DCall Podcast sáng 08/12/2022 – Giá dầu thế giới xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2022

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Trung Quốc: Xuất nhập khẩu tháng 11 giảm mạnh hơn dự báo

– Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,7%, xuống còn 296 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đã giảm 10,6%, xuống còn 226,2 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh hơn so với những dự báo trước đó của các nhà phân tích lần lượt là giảm 1,5% và 4,16%.

– Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 69,84 tỷ USD trong tháng 11/2022, giảm mạnh so với mức 85,15 tỷ USD trong tháng 10.

– Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết nhập khẩu và xuất khẩu giảm trong tháng 11 vừa qua là do nhu cầu bên ngoài suy yếu và dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.

• Giá dầu thế giới xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2022

– Chốt phiên giao dịch 7/12, dầu thô Mỹ WTI giảm 2,79% về 72.49 USD một thùng – thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

– Dầu Brent hôm qua cũng giảm 2,82%, về 77,49 USD một thùng – thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Loại dầu này đã mất giá gần 41% kể từ khi chạm 131 USD một thùng hồi tháng 3/2022 do xung đột Nga – Ukraine.

– Nỗi lo suy thoái vẫn đang tác động lên các thị trường, từ chứng khoán đến dầu. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) hôm 5/12 áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, trần giá dầu 60 USD của phương Tây cũng có hiệu lực. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu WTI và Brent giảm 3 phiên liên tiếp.

– Bất chấp giá năng lượng thế giới giảm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn giữ nguyên kế hoạch sản xuất, thay vì giảm thêm nguồn cung.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Tháng 11/2022, tài khoản chứng khoán mở mới thấp nhất trong 21 tháng

– Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 88.479 tài khoản chứng khoán trong tháng 11, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 88.334 tài khoản và các tổ chức mở mới 145 tài khoản. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm.

– Bên cạnh đó, trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 216 tài khoản, tăng 24% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới của khối ngoại có sự gia tăng sau khi bất ngờ đóng bớt tài khoản trong tháng 9. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân mở mới 199 tài khoản trong khi tổ chức mở mới 17 tài khoản trong tháng 11. Thời điểm 30/11/2022, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.458 tài khoản.

• Kho bạc đã phát hành hơn 182 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

– Tính đến hết tháng 11/2022, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 182,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 45,6% kế hoạch Bộ giao và 84,75% kế hoạch dự kiến điều chỉnh là 215 nghìn tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,81 năm, kỳ hạn còn lại bình quân là 9,07 năm và lãi suất bình quân năm 2022 là 3,25%.

– Qua đánh giá khả năng thu chi giải ngân cả năm 2022, Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh nhu cầu vay năm 2022, trong đó dự kiến quý 4/2022 thông qua kênh trái phiếu Chính phủ sẽ phát hành khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tương ứng với nhiệm vụ cả năm khoảng 215 nghìn tỷ đồng.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• DPM: Lợi nhuận cao kỷ lục, Đạm Phú Mỹ dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 70%

– Ngày 27/12 tới đây, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (HOSE: DPM) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc doanh nghiệp sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh kế hoạch cổ tức năm 2022.

– Cụ thể, vào tháng 6 vừa qua, Đạm Phú Mỹ đã thông qua tỷ lệ chi cổ tức năm 2022 là 50% vốn điều lệ (tương ứng 5.000 đồng/cp). Dù vậy, 9 tháng đầu năm 2022, công ty thu về 13.906 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.435 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trước kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã quyết định chi trả cổ tức cao hơn kế hoạch với 70% vốn điều lệ (tương ứng một cổ phần được nhận 7.000 đồng/cp).

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày hôm qua, VNINDEX dao động nhẹ quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng. Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến chỉ số giảm điểm nhẹ. VNINDEX đóng cửa tại 1.041,02 điểm, giảm 7,67 điểm (-0,73%).

– Trên sàn HOSE, có 101 mã tăng, 360 mã giảm và 46 mã đứng giá. Trong đó có 60 mã giảm sàn. Thanh khoản có sự sụt giảm, đạt hơn 14.043 tỷ đồng.

– Tác động tiêu cực đến VNINDEX gồm VCB, GAS và VPB với mức tác động lần lượt là -1,78 điểm, -1,29 điểm và -1,18 điểm. Chiều hỗ trợ chỉ số có VIC (+4,4 điểm), VHM (+0,54 điểm) và (+0,42 điểm).

– Chỉ có 2 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh nhẹ là Bất động sản (+0,86%) và Công nghệ thông tin (+0,21%). Nhóm ngành giảm mạnh có Nguyên vật liệu (-1,92%), Công nghiệp (-1,89%) và Tài chính (-1,7%). Các nhóm ngành còn lại có mức giảm từ 0,03% – 1%.

– Khối ngoại đã gia tăng giá trị mua ròng lên hơn 1.000 tỷ đồng, cụ thể họ mua VIC (+297,66 tỷ đồng), VHM (+119,11 tỷ đồng) và STB (+83,02 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối này tập trung vào VCB (-36,24 tỷ đồng), CEO (-16,96 tỷ đồng) và GAS (-14,83 tỷ đồng).

– Áp lực bán hiện vẫn đang chiếm ưu thế, đà giảm có sự chững lại nhẹ bởi có dòng tiền tham gia ở những cổ phiếu vốn hóa lớn.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, hạn chế giải ngân mở vị thế, quan sát diễn biến tiếp theo của thị trường, cân nhắc hạ tỷ trọng nếu áp lực bán gia tăng mạnh.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.

Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 08/12/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest