Podcast ngày 02.07.2020 – Làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể nhấn chìm kinh tế Mỹ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể nhấn chìm kinh tế Mỹ

1. Vĩ mô thế giới

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cải thiện tốt hơn kỳ vọng trong tháng 6 sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phòng Covid-19

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc trong tháng 6 là 51,2, tăng so với con số 50,7 trong tháng 5. PMI trên 50 cho thấy lĩnh vực sản xuất đang mở rộng và ngược lại. Các nhà phân tích được Reuters thăm dò đưa ra dự báo 50,5.

Kinh tế Trung Quốc đang dần dần phục hồi sau khi giảm 6,8% trong quý I. Phần lớn các khu vực tại nước này đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn Covid-19 lây lan.

Làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể nhấn chìm kinh tế Mỹ

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bày tỏ lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Trong buổi điều trần trước Quốc hội hôm qua (30/6), ông cho rằng đà hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị đảo ngược nếu như Mỹ thất bại trong việc kiểm soát dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp và cung cấp các công cụ hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo thị trường tài chính hoạt động trơn tru.

“Khi nền kinh tế tái mở cửa – hãy nhớ rằng chúng ta đã chủ ý đóng cửa nền kinh tế, đà tăng trưởng có thể rất mạnh và tràn đầy sinh lực, và giờ chúng ta mới chỉ đang ở điểm khởi đầu”, Powell nói. Ông cũng cho rằng báo cáo việc làm tháng 5 đầy bất ngờ chính là kết quả của những chính sách hợp lý của Fed.

Airbus cắt giảm gần 15.000 việc làm trên toàn cầu

Tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới của châu Âu Airbus ngày 30/06 ra thông báo sẽ cắt giảm gần 15.000 việc làm trên toàn cầu, trong đó đa số là tại Pháp và Đức, do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Do tác động của đại dịch Covid-19, ngay từ tháng 4/2020, tập đoàn Airbus đã phải giảm 1/3 năng lực sản xuất do nhiều đơn hàng máy bay thương mại bị huỷ hoặc bị trì hoãn. Mảng hàng không thương mại của Airbus chịu tác động lớn nhất, trong khi mảng sản xuất trực thăng cũng như quốc phòng và không gian ít bị ảnh hưởng hơn.

Kinh tế châu Á cần vài năm để phục hồi hậu Covid-19

Changyong Rhee, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF cho biết rằng, khu vực châu Á vẫn ở trong tình trạng tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Điều IMF lo lắng về châu Á là liệu có thực sự hồi phục từ năm 2020 hay không. Ông giải thích rằng, các quốc gia trong khu vực có sự phụ thuộc nặng nề vào thương mại, du lịch và kiều hối, đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

“Ngay cả khi chúng tôi phát triển các giải pháp y tế mới, việc phục hồi các ngành liên quan tới thương mại, du lịch, kiều hối sẽ vẫn chậm. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự phục hồi của châu Á sẽ bị kéo dài”, Rhee cho biết.

“Nếu có một làn sóng lây nhiễm thứ 2 trong khu vực, nhiều chính phủ sẽ không còn nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế của họ như họ đã từng làm trong đợt lây nhiễm đầu tiên”, Rhee cho biết thêm.

“Điều đó đặc biệt đúng với các nền kinh tế mới nổi của khu vực, nơi có các giới hạn ngân sách nhất định. Vì vậy, tôi tự hỏi, nếu làn sóng thứ 2 xảy ra, liệu các chính phủ châu Á có thể sử dụng kích thích tương tự như trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên hay không. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng hơn”, Rhee cho biết.

2. Vĩ mô trong nước

Số liệu sản xuất phục hồi trong tháng 6

IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 của Việt Nam tăng 8,4 điểm so với tháng trước, đạt 51,1 điểm. Số lượng đơn đặt hàng mới lần đầu tiên tăng kể từ đầu năm đến nay và tăng mạnh, nhanh nhất trong vòng một năm trở lại đây. Trong đó, hàng hóa tiêu dùng và trung gian đều ghi nhận tăng mạnh hơn cả. Trong khi đó, hàng hóa đầu tư cơ bản lại ghi nhận số lượng đơn hàng mới giảm.

Tăng trưởng cao phải đi kèm với kiểm soát lạm phát

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, nêu 4 lĩnh vực Chính phủ sẽ giải quyết thời gian tới. Đó là phải có tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, chống thất nghiệp; kiểm soát lạm phát dưới 4% và bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế.

Thủ tướng cũng lưu ý, “tăng trưởng mà để lạm phát cao là thất bại”. Vì thế, ông yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo đưa ra giải pháp điều hành 2 quý cuối năm để giữ ổn định giá cả, tránh gây áp lực lên lạm phát.

3. Thị trường tài chính

Thừa vốn nhưng khó cho vay thêm, ngân hàng tăng mua trái phiếu Chính phủ

Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính từ đầu năm đến ngày 16/6/2020 mới đạt 2,13%.

Các ngân hàng thương mại thường tăng tốc giải ngân tín dụng vào nửa cuối tháng 6 nên chỉ tiêu tăng trưởng bán niên có thể cải thiện, nhưng vẫn sẽ cách rất xa mức tăng trưởng 7,36% của nửa đầu năm 2019.

Nhu cầu đáp ứng các chỉ tiêu thanh khoản thời điểm cuối quý có thể khiến lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng trong tuần này, nhưng sẽ vẫn ở vùng thấp do nguồn cung trên thị trường liên ngân hàng rất dồi dào.

Thừa vốn mà khó cho vay, nên các ngân hàng đổ xô vào trái phiếu chính phủ. Cụ thể, tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 8.846 tỷ đồng trái phiếu ở cả 4 kỳ hạn gọi thầu là 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Ðây là phiên phát hành nhiều nhất kể từ đầu năm đến nay, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu là 93,3% – mức cao nhất trong 3 tháng qua.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest