Podcast ngày 02.02.2021 – Anh chính thức đăng ký gia nhập hiệp định CPTPP

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 02/02/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Biểu đồ mới cho thấy Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ

Tuần trước, Mỹ thông báo GDP của họ năm 2020 giảm 2,3% còn 20,93 nghìn tỷ USD theo giá trị hiện tại. Ngược lại, Trung Quốc cho biết GDP của họ tăng 2,3% trong năm ngoái lên 101,6 nghìn tỷ tệ, tương đương khoảng 14,7 nghìn tỷ USD dựa trên tỷ giá hối đoái 1 USD đổi 6,9 tệ. Điều đó khiến GDP Trung Quốc chỉ còn kém GDP Mỹ 6,2 nghìn tỷ USD, giảm từ 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Rob Subbaraman nhà phân tích của ngân hàng Nhật Nomura cho biết: “Điều n“ày (sự khác biệt trong tăng trưởng) phù hợp với quan điểm của chúng tôi cho rằng đại dịch là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ so với nền kinh tế Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng, dựa trên những dự báo tăng trưởng hợp lý, quy mô nền kinh tế Trung Quốc tính theo USD sẽ vượt Mỹ vào năm 2028”.

Subbaraman cho biết nếu đồng tiền của Trung Quốc mạnh lên với khoảng 6 tệ đổi 1 USD, Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2026, sớm hơn 2 năm so với dự đoán. 6 tháng qua, đồng tệ bắt đầu mạnh lên so với đồng USD ở mức chưa từng thấy trong hơn 2 năm qua. Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết: “Dữ liệu GDP mới nhất cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc có động lực mạnh mẽ vào cuối năm 2020 nhờ khả năng kiềm chế đại dịch”. Hui kỳ vọng cần 8 tới 10 năm nữa để GDP Trung Quốc bắt kịp với Mỹ.

Trung Quốc chưa mua đủ hàng trong năm 2020, chính quyền Biden đánh giá lại thỏa thuận giai đoạn 1

“Mọi thứ do chính quyền tiền nhiệm triển khai đang được đánh giá, bởi chúng có liên quan đến cách chúng tôi tiếp cận vấn đề an ninh quốc gia, do đó, tôi sẽ không cho rằng mọi thứ có tiến triển”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trả lời khi được hỏi Tổng thống Joe Biden có coi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc là đang có hiệu lực hay không. Psaki cho biết chính quyền Biden tập trung tiếp cận quan hệ Mỹ – Trung “từ khía cạnh sức mạnh, và điều này đồng nghĩa phối hợp, tương tác với các đồng minh”.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ – gồm nông sản, sản xuất, năng lượng và dịch vụ – trong hai năm 2020 và 2021 so với năm 2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đạt mục tiêu của năm 2020. Chad Bown, nhà nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, hồi đầu tháng công bố phân tích cho thấy lượng hàng hóa Trung Quốc mua còn ít hơn 42% so với cam kết Bắc Kinh đưa ra.Nhà Trắng chưa có bình luận về việc chính quyền Biden có đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận hay không.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng có bản đánh giá chi tiết việc Trung Quốc thực hiện thỏa thuận thương mại để trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp trong tuần trước, cho rằng Washington nên phối hợp với đồng minh để giải quyết cách hành vi “lạm dụng thương mại” của Bắc Kinh. Doug Barry, người phát ngôn Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung nhận định chính quyền Biden đánh giá lại thỏa thuận thương mại cùng các chính sách dưới thời Trump là hợp lý nhưng không tin có nguy cơ hủy bỏ.

Apple tái cơ cấu chuỗi sản xuất toàn cầu

Apple hối thúc đối tác mở rộng đầu tư ở châu Á. Mới đây, Tập đoàn Pegatron đã trình Bộ Kinh tế Đài Loan xin cấp phép kế hoạch tăng vốn đầu tư cho dự án của tập đoàn này tại Ấn Độ. Theo tạp chí Nikkei Asia Review, với mức vốn tăng thêm 140 triệu USD, dự kiến Pegatron sẽ đáp ứng yêu cầu của Apple về việc giảm tỷ lệ sản xuất sản phẩm iPhone, iPad và Macbook tại Trung Quốc để chuyển một phần sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Ấn Độ. Một đối tác lắp ráp iPhone khác của Đài Loan là Tập đoàn Wistron sau sự việc nhà máy tại thành phố Bangalore hồi cuối tháng 12 năm ngoái bị công nhân biểu tình đập phá, gây hư hỏng nhiều hạng mục, đã tuyên bố sớm khắc phục, xử lý xong, hiện đang hoạt động trở lại bình thường.

Wistron cho biết, vụ việc trên sẽ không làm thay đổi kế hoạch mở rộng đầu tư của Tập đoàn tại Ấn Độ trong thời gian tới. Trước đó, Foxconn và Wistron đã sớm triển khai dự án nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ (tại TP Chennai và Bangalore), cả hai nhà máy này chủ yếu lắp ráp và sản xuất iPhone đời thấp và phiên bản giá rẻ. Không nằm ngoài xu thế trên, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple là Foxconn trong tháng 1 vừa qua công bố đầu tư dự án mới với tổng vốn đầu tư là 270 triệu USD tại tỉnh Bắc Giang của Việt Nam. Mặc dù không công bố các sản phẩm sản xuất cụ thể, tuy nhiên giới chuyên môn cũng dự đoán đây cũng sẽ là một trong số chuỗi nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử, linh kiện cho sản phẩm của Apple.

Anh chính thức đăng ký gia nhập hiệp định CPTPP

Trong tuyên bố đưa ra ngày 31-1, Thủ tướng Anh, Boris Johnson nói: “Một năm sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), chúng ta đang củng cố các mối quan hệ đối tác mới mà sẽ mang lại các lợi ích kinh tế khổng lồ cho người dân Anh”. Ông nhấn mạnh việc trở thành nước mới đầu tiên đăng ký gia nhập CPTPP thể hiện ‘tham vọng làm ăn của Anh làm ăn với bạn bè và đối tác của chúng ta trên khắp trên thế giới dựa trên các điều khoản tốt nhất’ và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss tin rằng việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp củng cố thương mại của Anh với toàn cầu đang có giá trị 111 tỉ bảng với mức tăng trưởng 8% mỗi năm kể từ khi năm 2016 khi dân Anh bỏ phiếu đồng ý rời EU trong một cuộc trưng cầu dân ý.Bà cho hay gia nhập CPTPP sẽ giúp tăng tốc tự do thương mại số, xóa bỏ thuế đánh vào các sản phẩm của Anh như xe hơi và rượu whisky cũng như đơn giản hóa thủ tục thị thực đối với giới doanh nhân Anh muốn đi lại ở các nước thành viên của CPTPP.

Giới chức Anh cũng hy vọng phần thưởng lớn hơn sẽ là sử dụng CPTPP như là công cụ để củng cố mối quan hệ thương mại với Mỹ nếu chính phủ của Tổng thống Joe Biden quyết định tái đàm phán gia nhập CPTPP. Một quan chức Anh nói: “Chúng tôi hy vọng Mỹ chia sẻ tham vọng của chúng tôi rằng việc gia nhập CPTPP sẽ giúp hai nước siết chặt quan hệ thương mại thông qua các kênh đa phương”. Tuy nhiên, có một số ý kiến chỉ trích tại Anh nói rằng tham gia một hiệp định thương mại với 11 nước ở vị trí địa lý xa xôi với Anh chỉ mang lại lợi ích kinh tế hạn chế. David Henig, người đồng sáng lập Diễn đàn Thương mại Anh, nhận định việc gia nhập CPTPP chỉ mang lại cho Anh các lợi ích kinh tế hạn chế và không có điều gì bảo đảm đề nghị gia nhập CPTPP sẽ được chấp nhận. Các tiêu chuẩn thực phẩm chặt chẽ của Anh có thể gặp vấn đề gây khó khăn trong quá trình đàm phán với các nước thành viên CPTPP như Úc và New Zealand.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

PMI Việt Nam tháng 1 đạt 51,3 điểm, thời gian giao hàng lâu nhất trong gần một thập kỷ

Ngày 1/2/2021, IHS Markit công bố thông tin về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam. Theo báo cáo trong tháng 1/2021 số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nhưng sản lượng hầu như không thay đổi. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 51,3 điểm vào tháng 1, giảm so với mức 51,7 của tháng 12/2020. Theo IHS Markit, mặc dù các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã cải thiện vào đầu năm 2021 nhưng tăng trưởng vẫn yếu hơn so với cuối năm 2020. Cụ thể, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng hầu như không thay đổi trong tháng 1, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn.

Báo cáo của IHS Markit cũng chỉ rõ, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, từ đó kéo dài thời kỳ tăng thành năm tháng. Ngoài ra, một số báo cáo khác cho hay, khách hàng tăng lượng hàng trong các đơn đặt hàng của họ. Song, tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 12. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới hầu như không thay đổi, với sự giảm sút được ghi nhận ở các thị trường có số lượng ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng.

Hoạt động mua hàng đầu vào bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra trong tháng 1. Trên thực tế, mức độ kéo dài thời gian giao hàng gần đây là lớn nhất trong gần một thập kỷ, ngoại trừ giai đoạn cách ly khó khăn nhất do Covid-19 vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Các công ty thường báo cáo tình trạng thiếu container chuyển hàng cùng với khan hiếm nguồn nguyên vật liệu.

Ngành du lịch lại tiếp tục khủng hoảng vì du khách đòi hoàn tiền

“Đội tàu ở Hạ Long chỉ mới hoạt động trở lại được chừng 10% thì giờ bằng không (0)”, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings chia sẻ. Ông cho biết đang chờ thêm thông tin về tình trạng hủy, hoãn dịch vụ của các cơ sở dịch vụ tại các điểm đến khác, trong đó, có khu nghỉ dưỡng (resort) ở Huế. Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM cũng đang căng thẳng vì tình trạng hủy, hoãn tour. Khách hàng không những hủy tour đến phía Bắc mà còn yêu cầu hoãn, hủy tour đến các địa phương khác. Nhiều khách hàng là doanh nghiệp cũng yêu cầu hoãn sự kiện, chờ đến khi dịch được khống chế.

“Cứ vừa làm tour lại thì lại ồ ạt hủy, hoãn nên nhân viên chúng tôi cũng “nhát tay” luôn, không ai dám làm nữa”, ông Nguyễn Thế Khải, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ nói với TBKTSG Online vào trưa nay (29-1), sau khi đã hủy toàn bộ dịch vụ cho 20 đoàn định đi du lịch phía Bắc vào dịp Tết Nguyên đán. Cũng như nhiều công ty khác, tuy không đánh giá thị trường Tết sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng Hoàn Mỹ vẫn kỳ vọng sẽ có lượng khách kha khá, giúp công ty nhẹ thở hơn một chút sau một năm quá khó khăn nhưng thực tế đã ngược lại.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest