DCall Podcast ngày 21/10/2022 – VPB: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức

– Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức chỉ sau 44 ngày đảm nhiệm chức vụ, trong bối cảnh phải chịu nhiều áp lực. Mức độ tín nhiệm với bà đã rơi xuống mức thấp nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990. Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ liên tục công khai chỉ trích hoặc kêu gọi bà từ chức.

– Sự ra đi của bà Truss đồng nghĩa bà trở thành thủ tướng Anh có thời gian tại nhiệm ngắn nhất. Ông Graham cho biết cuộc tranh cử để thay thế bà Truss làm thủ tướng và lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ kết thúc ngày 28/10.

– Bà Truss đã chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 5/9 và nhậm chức thủ tướng một ngày sau, trong bối cảnh Anh đối mặt loạt thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Người tiền nhiệm của bà là Boris Johnson phải từ chức sau loạt vụ bê bối trong nội các.

– Bà được chọn nhờ cam kết cắt giảm thuế lớn, bãi bỏ những quy định mà bà cho rằng sẽ gây sốc cho nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng trì trệ.

– Những ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của bà Truss bị lu mờ bởi lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II. Ngày 23/9, Bộ trưởng tài chính khi đó là Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch kinh tế mà ông và Thủ tướng đã vạch ra, trong đó có dự luật cắt giảm thuế trị giá 50 tỷ USD, mà không có giải thích kèm theo về cách chính phủ sẽ bù đắp cho khoản tiền thuế thâm hụt.

– Chỉ trong 6 tuần bà Truss trở thành Thủ tướng Anh, các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà bà theo đuổi gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp và cuối cùng ông Kwarteng bị sa thải.

• Tổng thống Mỹ công bố bán dầu mỏ dự trữ để kiềm chế giá tăng

– Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết Mỹ sẽ bán ra 15 triệu thùng từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược vào cuối năm nay và lên chiến lược chi tiết để nạp đầy kho dự trữ khi giá giảm, nhằm ngăn giá dầu tăng đột biến.

– Tổng thống Mỹ cho biết đợt bán ra mới nhất là một phần của kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược bắt đầu từ tháng 5 vừa qua. Ông cho biết sẽ bắt đầu nạp lại kho dự trữ trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11.

– Ông Biden cũng cho rằng Mỹ sẽ sẵn sàng khai thác lại nguồn dự trữ này vào đầu năm tới để kiềm chế giá cả. Mục tiêu Tổng thống Biden đặt ra là bổ sung dự trữ sau khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) về mức khoảng 70 USD/thùng.

– Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1984, chỉ đầy hơn một nửa với hơn 400 triệu thùng dầu. Song Tổng thống Biden cho rằng số lượng đấy đã “quá đủ cho bất kỳ đợt xả kho khẩn cấp nào”.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Dự kiến GDP cả năm 2022 tăng trưởng 8%

– Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, gây khó khăn cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chúng ta vẫn đạt được những kết quả khả quan, tích cực.

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%. Khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.

– Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Năng lượng đáp ứng đủ cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Lương thực, thực phẩm được bảo đảm, trong 9 tháng xuất khẩu trên 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD. Thị trường lao động phục hồi nhanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• VPB: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái

– Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần hơn 30,738 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

– Các hoạt động ngoài lãi ghi nhận biến động không đồng nhất. Trong đó lãi từ dịch vụ tăng mạnh 59% lên gần 4.557 tỷ đồng nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán và ngân quỹ, dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm.

– Đồng thời, lãi từ hoạt động khác cũng tăng vọt gấp 4,4 lần khi đạt 9.686 tỷ đồng, nhờ tăng thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác, thu nhập khác và phát sinh thêm nguồn thu từ hoạt động bán nợ.

– Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 278 tỷ đồng do thu từ công cụ tài chính phái sinh giảm 92% về còn 375 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng bị lỗ hơn 217 tỷ đồng; còn lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm đến 78% về hơn 531 tỷ đồng.

– Dù vậy, VPBank vẫn đạt 34.978 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng đến 38% so với cùng kỳ.

– Kỳ này, VPBank chi ra hơn 15.141 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11%. Sau cùng, VPBank đạt lãi trước thuế gần 19.837 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ và thực hiện gần 67% kế hoạch cả năm (29.700 tỷ đồng). Và lãi ròng 15.909 tỷ đồng, tăng 70% so cùng kỳ.

• QTP: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 88,1% so với cùng kỳ năm ngoái

– Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCOM: QTP) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 3.141 tỷ đồng, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt được là 147 tỷ đồng, cao hơn 71,4% so với quý 3/2021.

– Chi phí tài chính quý 3/2022 của QTP là 63,5 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếm hơn nửa trong số này là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 32,4 tỷ đồng.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần QTP đạt 8.155 tỷ đồng; lãi sau thuế là 745 tỷ đồng; lần lượt tăng 30,7% và 88,1% so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và vượt 71% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.

• BSR: Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 109% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường

– Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Upcom: BSR) quyết định tăng công suất hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 109% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu đang thiếu hụt trong thời gian qua.

– Cụ thể, sau khi tăng công suất hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 105% lên 107%, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao và nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào đảm bảo, công ty quyết định tăng công suất lên 109%.

– Dự kiến, thời gian tới, nhu cầu của thị trường tiếp tục tăng cao và nguồn dầu thô ổn định, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

– Trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.

– Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 20/10/2022, chỉ số VNINDEX mở gap giảm gần 4 điểm ngay đầu phiên. Nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 đã giúp chỉ số hồi phục lại vào thời điểm cuối phiên và đóng cửa tại mốc 1.058,45 điểm, giảm nhẹ 1,62 điểm (-0,15%).

– Về độ rộng thị trường, lực bán chiếm ưu thế với 287 mã giảm/131 mã tăng. Thanh khoản có sự tăng nhẹ với phiên trước đó khi đạt 8.392 tỷ đồng.

– Những cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường có TCB (-0,535 điểm), HPG (-0,443 điểm) và MBB (-0,4 điểm). Ngược lại chiều hỗ trợ chỉ số VNINDEX có VCB với mức đóng góp nhiều nhất 1,56 điểm, ngoài ra có GAS (+0,875 điểm) và FPT (+0,641 điểm).

– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 1 nhóm ngành tăng điểm là Công nghệ thông tin (+2,57%). Ở chiều giảm điểm, nổi bật là Nguyên vật liệu (-1,35%), Công nghiệp (-1,1%). Các nhóm ngành còn lại giảm nhẹ dưới 0,6%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm có Tài chính (1.952 tỷ đồng), Công nghiệp và Nguyên vật liệu (quanh 1.000 tỷ đồng).

– Khối ngoại trở lại mua ròng với giá trị đạt 183,49 tỷ đồng, tập trung vào VNM (+63,66 tỷ đồng), MSN (+57,72 tỷ đồng) và STB (+52,68 tỷ đồng). Chiều bán ròng có HPG tiếp tục bị bán mạnh (-72,49 tỷ đồng), ngoài ra có NVL (-30 tỷ đồng) và VND (-18,43 tỷ đồng).

– Hôm qua tiếp tục là phiên giao dịch giằng co quanh mốc 1.060 điểm với thanh khoản thấp và chưa có dấu hiệu để có thể xác định xu hướng tiếp theo của thị trường.

– Giai đoạn này nhà đầu tư ưu tiên quan sát, chọn lọc các mã cổ phiếu đang có dấu hiệu tạo vùng nền tích lũy để theo dõi, cơ cấu lại danh mục với những mã cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu của lực mua.

—————————-

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 21/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest