Podcast ngày 02.03.2022 – Hoa Sen tách mảng bán lẻ và nhựa để lên lộ trình niêm yết HoSE

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 02/03/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Hoa Sen tách mảng bán lẻ và nhựa để lên lộ trình niêm yết HoSE

1. Thông tin vĩ mô

• Xung đột Nga – Ukraine có thể khiến FED tăng lãi suất nhanh hơn
– Nhiều quan chức FED cho biết họ muốn bắt đầu tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3 thêm 0,25% – bằng quy mô của tất cả các lần tăng lãi suất của FED kể từ lần tăng 0,5 điểm phần trăm cuối cùng vào năm 2000.
– Fed sẽ dựa vào báo cáo tình hình việc làm tháng 2 cho tới thứ Sáu tuần này và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 vào ngày 10/3 để đánh giá tốc độ tăng lãi suất. Hiện tại, mới chỉ có 2 quan chức FED công khai kêu gọi tăng lãi suất thêm 0,5%. Nếu các báo cáo về lạm phát và tình hình việc làm trước cuộc họp tiếp theo của họ chỉ ra nền kinh tế vẫn đang hoạt động cực kỳ sôi động, Fed hoàn toàn có thể cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 3, thống đốc FED Christopher Waller cho biết vào tuần trước.
– Tại cuộc họp tháng 3, các quan chức FED cũng có thể cố gắng hoàn thiện kế hoạch thu hẹp danh mục tài sản trị giá 9 nghìn tỷ USD của ngân hàng trung ương, với dự kiếñ bắt đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6.
– Trong các cú sốc địa chính trị, FED thường tránh thực hiện các bước làm gia tăng sự không chắc chắn. Cuộc khủng hoảng từ chiến tranh Nga – Ukraine sẽ gây phức tạp kế hoạch tăng lãi suất của Fed khi rủi ro biến động giá từ thị trường hàng hóa do Nga là nhà xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng khí gas, dầu, phân bón, hay kim loại nặng.

• Trung Quốc tiến sát ngưỡng nước thu nhập cao
– Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng 20% trong năm 2021, đưa quốc gia này tiệm cận ngưỡng “nước thu nhập cao” theo tiêu chuẩn của World Bank. Cụ thể, GNI bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2021 đạt 12.438 USD, cách không xa ngưỡng tối thiểu 12.695 USD của quốc gia thu nhập cao.
– GNI được dùng để đo lường tổng thu nhập mà người dân và doanh nghiệp của một quốc gia kiếm được cả ở trong vào ngoài nước, bao gồm tổng sản phẩm nội địa (GDP) cũng như thu nhập đến từ đầu tư nước ngoài và các nguồn khác ở nước ngoài.
– GNI danh nghĩa năm 2021 của Trung Quốc tính theo Nhân dân tệ đã tăng 12,4% – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian nền kinh tế gần như rơi vào tình trạng ngưng trệ từ đầu năm 2020. Việc tổng thu nhập quốc dân tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh và xã hội cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
– Đồng nội tệ của Trung Quốc cũng tăng 7% so với năm 2020, bình quân 6,45 Nhân dân tệ đổi 1 USD, nhờ thặng dư thương mại kỷ lục và đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Chính phủ tăng mạnh. GDP danh nghĩa năm 2021 tăng 21% lên 17.720 tỷ USD, tương đương 77% GDP của Mỹ – tăng từ mức chỉ bằng 70% quy mô kinh tế Mỹ năm 2020.
– Tuy nhiên, bất bình đẳng thu nhập vẫn là một thách thức lớn với Bắc Kinh. Hiện tại, 20% các hộ gia đình giàu nhất Trung Quốc có thu nhập khả dụng cao hơn gấp 10,3 lần so với nhóm 20% nghèo nhất. Dù khoảng cách giữa các hộ gia đình thành thị và nông thôn đã được thu hẹp, giá nhà ở tăng cao làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng tại khu vực đô thị.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• PMI của Việt Nam tăng tháng thứ tư liên tiếp
– Theo thống kê của IHS Markit, PMI của Việt Nam đạt 54,3 điểm trong tháng 2, so với 53,7 của tháng 1, cho thấy tăng trưởng đã tăng tháng thứ tư liên tiếp. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong suốt năm tháng qua sau khi bị gián đoạn do làn sóng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021.
– Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm sản lượng sản xuất tăng tháng thứ năm liên tiếp. Giống như số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ tăng sản lượng cũng là mức đáng kể nhất kể từ tháng 4 năm 2021. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn cung tiếp tục cản trở tăng trưởng sản lượng. Mặc dù trong tháng 2 các nhà sản xuất đã tăng việc làm tháng thứ ba liên tiếp, tốc độ tăng việc làm vẫn là khiêm tốn khi các báo cáo vẫn cho biết công nhân còn chưa trở lại làm việc do đại dịch.
– Các nhà sản xuất cho biết giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng, phản ánh chi phí nguyên vật liệu tăng khi các nhà cung cấp tăng giá. Giá dầu tăng mạnh là một trong những nguyên nhân được nhắc đến. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho khách hàng đã khiến giá bán hàng tiếp tục tăng, và đây là lần tăng thứ 18 trong 18 tháng. Tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng 1.
– Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng mạnh trong tháng 2 khi các công ty cố gắng nhập hàng để hỗ trợ tăng sản lượng. Do đó, tồn kho hàng mua đã tăng nhanh nhất trong mười tháng, và trở thành mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận.
– Động lực tăng trưởng tổng thể của PMI tháng 2 đã cải thiện nhờ nhu cầu khách hàng đã mạnh lên. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ tăng đã nhanh hơn thành mức cao của mười tháng. Nhu cầu quốc tế cũng cải thiện trong tháng 2 khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng đáng kể.

• Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,1%
– Theo báo cáo kinh tế xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ở mức 421.800 tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước nhưng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là hơn 876.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
– Con số từ dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tại một số địa phương như Bắc Ninh tăng 39,6%; Khánh Hòa tăng 22,1%. Các địa phương tăng trưởng cao tiếp theo là Bình Định, Phú Yên, Hà Nội.
– Doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ 2021 tại một số địa phương như Khánh Hòa tăng 466,2%; Lạng Sơn tăng 16,3%. Tiếp đến là Cần Thơ, Hà Nội.
– Bên cạnh đó, doanh thu từ dịch vụ khác 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tại một số tỉnh thành như Cần Thơ tăng 2,7%; Hà Nội tăng 2,6%; Đà Nẵng giảm 21,2%.

• Sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ 2021
– Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021. So với năm ngoái, ngành khai khoáng giảm 4,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm, riêng ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,44 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
– Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thiết bị điện tăng 27,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 21,2%, sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 11%, sản xuất xe có động cơ tăng 10,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 10,6% sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) tăng 10,2%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,7%.
– Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 11,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 11,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 10,8%, khai thác quặng kim loại giảm 9,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%.
– Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Alumin tăng 20,3%, bột ngọt tăng 17,6%; thủy hải sản chế biến tăng 15%, quần áo mặc thường tăng 14,1%, ô tô tăng 12,2%, vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,8%, sữa tươi tăng 11,5%; xi măng tăng 11%; linh kiện điện thoại và xe máy cùng tăng 10,7%, thép cán tăng 10,5%, thức ăn cho gia súc tăng 10,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi giảm 32,4%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,4%, xăng dầu các loại giảm 12,8%, điện thoại di động giảm 12,6%, vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 6,6%, thức ăn cho thủy sản giảm 4,4%.
– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 3, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8% và giảm 3,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,6% và tăng 3,4%.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Hoa Sen tách mảng bán lẻ và nhựa để lên lộ trình niêm yết HoSE
– Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2021-2022, HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) dự báo sản lượng tiêu thụ thép trong nước năm 2022 tăng trưởng nhẹ khi nhu cầu phục hồi. Mặt bằng giá thép được dự đoán sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất là trong nửa đầu năm do nhiều dự án bất động sản được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự đoán chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.
– Trong chiến lược phát triển, HĐQT có chủ trương cơ cấu chuyển đổi 1 công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa. Cùng với đó, tập đoàn thành lập 1 công ty mới là Công ty cổ phần phân phối vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen (Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home. Ban lãnh đạo Hoa Sen dự kiến khi đủ điều kiện sẽ tiến hành niêm yết 2 công ty này trên sàn chứng khoán trên sàn HoSE.
– Ngoài ra, trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ phát hành ESOP tối đa 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Danh sách đối tượng phát hành do HĐQT phê duyệt, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
– Niên độ 2020-2021 là năm đầu tiên Hoa Sen triển khai hệ thống bán lẻ siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen, số lượng cửa hàng đạt trên 80. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh trong vật liệu xây dựng và nội thất, tiếp tục phát triển mở rộng chuỗi trên toàn quốc.

• REE dự kiến góp gần 870 tỷ đồng thành lập công ty điện gió tại Trà Vinh
– HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (HoSE: REE) thông qua chủ trương góp 100% vốn, tương đương 868 tỷ đồng, để thành lập Công ty TNHH Điện gió REE Trà Vinh. Công ty có chức năng chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Trụ sở của công ty được đặt tại tỉnh Trà Vinh và dự kiến thực hiện trong quý I và quý II.
– REE sử dụng toàn bộ tài sản thuộc nhà máy điện gió số 3 tại vị trí V1-3 thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh theo giá trị sổ sách tại thời điểm chuyển giao chính thức thuộc sở hữu của REE để góp vốn và chuyển giao cho Điện gió REE Trà Vinh.
– Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản dự án nhà máy điện gió V1-3 dự kiến là 2.136,6 tỷ với nợ vay gần 1.268 tỷ tương ứng với tài sản ròng gần 869 tỷ đồng.
– Từ năm 2020, doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình holdings với 4 mảng kinh doanh riêng biệt là cơ điện lạnh (REE M&E), bất động sản (REE Land), năng lượng (REE Energy) và nước (REE Water).
– Về kết quả kinh doanh năm 2021, REE ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 3% lên 5.810 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 2.136 tỷ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 14% đạt 1.854 tỷ đồng. Lĩnh vực năng lượng đóng góp nhiều nhất với 2.733 tỷ đồng doanh thu và 1.420 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 164% và tăng 74% so với cùng kỳ.
– Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 6.933,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.769 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,5% và 8,7% so với thực hiện trước. Như vậy, REE hoàn thành 84% chỉ tiêu doanh thu và vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên tháng 3/2022, VN-Index đã tăng điểm ngay từ đầu phiên và mặc dù giao dịch giằng co nhưng luôn duy trì trong sắc xanh. Sang phiên chiều, VN-Index đã có lúc lên tới mức cao nhất phiên 1.501,73 điểm, tuy nhiên áp lực bán quay trở lại sau 14h đã khiến chỉ số dần thu hẹp mức tăng và kết phiên ở mức 1.498,78 điểm, tăng 8,65 điểm (+0,58%). VN30 tăng nhẹ 2,94 điểm (+0,19%) lên 1.520,12 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, GVR, DIG là ba cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index, cụ thể, ba cổ phiếu này đóng góp tới 4,52 điểm, tức hơn ½ mức tăng của chỉ số phiên ngày 01/03/2022. Ở thái cực bên kia, BCM, MBB, HPG là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất, lấy đi của VN-Index tổng cộng 1,29 điểm.
– Về nhóm ngành, 9/10 nhóm ngành tăng điểm, chỉ có duy nhất nhóm ngành Năng lượng giảm nhẹ 0,75% bởi cổ phiếu vốn hóa lớn như PLX giảm 1,6%, GAS giảm 0,3% trong khi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ phân hóa: PVS tăng nhẹ 0,3%, PVD tham chiếu, OIL giảm 1%.
– Nhóm ngành Bất động sản tăng 1,53%, là nhóm ngành có mức tăng theo % lớn nhất nhờ sự trở lại của VIC khi tăng 2,9%, DIG tăng kịch trần 7% và NLG tăng 4,2%, tuy vậy BCM giảm 2,7% đã kìm hãm đà tăng của nhóm ngành này.
– Nhóm ngành Vật liệu xây dựng, trong đó có ngành Thép diễn biến tích cực trong phần lớn thời gian nhưng suy yếu cuối phiên: NKG có lúc tăng trần 7% tuy nhiên kết phiên chỉ tăng 2,5%, HPG có lúc tăng 1,9% nhưng đóng cửa giảm 0,6% – đây chính là nguyên nhân khiến VN-Index thu hẹp đà tăng ở cuối phiên.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 01/03/2022 mua ròng 148,53 tỷ đồng trên sàn HOSE, bán ròng 27,69 tỷ đồng trên sàn HNX. Trong đó đáng chú ý nhất là khối ngoại mua ròng 372,6 tỷ đồng quỹ ETF Diamond và bán ròng 287,38 tỷ đồng cổ phiếu HPG.
– VN-Index tăng nhẹ chủ yếu nhờ đà tăng của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn và mặc dù đa số nhóm ngành tăng điểm nhưng mức tăng thấp bởi sự phân hóa mạnh diễn ra giữa những cổ phiếu trong cùng ngành. Hiện tại, VN-Index vẫn đang giằng co đi ngang vùng 1.485-1.515 điểm khi chưa có nhóm ngành vốn hóa lớn nào dẫn dắt thị trường bứt phá.
– Trong bối cảnh này, nhà giao dịch lướt sóng cần kiên nhẫn, quản trị rủi ro chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng các quyết định giao dịch. Các nhà đầu tư trung dài hạn có thể mua gom dần với tỷ trọng nhỏ các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm nay mà trước mắt là quý I/2022 này trong các nhịp thị trường điều chỉnh và cổ phiếu chiết khấu về mức giá hợp lý.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest