DCall Podcast sáng 05/12/2022 – FMC: Doanh thu 11 tháng gần bằng cả năm 2021

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• EU tiến gần tới áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga

– Châu Âu sẽ bắt đầu thực thi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga từ ngày 5/12 đồng thời áp trần giá lên dầu mỏ của Nga được xuất khẩu bằng đường biển tới các cảng trên thế giới.

– Hiện hầu hết các nước thành viên EU đều đã đồng ý với mức giá 60 USD/thùng, chỉ Ba Lan muốn áp mức giá thấp hơn là 30 USD/thùng. Cho đến nay, các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn.

– Bình luận về ý tưởng của phương Tây nhằm hạn chế giá đối với các nguồn năng lượng của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều này trái với lợi ích đất nước.

– Phó Thủ tướng Alexander Novak cũng cho biết Nga sẽ chỉ làm việc theo điều kiện thị trường và sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần, không phải ở mức 60 USD/thùng hay bất kỳ giá nào khác.

• Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung gần 29.000 tỷ Yên

– Quốc hội Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung 28.920 tỷ Yên (214 tỷ USD) cho tài khóa hiện nay nhằm hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn do lạm phát tăng và hỗ trợ cho nền kinh tế quốc gia đang đương đầu với áp lực suy giảm. Đây là gói ngân sách bổ sung thứ 2 cho tài khóa hiện tại, kéo dài đến hết tháng 3/2023, sau khi gói ngân sách được Hạ viện nước này thông qua hồi đầu tuần.

– Chính phủ Nhật Bản ước tính, biện pháp hỗ trợ trên sẽ giúp hạn chế mức tăng lạm phát giá tiêu dùng khoảng 1.2% hoặc hơn.

– Khoản ngân sách bổ sung này được đánh giá là cần thiết để triển khai các bước giúp giảm áp lực lạm phát, đã bao gồm trong một gói ngân sách lớn hơn nhằm hỗ trợ các hộ gia đình thông qua biện pháp chính là giảm hóa đơn tiền điện trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.

– Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành trái phiếu để huy động gần 23.000 tỷ Yên cho gói ngân sách bổ sung.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng vượt dự toán

– Theo Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.639 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021; trong đó ngân sách trung ương đạt 114,9% dự toán; ngân sách địa phương đạt 117,4% dự toán.​

– Nguyên nhân thu ngân sách nhà nước 11 tháng vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng tiếp tục tăng, ở mức 8,83%); tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 17,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%; xuất khẩu tăng 13,4%, xuất siêu 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

– Về chi ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 1.359 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• FMC: Doanh thu 11 tháng gần bằng cả năm 2021

– Theo báo cáo kết quả hoạt động hợp nhất của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), tháng 11/2022, doanh thu của Sao Ta đạt mức 13,9 triệu USD. Trong đó, Sao Ta sản xuất 1.478 tấn tôm thành phẩm, 101 tấn nông sản thành phẩm; tiêu thụ 1.116 tấn tôm thành phẩm, tiêu thụ 104 tấn nông sản.

– Lũy kế 11 tháng, sản lượng tôm thành phẩm của Sao ta đạt 19.329 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 77% so với kế hoạch đề ra trong năm 2022 của doanh nghiệp. Tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 17.149 tấn, giảm -0,5%; hoàn thành 85% kế hoạch năm. Nông sản thành phẩm chế biến đạt 1.844 tấn, tăng 83% và hoàn thành 83% kế hoạch năm.

– Tính đến hết tháng 11, doanh thu của Sao Ta tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy Sao Ta đã gần như đạt mốc doanh thu bán hàng của cả năm 2021 (năm 2021 Sao Ta đạt 5.240 tỷ đồng).

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Trong phiên giao dịch thứ 6 ngày 2/12/2022, chỉ số VNINDEX giao dịch khá ảm đạm quanh mốc tham chiếu xuyên suốt phiên sáng. Phiên chiều với sự gia tăng của lực mua đã đưa chỉ số bật tăng mạnh và đóng cửa tại 1.080,01 điểm, tăng 43,73 điểm (+4,22%).

– Trên sàn HOSE, có 361 mã tăng, 92 mã giảm và 59 mã đứng giá. Trong đó có 48 mã tăng trần. Thanh khoản có sự sụt giảm, đạt hơn 17.924 tỷ đồng.

– Tác động tích cực tới đà tăng của VNINDEX gồm có VCB, VHM và BID với mức đóng góp lần lượt là +5,94 điểm, +4,04 điểm và +2,79 điểm. Chiều tác động tiêu cực đến chỉ số có LGC, VCF, VPI với mức giảm dưới 0,16 điểm.

– Cả 10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất là Nguyên vật liệu (+5,62%), Bất động sản (+4,89%), Tiêu dùng (+4,60%), Tài chính (+4,64%) và Năng lượng (4,33%). Các nhóm ngành còn lại có mức tăng từ 0,94% – 3,5%.

– Khối ngoại gia tăng giá trị mua ròng lên hơn 2.178 tỷ đồng, cụ thể họ mua HPG (+285,78 tỷ đồng), VHM (+284,57 tỷ đồng) và STB (+274,83 tỷ đồng). Chiều bán ròng khối này tập trung vào PDR (-55,58 tỷ đồng) và DGW (-14,98 tỷ đồng).

– Đà tăng lan tỏa trên mọi nhóm ngành sau phiên điều chỉnh trước đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn tích cực.

– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát diễn biến tiếp theo của thị trường.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.

Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 05/12/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest