DCall Podcast ngày 23.08.2022 – PNJ: Lãi sau thuế 1.165 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Ngân hàng Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế 

– Ngày 22/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm Lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm giảm 5 điểm cơ bản từ mức 3,7% xuống 3,65%. Trong khi đó, LPR kỳ hạn 5 năm giảm 15 điểm cơ bản xuống 4,3%. 

– Đây là một trong những biện pháp mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nhu cầu vay vốn, kích thích nền kinh tế đang chật vật vì khủng hoảng bất động sản và các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống đại dịch COVID-19. 

– Chuyên gia phân tích tài chính Marco Sun thuộc ngân hàng MUFG nhận định động thái trên diễn ra đúng như dự báo của giới chuyên gia, mục tiêu chính sách khá rõ ràng là thúc đẩy nhu cầu tài chính dài hạn khi LPR 5 năm giảm tới 15 điểm cơ bản. 

– Việc giảm mạnh LPR 5 năm – cũng là lãi suất tham chiếu cho thế chấp – cho thấy những nỗ lực nhằm ổn định thị trường bất động sản sau hàng loạt vụ vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản và giá nhà giảm mạnh. 

– Tuần trước, PBoC cũng đã giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm (MLF) và một công cụ thanh khoản ngắn hạn khác nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng. 

• Hàn Quốc: Lạm phát tiêu dùng quý 2 cao nhất trong 24 năm qua 

– Ngày 22/8, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (SK) cho biết giá tiêu dùng quý 2/2022 ở nước này tăng ở mức nhanh nhất trong 24 năm qua do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt. 

– Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong quý từ tháng Tư đến tháng Sáu ở mức 107,54 điểm, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng quý 2 cao nhất kể từ mức tăng 8,2% trong cùng kỳ năm 1998. 

– Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua so với đồng USD.Từ đầu năm đến nay, đồng won đã mất giá 11% so với đồng USD. Đồng USD mạnh hơn làm dấy lên lo ngại dòng vốn đầu tư sẽ rút khỏi thị trường Hàn Quốc do các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. 

– Thâm hụt thương mại gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Thống kê của Tổng cục Hải quan Hàn Quốc cho biết trong 20 ngày đầu tháng Tám, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại 10,2 tỷ USD. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, nước này có khả năng thâm hụt thương mại tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng Tám. 

– Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) dự kiến tiến hành cuộc họp ấn định lãi suất vào ngày 25/8 và có nhiều dự đoán BOK sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%.Giới chuyên gia tài chính cho rằng việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là điều không tránh khỏi, song biện pháp này có thể làm tăng gánh nặng trả nợ và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 368 tỷ USD 

– Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD. 

– Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu và cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. 

– Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 19,5%, mức tăng này cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

– Trên cơ sở con số sơ bộ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận định,kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 60/BCT – KH ngày 18/1/2022 (8,1%) và nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Về cán cân thương mại, dự kiến năm 2022 xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch. 

• Chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với vật liệu hàn nhập khẩu 

– Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1624/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 

– Theo đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng đối với 3 nước nói trên từ 11,43% đến 36,56%. 

– Cụ thể, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức bao gồm que hàn inox 308 có bọc thuốc được phân loại theo mã HS 8311.10.90, 8311.30.99,  8311.90.00 và dây hàn thép đặc không lõi thuốc được phân loại theo các mã HS 7217.10.10, 7217.30.19, 7217.90.10, 7229.20.00, 7229.90.20, 7229.90.99, 8311.10.10, 8311.10.90, 8311.10.90, 8311.30.91, 8311.30.99, 8311.90.00. 

– Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định 1624/QĐ-BCT chính thức có hiệu lực (ngày 20/8/2022). 

– Được biết, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 3/2021 trên cơ sở đề nghị của của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 5/2020. Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy, trong thời kỳ điều tra, lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với tổng lượng tiêu thụ nội địa và lượng sản xuất của ngành sản xuất trong nước, là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• PNJ: Lãi sau thuế 1.165 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2022 

– Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với 2.511 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 413,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 32 tỷ đồng. 

– Lũy kế 7 tháng, doanh thu thuần đạt 20.721 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.167 tỷ đồng; tăng lần lượt 70,9% và 66,1% so với 7 tháng đầu năm 2021. So với kế hoạch năm, PNJ đã đạt 80,2% chỉ tiêu doanh thu và 88,4% mục tiêu lợi nhuận sau 7 tháng. 

– Về tăng trưởng doanh thu từng kênh, doanh thu bán lẻ lũy kế 7 tháng tăng 77,8% so với cùng kỳ đến từ sự tăng trưởng tốt ở các nhãn hàng và sự đóng góp doanh thu từ các cửa hàng mới cùng với hoạt động kích cầu thông qua chương trình marketing/push sales. Doanh thu sỉ lũy kế 7 tháng tăng 49,9% so với cùng kỳ nhờ vào việc chào bán sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thị hiếu của khách hàng. Doanh thu vàng 24K lũy kế 7 tháng tăng 76,1% so với cùng kỳ do nhu cầu khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát cao.  

– Biên lợi nhuận gộp trung bình 7 tháng đạt 17,4% so với mức 18,6% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán của kênh bán lẻ.  

– Tổng chi phí hoạt động lũy kế 7 tháng tăng 54,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp đạt 56,6%, giảm so với mức 58,5% cùng kỳ 2021, cải thiện nhờ tối ưu hóa vận hành bằng các ứng dụng công nghệ vào bán hàng, quản lý. 

– Lũy kế 7 tháng, hệ thống PNJ đã mở mới 19 cửa hàng và nâng cấp 11 cửa hàng PNJ Gold, mở mới 2 cửa hàng PNJ Style đồng thời đóng 6 cửa hàng PNJ Gold và 6 cửa hàng PNJ Silver.  

– Tính đến cuối tháng 7/2022, hệ thống PNJ có 351 cửa hàng độc lập bao gồm 332 cửa hàng PNJ Gold, 8 cửa hàng PNJ Silver, 3 CH CAO Fine Jewellery, 4 cửa hàng PNJ Style và 1 CH PNJ Watch và 3 cửa hàng PNJ Art. 

• FPT: Sắp chi 1.100 tỷ đồng tiền cổ tức đợt 1/2022 

– Mới đây, CTCP FPT (Mã: FPT) đã thông báo ngày 25/8 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền đợt 1/2022, ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/8. 

– Thời gian thanh toán vào ngày 12/9. Tỷ lệ thực hiện là 10%, tương ứng với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu được nhận 1.000 đồng. Với gần 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, ước tính FPT sẽ chi khoảng 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. 

– Năm nay, doanh nghiêp này đặt mục tiêu doanh thu 42.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.619 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, FPT đã hoàn thành 46,8% kế hoạch doanh thu và 47,7% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 22/8/2022, chỉ số VNINDEX giao dịch chủ yếu trong sắc đỏ. Kết phiên, chỉ số đóng cửa ở mốc 1.260,43 điểm, giảm 8,75 điểm (-0,69%). 

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán vẫn còn lan tỏa khá mạnh với 326 mã giảm so với 130 mã tăng. Số mã giảm chiếm gần 62% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản đạt 14.836,116 tỷ đồng. 

– Ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số VNINDEX đến từ cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (-1,843 điểm), BID, VCB với mức giảm quanh 1 điểm. Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nâng đỡ thị trường gồm BCM (+1,474 điểm), MWG (+0,89 điểm),  SSB (+0,63 điểm). 

– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 3/10 nhóm ngành tăng điểm gồm: Nhóm ngành Tiêu dùng tăng tốt nhất (+2,43%), tiếp theo là Năng lượng (+0,83%) và Công nghệ thông tin (+0,02%). Ở chiều giảm điểm có Bất động sản, Công nghiệp và Nguyên vật liệu giảm quanh 1,4%. Các ngành còn lại giảm nhẹ, dưới 0,6%. 

– Khối ngoại phiên hôm qua đã bán ròng 228,86 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với phiên thứ Sáu tuần trước, tập trung vào KBC (-54,22 tỷ đồng), SSI (-41,36 tỷ đồng) và VHM (-35,67 tỷ đồng). Chiều mua ròng có VNM (48,48 tỷ đồng), SHB (35,12 tỷ đồng) và PVD (34,2 tỷ đồng). 

– VNINDEX đã giảm 3 phiên liên tiếp với đà giảm mạnh dần theo từng phiên. Điều tích cực là bên mua vẫn tham gia khá tốt, giúp chỉ số không giảm sâu mà giằng co ở vùng 1.250-1.260 điểm. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên quản trị rủi ro cho danh mục, hạn chế mua mới và theo dõi sát diễn biến thị trường. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest