Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 25.05.2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “5 quy tắc về tiền bạc giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn”

1. Tin vĩ mô và các sự kiện đáng chú ý trên thế giới

Các nhà lãnh đạo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế khu vực này từ khủng hoảng dịch COVID-19.

Bởi vậy, biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của EBC vừa được công bố ngày 22/5 cho thấy ngân hàng này đang xem xét đưa ra các gói kích thích kinh tế mới trong tháng Sáu tới. ECB đã cam kết chi hơn 1.000 tỷ euro cho trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trong năm nay để bảo đảm thanh khoản, đồng thời khuyến khích hoạt động chi tiêu và đầu tư tại châu Âu. Kế hoạch này bao gồm chương trình khẩn cấp mua trái phiếu (PEPP) trị giá lên tới 750 tỷ euro (815 tỷ USD) đến hết năm 2020.

Ngày 22/5, Hertz Global Holdings Inc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe suốt một thế kỷ qua tại Mỹ, chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản do hoạt động kinh doanh kiệt quệ vì tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và không thể đạt thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ. Phần lớn doanh thu của Hertz có được nhờ các hợp đồng cho thuê xe ở các sân bay vì vậy hoạt động của công ty bị thu hẹp đáng kể sau khi Chính phủ Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà.

Với khoản nợ gần 19 tỷ USD và gần 38.000 nhân viên trên toàn thế giới tính tới cuối năm 2019, Hertz là một trong những công ty lớn nhất tại Mỹ đệ đơn bảo hộ phá sản vì tác động của đại dịch.

Theo nhật báo Yomiuri, tại hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7),các bộ trưởng tài chính G7 quan ngại các doanh nghiệp quan trọng ở các nước phát triển, vốn đang bị tác động mạnh do sự sụt giảm về lợi nhuận và giá chứng khoán, có thể sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của các doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào của Trung Quốc.

Có khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn hồi phục sớm hơn do sự khác biệt về thời gian bùng phát của dịch bệnh, sẽ nhắm tới các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) một số công ty ở những nước phát triển đang bị suy yếu. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển cảm thấy đang bị đe dọa.

Để đối phó với thách thức này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước một cách kịp thời. Luật Giao dịch Ngoại hối và Ngoại thương sửa đổi đã bắt đầu có hiệu lực vào giữa tháng này, trong đó đặt ra các điều kiện cao hơn cho các bên nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ở Ấn Độ, sau gần 2 tháng áp dụng phong tỏa toàn quốc và đóng cửa các trung tâm mua sắm và các cửa hàng bán lẻ, tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nối lại hoạt động thương mại điện tử trên cả nước đối với cả các đơn hàng thiết yếu và không thiết yếu. Chi nhánh của tập đoàn Amazon tại Ấn Độ đã lên kế hoạch tuyển dụng 50.000 nhân viên thời vụ để đáp ứng sự bùng nổ của hình thức mua bán trực tuyến ở nước này.

2. Tin vĩ mô trong nước

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Long, tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) ngày 23/5 bày tỏ tin tưởng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) trong ngắn hạn và trung hạn giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu thời kỳ hậu COVID-19, khi hoạt động kinh tế tại các nước hồi phục. Ngược lại, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn hàng hóa và nguyên liệu chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ Liên minh châu Âu (EU).Xét về dài hạn, hiệp định giúp Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận các công nghệ và kỹ thuật cao từ các nước EU để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.Về tác động của EVFTA đối với quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia, Phó Giáo sư Long khẳng định EVFTA là nhân tố giúp Việt Nam có một vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế quốc tế mới đang hình thành.

Nếu tận dụng tốt các cơ hội, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến cho các luồng đầu tư lớn đang dịch chuyển trên quy mô toàn cầu dưới tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19. Với vị trí địa lý, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN và Australia.

Về thị trường cổ phiếu, VN-Index vừa trải qua tuần thứ ba tăng điểm liên tiếp. Dù vậy, việc thanh khoản sụt giảm đang cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư. Trước diễn biến này, các nhà phân tích tại công ty chứng khoán nhận định, xu hướng của thị trường chứng khoán hiện tại đang đi vào giai đoạn khó khăn và sự lựa chọn cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang dần co hẹp.

Dealstreet Asia cho biết các cổ đông của Tiki và Sendo đã thống nhất về một thoả thuận sáp nhập.

Dealstreet Asia dẫn lời một nguồn tin liên quan cho biết 2 sàn thương mại điện tử này đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cơ quan quản lý lĩnh vực chống độc quyền, để đảm bảo sự chấp thuận cho thương vụ này. Tiki được hậu thuẫn chính bởi JD.com. Hiện, các cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 49,7% cổ phần tại Tiki. Trong khi đó,  Sendo được hậu thuẫn bởi SoftBank Ventures Asia. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sendo là 63,1%.

Một khảo sát mới được ủy quyền bởi Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, đã ghi nhận người tiêu dùng Việt Nam giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.  

Theo kết quả khảo sát, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. Những xu hướng này cũng được thể hiện rõ hơn qua các số liệu từ VisaNet, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa, với tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39% so với cùng kỳ năm 2019 và tổng số giao dịch tăng 54%.

Một trong những công nghệ mới quan trọng được khảo sát là thanh toán không tiếp xúc-phương thức thanh toán mà người dùng chỉ cần chạm thẻ, điện thoại hoặc các thiết bị đeo vào máy thanh toán POS để thực hiện thanh toán.

Hiện tại, có 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và có đến 42% người tiêu dùng thực hiện thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động.

3. Thị trường tài sản

Hai quỹ đầu tư chỉ số mới thành lập tiếp tục huy động vốn thành công. Quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF hiện có quy mô 37,8 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 350 tỷ đồng. Tính riêng 1 tuần vừa qua, quỹ huy động thêm 8,1 triệu chứng chỉ quỹ với giá trị khoảng 75 tỷ đồng. Quỹ mô phỏng chỉ số ngành tài chính bao gồm các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

VFMVN Diamond ETF mô phỏng theo chỉ số VN Diamond Index bao gồm các cổ phiếu hết room ngoại cũng tăng mạnh quy mô. Quỹ hiện có 54,8 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương NAV đạt 660 tỷ đồng. Tính riêng tuần qua quỹ huy động 36,6 triệu chứng chỉ quỹ với giá trị khoảng 444 tỷ đồng.

4. Câu chuyện đầu tư

5 quy tắc về tiền bạc giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn

Mọi người thường chỉ nghĩ tới việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn. Tất nhiên, kiếm được nhiều hơn là quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần phải nghĩ tới chiến lược để quản lý số tiền đang có tốt hơn. Có 5 Quy tắc để giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn

Mong muốn ít hơn

Kiếm tiền thì khó mà tiêu tiền thì dễ. Bạn phải làm việc hàng ngàn giờ để kiếm được một số tiền nhất định. Sau đó, bạn có thể dùng tất cả tiền kiếm được chi tiêu cho một chiếc xe mới, một kỳ nghỉ xa xỉ, đồ hiệu… Và đây không phải một cách sử dụng tiền khôn ngoan. Một trong những lời khuyên tốt nhất về tài chính cá nhân đó là để thoát nợ và tạo ra của cải, bạn phải chi tiêu ít hơn và mong muốn ít hơn số tiền bạn kiếm được.

Mỗi khi bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy tự hỏi mình câu hỏi: bạn có thực sự cần thứ này không và nó giải quyết được nhu cầu gì? Lập kế hoạch chi tiêu là một trong những quy tắc quan trọng nhất để quản lý ngân sách. Sau khi lên kế hoạch cho một lần chi tiêu lớn, hãy cố gắng giới hạn số tiền bạn chi tiêu mỗi ngày. Điều này sẽ cho phép bạn ngừng lãng phí tiền bạc và tránh sử dụng tiền vào thứ không cần thiết.

Biết cách nền kinh tế đang hoạt động như thế nào

Bạn không cần phải trở thành một nhà kinh tế học, thế nhưng hãy có những hiểu biết nhất định về cách nền kinh tế đang hoạt động để bảo vệ tiền của mình tốt hơn. Khi nào lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng hay giảm? Trái phiếu là gì? Lạm phát gì? Chu kỳ thị trường là gì?

Hãy đọc những cuốn sách về thị trường đầu tư, chuyển động kinh tế. Những cuốn sách đó bao gồm bản tóm tắt tuyệt vời về cách thức nền kinh tế và đầu tư hoạt động. Nếu bạn không thích đọc sách, hãy dành chút thời gian rảnh để cập nhật những bản tin về kinh tế thị trường mỗi ngày. Những kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn quản lý tiền bạc tốt hơn và ít hoảng loạn nếu có biến động xảy ra.

Tránh các khoản nợ cá nhân

Nợ cá nhân sẽ phá hủy quá trình tích lũy tài sản của bạn. Vay tiền không phải là xấu nhưng hãy cân nhắc cho các khoản vay thực sự cần thiết. Nếu bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh hoặc thực hiện các giao dịch bất động sản lớn, thì các khoản vay sẽ giúp bạn có thêm cơ hội phát triển. Thế nhưng chúng ta nên khôn ngoan về các khoản nợ cá nhân. Giống như đầu tư, mượn nợ cũng có những quy tắc riêng. Lời khuyên là không bao giờ vay tiền để mua xe hơi, đồ điện tử, hay bất cứ thứ gì sẽ bị hao hụt giá trị.

Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi vay mượn để làm bất cứ việc gì. Hãy nhớ rằng vay tiền không phải miễn phí, bạn buộc phải trả lại các khoản nợ sau đó và nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình tích lũy tài sản của bạn.

Tiết kiệm càng nhiều càng tốt

Ai cũng biết tiết kiệm là tốt, nhưng không phải ai cũng làm được điều này. Không phải cứ kiếm tiền là ai cũng sẽ trở nên giàu có. Giá trị tài sản ròng mới là thứ quyết định bạn có thực sự giàu có hay không, chứ chẳng phải thu nhập bạn có được mỗi tháng. Do đó, bạn phải biết tiết kiệm, đầu tư và quản lý các khoản nợ của mình một cách khôn ngoan nếu muốn tích lũy của cải. Bao nhiêu tiền tiết kiệm là đủ? Điều đó phụ thuộc vào bạn, nhưng các chuyên gia tài chính khuyến khích bạn nên bỏ ra ít nhất 10% số tiền kiếm được cho các quỹ tiết kiệm.

Muốn tiết kiệm, bạn phải hành động một cách cụ thể và nhanh chóng. Đừng chờ tới năm sau, chuẩn bị nghỉ hưu hay trước một sự kiện lớn… rồi mới tiết kiệm. Hãy nghĩ khoản tiết kiệm đó như một chi phí cố định – là một thứ bạn phải trả hàng tháng, giống như tiền thuê nhà và cước điện thoại – trước khi nghĩ tới việc ăn ở ngoài và các mong muốn cá nhân khác.

Có chiến lược ngắn hạn, dài hạn linh hoạt

Chiến lược về tiền ngắn hạn của bạn có thể dựa trên việc các cải thiện kỹ năng và tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Đầu tư vào giáo dục cá nhân là một khoản sinh lời và bạn có thể kiếm tiền dựa trên các kỹ năng học được. Đọc sách, tham gia các khóa học trực tuyến, lấy các chứng chỉ hoặc đăng ký các chương trình phát triển bản thân… đều là những lựa chọn tuyệt vời. Càng đầu tư vào bản thân, bạn càng thăng hạng giá trị.

Thêm vào đó, bạn không dựa vào một khoản thu nhập duy nhất. Điều này giúp bạn tránh rơi vào tình trạng bị động khi gặp bất kỳ rủi ro nào trong công việc. Nếu một nguồn thu nhập biến mất, bạn không phải quá lo lắng vì vẫn có thể kiếm tiền từ những nguồn khác.

Còn chiến lược đầu tư dài hạn của bạn thì sao? Trước khi quyết định đầu tư cái gì hãy đảm bảo rằng bạn thực sự hiểu về lĩnh vực đó và tập trung đầu tư trong dài hạn. Hoặc bạn có thể đầu tư tích sản bền vững trong dài hạn hướng đến con đường sức khỏe tài chính và an tâm đầu tư.

Bạn thấy đấy, tất cả những quy tắc này không liên quan tới việc kiếm nhiều tiền hơn. Tất nhiên, làm được nhiều tiền hơn sẽ thật tốt, thế nhưng trước khi bạn tập trung vào việc tạo ra nhiều tiền hơn, hãy quản lý tốt số tiền đang có.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest