DCall Podcast ngày 29.08.2022 – Giao dịch lô lẻ trên HOSE dự kiến thực hiện từ ngày 12/9

Mục lục

1. Thông tin thế giới 

• Ông Powell: Chống lạm phát có thể gây ‘tổn thương’ nền kinh tế nhưng là ‘cái giá’ cần phải trả 

– Trong bài phát biểu được nhiều người mong đợi tại hội nghị thường niên Jackson Hole, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell khẳng định Fed sẽ “quyết liệt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ” để “tấn công” lạm phát, hiện tiệm cận đỉnh hơn 40 năm.  

– Dù đã bốn lần tăng lãi suất liên tiếp với tổng mức tăng 2,25%, ông Powell nhận định lộ trình tăng lãi suất “không có lý do để dừng lại” dù mức lãi suất hiện tại được đánh giá đang ở quanh ngưỡng trung lập (mức lãi suất không mang tính hỗ trợ đồng thời không kéo giảm tăng trưởng kinh tế). 

– Đồng thời, ông Powell cảnh báo lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới của Fed có thể gây ra “tổn thương” cho nền kinh tế.  

– “Lãi suất cao, tăng trưởng chậm và thị trường lao động bớt nóng là những gì chúng ta cần để kéo giảm lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với việc các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu nhiều hơn những tác động tiêu cực”, ông chia sẻ. “Đó là cái giá không hề mong muốn nhưng buộc chúng ta phải trả để có thể kiểm soát đà tăng giá cả. Tuy nhiên, sự thất bại trong nhiệm vụ ổn định giá cả thậm chí sẽ mang lại những nỗi đau đớn lớn hơn”. 

– Chứng khoán Mỹ đã lao dốc ngay sau khi ông Powell phát biểu, cụ thể chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm (tức giảm 3%). 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Thống đốc: Room tín dụng sẽ được thông báo vào đầu tuần này 

– Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra vào sáng ngày 26/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần này sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

– Thông tin trên được Thống đốc đưa ra trong bối cảnh kết quả thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn rất khiêm tốn sau 3 tháng triển khai. 

– Theo số liệu tổng hợp của NHNN, qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ. 

– Đại diện NHNN từng nhiều lần cho biết sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ”room” sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng. 

• Hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 

– Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay với 149.451 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Đáng chú ý, trong tổng số 149.451 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2022 là 101.325 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021 (3,638 triệu tỷ đồng); trong đó, vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập tăng 0,3% so với cùng kỳ (1,136 triệu tỷ đồng) và vốn đăng ký tăng thêm tăng 62,6% so với cùng kỳ (2,502 triệu tỷ đồng).  

– Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2021 với 48.126 doanh nghiệp. 

– Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng có 104.317 doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (59.609 doanh nghiệp, chiếm 57,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2022). 

– Giao dịch lô lẻ trên HOSE dự kiến thực hiện từ ngày 12/9 

 – Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mới đây cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán về việc chốt thời hạn ngày 12/9 để thực hiện giao dịch lô lẻ. 

– Ngoài giao dịch lô lẻ, từ ngày 29/8 nhà đầu tư sẽ được giao dịch cổ phiếu với chu kỳ T+1,5. Điều này có nghĩa, vào chiều ngày T+2, nhà đầu tư đã có thể bán chứng khoán thay vì đợi đến ngày T+3 như hiện nay. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• PET: Lãi trước thuế 7 tháng đầu năm giảm 4% do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 

– Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET) công bố ước tính tình hình kinh doanh trong tháng 7 năm 2022. 

– Theo đó, trong tháng 7/2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 1.268 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 35 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 5,3% lên 6,4%. 

– Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu phân phối đạt 1.083 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và chiếm 85,4% tổng doanh thu; doanh thu dịch vụ Catering đạt 74 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ và chiếm 5,8% tổng doanh thu; doanh thu quản lý và cho thuê bất động sản đạt 43 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và chiếm 3,4% tổng doanh thu; và các hoạt động khác đạt 68 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và chiếm 5,4% tổng doanh thu. 

– Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 9.557 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhận lợi nhuận giảm chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Tính tới cuối quý II, giá trị chứng khoán kinh doanh là 582,3 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng lên tới 171,8 tỷ đồng, bằng gần 30% tổng danh mục. Mặc dù vậy, Công ty không thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu. 

• NTP: Lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng gần 21% 

– Báo cáo tài chính Bán niên hợp nhất của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) mới được công bố tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. 

– Theo đó, doanh thu thuần bán hàng có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng từ 2.293 lên 2.807 tỷ đồng (tăng 509 tỷ đồng), kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước thuế tăng từ 316,45 lên 383,87 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 326,47 tỷ đồng, tăng hơn 56,5 tỷ đồng (tương đương với 20,94%) so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 269,94 tỷ đồng). 

– Tỷ suất lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong cũng đã hồi phục 3 quý liên tiếp. Cùng với sự mở rộng nhanh của doanh thu, Nhựa Tiền Phong báo lãi quý II/2022 cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động với lợi nhuận trước thuế đạt gần 212 tỷ đồng. Dù mới hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu, nhưng Nhựa Tiền Phong đã đạt 82,4% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra. Hiện Công ty cũng đang phải trích lập khoản dự phòng đối với các khoản nợ khó đòi hơn 80 tỷ đồng. Nếu số tiền nợ được thu hồi về, giải phóng khoản trích lập dự phòng kia thì số lãi của Nhựa Tiền Phòng có thể ghi nhận tăng mạnh vào kỳ báo cáo tài chính sau này. 

– Tổng tài sản của công ty tính đến 30/6/2022, tăng thêm 518 tỷ đồng, đạt 5.416,2 tỷ đồng. Sự tăng này đến từ việc tăng tài sản ngắn hạn (tăng thêm 551,5 tỷ đồng). 

• POW: Ký hợp đồng tín dụng trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank 

– Đầu tháng 3/2022, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) đã phát hành hồ sơ yêu cầu chào cấp tín dụng thương mại trong nước cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 – dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đầu tiên tại Việt Nam và đang được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Trong số các bản chào, Vietcombank là ngân hàng có lãi suất cạnh tranh nhất. 

– Theo đó, cuối tuần trước, POW đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn lưu động trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank – Chi nhánh Sở giao dịch. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần tước, chỉ số VN-INDEX mở cửa tăng vượt mốc 1.290 điểm nhưng sau đó dần suy yếu và kết phiên trong sắc đỏ tại mốc 1.282,57 điểm, giảm 6,31 điểm (-0.49%). 

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán lan tỏa khi có 321 mã giảm so với 131 mã tăng. Thanh khoản có sự cải thiện, đạt hơn 16.000 tỷ đồng. 

– Ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VNINDEX chủ yếu là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (-0,872 điểm), VHM (-0,774 điểm) và GAS (-0,632 điểm). Chiều nâng đỡ tiêu biểu là MWG (+1,421 điểm), ngoài ra có VCB, EIB với mức đóng góp gần 1 điểm. 

– Phiên thứ Sáu tuần trước chỉ ghi nhận 2 nhóm ngành tăng điểm là Công nghệ thông tin (0,81%) và Tiêu dùng (+3%). Ngược lại thì Năng lượng giảm nhiều nhất (-2,62%), Nguyên vật liệu (-1,2%). 

– Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 60 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất VIC, EIB, VJC với giá trị quanh 23 tỷ đồng. Chiều mua ròng có VHC (53 tỷ đồng), VNM (24 tỷ đồng). 

– VNINDEX đã có phiên kết thúc tuần không tích cực khi khối lượng giao dịch tăng nhưng điểm số giảm, cùng với đó số mã giảm áp đảo số mã tăng, cho thấy áp lực bán đang dần chiếm ưu thế trên thị trường. Theo đó, trong những phiên đầu tuần tới, nhà đầu tư nên ưu tiên sự thận trọng và quan sát thị trường. Vùng kháng cự gần nhất của VNINDEX là 1.300 – 1.310 điểm, vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là 1.250 – 1.260 điểm. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest