DCall Podcast ngày 29/09/2022 – FPT: Sản xuất thành công chip vi mạch đầu tiên

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

  • Ngân hàng trung ương Anh mua vào trái phiếu chính phủ dài hạn

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hôm 28/9 thông báo sẽ mua vào trái phiếu chính phủ dài hạn từ nay đến ngày 14/10 với số lượng đủ để ổn định thị trường tài chính, sau khi giá trái phiếu chính phủ Anh sụt giảm mạnh kể từ khi nước này thông báo gói ngân sách mới vào tuần trước.

Trong thông báo, BoE cảnh báo nếu tình trạng rối loạn thị trường tiếp tục hoặc diễn biến xấu đi, sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh sẽ có rủi ro lớn. Điều này sẽ dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính một cách không cần thiết và giảm dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế thực.

BoE cho biết, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp thị trường. Bộ Tài chính Anh cho biết họ sẽ bồi thường bất cứ tổn thất nào do các hoạt động gây ra.

Trích dẫn những rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh, BoE cũng cho biết họ sẽ trì hoãn việc bắt đầu chương trình bán bớt lượng trái phiếu chính phủ do họ nắm giữ trị giá 838 tỷ bảng Anh (891 tỷ USD), vốn được lên kế hoạch bắt đầu vào tuần tới.

Ngân hàng trung ương này nói thêm rằng, họ vẫn cam kết giảm nắm giữ lượng trái phiếu trị giá 80 tỷ bảng Anh trong 12 tháng tới. Số trái phiếu này được mua theo chương trình nới lỏng định lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trong đại dịch COVID-19.

BoE không đưa ra giới hạn cụ thể về quy mô lần can thiệp này. BoE cho biết sự can thiệp sẽ chỉ là tạm thời, đồng thời khẳng định họ sẽ dừng tay một khi rủi ro đối với hoạt động của thị trường giảm bớt.

  • Đồng Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất 14 năm

Theo dữ liệu từ trang CNBC, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục và ngoài đại lục trượt qua mốc 7,2 Nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp nhất kể từ đầu năm 2008.

Hôm thứ Hai tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức hơn 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Đây là mức tỷ giá tham chiếu thấp nhất của Nhân dân tệ kể từ tháng 7/2020, phá vỡ vùng tâm lý 6-7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Cùng ngày, PBOC thắt chặt một quy định kỹ thuật nhằm hạn chế các nhà giao dịch đặt cược lớn vào sự giảm giá sâu hơn của Nhân dân tệ.

Theo báo cáo công bố ngày 27/9 của World Bank, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 4,3% đưa ra hồi tháng 6. Dự báo mới của World Bank về kinh tế Trung Quốc u ám hơn so với nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mới đây cho rằng Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 3,3% cả năm nay.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của 22 nền kinh tế láng giềng của Trung Quốc trong năm nay được cho rằng sẽ cao gấp đôi so với năm ngoái nhờ hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các quy định chống Covid và sự phục hồi của ngành du lịch. Do vậy, năm nay sẽ là năm đầu tiên kể từ 1990, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.

  • Châu Á chiếm 2/3 tổng số việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu

Theo Đánh giá thường niên về Năng lượng tái tạo và Việc làm năm 2022 do Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế thực hiện, trong số 12,7 triệu việc làm trên toàn thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, gần 2/3 là ở châu Á.

Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 42% tổng số toàn cầu, tiếp theo là Liên minh Châu Âu và Brazil với 10% mỗi nước, và Hoa Kỳ và Ấn Độ với 7% mỗi nước. Điều này phản ánh thế mạnh của khu vực về thị trường lắp đặt và sản xuất thiết bị.

Cơ quan này ước tính việc làm điện mặt trời toàn cầu là 4,3 triệu người vào năm 2021, tăng từ khoảng 4 triệu người vào năm 2020. Đây được cho là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, chiếm hơn một phần ba tổng lực lượng lao động năng lượng tái tạo vào năm ngoái.

Theo cơ quan này, Trung Quốc sử dụng 5,4 triệu người trong các công việc năng lượng tái tạo vào năm 2021, tăng từ 4,7 triệu vào năm 2020. Trong số các công việc năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, điện mặt trời chiếm thị phần lớn nhất, với lực lượng lao động ước tính gần 2,7 triệu, tăng từ 2,3 triệu vào năm 2020.

Việc làm toàn cầu trong lĩnh vực gió trên đất liền và ngoài khơi đã tăng lên 1,4 triệu việc làm vào năm 2021, tăng từ 1,25 triệu vào năm 2020. Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 48% tổng số lao động toàn cầu.

Trung Quốc cũng là nước đóng góp nhiều nhất vào việc làm thủy điện, chiếm 37% việc làm toàn cầu, mặc dù đại dịch đã gây ra sự chậm trễ trong việc hoàn thành một số dự án.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Tín dụng tăng mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2022, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn.

Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/9/2022 ước đạt trên 2,85 triệu tỷ đồng, tăng 10,25% so với 31/12/2021. Dư nợ ngắn hạn tăng 12,92%, dư nợ trung và dài hạn tăng 8,57%; dư nợ VND tăng 11,24%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,34% so với 31/12/2021.

Về nguồn vốn huy động, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hà Nội cho biết, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/9/2022 ước đạt trên 4,56 triệu tỷ đồng, tăng 7,33% so với 31/12/2021. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 7,56%, tiền gửi thanh toán tăng 7,51% so với 31/12/2021.

Dự kiến đến 30/9/2022, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm 1,89% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo. Các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đối với các khoản vay thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

  • FPT: Sản xuất thành công chip vi mạch đầu tiên

Ngày 28/9, FPT Semiconductor, công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software – công ty thành viên Tập đoàn FPT) vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế.

Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC – Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Theo thông tin từ FPT Semiconductor, thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói, sau đó sẽ được phân phối ở các thị trường Australia, Trung Quốc.

Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “made in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 – 2025.

Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch sản xuất thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Trong bối cảnh đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD (theo báo cáo từ Technavio), FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước.

  • GMD: Lãi sau thuế công ty mẹ đạt 667 tỷ đồng trong 7 tháng

Gemadept (HoSE: GMD) công bố BCTC hợp nhất 7 tháng đầu năm với doanh thu 2.166 tỷ đồng, tăng 27,6%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 667 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 7, doanh nghiệp đạt 308 tỷ đồng doanh thu thuần và 105 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 29% và 148% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận 7 tháng tăng trưởng nhờ lợi nhuận gộp từ hoạt động khai thác cảng và logistics, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết cùng tăng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 39% lên 42,7%.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

  • Phiên giao dịch ngày 28/9/2022, chỉ số VNINDEX diễn biến tiêu cực ngay đầu phiên sáng khi mở cửa tạo gap giảm 8 điểm. Áp lực bán gia tăng khiến VNINDEX giảm sâu, đã có lúc chạm về mốc 1.142 điểm. Kết phiên giao dịch, VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.143,62 điểm – gần mức thấp nhất trong phiên, giảm gần 23 điểm (-1,96%).
  • Về độ rộng thị trường, sắc đỏ lan rộng khi số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng trên sàn HOSE, tương đương với 366 mã giảm/95 mã tăng. Thanh khoản tăng nhẹ, đạt hơn 11.783 tỷ đồng.
  • Tác động tiêu cực nhất tới VNINDEX gồm VIC (-3,4 điểm), VHM (-3,219 điểm) và GAS (-3,659 điểm). Chiều tăng điểm có VCB, VPB, VRE,… với tổng mức tăng hơn 1 điểm.
  • Phiên hôm qua cả 10 nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó Công nghệ thông tin, Dịch vụ tiện ích và Tiêu dùng thiết yếu giảm mạnh nhất, quanh 3,2%. Các nhóm ngành còn lại giảm dưới 2%. Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.368 tỷ đồng), Công nghiệp (2.227 tỷ đồng) và Bất động sản (1.473 tỷ đồng).
  • Khối ngoại phiên hôm qua chỉ ghi nhận mức bán ròng nhẹ gần 5 tỷ đồng, tập trung vào các mã VNM (-39,15 tỷ đồng), NLG (-36,53 tỷ đồng) và SHS (-34,18 tỷ đồng). Chiều mua ròng của khối ngoại có DGC (34,36 tỷ đồng), KBC (26,35 tỷ đồng) và PVD (24,94 tỷ đồng).
  • VNINDEX hiện đã giảm về vùng đáy cũ của tháng 7 quanh mốc 1.140 điểm và áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng. Nếu những phiên tới không có lực mua tham gia hỗ trợ tại vùng đáy cũ này thì khả năng VNINDEX sẽ tiếp tục giảm về vùng 1.000 điểm.
  • Nhà đầu tư hạn chế bán tháo theo thị trường chung, chờ đợi những nhịp hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu về tỷ lệ an toàn. Tham gia bắt đáy ở thời điểm hiện tại vẫn tiềm ẩn rủi ro khi áp lực bán đang chiếm ưu thế.

—————————–

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest