Podcast ngày 13.08.2020 – Khó huy động vốn qua kênh cổ phiếu, DN niêm yết chuyển hướng sang kênh trái phiếu

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Khó huy động vốn qua kênh cổ phiếu, DN niêm yết chuyển hướng sang kênh trái phiếu

1. Vĩ mô thế giới

Dòng chảy thương mại thế giới có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ

Giám đốc điều hành của nhóm tư vấn độc lập New View Economics, ông David Brown cho biết thị trường toàn cầu đã có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn vừa qua.

Dữ liệu mới nhất từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chỉ ra những dấu hiệu tích cực của việc phục hồi nền kinh tế. Trong báo cáo dữ liệu việc làm Phi nông nghiệp do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố gần đây, gần 1,8 triệu người đã quay trở lại làm việc trong tháng 7. Trước đó, 2,5 triệu người đã quay lại làm việc trong tháng 5 và 4,8 triệu người trong tháng 6.

Tương tự, theo dữ liệu thương mại tháng 7 của Trung Quốc, xuất khẩu tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy dòng chảy thương mại thế giới đang bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Lần thứ 2 trong 3 năm qua, Ả Rập Xê út cắt giảm lượng dầu thô cung cấp cho Mỹ

Chứng kiến lượng dầu dự trữ tại Mỹ đạt đỉnh, không bất ngờ khi Ả Rập Xê út quyết định tập trung “cắt nguồn cung” vào thị trường này. Trong khoảng thời gian tháng 5 – 6/2020, các tàu chở dầu từ Ả Rập Xê út rời khỏi vùng Vịnh hướng về phía các bờ biển phía Tây nước Mỹ gần như hàng ngày, thậm chí nhiều chuyến mỗi ngày. Tuy nhiên, theo lịch trình tháng 7 – 8, lượng tàu nhanh chóng giảm xuống còn chưa tới 1 chuyến/tuần.

Sự thay đổi chiến thuật của “Vương quốc dầu mỏ” có một mục tiêu duy nhất: Lặp lại thành tích đã từng đạt được năm 2017.

Cụ thể, nửa đầu năm 2017, dầu đá phiến bùng nổ khiến giá dầu nhanh chóng giảm xuống 25 USD/thùng từ mức trên 70 USD/thùng trước đó. Ả Rập Xê út lúc này đã “thắt” nguồn cung dầu thô sang Mỹ để nhanh chóng tái cân bằng cung – cầu.

Kết quả, vào nửa cuối năm 2017, giá dầu đã tăng khoảng 51%, từ mức 44,82 USD/thùng vào giữa tháng 6 lên 67,87 USD/thùng cho tới cuối năm.

Mỹ ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD mua 100 triệu liều vắcxin COVID-19 của Moderna

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/8 thông báo nước này đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với nhà sản xuất dược phẩm Moderna để mua 100 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-COV-2. Số vắcxin này sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân ở Mỹ. Tổng thống cho biết Mỹ đã sẵn sàng cung cấp vắcxin cho người dân ngay sau khi một loại vắcxin được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt.

20 nước đã đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của Nga

Theo thông cáo của Bộ Y tế Nga, với phác đồ tiêm 2 lần, vaccine Sputnik V cho phép phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 2 năm.

Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ngày 12/8 cho biết Nga đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỷ liều vaccine Sputnik V từ 20 quốc gia, phần lớn là từ các nước Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á.

Nga cũng đã đàm phán về việc sản xuất vaccine tại 5 nước với khả năng sản xuất 500 triệu liều mỗi năm, trong đó có Philippines, Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

2. Vĩ mô trong nước

VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 3,8% ở kịch bản tích cực và kịch bản xấu nhất là 2,2%

Viện nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR) vừa đưa ra dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP năm nay. Ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP sẽ đạt 3,8% và ngược lại, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,2% nếu dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến bất lợi.

Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra những yếu tố tích cực mang lại cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm là cơ hội từ EVFTA, tiến độ giải ngân và thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, chi phí nguyên, nhiên liệu thấp và làn sóng chuyển dịch đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ – Trung. Bên cạnh đó, việc điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức trung bình tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Dù chưa thể quay lại nhịp độ trước khủng hoảng, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn

Ngân hàng Thế giới nhận định trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Vĩ mô Việt Nam tháng 7: Xuất khẩu Việt Nam có “khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ”.

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, chủ yếu nhờ sự đóng góp các doanh nghiệp nội địa chứ không phải của doanh nghiệp nước ngoài, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ giảm khoảng 7% trong bảy tháng đầu năm.

Con số xuất siêu thực tế trong tháng 7/2020 tiếp tục cao hơn nhiều so với ước tính trước đó, đưa thặng dư lũy kế 7 tháng đầu năm lên kỷ lục mới.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2020, cán cân thương mại cả nước thặng dư tới 2,77 tỷ USD, đưa thặng dư lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7 lên mức 8,23 tỷ USD.

Như vậy, mức suất siêu thực tế trong tháng 7 tiếp tục cao hơn con số ước tính 1 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. Đồng thời, thặng dư luỹ kế đến hết tháng 7 năm 2020 của Việt Nam cũng đạt  kỷ lục tới 8,23 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số ước tính là 6,5 tỷ USD của Tổng cục Thống kê.

Trong tháng 7 vừa qua giá trị xuất khẩu nhóm hàng Điện thoại các loại và linh kiện đã tăng trở lại, vượt qua nhóm hàng Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam.

Sở dĩ, mặt hàng xuất khẩu này tăng trưởng cao trong tháng qua do Samsung đã ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới Galaxy Note20 và chính thức bán ra toàn cầu trong tháng này.

3. Các kênh đầu tư

Khó huy động vốn qua kênh cổ phiếu, doanh nghiệp niêm yết chuyển hướng sang kênh trái phiếu

 Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong 2 tháng này lên đến 106.854 tỷ đồng (tăng 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa tổng giá trị phát hành 6 tháng đầu năm lên 167.215 tỷ đồng (tăng 37,3%).

Trong nửa đầu năm 2020, tỷ trọng phát hành của các doanh nghiệp niêm yết đã vượt các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Cụ thể, giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp niêm yết tăng gần 70% so với cùng kỳ, trong khi nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết chỉ tăng 14,4%. Dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp của giá trị phát hành cao nhất là 3 doanh nghiệp niêm yết: BIDV, Vinhomes và Masan với giá trị lần lượt 15.168 tỷ đồng, 12.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, tỷ trọng huy động vốn từ kênh trái phiếu so với tổng vốn huy động của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng đáng kể từ mức 64,6% năm 2019, lên mức 89,7% trong 6 tháng năm 2020.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest