DCall Podcast ngày 19.08.2022 – TNG: Lợi nhuận sau thuế tháng 7/2022 tăng 39% so với cùng kỳ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga có thể tăng gần 40% trong năm nay 

– Khối lượng xuất khẩu dầu thô tăng và giá khí đốt tăng cao sẽ giúp Nga “bội thu” từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, bất chấp các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. 

– Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga do hãng tin Reuters thu thập được, Nga dự kiến thu 337,5 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, tăng 38% so với năm ngoái. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là một nguồn lực khổng lồ giúp Nga củng cố nền kinh tế trong lúc hứng chịu sự trừng phạt, chẳng hạn giúp Chính phủ Nga tăng lương để cải thiện mức sống cho người dân. 

– Sản lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu của Nga giảm mạnh trong năm nay do một số nước châu Âu đã bị Nga cắt khí đốt vì từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp.  

– Bộ Kinh tế Nga cũng cho biết Nga đã bắt đầu tăng dần sản lượng khai thác dầu thô do bán được nhiều hơn cho khách hàng châu Á, sau một thời gian phải giảm sản lượng dầu vì ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt.  

– Tài liệu của Bộ Kinh tế Nga dự báo kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm về mức 255,8 tỷ USD trong năm 2023, nhưng vẫn cao hơn mức 244,2 tỷ USD đạt được trong năm 2021 – năm trước khi chiến tranh nổ ra. 

• Trung Quốc: Nắng nóng mạnh nhất 60 năm khiến loạt nhà máy đóng cửa 

– Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc đã yêu cầu 19 trên 21 thành phố của tỉnh dừng hoạt động tất cả các nhà máy tới thứ Bảy tuần này, theo một thông báo khẩn được chính quyền tỉnh đưa ra ngày 14/8. Quyết định này đưa ra nhằm giảm bớt tình trạng thiếu điện trong bối cảnh một đợt nắng nóng nghiêm trọng đang càn quét trên khắp nước này. 

– Trung Quốc đang đối mặt đợt sóng nhiệt khắc nghiệt nhất 60 năm với nhiệt độ vượt 40 độ C tại nhiều thành phố. Nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và nhà ở tăng vọt, gây áp lực lớn với mạng lưới điện của quốc gia này. Cùng với đó, tình trạng hạn hán cũng làm cạn kiệt nước tại các dòng sông, khiến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện sụt giảm. 

– Theo CNN, Tứ Xuyên là một trung tâm sản xuất quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Việc phân bổ điện theo định mức tại tỉnh này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới các nhà máy của những hãng điện tử lớn nhất thế giới đang đặt tại đây, bao gồm Foxconn và Intel. 

– Tứ Xuyên cũng là một trung tâm khai thác lithium – linh kiện quan trọng trong pin xe điện. Do đó, việc các nhà máy phải đóng cửa có thể đẩy chi phí vật liệu thô này tăng lên. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm đạt trên 4,2 triệu tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 

– Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. 

– Về thị trường xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay đã nỗi lên nhân tố mới, đó là xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng đến hơn 65%. Tiếp đến là xuất khẩu gạo sang EU cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Nếu như cả năm 2021 xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt khoảng 60.000 tấn thì chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có trên 15.000 tấn gạo thơm, phẩm cấp cao của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này. 

– “Lợi thế của Việt Nam là đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) trong đó hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA. 

– Chỉ riêng với EU, hàng năm nhu cầu nhập khẩu gạo lên đến 3-4 triệu tấn. Hiện nay thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU. 

– Trong khi đó, theo cam kết EVFTA, gạo Việt Nam được miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm; đồng thời, tự do hoàn toàn đối với gạo tấm. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam nhận định. 

• Vốn FDI tăng tốc đổ vào Việt Nam: Đón sóng đầu tư mới 

– Bảy tháng đầu năm 2022, dù vốn FDI đăng ký mới sụt giảm, nhưng vốn FDI thực hiện lại tăng, đạt 11,57 tỷ USD, là giá trị cao nhất cùng kỳ trong 5 năm trở lại đây. Vốn điều chỉnh tiếp tục tăng mạnh, quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. 

– Một số dự án tăng vốn đáng chú ý thời gian qua: Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) 2 lần tăng vốn, với 920 triệu USD và 267 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC tăng vốn trên 841 triệu USD. Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng), lần lượt tăng gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD… 

– Nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh… vừa trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho một loạt dự án. Quảng Ninh trao 2 chứng nhận đầu tư FDI hơn 55,5 triệu USD cho dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, và dự án xây dựng nhà xưởng, nhà kho, văn phòng. Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án, trong đó 1 khu công nghiệp tổng vốn đầu tư 4.597 tỷ đồng và 5 dự án khác, gồm cả FDI là 231,5 triệu USD. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• TNG: Lợi nhuận sau thuế tháng 7/2022 tăng 39% so với cùng kỳ 

– Dệt may TNG (HNX: TNG) công bố doanh thu tháng 7 đạt 765 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ 2021 và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế 7 tháng, doanh nghiệp đạt gần 4.008 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ. 

– Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tháng 7 đạt 41,1 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021. Lãi sau thuế 7 tháng tăng 47% lên 166,3 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 13,6% lên 14,4%. 

– Theo lãnh đạo TNG, tính đến tháng 6 và 7, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dệt may vẫn rất tốt nhưng qua giai đoạn tháng 8 đến 12 sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa doanh nghiệp lớn, uy tín và doanh nghiệp vừa nhỏ. 

– Việc Mỹ và EU tăng lãi suất, sức mua thị trường giảm, đơn hàng từ các thị trường này sẽ giảm theo nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời lý giải, khi lượng đơn hàng giảm sẽ tập trung vào những doanh nghiệp lớn, uy tín. Bản thân TNG đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia, tình hình đơn hàng vẫn ổn định. 

– Với thị trường Nga, ông Thời đánh giá thị trường này vẫn rất tốt, đối tác đặt vấn đề nâng giá trị đơn hàng lên 30 triệu USD và có thêm 1 khách hàng. 

– Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Cổ tức tối thiểu đạt 16%. Như vậy, Dệt may TNG đã hoàn thành 67% kế hoạch doanh thu và 59,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

• PVS: Tham gia liên danh tổng thầu EPC dự án điện gió Hải Long ở eo biển Đài Loan 

– Công ty TNHH dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) – công ty con 100% vốn thuộc Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) công bố vào trung tuần tháng 8, Công ty Hai Long Offshore Wind Power đã trao hợp đồng Tổng thầu EPC cho liên danh Semco Maritime và PTSC M&C để xây dựng 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation) thuộc dự án điện gió Hải Long 2 và Hải Long 3 sau khi đã trao thỏa thuận ưu tiên vào tháng 10/2021. 

– PTSC M&C cho biết dự án diện gió Hải Long, nằm ở eo biển Đài Loan, cách bờ khoảng 50 km. Dự án bao gồm các dự án thành phần Hải Long 2 và Hải Long 3, do các Công ty Northland Power, Yushan Energy và Mitsui hợp tác đầu tư với tổng công suất lắp đặt là 1.044 MW.  

– Sau khi triển khai các công tác cam kết trong Thỏa thuận ưu tiên từ cuối năm 2021, liên danh nhà thầu do Semco Maritime dẫn đầu cùng với PTSC M&C và nhà thầu thiết kế ISC Consulting Engineers sẽ bắt đầu giai đoạn phát triển dự án bằng việc tham gia ký hợp đồng EPC với chủ đầu tư Hai Long Offshore Wind Power. Các bên trong liên danh sẽ tiến hành các công đoạn thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công và chạy thử cho 2 trạm biến áp ngoài khơi (bao gồm cả phần chân đế) với tổng khối lượng khoảng 18.000 tấn. Toàn bộ các cấu kiện sẽ được chế tạo tại công trường Công ty PTSC M&C, thành phố Vũng Tàu. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai lắp đặt ngoài khơi vào năm 2024 và hoàn thành chạy thử, bàn giao cho chủ đầu tư vào năm 2026. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 18/08/2022, chỉ số VN-Index giằng co quanh tham chiếu trong phiên sáng sau đó diễn biến trở nên tiêu cực ngay đầu phiên chiều. Nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 đã giúp VN-Index hồi phục chạm đến mốc 1.283 điểm nhưng sau đó nhanh chóng bị điều chỉnh lại và đóng cửa ở mốc 1.273,66 điểm, giảm nhẹ hơn 1,6 điểm (-0,13%). 

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán vẫn có đà lan tỏa khá lớn khi có 311 mã giảm /132 mã tăng. Số mã giảm chiếm gần 60% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản giảm 20% so với phiên trước, đạt 15.351,537 tỷ đồng. 

– Đóng góp tiêu cực tới đà hồi phục của thị trường là các cổ phiếu NVL (-0,642 điểm), BID (-0,513 điểm), CTG (-0,426 điểm). Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nâng đỡ thị trường gồm có SAB (+0,813 điểm), VIC (+0,773 điểm), GAS (+0,631 điểm). 

– Phiên hôm qua ghi nhận 9/10 nhóm ngành giảm điểm, chỉ có Tiêu dùng thiết yếu giữ được mức tăng 0,69%. Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (4.612 tỷ đồng), Công nghiệp (2.087 tỷ đồng) và Bất động sản (2.243 tỷ đồng). 

– Khối ngoại phiên hôm qua quay trở lại mua ròng với giá trị 120,56 tỷ đồng,  tập trung giải ngân vào VNM (115,9 tỷ đồng), SSI (87,66 tỷ đồng) và HDB (69 tỷ đồng). Chiều bán ròng có VHM (-102,67 tỷ đồng), DGC (-49,14 tỷ đồng) và KBC (-44 tỷ đồng). 

– Phiên giao dịch hôm qua là phiên thứ 4 liên tiếp VNINDEX dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 1.270 – 1.280 điểm, cho thấy đà phục hồi đã chững lại. Bên cạnh đó, số mã giảm áp đảo số mã tăng sau từng phiên thể hiện áp lực bán đang lan tỏa. 

– Nhà đầu tư ưu tiên cơ cấu lại danh mục, chốt lời dần những mã cổ phiếu đã đạt mục tiêu hoặc đang chịu áp lực bán lớn tại vùng kháng cự. Chỉ tham gia mua mới khi có dấu hiệu lực mua gia tăng trở lại để tránh rủi ro điều chỉnh từ thị trường. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest