DCall Podcast ngày 28/10/2022 – Mỹ: GDP quý 3/2022 tăng trưởng 2.6% so với quý trước đó

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Mỹ: GDP quý 3/2022 tăng trưởng 2.6% so với quý trước đó

– Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng trưởng 2.6% trong quý 3/2022 so với quý liền trước, theo ước tính sớm từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), vượt dự báo của giới phân tích. Số liệu tích cực trên được đưa ra sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.

– Đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ phần lớn đến từ việc giảm bớt thâm hụt thương mại. Ngoài ra, kết quả GDP tích cực còn đến từ đà tăng của chi tiêu tiêu dùng, các khoản đầu tư cố định ngoài nhà ở và chi tiêu Chính phủ. Báo cáo này cũng thể hiện xu hướng chuyển dịch chi tiêu sang dịch vụ, với chi tiêu cho dịch vụ tăng 2.8%, trong khi chi tiêu cho hàng hóa giảm 1.2%.

– Trong khi đó, sự suy giảm về các khoản đầu tư cố định nhà ở và hàng tồn kho tư nhân đã kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, BEA cho biết.

• Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản

– Quyết định ngày 27/10 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất chuẩn từ 0.75% lên 1.5%, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. Trước đó, ECB cũng nâng lãi suất 50 điểm trong tháng 7 và 75 điểm trong tháng 9.

– Tuy nhiên, ECB xác nhận quá trình nâng lãi suất vẫn chưa chấm dứt: “Với lần tăng lãi suất chính sách thứ ba liên tiếp này, Hội đồng Thống đốc đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc rút lại các gói kích thích tiền tệ. Hội đồng thống đốc dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu lạm phát trung hạn 2% một cách kịp thời”.

– Một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán ECB sẽ nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12. Hiện ECB không cho biết cường độ tăng lãi suất trong tương lai, nói rằng quyết định lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Việt Nam : Vốn FDI đăng ký giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái

– Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, từ đầu năm đến ngày 20-10-2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

– Tuy nhiên, cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.

– Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, có 2 lý do chính dẫn đến sự sụt giảm của vốn đăng ký mới. Lý do thứ nhất, do các tháng cuối năm 2021, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022. Lý do thứ hai, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa – chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và do đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• VHM: Lãi sau thuế 9 tháng giảm 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái

– Công ty Cổ phần Vinhomes (HOSE: VHM) công bố Báo cáo tài chính Quý 3 năm 2022 với doanh thu thuần đạt 17.805 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bắt đầu bàn giao 1.300 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,575 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

– Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHM lần lượt đạt 31.199 tỷ đồng và 20.048 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt 49,4% và 26,4% so với cùng kỳ năm 2021.

– Tại thời điểm 30 tháng 09 năm 2022, quy mô tổng tài sản của Vinhomes đạt 342 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2021.

– Trong đó khoản mục tiền và tương đương tiền tăng cùng tiền gửi ngắn hạn đạt hơn 15.900 tỷ đồng, nhờ mở bán thành công dự án mới.

• DPM: Lãi sau thuế 9 tháng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái

– Trong quý 3/2022, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM) DPM ghi nhận doanh thu thuần gần 3,885 tỷ đồng và lãi ròng 998 tỷ đồng, tăng tương ứng 38% và 61% so với cùng kỳ.

– Theo giải thích từ Đạm Phú Mỹ, đà tăng của sản lượng và giá bán phân bón đã tạo nên kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3. Biên lợi nhuận cũng cải thiện. Nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang lại 36.9 đồng lãi gộp, thì quý 3/2022 con số này lên tới 38.3 đồng.

– Sau 9 tháng, DPM lãi ròng hơn 4.4 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và vượt 28% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Đây cũng là giai đoạn lãi kỷ lục của ông lớn ngành phân bón.

– Sau giai đoạn kinh doanh bùng nổ, DPM sở hữu lượng tiền mặt lớn. Cuối tháng 9/2022, DPM có tổng cộng 9,000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn, tăng mạnh so với đầu năm và chiếm 75% tài sản ngắn hạn.

• HAG: Lãi sau thuế 9 tháng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái– CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế quý 3/2022 đạt gần 370 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước . Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 361 tỷ đồng, gấp 15 lần so với kết quả quý 3/2021.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần HAG đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 154% và lợi nhuận sau thuế đạt 892 tỷ đồng, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng công ty mẹ đạt 890 tỷ đồng.

– Năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh, công ty đã hoàn thành được 72% kế hoạch về doanh thu và gần 80% kế hoạch lợi nhuận.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 27/10/2022, lực mua tham gia mạnh mẽ giúp VNINDEX có phiên giao dịch khởi sắc, đóng cửa tại mốc 1.028,01 điểm, tăng 34,65 điểm (+3,49%).

– Về độ rộng thị trường phe mua lấy lại ưu thế với 418 mã tăng/ 61 mã giảm, số mã tăng chiếm 80% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự cải thiện, đạt 11.121 tỷ đồng.

– Đóng góp tích cực cho đà hồi phục của VNINDEX là nhóm cổ phiếu ngân hàng với đại diện là BID (+2,82 điểm), VCB (+2 điểm) và CTG (+1,888 điểm). Chiều giảm điểm có NVL (-0,296 điểm).

– Tất cả 10 nhóm ngành hồi phục trong sắc xanh, tiêu biểu là nhóm Tài chính (+6%), Năng lượng (+5,92%). Các ngành còn lại tăng từ 1,3-4%. Top nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.253 tỷ đồng), Bất động sản và Công nghiệp (quanh 1.400 tỷ đồng).

– Trong phiên hồi phục mạnh của thị trường thì khối ngoại lại có động thái nâng giá trị bán ròng lên 168,52 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào các mã cổ phiếu KBC (-140,64 tỷ đồng), HPG (-97,51 tỷ đồng) và STB (-47,8 tỷ đồng). Chiều mua ròng vào VNM (+71,79 tỷ đồng), FRT (+59,19 tỷ đồng) và MSN (+56,76 tỷ đồng).

– VINDEX phiên hôm qua đã lấy lại được mốc 1.000 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng và các nhóm ngành đồng loạt tích cực cho thấy lực mua đang có dấu hiệu quay trở lại hỗ trợ chỉ số. Nếu lực cầu tiếp tục duy trì tốt, khả năng chỉ số sẽ có thể hồi phục về vùng kháng cự ngắn hạn 1.050 – 1.070 điểm trong những phiên tới.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest