DCall Podcast sáng 09/12/2022 – Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm tiền sau khi nới room tín dụng

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ điều chỉnh hạ dự báo giá dầu Brent năm 2023

– Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn tháng 12/2022, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn 3 USD so với dự báo trước đó.

– EIA dự báo kinh tế Mỹ sụt giảm nhẹ và nhà máy lọc dầu tăng cường sản xuất nhiên liệu chưng cất sẽ làm giảm giá các sản phẩm chưng cất trong nửa đầu năm 2023. Biên lợi nhuận lọc dầu diesel của Mỹ dự kiến sẽ giảm 19% trong năm 2023 so với năm 2022.

– Về khí đốt tự nhiên, EIA dự báo giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ tăng so với mức của tháng 11/2022 và sẽ bắt đầu giảm sau tháng 1/2023 khi mức lưu trữ của Mỹ tiến gần đến mức trung bình 5 năm trước đó, phần lớn là do sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng lên. EIA cũng nâng dự báo sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ thêm gần 1% vào năm 2023 so với dự báo tháng trước.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm tiền sau khi nới room tín dụng

– Số liệu mới nhất về kết quả đấu thầu trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong phiên giao dịch 7/12, nghiệp vụ mua kỳ hạn tiếp tục được cơ quan quản lý tiền tệ sử dụng để bơm tiền Đồng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

– Theo đó, đi cùng với việc bơm 4.029 tỷ cho 7 thành viên thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, Nhà điều hành còn cho 4 thành viên khác vay gần 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày (khoảng 3 tháng).

– Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng. Dù khối lượng vẫn ở mức thăm dò với chưa đầy 3.000 tỷ nhưng sự thay đổi này cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản có tính ổn định và dài hạn hơn của Nhà điều hành.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• HAG: Hoàn thành 99% kế hoạch lãi ròng năm 2022 sau 11 tháng

– Theo thông tin từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) công bố về tình hình sản xuất kinh doanh tháng 11/2022, doanh thu thuần đạt 450 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với tháng 10/2022. Trong đó mảng chăn nuôi đạt 213 tỷ đồng, mảng cây ăn trái đạt 205 tỷ đồng, mảng phụ trợ đạt 32 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tháng 11/2022 đạt 114 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với tháng 10/2022.

– Lũy kế 11 tháng năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai thu về 4.100 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó mảng chăn nuôi đạt 1.349 tỷ đồng, mảng ăn trái đạt 2.132 tỷ đồng, mảng phụ trợ đạt 619 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.115 tỷ đồng.

– Với kế hoạch 4.820 tỷ đồng doanh thu và 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2022, HAGL đã thực hiện 85% mục tiêu doanh thu và 99% chỉ tiêu lợi nhuận.

• LTG: Vừa ký hợp đồng cung cấp 500.000 tấn gạo thành phẩm, giá trị 5.000 tỷ đồng

– Ngày 8/12, Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) đã chính thức công bố thông tin Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) – thành viên Tập đoàn Lộc Trời trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân (LNG).

– Thông qua sự kiện này, số lượng nhà máy của LTA đã tăng từ 5 lên 8 nhà máy với công suất sấy lúa tươi đạt 12.000 tấn/ngày, lưu kho, xay xát lúa và xuất 6.000 tấn gạo hàng ngày tương ứng với 2.000.000 tấn gạo/năm.

– Khởi đầu cho việc hợp tác bền vững này, Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân đã đại diện Tập đoàn Lộc Trời ký kết hợp đồng hợp tác cung ứng 500.000 tấn gạo thành phẩm, giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng trong năm 2023 với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1).

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày hôm qua, VNINDEX mở cửa tăng hơn 10 điểm và đã có lúc tăng tới hơn 36 điểm vào cuối phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán tham gia mạnh ở phiên chiều làm chỉ số thu hẹp đà tăng và đóng cửa tại 1.050,53 điểm, tăng 9,51 điểm (+0,91%).

– Trên sàn HOSE có 334 mã tăng, 115 mã giảm và 55 mã đứng giá. Trong đó có 34 mã tăng trần. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ, đạt hơn 15.450 tỷ đồng.

– Tác động tích cực đến đà tăng của VNINDEX gồm TCB, VPB và HPG với mức đóng góp lần lượt là +1,58 điểm, +1,35 điểm và +0,94 điểm. Chiều tác động tiêu cực có VCB (- 1,78 điểm), MSN (- 1,43 điểm) và VIC (-1,24 điểm).

– Chỉ có 3 nhóm ngành giảm điểm là Tiêu dùng thiết yếu (-1,86%), Chăm sóc sức khỏe và Bất động sản giảm dưới 0,5%. Tăng mạnh nhất là Tài chính (+3,85%) và Nguyên vật liệu (+3,16%), các nhóm ngành còn lại có mức tăng từ 0,43% – 2,2%.

– Khối ngoại đã hạ giá trị mua ròng xuống còn hơn 580 tỷ đồng, cụ thể họ mua VIC (+201,43 tỷ đồng), STB (+99,9 tỷ đồng) và FUEVFVND (+77,33 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối này có VCB (-97,11 tỷ đồng), HPG (-61,52 tỷ đồng) và BID (-45,09 tỷ đồng).

– Mặc dù VNINDEX tăng điểm với số mã tăng gấp ba lần số mã giảm nhưng diễn biến trong phiên cho thấy sự phân hóa giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn và áp lực bán gia tăng khi chỉ số tiến tới mốc 1.080 điểm.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát những diễn biến tiếp theo của thị trường.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, tiếp tục duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.

Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 09/12/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest