Podcast ngày 05.01.2021 – OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2021

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2021

Cuộc họp giữa các bộ trưởng OPEC và đồng minh, tức OPEC+, diễn ra ngày 4/1, sau khi thị trường dầu vừa trải qua một năm chật vật vì Covid-19. Dù giá dầu phục hồi phần nào khi tiến về cuối năm 2020, 13 nước thành viên OPEC, dẫn đầu bởi Arab Saudi, và 10 đồng minh, do Nga dẫn đầu, vẫn đang tổn thương vì thị trường biến động mạnh. Nga và Arab Saudi lần lượt là quốc gia sản xuất dầu nhiều thứ hai và thứ ba thế giới, sau Mỹ.

Sau cuộc họp trực tuyến gần nhất, từ 30/11 đến 3/12, OPEC+ quyết định tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ đầu tháng 1. Sự điều chỉnh trên có nghĩa OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày – tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày trước đó.

Cũng tại cuộc họp, OPEC+ nhất trí sẽ họp hàng tháng để điều chỉnh sản lượng cho tháng kế tiếp. Sự nhất trí đó “mở đường cho 2 triệu thùng/ngày dần quay lại thị trường trong những tháng tới”, Mohammed Barkindo, tổng thư ký OPEC nói

Barkindo cho biết OPEC ước tính lực cầu tăng 5,9 triệu thùng/ngày lên 95,9 triệu thùng/ngày trong năm nay nhưng cũng nhận thấy nhiều rủi ro giảm trong nửa đầu năm 2021.

Các đại gia Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ

Hãng khai thác dầu ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc CNOOC có thể gặp rủi ro lớn nhất, do họ đã nằm trong danh sách của Lầu Năm Góc về các công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, theo nhà phân tích Henik Fung của Bloomberg Intelligence. PetroChina và China Petroleum & Chemical Corp (Sinopec) cũng có thể gặp nguy hiểm do lĩnh vực năng lượng rất quan trọng với quân đội Trung Quốc.

NYSE cuối tuần trước cho biết sẽ hủy niêm yết các hãng viễn thông Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong để tuân thủ sắc lệnh của Mỹ về việc hạn chế các công ty được cho là có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Các mã này sẽ bị ngừng giao dịch từ 7-11/1 để chuẩn bị hủy niêm yết.

Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc hôm 3/1 cho biết do số cổ phiếu phát hành tại Mỹ ít, tác động của việc này lên các hãng viễn thông bị hủy hiêm yết sẽ hạn chế. Các công ty này cũng có vị thế tốt để giải quyết ảnh hưởng sau đó.

2. Vĩ mô Việt Nam

VN Diamond tăng trưởng gần 70% năm 2020, cao nhất các quỹ đầu tư tại Việt Nam

Thị trường chứng khoán năm 2020 chứng kiến nhiều biến động khi giảm sâu trong tháng 3-4 nhưng hồi phục mạnh về cuối năm. VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng ở mức hơn 1.100 điểm, tăng gần 15% trong năm.

Ngành quản lý quỹ trong giai đoạn thị trường lao dốc cũng gặp không ít áp lực. Giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ diễn biến tiêu cực, quy mô hoạt động bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí trong 9 tháng đầu năm, hàng loạt tên tuổi lớn như VNM ETF, Vietnam Holding, VEIL-Dragon Capital… vẫn có hiệu suất âm. Tuy nhiên sự khởi sắc của thị trường về cuối năm đã giúp hàng loạt quỹ đầu tư thắng lợi trong 2020. Mức tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ nhiều đơn vị ở mức 2 con số, đặc biệt là hiệu quả cao của các quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) nội.

Loại hình quỹ ETF phát triển vượt bậc trong năm 2020 với nhiều đơn vị ra đời như VFMVN Diamond, SSIAM VNFIN Lead, VinaCapital VN100, MAFM VN30, SSIAM VN30 ETF. Dù ra đời muộn và quy mô còn nhỏ nhưng hoạt động của các quỹ ETF nội đang cho thấy hiệu quả cao. Được thành lập vào tháng 4/2020, VFMVN Diamond ETF là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong năm qua khi tăng trưởng NAV/ccq lên đến 69,7%. Quy mô hoạt động liên tục được mở rộng đạt trên 5.280 tỷ đồng, tức gấp gần 52 lần kể từ khi thành lập đến nay. VN Diamond được vận hành bởi Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), mô phỏng theo chỉ số Vietnam Diamond Index dành cho các cổ phiếu hết room ngoại. Do vậy, quỹ này được nhiều tổ chức nước ngoài khác quan tâm lớn như PYN Elite Fund hay CTBC Vietnam Equity Fund. Quỹ hút ròng thêm 180 triệu USD trong năm qua và hiện có 311,1 triệu chứng chỉ quỹ đang lưu hành.

Việt Nam đã ký hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin Covid-19 từ Anh

Sáng 4/1, tại cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Y tế, Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đang đàm phán với 4 nước là Anh (vaccine AstraZeneca), Mỹ (Công ty Pfizer), Nga (Sputnik) và Trung Quốc để mua vaccine.

Theo ông Cường, đến thời điểm gần nhất, kết quả đạt được là chúng ta đã ký với công ty sản xuất vaccine của Anh về việc sẽ đảm bảo tiêm vaccine cho 15 triệu dân với khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý I, II, III, IV đều có vaccine. Đồng thời, với công ty Pfizer của Mỹ cũng tương tự sẽ giao theo lộ trình và lô cuối cùng của hợp đồng là quý IV/2021. Đối với vaccine của Nga, ông Cường cho hay, hiện đã đàm phán để có thể sản xuất theo chuyển giao công nghệ từ Nga tại một công ty trực thuộc Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, trong đàm phán còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài cung cấp thì giá vaccine cũng chênh nhau không nhiều và phụ thuộc điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng. Về công tác thử lâm sàng, theo ông Cường, hiện nay các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ. Cụ thể, thấp nhất có loại đạt 65%, cao nhất 94,5% và trung bình 80 – 90%.

Ngoài vaccine thương mại, Liên minh vaccine toàn cầu sẽ mua vaccine của một số nhà sản xuất để cung cấp cho khoảng 90 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Các nước sẽ được cấp số lượng vaccine cho khoảng 16% dân số, với mức giá rẻ nhất có thể. Tuy nhiên, hiện năng lực sản xuất của các nước sản xuất vaccine chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong quý I/2021, Việt Nam mới có đủ thông tin để lên kế hoạch cụ thể hơn về mua vaccine ứng phó đại dịch COVID-19.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm 84% GDP

VN-Index tăng gần 15% so với đầu năm và cao hơn 67% so với thời điểm thấp nhất. Thanh khoản thị trường đạt bình quân gần 7.400 tỷ đồng/phiên, trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 2 lần so với bình quân năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.

Bên cạnh cổ phiếu, các thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Thị trường trái phiếu Chính phủ đã huy động được 333.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tăng 64% so với năm 2019 với thời hạn bình quân 13,94 năm (so với năm 2019 là 13,44 năm). Lãi suất huy động giảm từ 4,51%/năm xuống còn 2,83%/năm trong năm 2020.

Người đứng đầu Bộ Tài chính ông Đinh Tiến Dũng cũng đề cập tổng huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Theo thống kê chưa đầy đủ, 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest