Podcast ngày 10.12.2020 – Gần 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ do dịch Covid-19

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Trung Quốc lần đầu giảm phát kể từ năm 2009 

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc sáng nay công bố CPI nước này giảm 0,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. CPI là thước đo lạm phát, theo dõi giá cả của nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tại nước này. Như vậy, Trung Quốc đã lần đầu rơi vào giảm phát kể từ tháng 10/2009.

Giá thực phẩm giảm 2% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng giá thịt lợn đã giảm 12,5%. Năm ngoái, giá thịt lợn nước này tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung sau dịch tả lợn châu Phi.

Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu) lại tăng 0,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dịch vụ chăm sóc y tế tăng 1,5%. Chi phí cho giải trí, giáo dục và hoạt động liên quan văn hóa cũng tăng 1%. Các nhà kinh tế học không cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay đổi nhiều về chính sách tiền tệ.

Hàn Quốc cân nhắc tham gia CPTPP

Tổng thống Moon Jae-in cho biết, nước này đang xem xét gia nhập CPTPP – Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) này gồm 11 quốc gia thành viên. Đây là phiên bản đàm phán lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính quyền Obama khởi xướng và bị bác đi dưới thời Donald Trump. Mỹ thời gian tới có thể tham gia CPTPP dưới thời Joe Biden.

Ông Moon nhấn mạnh, “vũ khí mạnh nhất” chống lại chủ nghĩa bảo hộ là khả năng cạnh tranh toàn cầu nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng. Ông cũng cam kết thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc, tập trung vào 3 ngành mới, gồm: y sinh, chất bán dẫn, ôtô công nghệ tương lai. Theo ông, bộ ba này là động cơ mới dẫn dắt xuất khẩu Hàn Quốc trong thời gian tới.

Tháng trước, Hàn Quốc đã ký một FTA lớn khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Hơn 720 tỷ USD cổ phiếu chuẩn bị ‘đổ bộ’ thị trường Trung Quốc

Hơn 722 tỷ USD cổ phiếu sẽ được mở khóa giao dịch trong năm 2021, thử thách thị trường chứng khoán đang có định giá cao nhất 5 năm của Trung Quốc.

Đây là lượng cổ phiếu được mở khóa giao dịch nhiều nhất kể từ năm 2011, theo China Merchants Securities, tương đương khoảng 7% tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu Trung Quốc.

Các công ty “khát tiền mặt” tại Trung Quốc được khuyến khích huy động thêm vốn bằng cách chào bán cổ phiếu, từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho đến phát hành bổ sung. Hơn nữa, các công ty cũng đang trong giai đoạn gấp rút bán cổ phần khi tìm cách tránh sự hỗn loạn trên thị trường nợ trong nước. Do đó, lượng cổ phiếu hạn chế do các cổ đông lớn, giám đốc điều hành cấp cao và nhà đầu tư ban đầu nắm giữ đang tăng lên, khi Bắc Kinh nới lỏng quy định và thực hiện cải cách thị trường.

Giới phân tích nhận định đợt mở khóa giao dịch này sẽ gây áp lực đáng kể nhưng triển vọng tích cực của thị trường Trung Quốc có thể giúp loại bỏ phần lớn ảnh hưởng, đặc biệt là khi nền kinh tế số hai thế giới phục hồi sau đại dịch.

Nhà Trắng đề xuất gói 916 tỷ USD cứu trợ Covid-19

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính phủ đề xuất gói viện trợ Covid-19 trị giá 916 tỷ USD trong nỗ lực đạt thỏa thuận lưỡng đảng.

Gói giải cứu này bao gồm các khoản cho vay và trợ cấp cho những doanh nghiệp nhỏ, khoản thanh toán 1.200 USD cho tất cả người Mỹ, trợ cấp thất nghiệp, cùng các chương trình được coi là giúp bảo đảm việc làm. Tuy nhiên, hầu hết khoản viện trợ trên đã hết hạn. Những chương trình phúc lợi cuối cùng theo Đạo luật CARES dành cho người thất nghiệp cũng sẽ hết hạn vào cuối tháng.

Đề xuất của Mnuchin được cho là một trong những nỗ lực cuối cùng nhằm đạt thỏa thuận trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, cũng là thời điểm quốc hội mới bắt đầu công việc. Trước đó, McConnell thúc đẩy mức ngân sách 500 tỷ USD, trong khi Pelosi đề xuất tới 2,2 nghìn tỷ USD.

2. Vĩ mô Việt Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Thủ Đức

Nghị quyết về việc thành lập thành phố Thủ Đức vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 51 ngày 09/12. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường.Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021.

Gần 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ do dịch Covid-19

Tại diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa diễn ra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, thực hiện Chỉ thị 11 vào đầu tháng 3/2020 về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với đại dịch, các bộ ngành, địa phương đã ban hành tới 95 văn bản triển khai các gói giải pháp của Chính phủ, với phạm vi, đối tượng hỗ trợ tương đối đầy đủ. Trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng; gói chính sách tài khoá về gia nộp thuế, tiền thuế đất 180 tỷ đồng…

Theo rà soát của VCCI, gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động thủ tục vẫn còn phiền hà, chưa sát thực tiễn. Việc điều chỉnh cũng chậm trễ. Ra đời từ tháng 4/2020 nhưng đến tháng 10 vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được.

Nhờ có Quyết định 32, điều chỉnh Quyết định 15 trước đó của Thủ tướng, một số doanh nghiệp mới tiếp cận được gói này. Đến ngày 27/11, mới chỉ 75 doanh nghiệp tiếp cận được gói vay nay để trả lương cho khoảng 3.800 công nhân.

Theo điều tra của VCCI và kết quả khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân, tới gần 80% số doanh nghiệp khảo sát vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Còn tỷ lệ khá cao các doanh nghiệp chưa biết đến những chính sách hỗ trợ của Chính phủ..

Ngân hàng Thế giới: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn có nguy cơ bị đọng nợ

Theo kết quả điều tra đợt 2 về tác động của đại dịch COVID-19 lên doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới, một số doanh nghiệp đã cải thiện doanh số nhưng nhiều doanh nghiệp khác thậm chí còn bị sụt giảm hơn cả hồi tháng 6; các ngành bán lẻ, bán buôn và các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tốc độ phục hồi nhanh hơn.

Theo WB, cầu giảm là nguyên nhân chính dẫn đến tác động hiện nay. Mức độ cạnh tranh tăng lên đối với một số doanh nghiệp trong khi giảm đi đối với một số khác. Các doanh nghiệp sử dụng vật tư nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, dễ bị tác động bởi gián đoạn chuỗi cung ứng hơn.

Tình trạng thanh khoản đã cải thiện nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có nguy cơ bị đọng nợ, nhất là các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ khác (dịch vụ nhưng trừ bán lẻ, bán buôn). Các doanh nghiệp ngày càng bi quan về tình trạng bán hàng và tăng trưởng việc làm trong vòng 6 tháng tới

Các doanh nghiệp tăng cường thích nghi với hoàn cảnh bằng cách ứng dụng công nghệ số – tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng hoặc tăng cường sử dụng công nghệ số đã tăng từ 50% lên 60% kể từ tháng 6. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang bắt kịp dần với doanh nghiệp lớn trong đầu tư vào các giải pháp công nghệ số.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest