DCall Podcast sáng 14/12/2022 – Bộ Tài chính trình Chính phủ giải pháp ‘cứu’ thị trường trái phiếu

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Thế giới: CPI tháng 11 của Mỹ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo

– CPI của Mỹ tăng 7,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 7,3% mà các nhà kinh tế dự báo và so với mức tăng 7,7% của tháng 10. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Trong đó, CPI lõi (không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm), cũng chỉ tăng 6% so với tháng 11 năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,3% của tháng 10.

– Số liệu này được công bố khi FED bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày cuối cùng của năm. Theo các chuyên gia dự đoán, FED có thể tăng lãi suất 0,5% sau cuộc họp này, giảm tốc sau 4 lần tăng 0,75% liên tiếp.

– Nhìn chung, đây là thông tin tốt khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp sức ép về tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và việc ổn định tỷ giá được giảm bớt cho các Ngân hàng trung ương trong những giai đoạn cuối năm 2022.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Thị trường mở: NHNN tiếp tục bơm tiền kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày– Ngày 13/12/2022, Ngân hàng nhà nước bơm 4.653 tỷ cho 6 thành viên thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, và gần 3.000 tỷ đồng cho 5 thành viên với kỳ hạn 91 ngày.

– Đây là ngày thứ 9 liên tiếp kể từ đầu tháng 12 đến nay Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ra thị trường với tổng cộng khoảng 70.248 tỷ đồng, trong đó gần 15.000 tỷ đồng được giao dịch với kỳ hạn 91 ngày.

– Nới room tín dụng, liên tục bơm tiền Đồng và kéo dài thời gian dòng tiền chảy trong nền kinh tế, các chuyên gia phân tích cho rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước đang dần nới lỏng hơn sau giai đoạn thắt chặt trước đó, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá USD/VND đã giảm bớt.

– Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng có kế hoạch sửa đổi Thông tư 16 theo hướng bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có giá khác được giao dịch vay cầm cố tại Ngân hàng nhà nước. Các chuyên gia cho rằng đây là tiền đề để giao dịch cầm cố giấy tờ có giá thuận lợi hơn, tránh mất thanh khoản nền kinh tế.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Bộ Tài chính trình Chính phủ giải pháp ‘cứu’ thị trường trái phiếu

– Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

– Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm; đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định số 65. Đồng thời, Bộ cũng bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.

– Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.

– Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay, những đề xuất này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ.

• Chứng khoán: Năm 2023, tập trung thanh tra vi phạm của công ty đại chúng, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ

– Mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đưa ra những định hướng cụ thể cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023.

– Cụ thể, đối với các công ty đại chúng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thanh tra những công ty đại chúng có thông tin khiếu kiện/phản ánh việc tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, sử dụng vốn sai mục đích.

– Đối với công ty chứng khoán, Bộ tài chính sẽ thanh tra các doanh nghiệp có biến động lớn về các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính; tăng vốn nhanh,…

– Đối với các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán; ngân hàng lưu ký, giám sát, đại lý phân phối; văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có thể đưa vào kế hoạch thanh tra khi có nguồn vốn ủy thác lớn, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Đáng lưu ý, Bộ Tài chính cũng sẽ thanh tra những công ty quản lý quỹ có vốn góp của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Bất động sản: TP.HCM tăng hệ số điều chỉnh giá đất, từng bước tiệm cận giá thị trường

– UBND TP Hồ Chí Minh vừa chính thức thông qua nghị quyết về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023 tăng thêm 1 lần so với hiện tại. Cụ thể:

– Nhóm 1: Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải đất ở sang đất ở vượt hạn mức, hệ số K là 2,5 lần.

– Nhóm 2: Trường hợp thuê đất hằng năm, hệ số tùy theo khu vực. Đối với mục đích sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ từ 2,5 – 3,5 lần.

– Nhóm 3: Trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá hoặc cho thuê đất nộp tiền thuê đất một lần thì cũng chia thành 5 khu vực, hệ số K cao nhất là 3,5 lần.

– Nếu hệ số K tăng thêm 1 lần, thì mức giá đất sau khi nhân hệ số sẽ tăng ở mức 18 – 50% so với khung giá đất hiện nay. Các chuyên gia nhận định, tăng hệ số K giúp việc xác định giá đền bù, giải phóng mặt bằng được phù hợp hơn và là bước chuẩn bị cần thiết giúp bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tiễn.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 14/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest