DCall Podcast ngày 22.08.2022 – Chính thức rút ngắn thời gian giao dịch T+1.5 từ 29/08/2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Dự báo lạm phát tại Đức có thể lên tới 10% trong những tháng tới 

– Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel ngày 20/8 cho rằng tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, sau khi gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện giao thông công cộng 9 euro/tháng kết thúc vào cuối tháng 8 này. 

– Phát biểu với báo giới, ông Nagel dự báo tỷ lệ lạm phát tại Đức có thể sẽ tăng tới 10% trong những tháng tới. Trong lịch sử nước Đức, tỷ lệ lạm phát hai con số được ghi nhận lần gần đây nhất là cách đây hơn 70 năm. Quý IV/1951, Đức ghi nhận tỷ lệ lạm phát 11%. 

– Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức trong 3 tháng gần đây nhất – tháng 5, tháng 6 và tháng 7 – lần lượt ở các mức 7,9%, 7,6% và 7,5%. Tỷ lệ lạm phát tháng 6 và tháng 7 giảm nhẹ so với tháng 5 được đánh giá chủ yếu là do việc giảm giá nhiên liệu và việc cung cấp vé phương tiện giao thông công cộng 9 euro. 

– Ông Nagel nhận định trong cả năm 2022, tỷ lệ lạm phát ở Đức sẽ ở mức trên 8%. 

– Đối với năm 2023, ông Nagel dự báo lạm phát nhiều khả năng sẽ có mức trung bình trên 6% do những nút thắt về nguồn cung và căng thẳng địa chính trị nhiều khả năng sẽ tiếp tục. 

• Doanh số bán nhà tại Mỹ giảm tháng thứ sáu liên tiếp 

– Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), trong tháng 7, doanh số bán nhà có sẵn đã giảm 5,9% so với tháng 6 xuống 4,81 triệu căn. Con số này thấp hơn dự báo trước đó của các nhà kinh tế và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2015, nếu không tính đến đợt sụt giảm ngắn hạn trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

– Mức giảm trong tháng 7 là mức giảm hàng tháng thứ sáu liên tiếp của doanh số bán nhà. 

– Lĩnh vực bất động sản là một động lực quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới khi giúp thúc đẩy chi tiêu vào các lĩnh vực khác, như thiết bị, đồ nội thất và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lại lạm phát, tốc độ bán hàng đã bị ảnh hưởng. 

– Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của NAR nhận định doanh số bán hàng sụt giảm khá nhiều. Các dữ liệu khác cho thấy các nhà xây dựng đang bắt đầu rút lui và việc xây dựng nhà mới đã chậm lại.  

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Việt Nam xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD đến giữa tháng 8/2022 

– Theo số liệu Tổng cục Hải quan, về xuất khẩu, từ ngày 1/8 – 15/8/2022 (kỳ 1 tháng 8), Việt Nam xuất khẩu 15,1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/8/2022, Việt Nam xuất khẩu 232,7 tỷ USD hàng hóa, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 197,8 tỷ USD). Trong số các mặt hàng xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8, có 20 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 33,6 tỷ USD, tăng 15%. 

– Về nhập khẩu, trong kỳ 1 tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 15,2 tỷ USD hàng hóa, tăng nhẹ 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Tính chung từ đầu năm đến hết 15/8, Việt Nam nhập 231,3 tỷ USD hàng hóa, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 217 tỷ USD). Trong số các mặt hàng nhập khẩu, có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt trị giá cao nhất với 31,1 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là điện thoại các loại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng nhẹ 3%… 

– Tổng kết, từ đầu năm đến 15/8, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 463 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD. 

• Chính thức rút ngắn thời gian giao dịch T+1.5 từ 29/08 

– Ngày 19/08/2022, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã ký Quyết định số 109/QĐ-VSD ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD và Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế Thành viên Lưu ký Tại VSD. 

– Theo quy chế mới, thời gian ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00. 

– Thành viên lưu ký phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi NHTT hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoàn tất trước 13h ngày thanh toán; đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày. 

– Hai quy chế mới này có hiệu lực từ ngày 29/08/2022, theo đó nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày 25/08/2022 (ngày T+0) sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày 29/08/2022 (ngày T+2) để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày. 

– Hai quy chế mới được ban hành để đáp ứng việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảm đảm), qua đó mang lại lợi ích tốt hơn cho nhà đầu tư và thị trường. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• TCM: Lãi sau thuế tháng 7 gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái 

– Dệt may Thành Công (HOSE: TCM) công bố doanh thu tháng 7 đạt 17 triệu USD (~ 400 tỷ đồng), tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 triệu USD (~ 35 tỷ đồng), gấp 2,24 lần so nền thấp cùng kỳ năm trước. 

– Công ty cho biết doanh thu tháng 7 đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 78%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 6%. Mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí xăng dầu và chi phí logistic tăng mạnh trong những tháng đầu năm nhưng công ty đã nỗ lực gia tăng năng suất và cắt giảm chi phí. 

– Doanh thu lũy kế 7 tháng đạt 108,3 triệu USD (~ 2.545 tỷ đồng), tăng 13% so với cùng kỳ và thực hiện khoảng 61% so với kế hoạch năm 2022; lợi nhuận sau thuế ước 6,7 triệu USD(~ 157 tỷ đồng), tăng 17% và thực hiện khoảng 62% so với kế hoạch năm. 

– Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng, Dệt may TCM xuất khẩu sang châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất 63,7%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 29,91%, Nhật Bản chiếm 20,01%; tiếp đến là châu Mỹ chiếm 33,3%, gồm Mỹ chiếm 28,7% và Canada chiếm 4,63%; phần còn lại là châu Âu. 

– Công ty thông tin đã nhận đủ đơn hàng cho quý III và nhận khoảng gần 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý cuối năm. 

• MWG: Ban lãnh đạo tự tin chuỗi Bách Hoá Xanh sẽ có lợi nhuận từ quý 4/2022 

– Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, hàng loạt cửa hàng treo biển xả kho giảm giá đến 50%, một số đóng cửa hoặc tạm ngừng để nâng cấp. 

– Doanh nghiệp này cũng cho biết quá trình tái cơ cấu toàn diện bắt đầu từ tháng 4 và đang cho thấy tín hiệu tích cực. Các thay đổi bao gồm đóng cửa hàng không hiệu quả, thay đổi cách bố trí (layout), cắt bỏ các mặt hàng có nhu cầu thấp… 

– Báo cáo mới nhất cho thấy doanh nghiệp tiếp tục đóng thêm 150 cửa hàng trong tháng 7. Như vậy, đại gia bán lẻ đã đóng khoảng 400 cửa hàng so với số đầu năm, hoàn tất việc thay đổi cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. 

– Sau giai đoạn mạnh tay cắt bỏ, hiện ông lớn bán lẻ này còn vận hành khoảng 1.735 cửa hàng kinh doanh. Doanh thu bình quân một cửa hàng vào khoảng 1,3 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với mức bình quân 1 tỷ đồng hồi đầu năm. 

– Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG và là người điều hành chính Bách Hóa Xanh – cho biết: “Khi doanh thu tăng nhiều còn chi phí được kiểm soát, Bách Hóa Xanh có thể có lợi nhuận ngay trong quý IV năm nay. Đó sẽ là bước chuyển quan trọng với cả tập đoàn. Lợi nhuận từ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không còn phải bù đắp cho Bách Hóa Xanh”.  

– Lãnh đạo Bách Hóa Xanh nói thêm chuỗi đã qua giai đoạn củng cố nền tảng vững và chuyển sang bước tiếp theo là tối ưu vận hành như tập trung cho logistics và mảng online, để chuẩn bị cho việc mở rộng. Kế hoạch năm 2023 sẽ nhân rộng mô hình chuẩn hiện tại ra toàn quốc, bắt đầu ở một số khu vực có mật độ cửa hàng còn thưa thớt và tiến tới những tỉnh chưa có kinh doanh. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, chỉ số VNINDEX phiên sáng giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu, đến phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số đóng cửa mốc 1.269,18 điểm, giảm 4,48 điểm (0,35%). 

– Về độ rộng thị trường, ưu thế vẫn nghiêng về phe bán với 338 mã giảm so với 124 mã tăng. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm, đạt gần 15.000 tỷ đồng. 

– Áp lực tiêu cực đến thị trường là cổ phiếu VHM (-1,103 điểm), và nhóm ngân hàng như VCB (-0,72 điểm), CTG (-0,609 điểm). Chiều nâng đỡ thị trường gồm VPB (+1,37 điểm), GAS (+0,9 điểm), VGC (+0,5 điểm). 

– Phiên thứ Sáu ghi nhận 9/10 nhóm ngành giảm điểm, duy có nhóm Năng lượng hồi phục tốt với mức tăng 1,8%. Ngược lại nhóm Công nghệ thông tin và Nguyên vật liệu giảm sâu nhất, gần 1,5%. Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1%. 

– Khối ngoại phiên cuối tuần trước bán ròng 102,66 tỷ đồng, tập trung vào nhóm Bất động sản, bị bán mạnh nhất là KBC (-130 tỷ đồng), DXG (-52,5 tỷ đồng) và VHM (-46 tỷ đồng). Chiều mua ròng có VNM (118,15 tỷ đồng), PVD (40,46 tỷ đồng) và NVL (39 tỷ đồng). 

– Trong bối cảnh đà tăng của thị trường đã chững lại trong tuần qua và áp lực bán có dấu hiệu lan tỏa, nhà đầu tư nên ưu tiên cơ cấu lại danh mục, hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu đã đạt mục tiêu hoặc đang gặp áp lực bán lớn tại vùng kháng cự. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest