DCall Podcast ngày 27/09/2022 – PVT: Vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ trong 8 tháng

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Đức ký thỏa thuận khí đốt ‘lịch sử’ với UAE

– Ngày 25/9, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới thủ đô Abu Dhabi của UAE, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về việc cung cấp LNG dài hạn, bắt đầu từ năm 2023.

– Cụ thể, công ty năng lượng RWE có trụ sở tại Essen (Đức) đã ký hợp đồng nhận lô LNG đầu tiên từ Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) với khối lượng 137.000m3, tương ứng khoảng 822 triệu kWh.

– Theo thỏa thuận, khí đốt từ ADNOC sẽ được vận chuyển bằng tàu tới trạm nổi của RWE ở thành phố Brunsbüttel, bang Schleswig-Holstein thuộc miền Bắc nước Đức, sớm nhất là vào cuối tháng 12. Tiếp đó sẽ có thêm nhiều đợt giao hàng được thực hiện trong năm 2023.

– Theo RWE, thương vụ này đánh dấu “cột mốc quan trọng” đối với nguồn cung LNG trong tương lai của Đức.

– Không chỉ cung cấp LNG, ADNOC cũng đã ký thỏa thuận cung cấp 250.000 tấn dầu diesel mỗi tháng tới Đức trong năm 2023. Trong tháng 9, sẽ có một chuyến giao hàng trực tiếp dầu diesel tới Đức.

– Sau chuyến thăm UAE, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tiếp tục tới Qatar để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới. Hai nước được cho là sẽ là thảo luận về các kế hoạch dài hạn cho những chuyến hàng khí đốt và hydro.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

– Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

– Hiện nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; mặt khác, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm. Do đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến để đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

– Theo các báo cáo, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

• Mexico áp mức thuế sơ bộ chống bán phá giá với thép mạ Việt Nam

– Thông báo từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan điều tra Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam.

– Mức thuế sơ bộ với các doanh nghiệp Việt Nam từ 0% – 12,34%. Đây là mức thuế tương đối thấp so với các vụ việc mà Mexico điều tra phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu từ các nước vào Mexico trong thời gian gần đây.

– Số liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế ITC cho biết trong giai đoạn điều tra (năm 2020), Việt Nam xuất khẩu khoảng 170 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Mexico. Năm 2021, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 2 lần lên khoảng 370 triệu USD.

– Sau khi ban hành quyết định sơ bộ của vụ việc, cơ quan điều tra Mexico thông thường sẽ tiến hành thẩm tra doanh nghiệp (theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp), tổ chức phiên điều trần trước khi ban hành kết luận cuối cùng.

– Chính vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan tiếp tục chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu thép sang Mexico; nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống bán phá giá của Mexico; hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Mexico trong suốt quá trình điều tra và thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

• 9 tháng, Việt Nam thu hút 18,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

– Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20-9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021.

– Dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và phần góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

– Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư mới thu hút đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với số vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.

– Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 9 tháng qua với mức tăng khá ấn tượng. Kết quả xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt trên 210,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

– Như vậy, tính lũy kế đến ngày 20-9-2022, Việt Nam có 35.725 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 431,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đạt 267 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• PVT: Vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ trong 8 tháng

– Trong 8 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương, với doanh thu đạt khoảng 5.700 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 690 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước,

– Năm nay, PVTrans đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 8 tháng, Công ty đã vượt 15% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

– Từ đầu năm đến nay, PVTrans đưa vào vận hành 5 tàu vận chuyển dầu/hóa chất và 1 tàu chở hàng rời.

– Việc tiếp nhận và đưa vào khai thác các tàu mới trong 8 tháng đầu năm nằm trong chiến lược tiếp tục trẻ hóa, mở rộng quy mô đội tàu của PVTrans, chuẩn bị tốt nguồn lực để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường vận tải khi nhu cầu vận chuyển và sản xuất kinh doanh toàn cầu gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

– Trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh việc mở rộng quy mô đội tàu, PVTrans kỳ vọng việc thanh lý tàu Athena sẽ giúp mang về thêm lợi nhuận cho Công ty.

• GEG: Muốn huy động tiếp 642 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức

– Điện Gia Lai (HoSE: GEG) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ lấy ý kiến bằng văn bản. Một nội dung quan trọng là tờ trình kế hoạch chào bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi. Cụ thể, doanh nghiệp năng lượng dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 64,2 triệu cổ phiếu ưu đãi với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp. Vốn điều lệ tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 3.961 tỷ đồng.

– Công ty sẽ chào bán cho tối đa 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư tham gia mua được hưởng tỷ lệ cổ tức hàng năm 6% nhân với tỷ lệ điều chỉnh (tỷ lệ này được quyết định bởi ĐHĐCĐ trước khi chi trả). Thời hạn ưu đãi cổ tức tối đa 6 năm.

– Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào HĐQT. Cổ phần ưu đãi được chuyển thành cổ phần phổ thông tại bất cứ thời điểm nào sau 2 năm. Giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu GEG tại thời điểm chào bán cổ phần ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

– Số tiền thu được khoảng 642 tỷ đồng được dùng để đầu tư góp vốn vào các công ty con hoặc công ty liên kết và bổ sung nguồn vốn lưu động.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 26/9/2022, ngay từ đầu phiên, VNINDEX đã mở gap giảm 17 điểm, cả thị trường diễn biến tiêu cực. Đã có lúc chỉ số giảm về mốc 1.160 điểm nhưng nhanh chóng có lực cầu tham gia cuối phiên giúp VNINDEX thu hẹp đà giảm, đóng cửa ở mốc 1.174,35 điểm, giảm gần 29 điểm (-2,4%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán tháo diện rộng khi số mã giảm chiếm hơn 87% số mã trên sàn HOSE, tương ứng với 462 mã giảm/42 mã tăng. Thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước, đạt hơn 17.552 tỷ đồng.

– Nhóm cổ phiếu VN30 tiếp tục đánh mất đà nâng đỡ thị trường khi gặp áp lực bán khá mạnh, tiêu biểu là các mã CTG (-1,817 điểm), BID (-1.721 điểm), VHM và VNM đều giảm hơn 1,4 điểm. Chiều ảnh hưởng tích cực tới chỉ số có GAS (+0,5 điểm), ngoài ra có VIB, EIB với mức tăng quanh 0,1 điểm.

– Phiên hôm qua ghi nhận cả 10 nhóm ngành giảm điểm. Trong đó giảm nhiều nhất có Năng lượng (-5,44%), tiếp đến là Công nghiệp (-3,54%) và Tài chính (-3%). Các nhóm ngành còn lại giảm dưới 2,8%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính (4.060 tỷ đồng), Công nghiệp (3.130 tỷ đồng) và Bất động sản (2.229 tỷ đồng).

– Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 558 tỷ đồng, với đại hiện là NLG (-169,96 tỷ đồng), KDH (-140,85 tỷ đồng) và SSI (-69 tỷ đồng). Chiều mua ròng tập trung vào HPG (68 tỷ đồng), STB (67,42 tỷ đồng) và BCM (20,72 tỷ đồng).

– Việc các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất và nỗi lo suy thoái ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã gây áp lực lớn cho nhà đầu tư. Tuy đã có lực mua bắt đáy khi VNINDEX giảm về vùng 1.160 – 1.170 điểm nhưng chưa thể xác nhận đà giảm đã kết thúc, nhà đầu tư cần theo dõi thị trường trong những phiên tới có sự gia tăng của lực mua hay không để có thể đưa ra quyết định giao dịch phù hợp nhất.

—————————–

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest