Podcast ngày 11.09.2020 – Giá vàng bật tăng mạnh trở lại nguyên nhân do đâu

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Giá vàng bật tăng mạnh trở lại nguyên nhân do đâu

1. Vĩ mô Quốc tế

Mỹ cần 3.000 tỷ USD để kích thích kinh tế

Theo CNBC, William Lee – kinh tế trưởng tại Viện Milken (một tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập, phi lợi nhuận) cho rằng Mỹ cần khoảng 3.000 tỷ USD kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Số tiền này nên được sử dụng cho các chương trình như khuyến khích doanh nghiệp tăng năng lực làm việc từ xa và giúp đỡ người thất nghiệp tìm việc tại các công ty có mô hình kinh doanh khả thi.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra được gói kích thích kinh tế tiếp theo, sau gói 2.200 tỷ USD thông qua hồi tháng 3. Sự bất đồng giữa các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa quanh việc sẽ hỗ trợ vốn cho hoạt động nào đã khiến việc đàm phán bế tắc.

Hạ viện do Đảng Dân chủ chiếm ưu thế đã thông qua gói kích thích 3.000 tỷ USD hồi tháng 5. Trong khi đó, đảng Cộng hòa muốn một gói quy mô nhỏ hơn.

Covid-19 khiến nợ công Indonesia tăng mạnh

Nợ công của Indonesia đã tăng đáng kể do chính phủ phải đẩy mạnh chi tiêu nhằm giải cứu nền kinh tế nhưng lại thất thu ngân sách do đại dịch. Tỉ lệ nợ trên GDP của nước này đã tăng vọt lên 34,53% vào tháng 8 so với 29,8% cùng kỳ năm ngoái và có thể lên đến 37,6% vào cuối năm nay. Đây là hệ quả của lãi suất thấp và tỉ giá hối đoái của đồng Rupiah yếu, cùng với việc phát hành trái phiếu chính phủ để đáp ứng nhu cầu tài chính trong kiểm soát dịch bệnh, trong khi thâm hụt ngân sách gia tăng. Thứ trưởng Tài chính Indonesia cho biết, con số này có thể lên tới 36-41% trong năm sau và Chính phủ dự kiến thu về 900 tỉ Rupiah (61 tỉ USD) từ phát hành trái phiếu trong nửa cuối năm nay và dành gần 700 tỷ để kích cầu và củng cố mạng lưới y tế.

ECB lo ngại đồng Euro lên giá

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp trong tuần này để trao đổi về chính sách tiền tệ trong bối cảnh đồng Euro đang liên tục tăng giá so với đồng USD, đạt mức quy đổi cao nhất trong vòng 2 năm qua. Dự kiến, ECB sẽ theo dõi chặt chẽ và có những biện pháp để đối trọng với chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Đồng Euro mạnh khiến ECB lo ngại, phải đưa ra cảnh báo việc tiếp tục lên giá sẽ tác động tới xuất khẩu, phải hạ giá hàng hóa và gia tăng áp lực lên các gói kích thích chính sách tiền tệ hơn nữa. Một thành viên của ECB nhận định, sự lên giá của Euro có nguy cơ làm giảm sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone, đặc biệt trong xuất khẩu.

Pháp công bố gói hỗ trợ 100 tỷ euro để vực dậy nền kinh tế

Chính phủ Pháp vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ Euro (118 tỷ USD) để ứng phó với dịch Covid-19, dự kiến được triển khai dưới hai hình thức gồm chi mới và ưu đãi thuế, cao gấp bốn lần khoản cứu trợ mà chính phủ nước này từng đưa ra để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Số tiền này cũng chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách trung bình thường niên của Pháp và tương đương khoảng 4% GDP của nước này. Thủ tướng Pháp cho biết, dự kiến kế hoạch phục hồi sẽ giúp tạo ra 160.000 việc làm trong năm 2021. Kế hoạch phục hồi của Chính phủ Pháp tách biệt với kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ Euro của Liên minh châu Âu (EU) mới được thông qua hồi tháng Bảy vừa qua sau thời gian dài bế tắc.

Anh công bố dự luật mới về hậu Brexit, EU yêu cầu họp khẩn

Ngày 9/9, Chính phủ Anh đã công bố một dự luật mới chi phối các thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong nội bộ nước này, mà chính việc phê chuẩn dự luật này vi phạm thỏa thuận giữa London với Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Dự luật thị trường nội địa Vương quốc Anh sẽ duy trì việc làm và hòa bình ở Bắc Ireland, song chính phủ của ông thừa nhận văn kiện này đề ra những thay đổi đơn phương vi phạm Thỏa thuận Brexit với EU.

Ngay lập tức, EU đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Anh để thảo luận về một dự luật được đề xuất nhằm không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận “ly hôn” Brexit.

EU sẽ kiện Anh nếu các cuộc họp khẩn cấp về dự luật mới của London không mang lại kết quả

2. Vĩ mô trong nước

Việt Nam có thể trở thành “căn cứ” lớn nhất của Samsung

Samsung liên tục có hành động rút các nhà máy khỏi Trung Quốc, cùng lúc với việc TP.HCM kiến nghị nhà đầu tư này chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất trong TP. Với hình thức chuyển đổi mới, Samsung sẽ được hưởng các ưu đãi về các khoản thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất… theo chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp chế xuất.

Việc Samsung được chuyển sang hình thức hoạt động mới sẽ đem lại nhiều ý nghĩa về mặt lợi ích kinh tế cũng như hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, có thể tạo được một làn sóng thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, khi các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm một môi trường đầu tư có sức cạnh tranh, ngoài Trung Quốc, tại khu vực Đông Nam Á.

Từ 11/10, niêm yết sai giá bán lẻ xăng dầu bị phạt đến 10 triệu đồng

Việc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng giá sẽ bị xử phạt tối đa 10 triệu đồng theo Nghị định 99/2020 từ ngày 11/10. Hành vi không thực hiện đúng quy định về trình tự điều chỉnh giá bị phạt tiền 100 – 120 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề nêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng, Nghị định 99/2020 NĐ-CP cũng quy định trường hợp cửa hàng xăng dầu có hành vi vi phạm các điều vừa nêu trên nhiều lần hoặc tái phạm thì ngoại trừ mức phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu 1 – 3 tháng.

Sản lượng điện mặt trời 8 tháng đầu năm 2020 của EVN tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ

Trong 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 142,38 tỷ kWh, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, thủy điện đạt 39,03 tỷ kWh, giảm 12,75%, tương đương giảm 5,7 tỷ kWh so với cùng kỳ năm trước; nhiệt điện than: 88,87 tỷ kWh, tăng 11,66%; tua bin khí đạt 24,96 tỷ kWh, giảm 16,29%; nhiệt điện dầu đạt 1,04 tỷ kWh, tăng 33,09% so với cùng kỳ năm 2019.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 7,27 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 6,39 tỷ kWh, vượt so với kế hoạch dự kiến và gấp 2,94 lần so với cùng kỳ năm 2019.

3. Các kênh đầu tư

Giá vàng trong nước ngày 10/9 tăng vọt 300.000 đồng/lượng

Giá vàng trong nước mở cửa sáng nay đã đồng loạt tăng mạnh từ 150.000 đến 300.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới phiên đêm qua cũng bứt hẳn lên, tăng 15,2 USD lên 1.946,2 USD/ounce.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Tư tăng khá mạnh do đồng USD yếu đi, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đánh giá khá khả quan về triển vọng của nền kinh tế khu vực.

Bên cạnh đó, áp lực bán vàng để bù lỗ cho chứng khoán đã giảm, nhờ việc phố Wall phục hồi mạnh trong phiên đêm qua cũng là nhân tố góp phần giúp giá vàng đi lên.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest