DCall Podcast ngày 21.07.2022 – Uỷ ban châu Âu đề nghị giải phóng tiền của Nga đang bị đóng băng

Mục lục

1. Tin vĩ mô

  • Uỷ ban châu Âu đề nghị giải phóng tiền của Nga đang bị đóng băng
  • Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 19/7 đề nghị các nước thành viên giải phóng “một số khoản tiền” của các ngân hàng Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của EU, để giúp nối lại hoạt động buôn bán nông sản và thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón. 7 ngân hàng của Nga gồm Bank Rossiya, Promsvyaebank, VEB-RF, Otkritie FC Bank, Novikombank, Sovcombank và VTB Bank liên quan đến đề xuất trên.
  • Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov cho biết Kiev coi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là “cơ hội” để giải tỏa một phần bờ Biển Đen để cho phép họ xuất khẩu ngũ cốc sang các nước khác.
  • Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực để vận chuyển ngũ cốc Ukraine tới các thị trường toàn cầu. Tuần trước, Ankara đã tổ chức các cuộc đàm phán về ngũ cốc giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine, có sự tham gia của Liên hợp quốc. Các bên đã đồng ý thành lập một trung tâm điều phối ở Istanbul và Nga và Ukraine sẽ tiến hành vòng đàm phán về ngũ cốc mới tại Thổ Nhĩ Kỳ.
  • Sau dầu giá rẻ, Nga lại tung “thép đại hạ giá” khiến thị trường thép châu Á chao đảo
  • Sau khi bẻ dòng chảy dầu sang châu Á với giá rẻ và kiếm bộn tiền, Nga tiếp tục đẩy mạnh thép đến thị trường châu Á với giá ưu đãi, làm chao đảo thị trường thép ở châu Á, đè nặng lên giá cả và khiến các nhà sản xuất chủ chốt trong khu vực phải cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra.
  • Hiện Nga đang cố gắng gửi thêm thép sang thị trường phía Đông sau khi các lệnh trừng phạt được thực thi khiến phương Tây quay lưng lại với hàng hóa của Nga và làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen.
  • Phần lớn thép thặng dư của Nga, đặc biệt là sản phẩm sơ chế (phôi thép) đã chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó các nhà máy thép của Nga hiện cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu thép đến những điểm đến châu Á với giá ưu đãi. Các nhà sản xuất phôi thép trên khắp Đông Nam Á đang cắt giảm sản lượng trong thời gian gần đây. Điều đó có nghĩa là họ đang mua ít nguyên liệu phế liệu hơn kể cả từ Nhật Bản để cung cấp nhiều hơn cho Tokyo Steel.
  • Bên cạnh đó, thép từ Nga cũng đổ bộ vào các bờ biển Ấn Độ khiến các nhà sản xuất thép trong nước cảm thấy lo lắng khi Nga dùng cách bán hàng tồn kho ngày càng tăng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đã có 2 hoặc 3 chuyến hàng thép của Nga đã cập cảng Ấn Độ.
  • Những thông tin về việc bán các sản phẩm thép giá rẻ của Nga trên quy mô lớn đang sôi sục, làm xáo trộn nghiêm trọng đến trật tự của thị trường thép trong khu vực
  • Lạm phát Anh cán mốc 9.4%, ngân hàng Trung ương Anh có thể nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản
  • Theo ước tính công bố trong ngày 20/07, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 9.4% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn mức 9.1% trong tháng 5/2022. Trong ngày 20/07, Văn phòng Thống kê Quốc gia của Vương quốc Anh cho biết nguyên nhân chính cho đà tăng của lạm phát là giá nhiên liệu xe gắn máy và thực phẩm, với giá nhiên liệu tăng 42.3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1989.
  • Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã thực hiện 5 lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản liên tiếp trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, trong một sự kiện diễn ra vào ngày 19/07, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã gợi ý rằng Ủy ban Chính sách Tiền tệ có thể xem xét một đợt tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 8. Nếu đúng, đây sẽ lần tăng lãi suất lớn nhất của Vương quốc Anh trong gần 30 năm.
  • BoE dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 11% vào cuối năm, trong khi số liệu mới hôm thứ Ba (19/07) cho thấy mức lương thực ở Anh trong giai đoạn 3-5/2022 đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2001, do mức tăng lương còn cách quá xa với tỷ lệ lạm phát”.
  • Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Vương quốc Anh và điều có nghĩa là nguy cơ suy thoái đang rất cao. Dữ liệu gần đây cho thấy một thị trường lao động quá mạnh đang góp phần vào áp lực lạm phát trong nước.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

  • Trung Quốc không còn đình chỉ các lô hàng thủy sản dương tính SARS-CoV2, xuất khẩu cá tra Việt Nam khởi sắc.
  • Các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vào Trung Quốc sẽ được bỏ “thẻ đỏ” đối với doanh nghiệp có lô hàng bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 sau gần hai năm thực thi. Đây là quy định mới được cơ quan chức năng phía Trung Quốc đưa ra áp dụng. Nguyên nhân vì số lượng lô hàng nhiễm Covid-19 ngày càng ít, trong khi quốc gia này đang muốn giảm thiểu thiệt hại do chính sách “zero Covid-19” gây ra.
  • Trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vào Trung Quốc nếu 2 lần đầu kiểm tra có phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ bị đình chỉ xuất khẩu 1 tuần và tăng lên 4 tuần nếu ở lần kiểm tra thứ 3 tiếp tục phát hiện có dương tính. Chính sách này được đưa ra khi phía Trung Quốc gia tăng kiểm soát dịch đối với hàng nhập khẩu từ các nước trong việc thực hiện “zero covid”.
  • Thống kê của VASEP cho thấy, trong nửa đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 82,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 427,6 triệu đô la Mỹ, tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Sau khi Trung Quốc xoá bỏ chính sách nêu trên, thì khả năng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm.
  • Khách qua cảng hàng không Việt Nam nửa đầu năm tăng hơn 74%
  • Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình thị trường hàng không 6 tháng đầu năm. Theo đó, hành khách qua cảng hàng không đạt 23,3 triệu lượt, tăng 74% so cùng kỳ 2021, trong đó thị trường nội địa đạt 20,8 triệu lượt, tăng 58,4% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 651.000 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ 2021, trong đó thị trường nội địa đạt 146.900 tấn tăng 3,6% so cùng kỳ. Tính đến 30/6, 5 hãng hàng không trong nước đang khai thác gần 60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 19 sân bay địa phương.
  • Đối với thị trường hàng không quốc  tế, đến nay có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ.
  • Tuy thị trường hàng không quốc tế đang dần hồi phục nhưng tốc độ còn thấp do nhiều quốc gia, khu vực (đặc biệt là các quốc gia Đông Bắc Á) vẫn đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại trong việc phòng chống dịch Covid-19.

3. Doanh nghiệp niêm yết

  • VIB: Lợi nhuận 6 tháng đạt hơn 5.000 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ

–      Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường.

–      Tính đến 30.6.2022, tổng tài sản của VIB đạt gần 350.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2021 và tăng 26% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng trên 224.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,7%, với 90% danh mục tín dụng là cho vay bán lẻ và 93% khoản vay bán lẻ đều có tài sản đảm bảo. Nguồn vốn huy động đạt 265.000 tỷ, tăng 11,8% so với cuối năm 2021.

–      Các chỉ số an toàn được quản trị ở mức tối ưu, trong đó hệ số CAR Basel II ở mức 11,5% (quy định trên 8%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 29% (quy định dưới 37%), hệ số cho vay trên tổng tiền gửi ở mức 70% (quy định dưới 85%). Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 1,8%

–      Suốt hơn 5 năm qua, VIB thuộc nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng bán lẻ dẫn đầu thị trường. Tính đến hết Quý 2 năm 2022, VIB nằm trong top đầu về thị phần cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc và là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nhanh nhất và chi tiêu trên thẻ cao nhất.

  • CTR: Báo lãi quý 2 tăng 24% so với cùng kỳ 2021, trở thành TowerCo số 1 Việt Nam
  • Trong nửa đầu năm, doanh thu Viettel Construction (mã chứng khoán: CTR) đạt 4.223 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 49,2% kế hoạch năm 8.586,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 46,4% kế hoạch năm 517,6 tỷ đồng.
  • Trong đó, Vận hành khai thác tiếp tục là mảng kinh doanh trụ cột của CTR chiếm tỷ trọng 59% tổng doanh thu, đạt 2.500 tỷ đồng năm 2022, tăng so với 1.996 tỷ đồng năm 2021. Lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp lớn tiếp theo là Tư vấn thiết kế – xây dựng (1.055 tỷ đồng), tăng trưởng 62%. Đứng thứ 3 là Giải pháp tích hợp (400 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kì).
  • Tính đến tháng 7, Viettel Construction trở thành TowerCo (đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông) số 1 Việt Nam, sở hữu tổng số 3.325 trạm BTS, 1.87 triệu m2 DAS (hệ thống ăngten phân tán), 2.662 km truyền dẫn và 16,87 MWp năng lượng mặt trời. Viettel Construction dự xây dựng 120.000 trạm viễn thông ở 10 quốc gia và vận hành hơn 35.000 trạm viễn thông. Đây là quy mô mà chỉ có một vài công ty TowerCo toàn cầu đạt được. Trên thực tế nhu cầu thuê hạ tầng từ các TowerCo của các nhà mạng tăng cao, do nhu cầu sử dụng lưu lượng data của người dùng ngày một lớn. Khi công nghệ 5G bùng nổ, cơ hội đầu tư xây dựng các trạm BTS mới sẽ được gia tăng hơn nữa.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 20/07/2022, chỉ số VNINDEX diễn biến tích cực ngay từ đầu phiên sáng mở cửa tạo GAP tăng khoảng 10 điểm . Đà tích cực lan tỏa khiến chỉ số đã có lúc gần chạm ngưỡng 1.200. Phiên chiều áp lực bán tham gia khiến VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.194,14 điểm, tăng gần 16 điểm (+1,34%)

– Về độ rộng thị trường, phe mua chiếm ưu thế với 374 mã tăng/ 87 mã giảm. Số mã tăng chiếm hơn 72% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản cải thiện tốt, vượt mức trung bình 20 phiên, đạt 14.167,660 tỷ đồng.

– Đóng góp cho đà tăng điểm chỉ sổ VNINDEX là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB (+1,441 điểm), tiếp theo là BID và VNM tăng gần 1 điểm). Ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chủ yếu là cổ phiếu VIC (-0,581 điểm), DPM (-0,218 điểm) và HAG (-0,188 điểm).

– Phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận sự hồi phục ở tất cả các nhóm ngành. Trong đó, Công nghiệp, Công nghệ thông tin và Tiêu dùng có mức tăng trên 2% . Các ngành còn lại có mức tăng dưới 1,5%. Các nhóm ngành có khối lượng giao dịch lớn gồm Tài chính (3,438 tỷ đồng), Công nghiệp (2,533 tỷ đồng) và Bất động sản (1,307 tỷ đồng).

– Khối ngoại sau 3 phiên bán ròng mạnh đã có dấu hiệu quay trở lại mua ròng với giá trị 193,35 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu SSI (+56,39 tỷ đồng), GAS (+45 tỷ đồng) và VHM (+44,3 tỷ đồng). Chiều bán ròng điển hình có FPT (-60,53 tỷ đồng), STB (-34,17 tỷ đồng) và MWG  (-26,61 tỷ đồng).

– Mốc 1.200 được coi là ngưỡng cản tâm lý khá là mạnh mẽ đối với nhà đầu tư khi VNINDEX chạm tới thì đã có áp lực bán tham gia. Đặc biệt chỉ số nhóm Smallcap và Midcap đã mở gap vượt lên ngưỡng cản MA20 sau 1 thời gian tích lũy cho thấy sự hứng khởi lan tỏa diện rộng và được duy trì đến cuối phiên mặc dù bối cảnh vĩ mô hiện tại còn thiếu ổn định. Ngày mai sẽ diễn ra đáo hạn phái sinh nên sẽ ảnh hưởng phần nào đến thị trường và xác suất điều chỉnh có thể xảy ra để lấp khoảng gap đã tạo trong phiên hôm qua. Nhà đầu tư nên cẩn trọng, không mua FOMO khi cổ phiếu ở gần vùng kháng cự và đã có nhịp tăng dài trước đó. Ưu tiên tham gia với những cổ phiếu đã được điều chỉnh về vùng hỗ trợ.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest