Podcast ngày 06.06.2022 – Giá dầu tăng mạnh bất chấp kế hoạch nâng sản lượng mạnh hơn của OPEC+

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Lạm phát Eurozone tăng kỷ lục 8.1% – tạo gánh nặng lên các lệnh trừng phạt của EU với Nga 

– Theo Eurostat, lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên mức cao kỷ lục 8,1% trong tháng 5. Đà tăng của CPI đến từ giá năng lượng (tăng 39.2% trong tháng 5), giá thực phẩm (tăng 7.5%) và giá đồ uống có cồn và thuốc lá (tăng 6.3%). Giá cả tăng mạnh nguyên nhân do cuộc chiến ở Ukraine, khi xuất khẩu bị đứt gãy (nhất là về thực phẩm và năng lượng) và phương Tây gấp rút tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt từ Nga. Trước đó, ngày 30/05, các nhà lãnh đạo EU nhất trí cấm 90% dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022. 

– Chủ tịch ECB cho biết ngân hàng nhiều khả năng sẽ kết thúc lãi suất âm vào cuối quý 3/2022 và nếu nền kinh tế Eurozone bị quá nhiệt vì cú sốc nhu cầu thì Ngân hàng Trung ương có thể nâng lãi suất vượt mức trung lập. 

– Các quan chức phương Tây đang rơi vào thế khó khi đứng trước áp lực trừng phạt Nga khi mà việc này góp phần đẩy lạm phát lên cao, gia tăng nguy cơ suy thoái. Mặc dù Nga bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhưng nhờ nguồn thu từ dầu và khí đốt, Nga có thể ổn định tình hình hơn dự kiến, điều này thể hiện qua việc hạ lãi suất. Còn về phía Eurozone, các quốc gia trong khu vực này cũng sẽ phải dựa vào mức độ ảnh hưởng và rủi ro suy thoái để quyết định có tiếp tục gây sức ép lên các lệnh trừng phát Nga nữa hay không. 

  • Giá dầu tăng mạnh bất chấp kế hoạch nâng sản lượng mạnh hơn của OPEC+ 

– Giá dầu thô tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng với dầu Brent đạt 121,00 USD/thùng, WTI đạt 118,87 USD/thùng. 

– Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5,1 triệu thùng, so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters là chỉ giảm 1,3 triệu thùng.  

– Bên cạnh đó, giá dầu được hỗ trợ sau khi thị trường tiếp nhận thông tin các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong vòng 6 tháng. Đây được coi là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của khối đối với Moscow kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2.  

– Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh quyết định tăng sản lượng 648,000 thùng/ngày trong tháng 7-8/2022 thay vì mức 432,000 thùng/ngày như trước đó. OPEC+ cũng đã lên kế hoạch triệu tập cuộc họp kế tiếp vào ngày 30/6 tới.  

– Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có thể sẽ không mang lại nhiều thay đổi trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ của Nga sụt giảm mạnh trước tác động từ những lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng OPEC+ có thể không hoàn thành mức tăng đã cam kết do nhiều thành viên của tổ chức đã và đang phải vật lộn để nâng cao sản lượng. 

  • Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không siết tín dụng bất động sản 

– Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 5, chiều 4/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh “kiểm soát chặt tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn trong bất động sản, chứ không “siết hay cắt” tín dụng vào các lĩnh vực này”. 

– Cụ thể, các khu vực bất động sản cả đầu tư và kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản xây dựng resort, nghỉ dưỡng… Đây là các lĩnh vực mang tính đầu cơ, lũng đoạn giá nên cần kiểm soát chặt tín dụng rót vào khu vực này. Còn tín dụng vào các phân khúc như xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ… vẫn được khuyến khích rót vốn. Gần đây còn có thêm chương trình hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại cho vay ở phân khúc này. 

– Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, tín dụng “chảy” vào bất động sản vẫn tăng, và điều này là bình thường. Tới giữa tháng 4, dư nợ bất động sản tăng 10,19% so với năm 2021, đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng. Tín dụng bất động sản hiện chiếm gần 19,2% tổng tín dụng nền kinh tế; còn dư nợ lĩnh vực này chiếm khoảng một phần ba dư nợ nền kinh tế. 

– Thị trường bất động sản liên quan mật thiết và có ảnh hưởng qua lại đến các thị trường vốn như thị trường tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, thu hồi vốn đầu tư nước ngoài… Do đó, việc hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản là giải pháp quan trọng nhằm khới thông nguồn vốn giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng là giải pháp thúc đẩy, tăng cường nguồn cung cho thị trường. 

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

  • Tăng trưởng tín dụng tháng 4, tháng 5 chậm lại do room tín dụng còn lại eo hẹp 

– Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 27/5 đạt 7,75% so với cuối năm 2021 (tăng gấp đôi so với cùng kỳ). 

– Tuy nhiên, tốc độ tăng đã có phần chậm lại trong hai tháng trở lại đây khi chỉ mở rộng thêm 1,78 điểm %. 

– Nguyên nhân chính là do mức tăng trưởng tín dụng mạnh đã khiến nhiều ngân hàng lớn gần cạn “room” ngay trong đầu quý II. Cụ thể, Vietcombank đã đạt 8.8% trên 10% được giao ngay cuối tháng 4, MB đạt hơn 14,3% sau ba tháng đầu năm, BIDV, HDB và một loạt ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự 

– Các ngân hàng thương mại đặc biệt là nhóm Big 4 đang rất cấp thiết đề nghị NHNN nới room tín dụng, đặc biệt là nhóm 4 ngân hàng này còn được giao nhiệm vụ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. 

– Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết ngân hàng sẽ tính toán rất thận trọng, phù hợp với các cân đối vĩ mô và chậm nhất trong quý 2/2022 room tín dụng cho các nhà băng sẽ được công bố rộng rãi. Chúng tôi kỳ vọng một số ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn, trong đó cần chú ý đến nhóm ngân hàng làm nhiệm vụ thực thi gói hỗ trợ lãi suất 2% và những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có cơ hội được nới room tín dụng ở mức cao. 

3. KÊNH CỔ PHIẾU

Cổ phiếu tiêu điểm ( DHC, GVR, FRT, PVT ) 

  • Năm 2022, DHC đặt kế hoạch dự kiến giảm 6,5% về 450 tỷ đồng: 

– DHC đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 3.900 tỷ đồng (-6,3% yoy) và LNST là 450 tỷ đồng (-6.4% yoy) .Trong đó, doanh thu Nhà máy Giao Long (PM2) dự kiến 2.720 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu; Nhà máy Giao Long – PM1 đóng góp 690 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng doanh thu; Nhà máy Bao bì đóng góp 390 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu và còn lại 100 tỷ đồng dự kiến từ Công ty TNHH MTV Bao bì Bến Tre. 

– Năm 2021, DHC trình kế hoạch cổ tức 50% (25% bằng tiền và 25% bằng cổ phiếu). Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến từ 30% vốn điều lệ. 

– Quý I/2022, DHC ghi nhận doanh thu đạt 1.032 tỷ đồng (+1.5% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 117,92 tỷ đồng (-31,8% yoy). Nguyên nhân: biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,1% về còn 18,5% do giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh. 

Khuyến nghị: 

– DHC hiện có 2 Nhà máy Bao bì với công suất ~ 110 triệu thùng carton/năm (trong đó nhà máy Bao Bì Bến Tre mới đi vào hoạt đông Q1/2022 với công suất ~ 70 triệu thùng carton/năm). 2 Nhà máy sản xuất giấy bao bì (Giao Long 1 & Giao Long 2, đã hoạt động full công suất) ~ 320,000 tấn giấy/năm (850 tấn/ngày). DHC có kế hoạch tăng công suất sản xuất giấy bao bì ít nhất 120% tại nhà máy giấy Giao Long 3 (với công suất 1.000 tấn/ngày và 220.000 tấn/năm), kỳ vọng sẽ chính thức được vận hành vào năm 2024. 

– Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 500 tỷ (+4% svck). Với mức giá 70k/cổ phiếu hiện tại ~ P/E 2022 là 10 lần – mức hấp dẫn cho NĐT với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt khi Giao Long 3 đi vào hoạt động. Tuy nhiên NĐT cũng cần cân nhắc những rủi ro sau: (1) Áp lực về giá bán khi đối thủ cạnh tranh bổ sung công suất & (2) Chậm trễ xây dựng & hoàn thiện Giao Long 3 (trong quá khứ, Giao Long 2 đi vào hoạt động muộn hơn so với dự kiến). 

Phân tích kỹ thuật 

– DHC trong tuần vẫn giữ được mặt bằng giá vùng trên 70 +/-, khối lượng giao dịch của tuần này lớn hơn so với tuần trước. 

– DHC đang tạo vùng tích lũy với biên độ giá và khối lượng thu hẹp. Tuy nhiên cổ phiếu vẫn đang nằm trong xu hướng giảm dài hạn, nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mua đối với DHC trong thời điểm này. 

– Đối với các nhà đầu tư đang có DHC trong danh mục, nên tận dụng các nhịp hồi để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu này về mức tối thiểu do DHC sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy và phục hồi. 

  • GVR – Công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 6: 

– GVR đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 29.707 tỷ đồng (+4,8% yoy), lãi sau thuế 5.340 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2021. Mức cổ tức cho năm 2022 dự kiến là 5% bằng tiền mặt. 

– Quý 1/2022, doanh thu của GVR không đổi so với cùng kỳ năm trước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng chủ yếu đến từ mảng mủ cao su tự nhiên (+10% YoY) đạt 3 nghìn tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu của GVR trong quý và bù đắp cho doanh thu từ mảng sản phẩm cao su với mức giảm 41% YoY còn 475 tỷ đồng – chiếm 10% tổng doanh thu của GVR trong quý 1/2022.  

– LNST đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (+29% yoy) nhờ khoản thu nhập bồi thường từ KCN VSIP III trị giá 280 tỷ đồng cho việc chuyển đổi đất ghi nhận trong quý so với chỉ 7 tỷ đồng thu nhập bồi thường vào quý 1/2021. 

– Năm 2022, GVR tiếp tục rà soát và cân đối các nguồn thu khác từ hoạt động thoái vốn ngoài ngành như tiếp tục thoái vốn mã cổ phiếu VRG của CTCP Phát triển Đô thị và KCN Cao su Việt Nam, đồng thời bán cổ phiếu thưởng của mã cổ phiếu SIP. Hiện GVR đang nắm giữ 15,5% vốn tại VRG và 1,48% SIP. 

Khuyến nghị: 

– Là doanh nghiệp có quy mô đứng đầu ngành cao su tự nhiên tại VN. Tổng diện tích đất trồng cây cao su của GVR hiện là 402.000 ha. Hiện diện vườn trồng và sản lượng cao su khai thác của GVR chiếm khoảng 30% tổng diện tích và sản lượng cao su khai thác hàng năm của Việt Nam. 

– Triển vọng tương lai đến từ 1) giá cao su thiên nhiên neo ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung giảm và giá dầu thô tăng cao. 2) trở thành nhà phát triển BĐS KCN hàng đầu với mục tiêu nâng diện tích đất KCN quản lý lên tới 26,000 ha trong 15 năm tới  

– GVR hiện đang giao dịch với mức P/E dự phóng 2022 là 19.2 lần (LNST dự báo đạt 5200 tỷ đồng +25% yoy)  

Phân tích kỹ thuật 

– GVR kết phiên Thứ Sáu (03/06) tại mức giá thấp nhất phiên và cũng là ngưỡng hỗ trợ của tuần (quanh 25.0 +/-). 

– GVR là một trong những trụ kéo tích cực cho chỉ số chung trong phiên Thứ Năm, tuy nhiên vào phiên Thứ Sáu cổ phiếu lại gặp áp lực chốt lời, “trả điểm” cho phiên tăng hôm trước. Điều này cho thấy lực cầu đối với GVR vẫn chưa đủ mạnh, và rằng nếu thanh khoản tiếp tục duy trì thấp như hiện tại cổ phiếu sẽ không giải quyết lượng cung tồn đọng một cách nhanh chóng. 

– GVR đang thiết lập vùng tích lũy ngắn hạn quanh 25-26 +/-, tuy nhiên xét trên tương quan tốc độ hồi phục của cổ phiếu này đối với nhóm trụ và các cổ trong VN30 nói chung thì GVR chưa phải là một cổ phiếu khỏe, do đó nhà đầu tư chưa nên  mở mới vị thế đối với cổ phiếu này. 

  • FRT – Chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 55% bằng tiền và cổ phiếu: 

– FRT thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng tiền và cổ phiếu vào ngày 08/06/2022. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 07/06/2022. 

– FRT sẽ chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cp. Thời gian chi trả vào ngày 22/06/2022 

– FRT dự kiến phát hành gần 39.5 triệu cp để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2021. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của FPT Retail sẽ tăng từ 790 tỷ đồng lên gần 1,185 tỷ đồng. 

– Kế hoạch năm 2022, FRT đặt mục tiêu doanh thu đạt 27 nghìn tỷ đồng (+20% yoy); lợi nhuận trước thuế đạt 720 tỷ đồng (+30%yoy).  

– Về tình hình kết quả kinh doanh quý I/2022, doanh thu của FRT đạt gần 7,813 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt gần 165 tỷ đồng, gấp 5.3 lần cùng kỳ. Ngoài ra, công ty con Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt, gấp 3.7 lần cùng kỳ, do nhu cầu dược phẩm tăng cao và có thêm 324 cửa hàng mới phát sinh doanh thu so với cùng kỳ 

Khuyến nghị: 

– Năm 2022, điểm nhấn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm: (1) Chuỗi Long Châu dự kiến tiếp tục mở mới gấp đôi số cửa hàng so với 2021; (2) Độc quyền sản phẩm công nghệ và gia dụng của Xiaomi; (3) Nhu cầu sử dụng đồ công nghệ trẻ hóa dẫn tới sức cầu vẫn cao sau dịch Covid.  

– Dự báo doanh thu của FRT trong năm 2022 đạt 32,200 tỉ đồng (+31% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỉ đồng (+17% yoy) tương đương EPS năm 2022 đạt 6,600 VNĐ/CP. Tại giá đóng cửa ngày 03/06, FRT đang được giao dịch ở mức P/E fw2022 là 20.6 lần. 

Phân tích kỹ thuật 

– FRT đã có tuần giao dịch tương đối tích cực, phiên Thứ Sáu (03/06) cổ phiếu gặp áp lực bán tuy nhiên về cuối phiên đã có lực cầu vào nâng đỡ. 

– FRT đã lấy lại được xu hướng tăng trong dài hạn. Sắp tới cổ phiếu sẽ cần xử lý đoạn gap và lượng cung được tạo ra từ cú rơi hồi đầu tháng 5, tuy nhiên dựa vào quan sát lịch sử vận động chúng tôi nhận thấy FRT là một cổ phiếu khỏe so với đa số cổ phiếu trên toàn thị trường.  

– Nhà đầu tư ưu tiên vị thế nắm giữ và hành động dựa vào diễn biến của cổ phiếu khi tiến về vùng kháng cự mạnh quanh 145.0 +/-. 

  • PVT – Công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 6: 

– PVT đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 6,5 nghìn tỷ đồng (-11,8% yoy) và lợi nhuận ròng 480 tỷ đồng (-42,7% yoy). 

– PVT công bố Báo cáo tài chính quý 1/2022, với doanh thu đạt 2.022 tỷ đồng (+18% yoy); lợi nhuận sau thuế 194 tỷ đồng (+12% yoy) nhờ 1) đóng góp từ các tàu chở dầu mới mua trong 6 tháng cuối năm 2021 và 2) nhu cầu vận tải phục hồi. 

– Về việc mở rộng công suất, PVT đặt mục tiêu mua 6 tàu chở dầu mới vào năm 2022 với kế hoạch đầu tư là 3,3 nghìn tỷ đồng. PVT thường đặt kế hoạch đầu tư vốn đầy tham vọng vào đầu năm để được cổ đông thông qua trước; do đó, công ty có thể thực hiện kế hoạch khi điều kiện thị trường thuận lợi. Quý 1/2021, PVT đã đầu tư vào 2 tàu chở hóa chất mới với vốn đầu tư 361 tỷ đồng. 

– Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu 10% cho năm 2021 để tăng vốn điều lệ chứ không chia cổ tức bằng tiền mặt như các năm trước. 

Khuyến nghị: 

– PVT có vị thế là doanh nghiệp vận tải dầu và khí lớn nhất Việt Nam: 100% thị phần vận chuyển dầu thô, khoảng 30% thị phần dầu sản phẩm và 100% thị phần LPG thị trường nội địa. PVTrans sở hữu đội tàu hiện đại gồm 36 chiếc với tổng trọng tải hơn 1 triệu tấn DWT. 

– Dự báo PVT sẽ nhận thêm 6 tàu trong năm 2022 và công suất đội tàu của PVT sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 năm tới theo kế hoạch hiện tại. Ngoài ra, PVT đang chuẩn bị vận chuyển LNG cho PVGas kể từ năm 2023. 

– Năm 2022, dự báo LNST công ty mẹ đạt 814 tỉ đồng (+23.3% yoy) tương đương EPS 2022 đạt 2,500 VNĐ/CP. Tại giá đóng cửa ngày 03/06, PVT đang được giao dịch tại mức PE fw 2022 là 8.6 lần. 

Phân tích kỹ thuật: 

– PVT đã diễn biến phục hồi tích cực trong 2 tuần qua, đồng thuận với các cổ phiếu khác trong nhóm Vận tải biển. 

– PVT hiện tại đã hình thành xu hướng tăng trong ngắn hạn và cổ phiếu đang tiến tới chinh phục vùng kháng cự mạnh quanh 21.9 – 22.5 +/-. Nhà đầu tư có thể tiến hành giải ngân trong vùng giá này.  

– Lưu ý quan sát diễn biến của PVT khi tiến về vùng kháng cự mạnh quanh 25.0 +/-, do đây là vùng quyết định liệu cổ phiếu có lấy lại được xu hướng tăng trong trung-dài hạn.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán:

  • Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng

– Giá vàng: Vàng giảm giá trong 2 phiên cuối tuần về mức 1.850,5 USD/t.oz, là tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi chỉ số Dollar cho thấy mức tăng theo tuần đầu tiên trong 3 tuần lên trên 102 điểm. Thị trường hiện đang định giá hai đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 6 và tháng 7. Trong khi đó, hai quan chức đã phát tín hiệu hôm thứ Năm rằng FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. 

– Giá thép: Giá thép giảm 6,9% trong tuần vừa rồi, về mức 4465 NDT/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Tuy nhiên mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức 9,9% của tuần trước. Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra loạt biện pháp nhằm thúc đẩy xây dựng và sản xuất, qua đó phục hồi nền kinh tế. 

– Giá khí đốt tự nhiên của EU tiếp tục giảm về mức 84,5 EUR/MWh, vùng thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây khi chưa có them mối đe dọa về nguồn cung từ Nga và tồn kho đã tăng lên khi các khách hàng lớn ở châu Âu mở tài khoản bằng đồng Ruble để tuân thủ điều kiện thanh toán của Điện Kremlin. 

– Chỉ số BDI giảm 1,8% trong tuần này về 2.633 điểm. Tuy nhiên, trong tuần chỉ số đã tăng 67 điểm kể từ Thứ Hai, chấm dứt chuỗi giảm sáu phiên liên tiếp. Chỉ số được nâng đỡ bởi nhu cầu dành cho phân khúc tàu lớn – chỉ số capesize theo dõi quặng sắt và than vận tải 150.000 tấn đã tăng 9,7% lên 2.927 điểm. 

– CPI tháng 5/2022 tăng 2,86% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 12 tháng, so với mức 2,64% của tháng trước. Tính theo tháng, CPI đã tăng 0,38% trong tháng 5, tăng nhanh so với mức tăng 0,18% trong tháng trước. 

– Tỷ giá trung tâm liên tục giảm trong 2 tuần qua, ghi nhận mức 23.069 VND kết phiên ngày Thứ Sáu (03/06), trong khi tỷ giá hối đoái tại các NHTM có xu hướng tăng. 

– Lãi suất liên ngân hàng qua đêm, kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng ghi nhận lần lượt 0,45%, 3,79% và 4,15%/năm vào ngày 02/06/2022. 

– Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng giảm so với hồi tháng 5, tuy nhiên vẫn đang tương đối dồi dào. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest