Podcast ngày 10.09.2020 – Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục

1. Vĩ mô Quốc tế

Fitch hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ

Fitch đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc tháng 3/2021), theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 10,5%, thay vì mức giảm 5% theo dự báo ban đầu.

Fitch đã điều chỉnh dự báo trên sau khi Ấn Độ ghi nhận mức GDP sụt giảm nghiêm trọng trong quý đầu tài khóa 2020-2021 (từ tháng 4-6/2020), với mức giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ.

Fitch dự báo GDP của Ấn Độ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý này khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng cảnh báo tốc độ sẽ diễn ra chậm chạp và không đồng đều.

Trong khi đó, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tiếp tục lan rộng, buộc nhiều bang phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, cũng như làm gián đoạn hoạt động kinh tế và tác động mạnh đến tâm lý tiêu dùng.

Đức gia nhập ‘câu lạc bộ’ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đức là quốc gia châu Âu thứ hai, sau Pháp, chính thức thông qua chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nhằm hướng tới một chiến lược chung của châu Âu đối với khu vực.

Trong thế kỷ XXI, các lực lượng kinh tế và chính trị đang ngày càng chuyển dịch theo hướng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ – ba nền kinh tế lớn nhất thế giới – là các quốc gia Thái Bình Dương, trong khi 20/33 siêu đô thị trên thế giới cũng nằm trong khu vực và có vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự quốc tế.

Với việc thông qua định hướng, chính phủ Đức mong muốn tăng cường quan hệ với khu vực quan trọng này, trong đó có xây dựng hợp tác trong các lĩnh vực như chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, thương mại tự do dựa trên các quy tắc, kết nối, số hóa…, đặc biệt trong chính sách an ninh.

Trung Quốc: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,4% trong tháng 8/2020

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), CPI của Trung Quốc tăng 2,4% trong tháng 8/2020, thấp hơn số liệu của tháng 7/2020, do giá thịt lợn tăng thấp nhất trong một năm qua. Giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn mức tăng 85,7% trong tháng 7/2020 và mức tăng hơn 100% hồi đầu năm 2020.

Hong Kong đàm phán về ‘bong bóng du lịch’ với một số nước 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có dấu hiệu lắng dịu, Cục trưởng Phát triển thương mại và kinh tế Hong Kong, ngày 8/9 cho biết chính quyền Hong Kong muốn thiết lập “bong bóng du lịch” với 11 nước gồm Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Australia và New Zealand.

Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều nước đóng cửa để phòng chống dịch bệnh khiến ngành du lịch toàn cầu rơi vào tình trạng ngừng hoạt động chưa từng có trong lịch sử. Cùng với tình hình dịch bệnh có xu hướng ổn định ở một số khu vực, một số nước bắt đầu thực hiện “bong bóng du lịch”, điển hình thành công có Australia và New Zealand, Vương quốc Anh và một số nước châu Âu.

Samsung sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV ở Trung Quốc vào tháng 11/2020

Công ty điện tử Samsung sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV ở Thiên Tân, Trung Quốc, trong bối cảnh doanh nghiệp này đang nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng của mình.

Samsung đã đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất của mình ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Công ty này đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Thiên Tân vào năm 2018 và nhà máy ở Huệ Châu vào năm ngoái.

Vào tháng 7 vừa qua, Samsung cho biết nhà máy sản xuất máy tính cá nhân của họ ở Tô Châu cũng sẽ ngừng sản xuất. Hiện Samsung vẫn duy trì hoạt động tại nhà máy sản xuất thiết bị điện gia dụng ở Tô Châu và nhà máy sản xuất chip ở Tây An, Trung Quốc.

2. Vĩ mô trong nước

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục 92 tỷ USD

Ngân hàng Nhà nước mua vào thêm 12 tỷ USD trong 8 tháng để thiết lập kỷ lục mới 92 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Con số dự kiến đến cuối năm 2020 có thể đạt 100 tỷ USD.

Cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 80 tỷ USD. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào thêm 12 tỷ USD trong 8 tháng để thiết lập kỷ lục mới.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng thặng dư 10,9 tỷ USD. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong tháng 8.

Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 92 tỷ USD cùng với việc lạm phát được kiểm soát, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm đáng kể, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, thị trường tiền tệ ổn định góp phần duy trì môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn.

Đề xuất xây kho xăng dầu 2.000 tỷ tại khu kinh tế Vân Phong

Vào tháng 8 vừa qua, Công ty CP Kho cảng ngoại quan và Thương mại dầu khí Nam Sông Hậu Nha Trang đề xuất thực hiện đầu tư dự án một kho cảng ngoại quan kết hợp nội địa xăng dầu, hàng hóa tổng hợp, có diện tích khoảng 100ha và tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong đó, kho ngoại quan xăng dầu có sức chứa 150.000m3, kho nội địa xăng dầu có sức chứa 80.000m3, kho hàng hóa tổng hợp có công suất 1 triệu tấn/năm, cảng hàng hóa tổng hợp có thể nhận tàu có tải trọng 150.000 tấn cùng hệ thống 4 cầu cảng.

Ngành du lịch đề xuất 5.000 tỉ đồng để kích cầu

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến hoàn thiện tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết triển khai gói kích thích tiêu dùng du lịch và dịch vụ liên quan thông qua hỗ trợ tài chính cho khách du lịch.

Cụ thể, Bộ này đề xuất mỗi khách du lịch được hỗ trợ bằng 10% giá tour du lịch trọn gói, chỉ áp dụng cho chương trình du lịch trọn gói có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên, có ngày khởi hành trước 31.12.  Đối tượng của gói kích thích tiêu dùng là công dân Việt Nam mua chương trình du lịch nội địa trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Việc hỗ trợ được thực hiện qua hình thức ban hành voucher điện tử. Các doanh nghiệp lữ hành áp dụng voucher khi khách du lịch mua chương trình du lịch. Ngân sách trung ương hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành khi quyết toán thuế theo tháng. Gói kích thích du lịch có trị giá 5000 tỉ đồng tương đương 10 triệu voucher giảm giá.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest