. Kết thúc giao dịch, VN-Index tăng 15.89 điểm, tiến lên mức 1,507.99 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, GAS, MSN, BID và VHM là những mã có tác động tịch cực nhất đến VN-Index. Riêng cổ phiếu GAS đã góp hơn 2 điểm tăng cho chỉ số nhờ mức tăng ấn tượng xuất hiện sau 1h30 chiều. Ở chiều ngược lại, PGV, SSB và BVH là những mã có tác động tiêu cực nhất.
– Ngành ngân hàng có dấu hiệu trở lại sau các phiên điều chỉnh với các mã đóng góp tích cực đến đà tăng của VN-Index như BID, VPB, VCB, TCB và MBB. Một số cổ phiếu khác như VIB, STB, EIB và MSB cùng hiện sắc xanh.
– Ngành thực phẩm đồ uống có phiên tăng tốt với sắc xanh đến từ ba ông lớn là MSN, VNM và SAB. Cụ thể, cổ phiếu MSN leo dốc 3.1%, SAB và VNM theo sau với mức tăng lần lượt ở mức 1.25% và 0.5%. Cùng ngành thực phẩm đồ uống, nhóm cổ phiếu thủy sản cũng giao dịch khá tích cực. Trong đó, FMC bật tăng 4%, VHC tiến 2.18%, ANV tăng hơn 1%.
– Ngành cảng biến cũng có một phiên giao dịch tích cực cả về giá lẫn thanh khoản, với HAH, VSC, GMD, TCL, SGP đều tăng hơn 3% trong phiên.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 768 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 11,7 triệu cổ phiếu. KDC được mua ròng mạnh nhất sàn HoSE với 127 tỷ đồng. KBC và DXG được mua ròng lần lượt 122 tỷ đồng và 84 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ là 33,8 tỷ đồng. VNM và DIG bị bán ròng lần lượt 25,9 tỷ đồng và 23,7 tỷ đồng.
– Phiên đáo hạn phái sinh ngày hôm nay cho thấy sự tích cực lan tỏa trên thị trường khi diễn biến thường khó lường và biến động lớn. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn còn yếu nên kịch bản hiện tại của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở trong vùng tích lũy 1,480 – 1,510, nên những nhịp điều chỉnh là cơ hội tích lũy những cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh triển vọng trong năm 2022 khi giá đã được chiết khấu hợp lý. Trong bối cảnh xu hướng vẫn chưa rõ ràng và VN-Index cũng như VN30 đều đang rất gần những ngưỡng kháng cự mạnh lần lượt ở vùng 1,510 và 1,565, nhà đầu tư cần sẵn sàng hạ tỷ trọng nếu chỉ số có các phiên giảm mạnh kèm theo khối lượng tăng mạnh.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest