DCall Podcast ngày 30/09/2022 – GDP quý 3/2022 của Việt Nam tăng 13.67% so với cùng kỳ năm trước

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Nợ công tại Đức tăng lên mức 2.340 tỷ euro

– Ngày 28/9, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) thông báo trong quý II vừa qua, nợ công của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 25 tỷ euro lên mức 2.340 tỷ euro.

– Theo Destatis, mặc dù nợ công đã giảm nhẹ vào đầu năm nay, song nhu cầu tài chính của chính phủ liên bang cũng như các quỹ hỗ trợ đặc biệt vẫn không ngừng tăng lên do dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

– Đức hiện đang đặt mục tiêu trở lại ngân sách cân bằng (chi tiêu của chính phủ bằng nguồn thu từ thuế và các nguồn thu khác) vào năm 2023. Vì vậy, nước này sẽ áp dụng biện pháp “hãm phanh nợ” lần đầu tiên kể từ năm 2020, theo đó hạn chế các khoản vay mới.

– Cùng ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế Đức nhận định nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng, tỷ lệ lạm phát cao và thương mại toàn cầu thu hẹp.

– Cụ thể, giá năng lượng tăng mạnh đang dẫn đến sức mua sụt giảm nghiêm trọng và đe dọa lợi nhuận của các doanh nghiệp tại nhiều nước. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19 càng chất thêm gánh nặng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn phụ thuộc một phần vào xuất khẩu.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• GDP quý 3/2022 của Việt Nam tăng 13.67% so với cùng kỳ năm trước
– Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2022 ước tính tăng 13.67% so với cùng kỳ năm trước, do quý 3/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3.24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12.91%; khu vực dịch vụ tăng 18.86%.

– Về sử dụng GDP quý 3/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10.08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38.21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8.7%, đóng góp 21.13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9.32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2.72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40.66%.

– GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8.83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9.44%, đóng góp 41.79%; khu vực dịch vụ tăng 10.57%, đóng góp 54.17%.

– Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7.26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44.46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5.59%, đóng góp 18.46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8.94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4.74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37.08%.

• CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước

– VềTheo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, lạm phát cơ bản tháng 9/2022 tăng 0,47% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 – 2023.

– Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 9 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước; 2 nhóm giảm, trong đó nhóm giao thông giảm 2,23% do giá xăng liên tục đi xuống ở các kỳ điều chỉnh trong tháng và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

– Tính chung, CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%).

– Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý III năm 2022 được Tổng cục Thống kê nhắc đến là: Giá xăng dầu trong nước bình quân quý III/2022 tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước với 25 đợt điều chỉnh (11 đợt giảm giá), giá các mặt hàng thực phẩm quý III/2022 tăng 2,33%, giá gas trong nước biến động theo giá thế giới…

• Việt Nam xuất siêu 6,52 tỷ USD sau 9 tháng

– Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Trong quý III, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%.

– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2022 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).

– Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD.

• Số doanh nghiệp thành lập mới quý 3/2022 tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái

– Theo số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2022 ghi nhận 112.791 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021.

– Trong đó, chỉ tính riêng trong quý 3/2022, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 36.558, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

– Về cơ cấu, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành như: Dịch vụ 83.345 doanh nghiệp, chiếm 73,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp và xây dựng 27.903 doanh nghiệp, chiếm 24,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021…

– Về quy mô, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 101.115 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2021.

– Về lao động, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2022 là 758.124 lao động, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• VIC: Bình Dương thu hồi chủ trương hai siêu dự án

– Tỉnh Bình Dương vừa quyết định thu hồi chủ trương nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch hai dự án của Tập đoàn Vingroup.-Lý do thu hồi, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thị xã Tân Uyên và đồ án quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên đã được cơ quan tổ chức hoàn thiện và báo cáo hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh do đó nghiên cứu của Vingroup không còn phù hợp.

– Trước đó vào tháng 12/2019, Bình Dương đồng ý chủ trương để Tập đoàn Vingroup nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 2 khu ở thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên.

– Cụ thể, khu nghiên cứu một có diện tích khoảng 362 ha, thuộc phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên. Khu nghiên cứu hai có diện tích khoảng 600ha thuộc thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên.

– Tổng diện tích hai khu do Vingroup đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch có diện tích lên đến khoảng 1.000ha.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 29/9/2022, VNINDEX mở đầu phiên sáng với trạng thái tích cực khi mở gap tăng hơn 13 điểm. Tuy vậy trạng thái tích cực không duy trì được lâu khi lực bán gia tăng mạnh trở lại. Kết phiên giao dịch, VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.126,07 điểm, giảm 17,55 điểm – mức giảm thấp nhất từ tháng ba năm 2021.

– Về độ rộng thị trường, phe bán vẫn chiếm ưu thế với 347 mã giảm/118 mã tăng. Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, đạt232 tỷ đồng.

– Tác động tiêu cực tới chỉ số VNINDEX là cổ phiếu VIC (-2,82 điểm), BCM (-1,66 điểm) và GVR (-1,326 điểm). Chiều ảnh hưởng tích cực thị trường có EIB, GAS và VNM với mức đóng góp khiêm tốn quanh 0,5 điểm.

– Phiên hôm qua chỉ có nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe giữ được sắc xanh với mức tăng 0,12%. Chiều ngược lại, đà giảm sâu nhất là Công nghiệp và Năng lượng (giảm hơn 2%). Các nhóm ngành còn lại giảm từ 1-1,7%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.081 tỷ đồng), Công nghiệp (1.889 tỷ đồng) và Bất động sản (1.614 tỷ đồng).

– Khối ngoại đã duy trì bán ròng tới phiên thứ bảy với giá trị phiên hôm qua đạt 158,74 tỷ đồng, tập trung vào các mã PHS (-60 tỷ đồng), STB (-52,66 tỷ đồng) và KDH (-49,2 tỷ đồng). Chiều mua ròng của khối ngoại giải ngân vào quỹ E1VFVN30 (29,79 tỷ đồng), GMD (28,28 tỷ đồng) và BSI (24,93 tỷ đồng)

– VNINDEX hiện đang chịu áp lực bán lớn và hiện đã mất mốc hỗ trợ đáy cũ 1.140 điểm. Với tâm lý tiêu cực như hiện tại, khả năng nhịp điều chỉnh sẽ tiếp diễn trong những phiên tới khi lực mua vẫn còn khá yếu. Nhà đầu tư hạn chế tham gia bắt đáy thời điểm hiện tại khi đà giảm chưa có dấu hiệu kết thúc.

—————————–

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest