DCall Podcast ngày 20.7.2022 – DGC: Quý II, lãi gấp gần 6 lần lên 1.894 tỷ đồng, tài sản tăng 33,8%

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/07/2022

1.Tin vĩ mô 

• Giá khí đốt tại các nước Châu Âu và Mỹ đồng loạt neo ở mức cao. 

– Theo Trading Economics, giá khí đốt tại châu Âu ngày 18/7 là 162 euro/mwh (164 USD/mwh), tăng 1,5% so với cuối tuần trước. Trước đó, giá mặt hàng này liên tục giảm từ ngày 13/7 đến ngày cuối tuần trước với mức giảm 10% và tăng lại như hôm nay. Hiện giá khí đốt tại châu Âu vẫn cao hơn đầu tháng 6 khoảng 100%. 

– Giá khí đốt tại Mỹ là 7,2 USD/MMBtu, tăng 2,6% so với cuối tuần trước, cao nhất một tháng. Giá khí đốt tại Anh là 200 xu Anh/therm (2,4 USD/therm) dù đã giảm nhưng giá khí đốt tại Anh vẫn đang cao hơn đầu tháng 6 khoảng 50%. 

– Ngày 11/7, đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã tạm ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ trong 10 ngày. Lo ngại lớn đối với châu Âu hiện giờ là sau thời gian bảo trì, các hoạt động của đường ống Nord Stream 1 liệu có hoạt động bình thường trở lại. Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức Klaus Muller trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 17/7 cảnh báo rằng các kho khí đốt đã dự trữ được 65% và hiện ở mức tốt hơn so với những tuần trước, nhưng vẫn chưa đủ để Đức trải qua mùa đông mà không có khí đốt của Moscow. 

– Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ sang thủ đô Baku của Azerbaijan trong ngày 18/7 để tìm kiếm thêm khí đốt từ nước này nhằm giảm sự phục thuộc vào Nga về năng lượng. 

2. Tin vĩ mô Việt Nam 

• Tiêu thụ điện lập kỷ lục do nắng nóng kéo dài: 

– Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trưa ngày 18-7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đã lập mức đỉnh mới là 22.800MW – cao hơn tới khoảng 4200MW so với cùng kỳ 2021 (tương đương 22,6%) và cũng cao hơn 500MW so với mức kỷ lục gần đây nhất là vào ngày 21-6-2022. 

– Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng rất cao do nắng nóng gay gắt kéo dài thì nguồn phát điện cũng gặp khó khăn, một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555MW. 

– Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.  

– Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu…) sẽ tạo áp lực chi phí sản xuất và vận hành cho các nhà máy nhiệt điện. Đặc biệt là khi chính phủ chưa có động thái nào liên quan đến việc sẽ tăng giá điện trong thời gian tới. 

3. Doanh nghiệp niêm yết 

• DGC: Quý II, Hóa chất Đức Giang lãi gấp gần 6 lần lên 1.894 tỷ đồng, tài sản tăng 33,8% 

– Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 96,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 21,6% lên 1.877 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 330% lên 2.125 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng khủng lên 1.894 tỷ đồng, tăng 469% (gấp 5,7 lần) so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế, doanh thu Tập đoàn ghi nhận đạt 7.637 tỷ đồng, tăng 91,5%, lợi nhuận sau thuế tăng 440% (gấp 5,4 lần) lên 3.582 tỷ đồng. 

– Theo giải trình của Công ty, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 91,52% so với cùng kỳ năm trước do sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng (doanh thu Phốt pho vàng tăng 185%, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 62,8%, doanh thu WPA tăng 22,7%…). Trong khi đó giá vốn các mặt hàng chỉ tăng 24,26% dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 313,98%. Doanh thu hoạt động tài chính (bao gồm lãi tiền gửi, lãi chênh lệch tỷ giá) tăng 193,7% so với cùng kỳ. 

– Tuy nhiên, chi phí đầu vào khi giá khí và cước vận chuyển gia tăng trong thời gian gần đây sẽ gây áp lực dần lên biên lợi nhuận doanh nghiệp khi giá phân bón đang dần hạ nhiệt. 

• FPT lãi hơn 3.600 tỷ đồng nửa đầu năm nhờ mảng công nghệ. 

– Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của FPT, đạt 10.094 tỷ đồng doanh thu, 1.858 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tăng lần lượt 16,5% và 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 19.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.637 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,2% và 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 6 tháng, FPT đã thực hiện được gần 47% mục tiêu doanh thu và gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.  

– Khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế. Doanh thu tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt tại Mỹ (tăng 48,4%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 55,5%). Thị trường Nhật cũng chứng kiến sự hồi phục với mức tăng trưởng theo đồng yen Nhật đạt 18%. 

– Doanh thu chuyển đổi số đạt 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng 64,6% so với cùng kỳ. Cụ thể mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu ký mới đạt 11.681 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, tạo động lực tăng trưởng cho nửa cuối năm 2022. Còn trong nước mảng này đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 2.630 tỷ đồng và 263 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Made-by-FPT mang lại 406 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 51,6% so với cùng kỳ.  

– Hiện hệ sinh thái công nghệ Made by FPT phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, Blockchain, Cloud, IoT và Lowcode được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của FPT trong dài hạn. 

• HCM: Lên kế hoạch lãi tăng 5%, phát hành 297 triệu cổ phiếu và vay nước ngoài 250 triệu USD 

– Năm 2022, HCM đặt mục tiêu đạt 3.593 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 7% so năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 1.202 tỷ đồng, cũng chỉ tăng 5% so năm trước và cổ tức 12% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, HCM mới thực hiện thực hiện được 46% kế hoạch cả năm với doanh thu 1.642 tỷ đồng và lãi ròng 562 tỷ đồng. 

– Trong cơ cấu doanh thu của HCM, đóng góp nhiều nhất là lãi từ cho vay với 1.540 tỷ đồng, tăng 31%; tiếp theo là phí môi giới với 1.051 tỷ đồng, giảm 24%; hoạt động tự doanh khả quan với 884 tỷ đồng, tăng 22%; đặc biệt tư vấn tài chính tăng vọt 87% lên 87 tỷ đồng. 

– HCM cũng dự phóng tình hình tài chính đến cuối năm 2022 đạt 25 ngàn tỷ đồng tổng tài sản, tăng 3% so với đầu kỳ. Công ty sẽ mở rộng quy mô kho trái phiếu lên khoảng 2.000 đến 3.000 tỷ đồng qua đó tạo kho dự trữ thứ cấp để linh hoạt bổ sung vốn lưu động khi cần thiết. 

– HCM cũng lên phương án phát hành hơn 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% theo giá 10.000 đồng/cp. Số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành khoảng 2.286 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn dự kiến phát hành hơn 68,58 triệu cổ phiếu trả cổ tức đợt 2/2021 với tỷ lệ 15%. 

• Chi phí bào mòn doanh thu, Sonadezi Châu Đức báo lãi quý II giảm 44%  

– Trong báo cáo quý II của CTCP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC), doanh thu thuần đạt gần 263 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Doanh thu của công ty vẫn tập trung ở hoạt động cho thuê đất và phí quản lý với 253 tỷ đồng. Mặt khác, sân golf Châu Đức đã bắt đầu đóng góp doanh thu khi ghi nhận gần 7 tỷ đồng trong quý vừa qua. 

– Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ lại gấp gần 2,3 lần quý II năm trước khiến lợi nhuận gộp chỉ còn hơn 92 tỷ đồng (giảm 38%). Nguyên nhân là do phần giá vốn trích trước cho hoạt động cho thuê đất và phí quản lý tăng đột biến, từ 71 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty còn phát sinh 6 tỷ đồng giá vốn cho hoạt động sân golf. 

– Chi phí tài chính của Sonadezi Châu Đức cũng tăng cao, gấp 6 lần cùng kỳ, với hơn 10 tỷ đồng. Ngược lại, điểm sáng của Sonadezi Châu Đức là chi phí quản lý được tiết giảm đến 46%, còn gần 11 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý II vẫn giảm 44% so cùng kỳ, còn hơn 61 tỷ đồng. 

– Với kết quả của quý II, lãi sau thuế nửa đầu năm của công ty bị kéo lùi 28%, về mức gần 137 tỷ đồng. Việc đặt kế hoạch kinh doanh khá thấp với mục tiêu 184 tỷ đồng lãi sau thuế, Sonadezi Châu Đức vẫn thực hiện được hơn 74% mục tiêu lợi nhuận đề ra sau 6 tháng đầu năm. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN  

– Phiên giao dịch ngày 19/07/2022, chỉ số VNINDEX nhìn chung vận động quanh mốc tham chiếu. Tuy đã có lúc giảm 8 điểm xuống 1.170 do áp lực chốt lời ngắn hạn ở những nhóm ngành đã tăng mạnh nhưng nhờ lực nâng đỡ khá tốt từ nhóm cổ phiếu Năng lượng (GAS, PLX,..) đã giúp thị trường hồi lên, tạo một cây nến rút chân ở cuối phiên chiều. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa sắc xanh, mốc 1.178,33  tăng nhẹ gần 1,84 điểm. 

– Về độ rộng thị trường, tuy là phiên tăng điểm nhưng phe bán lại chiếm ưu thế khi có 252 mã giảm/188 mã tăng. Thanh khoản duy trì mức trung bình 20 phiên, đạt 11.262, 027 tỷ đồng.  

– Đóng góp cho đà nâng đỡ chỉ sổ VNINDEX nhiều nhất là cổ phiếu GAS (+2,151 điểm), tiếp theo là VIC (+0,779 điểm) và PLX (+0,611 điểm). Ở chiểu ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nguyên vật liệu và bán lẻ, như VCB (-0,846 điểm), HPG (-0,514 điểm) và CTG (-0,43 điểm).  

– Phiên giao dịch ngày hôm qua có 4/10 nhóm ngành giảm điểm, gồm Tiêu dùng (-1,78%), Nguyên vật liệu (-1,35%), Tài chính và Bất động sản giảm dưới 1%. Chiều tăng điểm điển hình có Dịch vụ tiện ích (+2,82%), Năng lượng (+2,59%). Các nhóm ngành còn lại tăng nhẹ, dưới 0,9%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm Tài chính (2,587 tỷ đồng), Công nghiệp (1,696 tỷ đồng) và Bất động sản (1.260 tỷ đồng).  

– Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh, hơn 290,77 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu HPG (-71,95 tỷ đồng), FUEVFVND (-48,9 tỷ đồng) và BSR (-48,86 tỷ đồng). Đối với chiều mua ròng có cổ phiếu VNM (+39,18 tỷ đồng), MWG (+19,54 tỷ đồng) và GAS (+18,63 tỷ đồng).  

– VNINDEX hiện đang chịu áp lực điều chỉnh vùng 1.180 – 1.200. Tốc độ dịch chuyển của dòng tiền so với chu kì khác đã nhanh hơn vẫn có xu hướng thận trọng. Đặc biệt, dòng tiền không chỉ dịch chuyển giữa các nhóm ngành mà còn hiện hữu ở chỉ sổ. VN30INDEX phiên qua đã có nhịp test lại đáy cũ và rút chân lên đã phần nào thu hẹp đà giảm của chỉ số và thị trường chung. Đây có thể xem là động lực để VNINDEX hồi phục lên mốc 1.200. Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin vĩ mô: lạm phát, lãi suất, tín dụng,… và thời gian tới là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 kì vọng sẽ có nhiều thông tin tích cực cho thị trường giữ vững nền hỗ trợ để đi lên.  

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest