Podcast ngày 04.04.2022 – Kinh tế, xã hội quý 1 năm 2022 khởi sắc qua những con số

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/04/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm
Theo kết quả khảo sát, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin đã giảm xuống 48,1 trong tháng 3 vừa qua, dưới ngưỡng 50 – ranh giới phân định tăng trưởng và suy giảm.
Cuộc khảo sát của Caixin, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy cả đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.
Dịch COVID-19 bùng phát ở một số khu vực trên khắp Trung Quốc, phá vỡ chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Nhu cầu thị trường suy yếu, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Omicron đang khiến Trung Quốc mở rộng việc áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh của tháng 10/2021. Nếu Bắc Kinh duy trì quan điểm cứng rắn trong việc kiểm soát làn sóng lây nhiễm thì xu hướng này sẽ tiếp tục. Điều đó sẽ làm tăng thêm sự chậm trễ trong vận chuyển, vấn đề tìm nguồn cung ứng và chi phí cho các doanh nghiệp từ Mỹ đến châu Âu. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp nhiều thách thức.

• OPEC+ sẽ tăng thêm 32,000 thùng dầu thô mỗi ngày từ tháng 5
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 31/3 quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô, bất chấp sức ép của phương Tây trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang làm rối loạn thị trường dầu mỏ. Theo đó, OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, cao hơn mục tiêu 400.000 thùng/ngày hiện nay.
Trong giai đoạn từ tháng 12/2021-1/2022, các thành viên OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch Covid-19.
Việc OPEC+ tăng sản lượng dầu thô ra thị trường sẽ góp phần hạ nhiệt giá dầu sau khi vượt mốc 115 USD/thùng, qua đó giảm áp lực lạm phát năng lượng nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện tại.

• Kinh tế, xã hội quý 1 năm 2022 khởi sắc qua những con số
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.
CPI tính chung quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, Chủ yếu là giá xăng, dầu trong nước tăng hơn gần 49% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm; giá gas tăng hơn 21%, làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà như xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên liệu đầu vào cũng là nguyên nhân khác đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến 20/3 đạt 8,91 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm. Lý giải cho việc giảm này là do cùng kỳ năm ngoái Việt Nam ghi nhận việc đăng ký đầu tư cấp mới của 2 dự án (Ô Môn I, II với tổng giá trị hơn 4,41 tỷ USD) lớn hơn so với quý I năm nay. Nếu loại trừ đi yếu tố đột biến là 2 dự án này, tổng vốn FDI cấp mới quý I/2022 vẫn tăng hơn 14%, cho thấy xu hướng phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và khu vực FDI nói riêng.
Kinh tế – xã hội quý 1/2022 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Cho thấy xu hướng phục hồi tích cực hơn của nền kinh tế, sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Tín dụng quý 1/2022 tăng trưởng trở lại 4,03%
Tính đến hết ngày 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%, cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2018 – 2021. Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 2,5% so với cuối năm 2021, cùng thời điểm năm trước tăng 1,49%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15%, cùng kỳ năm trước tăng 0,54%.
Theo tổng cục thống kê trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Từ đó, giúp tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trở lại.
Năm 2022, dự báo tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế đạt 14%, cao hơn so với mức 13.53% ở năm 2021. Với kết quả đạt được trong Q1/2022 cho thấy kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 của ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn khả thi. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều tiết dòng tín dụng đi theo đúng mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế, thắt chặt dòng tín dụng chảy vào các kênh đầu cơ.

• Lạm phát Việt Nam tăng lên mức 2,41% vào tháng 3 liệu có đe dọa đến mục tiêu 4% năm 2022
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng là 2,41% vào tháng 3 năm 2022 – từ mức 1,42% trong tháng 2. Bện cạnh đó, lạm phát cơ bản hàng năm, không bao gồm các mặt hàng dễ bay hơi, đã tăng lên mức cao nhất trong chín tháng là 1,09% trong tháng 3 từ mức 0,68% trong tháng 2.
Nguyên nhân chủ yếu là do đà tăng của giá xăng và giá khí đốt. Bên cạnh đó, giá nhà ở và vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, giày dép và mũ tăng nhanh hơn. Giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống cũng tăng trở lại (ở mức 1% so với -0,2% ở tháng 2).
Giá xăng, dầu thế giới tăng tác động trực tiếp đến giá xăng, dầu trong nước vì Việt Nam nhập siêu sản phẩm này khoảng 7,5 tỷ USD trong năm 2021 và năm nay có thể cao hơn, dự kiến 9 – 10 tỷ USD, do ảnh hưởng nguồn cung ở nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn
Mặc dù giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao (khoảng 120$/thùng), tuy nhiên theo tính toán, giá xăng dầu tăng 30%, lạm phát sẽ tăng 0,83% – 1%. Vì vậy, chúng tôi dự báo lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 vẫn được kiểm soát dưới con số 4% trong trường hợp không có những biến động lớn về chính trị xảy ra.

3. Kênh cổ phiếu

• Cổ phiếu tiêu điểm (FLC, TPB, VCS, FPT, HHV)
– FLC – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam:
Tối ngày 29/03, Bộ Công An thông tin về quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Ông Đặng Tất Thắng (hiện là phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Bamboo Airways) sẽ làm chủ tịch FLC và Bamboo Airways từ ngày 31/3/2022 cho đến khi có quyết định mới của ĐHĐCĐ và HĐQT.
Chủ tịch HĐQT bị tạm giam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Tập đoàn FLC, trước mắt là đại hội đồng cổ đồng 2022 có thể không được diễn ra như dự kiến. Việc niêm yết cổ phiếu Bamboo Airway (BAV) được lên kế hoạch trong quý I/2022 cũng bị ảnh hưởng.
FLC là doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn rất nhanh trên TTCK Việt Nam. Với hoạt động phát hành tăng vốn liên tục từ năm 2014 đến nay đã đem lại một lượng vốn lớn cho FLC tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn thấp (ROE 2021~ 0,7%; ROA 2021~ 0,24%).
Tập đoàn đang đầu tư dàn trải ở nhiều lĩnh vực. Trong đó các hoạt động cốt lõi như du lịch – hàng không, các dịch vụ thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch covid-19. Tình hình tài chính bấp bênh: Nợ phải trả tăng mạnh từ 2015 là 3.583 tỷ đến 2021 là 24.064 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tương ứng giảm từ 900 tỷ năm 2015 về 84 tỷ năm 2021.
Chúng tôi đánh giá FLC ở mức Rủi ro.
– TPB lên kế hoạch lãi trước thuế 8.200 tỷ đồng, tăng trưởng 36%:
Năm 2022, TPBank lên kế hoạch tổng tài sản đạt 350 nghìn tỷ(+20 yoy). Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đạt 188.800 (+17% yoy) tỷ đồng, tuy nhiên kế hoạch này cần sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì ở mức không quá 1,5%, tỷ lệ an toàn vốn trên 12%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng trong năm 2022 (+36%yoy).
Lợi nhuận năm 2021 đạt 4.830 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, TPB vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ: (1) mạng lưới Live Bank tiếp tục hỗ trợ việc mở rộng tập khách hàng và các dịch vụ thu phí; (2) chất lượng tài sản nâng cao, sẵn sàng cho các giai đoạn biến động. Tỷ lệ nợ xấu năm 2021 của TPB giảm từ 1,8% (2020) xuống mức 0,8% (2021). Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 92,2% (2020) lên mức 152,6% (2021); (3) còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tín dụng (CAR cuối 2021 ~13,39%).
– VCS – Nghị quyết ĐHĐCĐTN 2022:
Thông qua kế hoạch doanh thu 2022 đặt 1.900 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% so với 2021. LNTT đạt 500 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Sản lượng xếp dỡ cảng biển là 1,1 triệu TEU, tăng 1,6% so với 2021.
Dự kiến cảng VIMC sẽ được đưa vào hoạt động từ quý II và chậm nhất là quý III năm 2022
ĐHCĐ chính thức thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm 2021 theo hình thức 5% tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Mức dự kiến 2022 là 20% nhưng chưa có phương án cụ thể.
VSC trong năm tới không đạt mục tiêu quá cao, lợi nhuận và sản lượng cảng chỉ đặt mục tiêu tăng nhẹ.
Động lực tăng trưởng chính trong năm tới đến từ việc tối ưu hóa các dự án hiện tại, các yếu tố phục hồi sau đại dịch.
Mảng vận tải đường bộ của VSC được đánh giá là sẽ gặp khó khăn hơn khi giá dầu Dielsen đã tăng 10% hồi đầu tháng 3, và sẽ ở mức cao trong năm nay. Mặc dù các doanh nghiệp vận tải đã đề xuất tăng giá cước vận tải từ 10-30% trong thời gian tới, tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước vận tải biến động theo giá dầu là không hề đơn giản.
Kỳ vọng LNST 2022 đạt 420 tỷ (+20% yoy), VSC đang được giao dịch ở mức P/Efw 22 là 12,1 lần là mức hợp lý khi ROE trung bình 3 năm đạt 12,17%.
– FPT – 2T2022: LNTT tăng 30% yoy nhờ 2 mảng chính (công nghệ và viễn thông):
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong 02 tháng đầu năm đạt 6,102 tỷ đồng và 1,102 tỷ đồng – tăng 27% và 30% so với cùng kỳ, hoàn thành 105% kế hoạch đặt ra.
Mảng công nghệ LNTT tăng 56% so với cùng kỳ và mảng viễn thông tăng 21% so với cùng kỳ.
Về mảng công nghệ, cả dịch vụ CNTT nước ngoài và trong nước đều đạt mức tăng trưởng LNTT lần lượt là 52% và 88% so với cùng kỳ.
FPT là cổ phiếu giá trị đáng để đầu tư dài hạn nhờ vào các lợi thế cạnh tranh bền vững như: 1) Công ty công nghệ số 1 tại VN, 2) Có lợi thế cạnh tranh về mặt con người, chi phí thấp và chuỗi đào tạo khép kín và 3) Chuyển đổi số và các sản phẩm made by FPT giúp tăng trưởng biên lợi nhuận.
Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 6950 tỷ (+30% svck). Với mức giá 111.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, FPT hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 14,2x. Đây là mức hấp dẫn với cổ phiếu đầu ngành và còn tiềm năng tăng trưởng như FPT.
– Đèo cả (HHV) vừa công bố giải trình lợi nhuận năm 2021 tăng 463% nhờ làm cao tốc Băc – Nam:
Kết thúc năm tài chính 2021, doanh thu riêng của Công ty mẹ HHV đạt 981 tỷ đồng, tăng 80,13% doanh thu năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 229,9 tỷ đồng (+463,27%yoy).
Tại báo cáo tài chính hợp nhất 2021, HHV ghi nhận 1.861 tỷ đồng doanh thu và 290,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 54,94% yoy và 65,55% yoy.
Doanh thu tăng trưởng do đẩy mạnh hoạt động thi công xây lắp thông qua việc ký kết và thực hiện các gói thầu của dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo…
Năm 2022, HHV đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất 2.515 tỷ đồng và 396 tỷ đồng, tăng lần lượt 35,1% và 36,3% so với kết quả năm 2021.
Doanh nghiệp cũng đang xin phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 để nâng vốn điều lệ từ 2.673 tỷ đồng lên 5.346 tỷ đồng. Thời gian tăng vốn dự kiến là quý II và III/2022.
Triển vọng năm 2022 của doanh nghiệp rất khả quan do:
Trong giai đoạn tới, HHV vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công của Chính Phủ cùng với năng lực thi công tốt đã được chứng minh bởi các dự án trong quá khứ
Hoạt động quản lý các trạm thu phí sẽ mang lại nguồn doanh thu, lợi nhuận lớn và ổn định: 80% doanh thu hiện tại của HHV đến từ hoạt động thu phí và vận hành các trạm BOT đặc điểm là lợi nhuận thấp trong thời gian đầu và cải thiện dần và tăng mạnh từ khoảng năm 2030, khi phần lớn các dự án hiện tại đã đạt đến điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi.
Các dự án trong tương lai tạo cơ hội tăng trưởng cho HHV:
(1) 2 dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tổng mức đầu tư 11.240 tỷ đồng đang trong giai đoạn triển khai thực hiện
(2) Dự án Tân Phú – Bảo Lộc, tổng mức đầu tư 16.408 tỷ đồng đang trong quá trình phê duyệt.
(3) Dự án Hữu Nghị – Chi Lăng, tổng mức đầu tư 7.609 tỷ đồng đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi

4. Kênh tài sản khác

• Giá Bitcoin tăng mạnh, vượt 47.000 USD
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tiếp tục tăng giá mạnh. Lúc 9h ngày 28/3, Bitcoin được giao dịch ở mức 46.824 USD và được duy trì ổn định đến hiện nay. Đây là mức cao nhất của Bitcoin kể từ đầu tháng 1. Đà tăng của Bitcoin đã kéo nhiều đồng tiền mã hóa khác tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin rơi vào suy thoái, có thời điểm chạm đáy 33.000 USD. Giá Bitcoin đã nhiều lần tăng lên nhưng đều quay đầu giảm ở vùng quay mức gần 45.000 USD.
Việc vượt qua mức cản 45.000 USD được đánh giá là tín hiệu khởi sắc của Bitcoin. Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin đã tăng gần 14%.
Trên thực tế, Bitcoin đã gặp phải thách thức lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác rút lại các biện pháp kích cầu được triển khai sau khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Việc chính sách tiền tệ bắt đầu thắt lại đồng nghĩa dòng tiền chảy vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn, trong đó có tiền ảo, suy giảm.
Giá Bitcoin vọt tăng vọt nhờ thông tin Nga có thể cân nhắc chấp nhận thanh toán dầu khí bằng đồng tiền ảo này. Đáng chú ý, đợt tăng giá này của Bitcoin diễn ra đồng thời với sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ. Điều này một lần nữa cho thấy Bitcoin ngày càng có tương quan tỷ lệ thuận với các tài sản rủi ro, thay vì được coi là một “hầm trú ẩn” như từng được ví là một loại “vàng kỹ thuật số”.

• Cơ hội nào cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam ở thị trường Anh?
Theo VASEP, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 44 triệu USD (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó riêng mặt hàng tôm chiếm 76% với 33,5 triệu USD, tăng 55%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu tôm chân trắng sang Anh tăng vọt với 30,4 triệu USD, tăng 54%; xuất khẩu cá tra đạt 7,2 triệu USD, tăng nhẹ 4%.
Hiệp hội VASEP cho rằng, đây là thành tích khá ấn tượng sau khi xuất khẩu thủy sản sang Anh năm 2021 giảm mạnh. Dự báo những tháng tới, xuất khẩu thủy sản sang Anh vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2 con số.
Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ cuối năm 2020 với những ưu đãi về thuế quan cũng đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam so với các đối thủ khác. Theo VASEP, hiện nay do xung đột giữa Nga và Ukraine, hệ thống bán lẻ tại Anh có động thái hạn chế sản phẩm thủy sản từ Nga. Đây có thể đây là cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam, bởi Việt Nam là nước cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 6 tại Anh, chiếm 6% thị phần trong năm 2021.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest