Podcast ngày 01.12.2020 – ECB cảnh bảo các đồng tiền kỹ thuật số có thể phá vỡ hệ thống tài chính châu Âu

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Bloomberg: Thương vụ 35 tỷ USD của Ant khó có thể được thực hiện vào năm sau

– Nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, cơ hội thực hiện thương vụ IPO của Ant Group trong năm tới đang ngày càng trở nên mong manh, khi giới chức Trung Quốc thay đổi các quy tắc quản lý ngành fintech.

– Theo dự thảo về quy tắc dành cho các nhà cho vay vi mô được ban hành vào đầu tháng 11, Ant sẽ phải bổ sung thêm vốn. Công ty này cần khoảng 12 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu trên, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.

– Ngoài ra, công ty cũng phải nộp đơn lên Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) để được cấp giấy phép mới cho 2 nền tảng cho vay vi mô là Huabei và Jiebei. Cơ quan này cũng sẽ giới hạn số lượng nền tảng được phép hoạt động trên toàn quốc và có thể sẽ không phê duyệt 2 giấy phép cho Ant.

– Ant cũng sẽ cần phải nộp đơn lên NHTW để xin giấy phép cho 2 công ty tài chính riêng biệt, bởi hoạt động của công ty này bao gồm nhiều hơn 2 mảng tài chính. Hiện tại, các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra quy tắc cụ thể cho Ant, nhưng họ cho biết công ty này cần tuân thủ các quy định hiện hành và hoạt động dưới khuôn khổ của một công ty cổ phần tài chính.

– Nếu tất cả các bên không đồng tình với bất kỳ kế hoạch nào, Ant sẽ phải đối mặt với tình trạng đợt IPO bị trì hoãn kéo dài, có khả năng lâu hơn thời gian vài tháng như 1 số nhà phân tích cảnh báo. Hơn nữa, nếu Ant không thực hiện được thương vụ này trước khi hồ sơ IPO hết hạn vào tháng 10 năm sau, họ sẽ phải thực hiện lại quy trình niêm yết tại Thượng Hải và tìm cách nhận được sự chấp thuận mới.

Chính phủ Mỹ tiến gần hơn đến mục tiêu hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ

– Hạ viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu với dự thảo luật hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ, trong đó có yêu cầu những chứng nhận rằng họ không thuộc kiểm soát của một chính phủ nước ngoài. Theo quan điểm của các chính trị gia ủng hộ dự luật này, họ muốn đảm bảo rằng các công ty nước ngoài niêm yết cổ phiếu tại Mỹ phải chịu quy định về kiểm toán chung với những doanh nghiệp Mỹ trên sàn.

– Với động thái này của các chính trị gia hai đảng, quy định sẽ gạt bỏ nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Alibaba hay Baidu ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Dự luật được đặt tên S945 sẽ được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu vào ngày thứ Tư tuần tới, nó cần đến sự ủng hộ của 2/3 các hạ nghị sỹ để có thể được thông qua. Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật vào tháng 5/2020, quá trình thông qua đã diễn ra rất nhanh chóng mà không hề có sự mâu thuẫn nào, nó cho thấy lưỡng đảng của Mỹ đều ủng hộ vấn đề này.

– Vấn đề mà rất nhiều chính trị gia Mỹ đang quan tâm ở hiện tại chính là việc phía Trung Quốc từ chối tuân thủ quy định kiểm toán áp dụng với các công ty Mỹ đang niêm yết trên sàn Mỹ. Vấn đề này ngày càng được quan tâm hơn khi mà căng thẳng giữa hai nước leo thang trong nhiều vấn đề, từ quân đội cho đến nhân quyền cũng như bê bối xung quanh chuỗi kinh doanh cà phê Luckin.

– Giới chức Mỹ và Trung Quốc cho đến nay chưa thể đi đến thỏa thuận về vấn đề này. Trong lúc đó, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ. Trong năm nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được hơn 12 tỷ USD từ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

2. Vĩ mô Việt Nam

VNPAY chính thức trở thành Kỳ lân thứ 2 của Việt Nam: Định giá trên 1 tỷ USD, được Softbank rót vốn

– Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

– VNPAY vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ứng dụng này hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV. Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.

– VNPay được cho là chính thức đạt trạng thái “kỳ lân” sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC. Vậy là sau VNG, Việt Nam đã có Kì lân thứ hai. Trước đó, VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.

– Nhận được đầu tư khủng nhưng VNPay cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam. Hiện tại đã có 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép khiến thị trường trở nên đông đúc. Trong số đó, 34 nhà cung cấp ví điện tử hiển nhiên đều có giấc mơ sẽ lặp lại thành công giống như Alipay hay Wechat Pay ở Trung Quốc.

Ngân hàng UOB tiếp tục tăng cường 25,000 tỷ đồng vốn FDI vào Việt Nam

– Lễ ký kết trực tuyến Biên bản hợp tác (MOU) giữa Ngân hàng UOB với Cục đầu tư nước ngoài (FIA) tăng cường thêm 25.000 tỷ đồng (1,5 tỷ đôla Singapore) vốn FDI vào Việt Nam. Các lĩnh vực UOB đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu vực tập trung vào các lĩnh vực phát triển nhanh như: Năng lượng bền vững, sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Đây là những lĩnh vực mà chính phủ Việt Nam ưu tiên cho đầu tư.

– Kết nối hành lang thương mại ASEAN và Trung Quốc, Ngân hàng UOB đã giúp hơn 150 công ty nắm bắt cơ hội tại Việt Nam thời gian qua và sẽ tăng gấp đôi số lượng công ty trong Biên bản MOU lần này.. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cũng được hưởng lợi như là một phần của chuỗi giá trị.

– Hơn 2.000 việc làm tại Việt Nam dự kiến sẽ được tạo ra trong làn sóng đầu tư mới này. Đây là số việc làm tăng thêm so với hơn 17.000 việc làm được tạo ra trong thời gian thực hiện Biên bản MOU đầu tiên. Số lượng các công ty Singapore đầu tư vào Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng lên nhờ sự gia tăng về đầu tư kinh doanh cũng như mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước.

CPI tháng 11 giảm do giá xăng dầu và nước sinh hoạt

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 0,08% so với tháng 12/2019 do giá xăng dầu giảm theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng không cao trong mùa mưa.

– Trong mức giảm 0,01% của CPI tháng 11 so với tháng trước có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 0,47% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu ngày 27/10, 11/11 và tăng giá xăng, dầu vào 6/11 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 1,32%. Diễn biến này khiến CPI chung giảm 0,05%. Bên cạnh đó, giá ô tô mới, đã qua sử dụng giảm do các đại lý ô tô đưa ra nhiều gói ưu đãi để kích thích sức mua của người tiêu dùng và nhóm bưu chính viễn thông giảm do giá điện thoại di động hạ giá cũng tác động đế CPI.

– Ở chiều ngược lại, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,14% do nhu cầu mua sắm khi thời tiết chuyển mùa, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%, chủ yếu do giá gas tăng 5,78%. Diễn biến này khiến CPI chung tăng 0,08%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11 tăng 1,48% và CPI bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51%.

3. Tin tức tài sản đầu tư

ECB cảnh bảo các đồng tiền kỹ thuật số có thể phá vỡ hệ thống tài chính châu Âu

– Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu, trong đó có Facebook, lên kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số có thể phá vỡ hệ thống tài chính của châu Âu. Tuyên bố trên được ông Fabio Panetta, thành viên Ban điều hành ECB, đưa ra ngày 27/11. Trong tuyên bố, ông Panetta khẳng định các “đại gia” công nghệ có thể tạo ra những nguy cơ đáng kể đối với triển vọng kinh tế và xã hội và có thể hạn chế, thay vì mở rộng, lựa chọn của khách hàng. Khi đưa ra các giải pháp mà họ cho là thuận tiện và hiệu quả, các công ty này có thể gây tổn hại đối với cạnh tranh, sự riêng tư, ổn định tài chính và thậm chí là chủ quyền tiền tệ của các quốc gia.

– Ông Pancetta đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tạo ra sự thay đổi, hướng tới việc thanh toán kỹ thuật số và không dùng tiền mặt. ECB cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế này qua đi.

– Hiện Facebook đang “ấp ủ” tạo ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, gọi là Libra, coi đây là biện pháp giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng trên khắp thế giới, xóa bỏ các khoản phí cao do chuyển tiền xuyên biên giới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã làm nổ ra sự tranh cãi, gây quan ngại cho giới lập pháp về việc đồng tiền do tư nhân sở hữu.

– ECB đang tiến hành tham vấn về việc liệu có nên cho phép tiền kỹ thuật số lưu hành. Tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch kiểm soát tiền kỹ thuật số, đưa ra các quy định có thể hạn chế sự phát triển của Libra và các đồng tiền tương tự.

 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest