DCall Podcast sáng 07/12/2022 – HPG: Tiêu thụ thép Hòa Phát tháng 11 giảm 30% so cùng kỳ năm trước

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Fitch Ratings hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023

– Ngày 5/12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó.

– Fitch cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% “bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng.”

– Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1% do “triển vọng phục hồi xây dựng nhà ở suy yếu.”

– Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro (Eurozone) năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ mức 0,1% lên 0,2% do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu dịu bớt, song việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu.

– Cũng theo báo cáo của Fitch Ratings, lãi suất cơ bản do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ấn định được dự đoán sẽ đạt đỉnh ở mức 5% và trong trường hợp của ECB là 3%.

• Châu Âu đã cắt giảm 24% nhu cầu khí đốt trong tháng 11

– Theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường hàng hoá cơ bản ICIS cho thấy nhu cầu khí đốt trong Liên minh châu Âu (EU) giảm 24% trong tháng 11 so với bình quân của tháng này trong 5 năm trở lại đây. Trước đó, nhu cầu khí đốt của khu vực này cũng giảm tương tự trong tháng 10.

– Từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế, kết hợp với điều chỉnh để hạn chế nhu cầu. Nỗ lực cắt giảm nhu cầu khí đốt đã đưa dự trữ khí đốt của EU đạt 95% công suất vào giữa tháng 11, gần mức cao nhất mọi thời đại – theo dữ liệu từ Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE).

– Ngoài ra, việc EU nhập khẩu LNG nhiều chưa từng thấy cũng là một nhân tố quan trọng giúp củng cố dự trữ. Dữ liệu của ICIS cho thấy châu Âu và Anh nhập 11,14 triệu tấn LNG trong tháng 11, mức nhập kỷ lục trong 1 tháng, và dự kiến nhập 12,2 triệu tấn LNG trong tháng 12.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030

– Chiều 6/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

– Phó Thủ tướng nêu rõ, về mục tiêu cụ thể, Đề án xác định phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.

– Về giáo dục, đặt mục tiêu nước ta thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%.

– Về y tế, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• HPG: Tiêu thụ thép Hòa Phát tháng 11 giảm 30% so cùng kỳ năm trước

– Tháng 11/2022, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã sản xuất 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ 2021. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với tháng 11 năm trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 252.000 tấn, tăng 20% so với tháng 10 và giảm 7% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 180.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

– Nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm là do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép chưa được cải thiện. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.

– Lũy kế 11 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với 11 tháng 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm mức 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước. Trong đó, thép xây dựng chiếm 3,9 triệu tấn, tăng 11%, HRC đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, áp lực bán gia tăng mạnh ở phiên chiều khiến VNINDEX đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.048,69 điểm, giảm 44,98 điểm (-4,11%).

– Trên sàn HOSE có 87 mã tăng, 391 mã giảm và 31 mã đứng giá. Trong đó có 83 mã giảm sàn. Thanh khoản có sự gia tăng, đạt hơn 23.533 tỷ đồng.

– Tác động tiêu cực đến VNINDEX gồm VCB, VHM và BID với mức tác động lần lượt là -5,93 điểm, -3,6 điểm và -2,7 điểm. Chiều hỗ trợ chỉ số có VHC (+0,21 điểm), DCM (+0,16 điểm).

– 10 nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là Tài chính (-5,41%), Nguyên vật liệu (-5,14%), Tiêu dùng (-4,93%) và Bất động sản (-4,5%). Các nhóm ngành còn lại có mức giảm từ 1,3% – 3,7%.

– Khối ngoại vẫn duy trì vị thế mua ròng nhưng giá trị mua ròng đã giảm, đạt hơn 782 tỷ đồng. Cụ thể họ mua SSI (+151,67 tỷ đồng), VHM (+134,09 tỷ đồng) và FUEVFVND (+97,95 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối này có DCM (-39,5 tỷ đồng), VRE (-19,73 tỷ đồng) và VSC (-13,48 tỷ đồng).

– Áp lực bán chốt lời khiến các cổ phiếu trụ chìm trong sắc đỏ và dần lan tỏa trên diện rộng khiến VNINDEX giảm sâu.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, hạn chế giải ngân mở vị thế, cân nhắc hạ tỷ trọng với những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, tiếp tục duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư định kỳ hàng tháng cho mục tiêu dài hạn.

Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 07/12/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest