DCall Podcast ngày 26/09/2022 – NLG: Dự kiến phát hành hơn 1,1 triệu cổ phiếu ESOP

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI 

• Anh: Nợ ròng ở khu vực công chiếm trên 96% GDP 

– Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, khoản nợ phải trả của chính phủ Anh đã tăng lên mức cao nhất trong tuần này. 

– Tền lãi phải trả ở mức 8,2 tỷ bảng Anh trong tháng trước, cao hơn 1,5 tỷ bảng Anh so với tháng 8/2021 và là con số cao nhất theo tháng kể từ khi hồ sơ bắt đầu vào tháng 4/1997. 

– Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết thêm rằng sự biến động của lãi suất phải trả phần lớn là do tỷ lệ lạm phát. Lạm phát hàng năm ở Anh đạt 9,4% vào tháng 6, mức cao nhất trong 40 năm, nhưng đã giảm xuống 8,6% vào tháng 8. 

– Chính phủ Anh đã vay gần gấp đôi so với dự kiến vào tháng 8, với 11,8 tỷ bảng Anh thay vì 6 tỷ bảng Anh theo dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, vì khu vực công đã chi nhiều hơn số tiền nhận được cho thuế và các khoản khác. 

– Nợ ròng của khu vực công không bao gồm các ngân hàng khu vực công chiếm khoảng 96,6% GDP, tăng 1,9% GDP so với cùng kỳ năm ngoái. 

– Các thị trường lo ngại rằng gói giải pháp hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp do Thủ tướng Liz Truss công bố sẽ đẩy vay nợ lên cao hơn, và dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương Anh mạnh tay tăng lãi suất. 

– Vào tháng 9, đồng bảng Anh đã phản ứng với tình trạng bất ổn kinh tế trong nước khi giảm xuống mức thấp nhất so với USD Mỹ kể từ năm 1985. 

• Anh công bố gói hỗ trợ 250 tỷ USD cắt giảm thuế và chi phí khí đốt 

– Ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã công bố một loạt chính sách mới trong bối cảnh đồng nội tệ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm qua so với đồng USD.  

– Phát biểu trước Quốc hội, tân Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết ông đề ra mục tiêu kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng 2,5% trong trung hạn.  

– Liên quan đến vấn đề nợ, Bộ trưởng Kwasi Kwarteng cho biết Chính phủ Anh sẽ công bố kế hoạch để giảm nợ công tính trên GDP sau khi tính toán gói hỗ trợ 200 tỷ bảng (250 tỷ USD) cắt giảm thuế và chi phí khí đốt và điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10. Đây cũng là một phần trong chính sách tài chính được ông công bố trong phát biểu này.  

– Bên cạnh đó, Chính phủ Anh sẽ chỉ khoảng 60 tỷ bảng (67 tỷ USD) để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp trả các hóa đơn điện và khí đốt trong 6 tháng tới 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

• 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 2,9 tỷ USD thức ăn chăn nuôi  

– Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng năm 2022 là 781,3 triệu USD, tăng 11% so với 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, riêng tháng 8, giá trị là 102 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng 7 và tăng 25,4% so với tháng 8/2021. 

– Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất, trong tháng 8 tiếp tục tăng 21,2% so với tháng 7 và tăng 21,8% so với tháng 8/2021 và ở mức 34,7 triệu USD. Tính chung kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tháng năm 2022 là 311,5 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. 

– Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi về Việt Nam tháng 8 tăng trở lại sau hai tháng giảm liên tiếp. Trong tháng, kim ngạch tăng 24,4% so với tháng 7 và tăng 44,3% so với tháng 8/2021 với 573,3 triệu USD. 

– Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng này ở mức trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 29,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước với trên 1,09 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng tháng 8, giá trị là 182 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 7 và tăng mạnh 65,3% so với tháng 8/2021. 

– Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 15,5% so với 8 tháng đầu năm 2021 với 316 triệu USD. Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 3,2% và ở mức 252 triệu USD. 

– Như vậy, trong tháng 8, Việt Nam nhập siêu 472 triệu USD mặt hàng này. Tính chung 8 tháng, Việt Nam nhập siêu gần 2,9 tỷ USD mặt hàng thức ăn chăn nuôi. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM 

• NLG: Dự kiến phát hành hơn 1,1 triệu cổ phiếu ESOP 

– Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE – NLG) thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong Công ty. 

– Cụ thể, Nam Long dự kiến phát hành tối đa hơn 1,14 triệu cổ phiếu, chiếm 0,298% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Ngày phát hành cổ phiếu ESOP dự kiến vào ngày 20/10. 

– Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 11,4 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ Quỹ khen thưởng căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán của Công ty. Toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. 

– Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu NLG giảm 1,39%, xuống còn 35.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch trung bình trong 10 phiên gần đây đạt hơn 2 triệu đơn vị/phiên. 

• BSR: Đặt mục tiêu nâng công suất phân xưởng Polypropylene lên 140% 

– Tại buổi làm việc với tư vấn Wood Group UK Limited (WOOD) mới đây, BSR và WOOD đã thống nhất có những bước tiếp theo của quá trình hợp tác để thực hiện thành công việc tối ưu vận hành, tăng nguồn nguyên liệu Propylene cho sản xuất hạt nhựa. 

– Dự kiến, BSR sẽ triển khai cải hoán tích hợp với Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao khả năng sản xuất và thu hồi Propylene. 

– Đầu năm 2021, BSR đã thử nghiệm thành công và nâng công suất phân xưởng  Polypropylene (PP) lên 115% công suất thiết kế, góp phần mang lại hiệu quả cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất hơn 70 tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng về các sản phẩm PP trong nước. 

– Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình các cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh sẽ có tổng mức đầu tư mới là khoảng 1,2 tỷ USD. Công suất Nhà máy được nâng lên 171 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm).  

– Sau khi hoàn thành Dự án, Nhà máy có thể vận hành dầu thô hỗn hợp có hàm lượng lưu huỳnh đến 0,34% khối lượng. Các sản phẩm xăng RON 92, RON 95 và dầu Diesel đạt tiêu chuẩn Euro V. Kế hoạch vốn dự kiến cho Dự án là 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay (tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng phương án thu xếp vốn cho dự án). 

• FRT: Dự kiến tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng Apple  

– Xuất hiện vào tháng 9/2012, F.Studio by FPT – trực thuộc FPT Retail – là chuỗi hàng uỷ quyền đầu tiên của Apple tại Việt Nam, đạt chuẩn Apple toàn cầu. 

– Sau 1 thập kỷ phát triển, F.Studio by FPT có bước chuyển mình với những F.Studio Super Center lớn gấp đôi cửa hàng cũ và không ngừng mở rộng chuỗi cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. 

– Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Ngành hàng Viễn thông Di động của FPT Retail cho biết, tháng 10/2022 tới đây, 12 cửa hàng mới sẽ được khai trương, nâng tổng số hệ thống cửa hàng F.Studio by FPT lên 27. Từ nay đến hết năm 2022, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng nâng tổng số cửa hàng F.Studio by FPT lên 50 trên toàn quốc. 

– Đến thời điểm hiện tại, F.Studio by FPT tại Việt Nam đã có hơn 200.000 khách hàng thân thiết. Trong đó, hằng năm có hơn 1% là khách hàng hạng Kim Cương, tức đã chi tiêu lên đến 100 triệu và 5% khách hàng hạng Vàng, tức có mức chi tiêu hơn 50 triệu. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM 

– Phiên giao dịch ngày 23/9/2022, chỉ số VNINDEX giao dịch giằng co trong phiên sáng với sắc đỏ chiếm ưu thế. Đến phiên chiều, lực bán gia tăng khiến VNINDEX giảm 11,42 điểm, đóng cửa ở mốc 1.203,28 điểm (-0,94%). 

– Về độ rộng thị trường, ưu thế quay trở lại với phe bán khi có 287 mã giảm/162 mã tăng. Thanh khoản tương đương phiên giao dịch trước đó, đạt 11.292 tỷ đồng. 

– Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VNINDEX đến từ cổ phiếu VCB (-2,5 điểm), VIC và VPB giảm quanh 0,6 điểm. Ngược lại chiều tăng điểm có GAS, BVH với mức đóng góp quanh 0,7 điểm. 

– Chỉ có duy nhất một nhóm ngành giữ được sắc xanh là Chăm sóc sức khỏe (+0,18%). Các nhóm ngành còn lại ở chiều giảm trong biên độ dưới 1,4%, trong đó có Tài chính (-1,32%), Nguyên vật liệu (-1,14%). Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (2.407 tỷ đồng), Công nghiệp (1.939 tỷ đồng) và Bất động sản (1.474 tỷ đồng).  

– Khối ngoại ghi nhận phiên thứ 3 bán ròng với giá trị gần 330 tỷ đồng, áp lực bán mạnh đến từ VND (-60,6 tỷ đồng), BSR và MSN bán quanh 57 tỷ đồng. Trong khi đó, chiều mua ròng tiếp tục giải ngân vào HPG (+31,56 tỷ đồng), ngoài ra có BSI (+22,16 tỷ đồng), VNM (+17,27 tỷ đồng). 

– Kết phiên giao dịch, VNINDEX đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên cho thấy lực bán chiếm ưu thế trong khi lực mua chỉ vừa đủ để duy trì chỉ số tại vùng 1.200 điểm. Nếu lực mua không có sự gia tăng những phiên tới thì khả năng VNINDEX sẽ mất mốc hỗ trợ quan trọng này và có thể giảm về hỗ trợ xa hơn quanh 1.160 điểm. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, ưu tiên cổ phiếu có nền tảng cơ bản nắm giữ trung dài hạn, hạn chế giao dịch ngắn hạn trong bối cảnh thị trường không ủng hộ. 

—————————– 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 26/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest