DCall Podcast ngày 25.07.2022 – Techcombank báo lãi quý 2 tăng 22%

Mục lục

1.Thông tin vĩ mô  

• Châu Âu nâng lãi suất lần đầu sau 11 năm 

– Để đối phó lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) lần đầu tiên kể từ năm 2011. Sau khi nâng 0,5%, lãi suất tham chiếu tại Liên minh châu Âu (EU) đã quay về 0%. Lãi suất tại khu vực này đã được duy trì ở mức âm từ năm 2014. 

– Động thái này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/7. Việc này nhằm đối phó lạm phát đang lên kỷ lục tại châu Âu, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao. Lạm phát tại EU đã chạm 9,6% trong tháng 6. Tính riêng khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), con số này là 8,6%. 

– Dù vậy, ECB vẫn chậm chân so với nhiều cơ quan khác, như Mỹ hay Anh. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất từ vài tháng trước. Còn Ngân hàng Trung ương Anh thậm chí tăng lãi từ năm ngoái. 

• Hoạt động kinh tế eurozone ‘đi lùi’ trong tháng 7 

– Hoạt động kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021 trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng giảm sút đơn hàng và chi phí tăng cao, điều khiến không ít chuyên gia kinh tế gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ngay trong năm nay.  

– Nỗi lo eurozone rơi vào suy thoái càng được củng số sau khi S&P Global công bố kết quả khảo sát chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tháng 7 của khu vực này, qua đó cho thấy sản lượng và số lượng các đơn hàng mới sụt giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, thời điểm các lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 được áp dụng.  

– Cụ thể, chỉ số PMI tổng hợp (bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) của khu vực eurozone giảm từ 52 điểm trong tháng 6 xuống 49,4 điểm trong tháng 7, thấp nhất 17 tháng. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống ngưỡng ranh giới 50 điểm, giúp phân định xu hướng tăng và giảm, từ tháng 2/2021, thời điểm các doanh nghiệp gặp khó trước làn sóng lây nhiễm Covid-19.  

– Triển vọng kinh tế khu vực eurozone liên tục xấu đi trong vài tuần gần đây, đặc biệt sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cao hơn dự báo trong ngày 21/7, trong bối cảnh Nga đang cắt giảm nguồn cung năng lượng tới lục địa già, Italy đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng chính trị và lạm phát cao kỷ lục kéo giảm chi tiêu của các hộ gia đình.  

– ECB trước đó công bố kết quả khảo sát đối với 56 chuyên gia dự báo chuyên nghiệp. Họ thống nhất giảm dự báo tăng trưởng khu vực eurozone từ 2,3% xuống 1,5% trong năm 2023 trong khi nhận định tăng trưởng trong năm nay chỉ đạt 2,8%, giảm 0,1% so với lần dự báo trước. 

2. Cổ phiếu tiêu điểm 

• DRC – Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả SXKD quý 2/2022 và kế hoạch kinh doanh quý 3/2022 

– DRC đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với doanh thu thuần đạt gần 1.1 nghìn tỷ đồng (-4.7% yoy). Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 84 tỷ đồng (-21% yoy). Lũy kế 6 tháng, doanh thu và Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt lần lượt đạt 2.4 nghìn tỷ đồng(+14.9% yoy) và 150 tỷ đồng (-11.9% yoy). Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt trong quý 2/2022 có mức giảm cao hơn doanh thu là do (1) biên lợi nhuận gộp giảm 1% do chi phí đầu vào tăng và (2) chi phí bán hàng, hành chính và quản lý (SG&A) tăng 1.3% yoy. 

– Kế hoạch 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.4 nghìn tỷ đồng (+1% yoy), Lợi nhuận sau thuế 256 tỷ đồng (-12% yoy). Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu và 58% mục tiêu lợi nhuận năm. 

– Công ty cũng đặt kế hoạch quý 3/2022 LNTT đạt 86 tỷ đồng. Mục tiêu lũy kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 272 tỷ đồng ~ 85% kế hoạch. Chú ý, thời gian 6 tháng cuối năm thường là mùa cao điểm xuất khẩu của DRC. 

– Nhận định: DRC là một trong những nhà sản xuất săm lốp hàng đầu Việt Nam với danh mục sản phẩm săm lốp đa dạng, dành cho xe tải, ôtô, xe máy; đặc biệt là dòng lốp Radial toàn thép với mạng lưới phân phối trong nước rộng khắp (hơn 90 đại lý cấp 1). Điểm nhấn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm. (1) Nhu cầu tiêu thụ lốp Radial xe tải và xe buýt ở Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng  (2) Được hưởng lợi từ chính sách thuế, DRC đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Brazil nhằm duy trì đà xuất khẩu (3) Nhà máy Radial giai đoạn 3 nâng công suất nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial lên 1 triệu lốp/năm (4) DRC luôn duy trì trả cổ tức với tỷ lệ từ 10-30% mệnh giá. Dự báo, LNST 2022 đạt 330 tỷ đồng (+14% yoy) ~ tương đương với P/Efw 2022 là 10 lần.  

– Phân tích kỹ thuật: DRC kết tuần giao dịch từ ngày 18-22/7 ghi nhận giảm 0,72% so với tuần trước. Trên đồ thị tuần, DRC đang cho thấy diễn biến thu hẹp dần trong biên độ dao động giá và khối lượng, đi ngang quanh vùng 27.4+/- trong 5 tuần liên tiếp. Trong tuần, sau 3 phiên không chinh phục được kháng cự mạnh tại vùng 28.3-28.4, DRC gặp áp lực bán trở lại. Tuy nhiên, cổ phiếu đã về đến vùng hỗ trợ mạnh quanh 27.4 +/-, và vẫn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn, đây có thể là cơ hội để mở mới vị thế đối với DRC. 

• Hóa chất Đức Giang báo lãi ròng quý II gấp 5,5 lần cùng kỳ 

– Quý 2/2022, DGC ghi nhận doanh thu thuần 4 nghìn tỷ đồng (+96.4% yoy), biên lãi gộp được cải thiện từ 24.3% lên 53.1%, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.7 nghìn tỷ đồng, gấp 5.5 lần cùng kỳ. Lợi nhuận tăng chủ yếu do giá bán cao kỷ lục và tiết kiệm chi phí từ mỏ khai thác quặng apatit của DGC. 

– Lũy kế 6 tháng, doanh thu và Lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7.6 nghìn tỷ đồng(+91.5% yoy) và 3.4 nghìn tỷ đồng, gấp 5.4 lần năm trước.  

– Kế hoạch 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.1 nghìn tỷ đồng (+26% yoy), Lợi nhuận sau thuế 3.5 nghìn tỷ đồng (+39% yoy). Như vậy, hết tháng 6, doanh nghiệp thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu 97.3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.  

– DGC còn động lực tăng trưởng quý 3 khi có sự thiếu hụt nguồn cung đối với quặng apatit của Trung Quốc – nguyên liệu đầu vào chính của các sản phẩm photpho. Giá quặng apatit của Trung Quốc tăng 40% trong 2 tháng qua. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch xuất khẩu phân chứa lân, điều này có thể mang lại lợi ích cho DGC bằng cách giữ chênh lệch giá tiếp tục cao (giá phân chứa lân – giá đầu vào). 

– Nhận định: DGC là doanh nghiệp chuyên sản xuất phốt pho và các hóa chất gốc phốt pho lớn nhất Việt Nam. Điểm nhấn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm: (1) Hưởng lợi từ chính sách cấm xuất khẩu mặt hàng phốt pho vàng (P4) của Trung Quốc giúp giá P4 neo ở mức cao; (2) DGC là doanh nghiệp đầu ngành với chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ nguyên liệu đầu vào, có khả năng chế biến sâu các sản phẩm từ phốt pho giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận và đa dạng hóa đầu ra; (3) Dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn đi vào hoạt động cuối năm 2024 với các sản phẩm mới là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn đối với DGC. Dự báo Lợi nhuận sau thuế 2022 của DGC đạt 5.7 nghìn tỷ đồng (+137% YoY) ~ PE fw2022 6.3 lần. 

– Phân tích kỹ thuật: Sau chuỗi 4 tuần liên tiếp giảm điểm, DGC kết tuần giao dịch từ ngày 18-22/7 ghi nhận tăng 2,51% so với tuần trước. Trong tuần, sau khi tạo gap từ đầu phiên vào ngày 20/7, DGC gặp áp lực bán áp đảo bên mua trong các phiên tiếp theo. Tuy nhiên, điểm tích cực là phiên giảm điểm ngày Thứ 6 (22/7) có thể coi là đã xử lý xong đoạn gap được tạo. DGC đang tạo dựng nền tích lũy trong vùng 92-102 +/-, đây là vùng nhà đầu tư có thể xem xét để mua vào cổ phiếu. Target: 119.5 +/-, 129.5 +/-. Stoploss: – 5% so với giá mua hoặc thủng hỗ trợ mạnh 87.4  

• MBB – Kết quả kinh doanh 1H2022 tăng 49% 

– MBB báo cáo tổng thu nhập hoạt động 1H22 đạt 29.9 nghìn tỷ đồng (+65% yoy). Lợi nhuận trước thuế sơ bộ nửa đầu năm 2022 (1H22) là 11.9 nghìn tỷ đồng (+49% yoy).  MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 là 24 nghìn tỷ đồng (+45% yoy) 

– Tỷ lệ nợ xấu NPL đạt 0.94% trong Q2/2022. MBB đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ NPL dưới 1% trong năm 2022. MBB tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR lên 380% trong Q2/2022, tỷ lệ này thuộc nhóm cao nhất ngành. Ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ LLR quanh ngưỡng 300% trong năm 2022. 

– Từ đầu năm, Ngân hàng cho biết số lượng khách hàng mở mới tài khoản và người dùng mới của ứng dụng MBB là 3.5 triệu người, và ngân hàng kỳ vọng sẽ có thêm 7 – 8 triệu khách hàng mới trong cả năm 2022. MBB hiện đang có 16.5 triệu khách hàng. 

– Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 10.9%, cao hơn đáng kể so với mức tối thiểu theo Basel II là 8.0%. 

– Nhận định: Kỳ vọng việc MBB tiếp nhận xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích. (1) Có cơ hội được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (2) Tăng độ phủ sóng: mạng lưới hệ thống của MB sẽ tăng lên trên 400 điểm trên toàn quốc; (3) Nhận được hỗ trợ từ Ngân hàng nhà nước thông qua các khoản vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, MB được phép loại trừ tổ chức này khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, cũng không phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư. Chất lượng tài sản vẫn duy trì với tỷ lệ NPL tương đối thấp và tỷ lệ LLR cao. Tỷ lệ LLR cao sẽ giúp ngân hàng trở nên linh hoạt hơn trong việc giảm và/hoặc hoàn nhập dự phòng và từ đó giúp thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai. Dự báo LNST 2022 đạt 19.5 nghìn tỷ (+47% yoy) ~mức P/E fw2022 là 5 lần, P/B fw2022 là 1.2 lần. 

– Phân tích kỹ thuật: MBB kết tuần giao dịch từ ngày 18-22/7 tăng nhẹ 0,39% so với tuần trước. MBB đánh dấu tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp, tuy nhiên đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại khi cổ phiếu tiến về vùng kháng cự quanh 25.8 +/-. Trong tuần, MBB tăng điểm với sự chậm rãi và tạo thành xu hướng đi ngang quanh vùng 25.8 +/-. Nhà đầu tư với mục tiêu từ trung hạn có thể giải ngân vào MBB tại vùng này. Do MBB vẫn chưa lấy lại được xu hướng tăng dài hạn, chúng tôi khuyến nghị tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục tối đa là 20%. Target: 29.4 +/- (trung hạn). Stoploss: 24.5

• FPT báo lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 31% 

– FPT ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 19.8 nghìn tỷ đồng (+22.2% yoy), lợi nhuận trước thuế 3.6 nghìn tỷ đồng (+23.9% yoy). Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần 2.5 nghìn tỷ đồng  (+31% yoy). Kết quả kinh doanh tăng trưởng 2 chữ số nhờ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ, nhất là dịch vụ chuyển đổi số và tăng trưởng biên lợi nhuận mảng viễn thông. 

– Về cơ cấu doanh thu, Khối CN đạt 11.2 nghìn tỷ (+24% yoy); Khối viễn thông đạt 7 nghìn tỷ (+15,5% yoy); Khối giáo dục đạt 1.9 nghìn tỷ (+42% yoy). Mảng dịch vụ CNTT nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, doanh thu ký mới đạt 11.6 nghìn tỷ (+40% yoy), tạo động lực tăng trưởng vững chắc cho nửa cuối năm 2022. 

– Công ty vừa công bố phương án tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với mức chi chi trả 10% mệnh giá. Ngày đăng ký cuối cùng 25/08/2022. Kế hoạch 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 42.4 nghìn tỷ đồng (+19% yoy), lợi nhuận trước thuế 7.6 nghìn tỷ đồng (+20.2% yoy). 

– Nhận định: FPT là cổ phiếu giá trị đáng để đầu tư dài hạn nhờ vào các lợi thế cạnh tranh bền vững như: 1) Công ty công nghệ số 1 tại Việt Nam, 2) Có lợi thế cạnh tranh về mặt con người, chi phí thấp và chuỗi đào tạo khép kín và 3) Chuyển đổi số và các sản phẩm made by FPT giúp tăng trưởng biên lợi nhuận. Dự báo Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 đạt 6,950 tỷ (+30% yoy). Với mức giá 111.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, FPT hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 13.4x. Đây là mức hấp dẫn với cổ phiếu đầu ngành và còn tiềm năng tăng trưởng như FPT 

– Phân tích kỹ thuật: FPT kết tuần giao dịch từ ngày 18-22/7 ghi nhận tăng 3,53%, lấy lại mức giảm điểm của tuần trước. Trong tuần, đà tăng của FPT đang chậm lại khi cổ phiếu tiến về vùng kháng cự mạnh quanh 86.1 +/-. Tuy nhiên, điểm tích cực là áp lực bán cũng đồng thời giảm, thể hiện thông qua khối lượng giảm dần trong 2 phiên cuối tuần. Trên xu hướng tăng dài hạn, FPT vẫn đang vận động tương đối tích cực. Do đó, các nhịp giảm điểm có thể là cơ hội để giải ngân dần vào cổ phiếu này. Target: 91.5 +/-, 96.8 +/- (trung hạn). Stoploss: – 5% so với giá mua hoặc thủng hỗ trợ mạnh 79.5. 

• Techcombank báo lãi quý 2 tăng 22% 

– TCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21.1 nghìn tỷ (+16,6% yoy). Lợi nhuận trước thuế đạt 14.1 nghìn tỷ đồng (+22.3% yoy). Ngân hàng đã đẩy nhanh việc đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân – phân khúc chiếm 46.6% dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2022, tăng từ mức 38.8% vào cuối tháng 3 năm 2022. Tỷ lệ CASA giảm xuống 47.5% so với mức 50,4% cuối quý 1/2022. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2 năm 2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh đạt 171.6%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tăng lên 15.7% cuối quý 2 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và mức 15.1% tại thời điểm 31 tháng 3 năm 2022. Năm 2022, TCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27 nghìn tỷ đồng (+16,2% yoy). Tín dụng dự kiến tăng 15%. 

– Nhận định: TCB là ngân hàng tư nhân đáng để đầu tư dài hạn nhờ các lợi thế cạnh tranh bền vững như (1) Hệ sinh thái khép kín tạo nền tảng tăng trưởng cho những mảng kinh doanh ngoài lãi: TCBS số 1 Việt Nam về hoạt động trái phiếu, ngân hàng mẹ luôn tiên phong trong các dịch vụ mới. (2) Chi phí vốn thấp: CASA của TCB cao nhất hệ thống. (3) Cơ cấu nguồn vốn an toàn, tỷ lệ nợ xấu thấp (0.66%). Dự báo LNST 2022 đạt 22.5 nghìn tỷ (+25% yoy). TCB có mức ROE trung bình 3 năm gần nhất đạt 19.4%, đang giao dịch tại mức P/E fw2022 là 5.8 lần, P/B fw2022 là 1.3 lần. 

– Phân tích kỹ thuật: TCB kết tuần giao dịch từ ngày 18-22/7 ghi nhận tăng 2,77% so với tuần trước. Trên đồ thị tuần, cổ phiếu đang đi ngang trong vùng 34-38 +/- với biên độ thu hẹp dần ở cả giá và khối lượng. Sau khi mở cửa tạo gap vào phiên sáng Thứ Sáu (22/7), TCB gặp áp lực chốt lời. Cổ phiếu có thể quay lại giá 36.9-37.0 trong các phiên tới, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư với mục tiêu từ trung hạn có thể giải ngân vào TCB. Do TCB vẫn chưa lấy lại được xu hướng tăng dài hạn, chúng tôi khuyến nghị tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục tối đa là 20%. Target: 42.9 (trung hạn). Stoploss: 35.0 

3. Thị trường chứng khoán 

– Kết tuần giao dịch 18/07 – 22/07/2022, chỉ số VNINDEX tăng hơn 15 điểm (+1,32%) đạt mốc 1.194,76 điểm. Nhìn trên biểu đồ kỹ thuật khung thời gian ngày, VNINDEX hiện đang gặp áp lực bán lớn tại vùng 1.200 điểm sau khi vượt qua khỏi vùng trendline của xu hướng giảm. 

– khối lượng giao dịch từ ngày 18/7–22/7 của các nhóm cổ phiếu có sự suy giảm ở hai phiên cuối tuần bên cạnh việc chỉ số VNINDEX có sự sụt giảm điểm nhẹ bởi áp lực bán từ vùng kháng cự 1.200 điểm. 

– Về giao dịch khối ngoại, sau 2 phiên đầu tuần bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng khi VN-Index tạo gap và bật lên vùng 1.185, đẩy giá trị mua ròng của khối ngoại cho tuần 18/07 – 22/07 lên 554 tỷ đồng. Các cổ phiếu được khối ngoại gom mạnh nhất gồm GAS (187.3 tỷ đồng), MWG (137.4 tỷ đồng), VND (103 tỷ đồng), SSI (94.3 tỷ đồng), và VNM (91.1 tỷ đồng). Đây là tuần đầu tiên trong hơn 1 tháng khối ngoại có 3 phiên mua ròng liên tiếp, phát tín hiệu cho thấy sự tự tin quay trở lại dần đối với các nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian dài liên tiếp bán ròng trong bối cảnh lãi suất tại các nền kinh tế thế giới đang tăng dần. 

– Nhóm cổ phiếu Midcap đang di chuyển với tốc độ chậm lại và duy trì trong vùng Dẫn dắt. Nhóm cổ phiếu Smallcap đã di chuyển từ vùng Cải thiện sang vùng Dẫn với lực di chuyển cũng tương đối lớn. Chiều ngược lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, hiện đã di chuyển từ vùng Suy yếu sang vùng Tụt hậu cho thấy hướng đi của dòng tiền đang chuyển đổi sang nhóm Midcap và Smallcap nhiều hơn. Với việc dòng tiền đang ưu tiên những nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ ngắn hạn thì khả năng VNINDEX sẽ có những nhịp điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi áp lực bán chốt lời ngắn hạn xuất hiện. 

– Nhóm ngành có biến động mạnh nhất có thể kể đến Dịch vụ tiện ích (+3,6%), Nguyên vật liệu (-2,8%), Công nghiệp (+2,6%). Hai nhóm ngành Nguyên vật liệu (VNMAT) và Công nghiệp (VNIND) đã dịch chuyển từ vùng Cải thiện sang vùng Dẫn dắt nhưng Nguyên vật liệu đang có xu hướng yếu hơn. Nhóm ngành Dịch vụ tiện ích (VNUTI) đã vượt khỏi vùng Tụt hậu để sang vùng Cải thiện với lực di chuyển khá lớn. Nhóm ngành Tài chính (VNFIN) tuy ghi nhận mức tăng 1,2% nhưng đã dịch chuyển từ vùng Dẫn dắt sang vùng Suy yếu do hầu hết các mã cổ phiếu đều giảm và chỉ có một số cổ phiếu trụ duy trì được đà tăng cho nhóm ngành. Nhóm ngành cần theo dõi trong thời gian tới là Năng lượng (VNENE) khi đang có xu hướng di chuyển từ vùng Cải thiện sang vùng Dẫn dắt. 

– Dòng tiền đầu cơ tiếp tục gia tăng mạnh khiến cho xác suất VNINDEX sẽ có nhịp chỉnh càng gia tăng khi chạm tới vùng kháng cự 1.200 điểm. Điều chỉnh lấp gap và đi ngang tại vùng 1.180 điểm sẽ là kịch bản tích cực nhất đối với VNINDEX khi áp lực bán tại vùng 1.200 vẫn còn khá lớn và sẽ cần thời gian để hấp thụ trước khi tiếp tục hồi phục vượt khỏi vùng 1.200 điểm. 

– Thời điểm hiện tại, nhiều mã cổ phiếu đã hồi phục đến sát vùng kháng cự gần nhất nên nhà đầu tư nên hạn chế tham gia mới để tránh rủi ro điều chỉnh từ thị trường. Những nhịp điều chỉnh với khối lượng bán thấp sẽ là tín hiệu để nhà đầu tư xem xét tham gia với tỷ trọng nhỏ để theo dõi, mua đuổi khi cổ phiếu đã tăng sẽ không phải lựa chọn an toàn khi rủi ro từ dòng tiền đầu cơ đang dần lớn lên. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest