DCall Podcast ngày 19.07.2022 – Digiworld lên kế hoạch lãi tăng 87% trong quý III/2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/07/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ 

• Đà tăng của USD vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại 

– Nỗi lo về suy thoái toàn cầu và cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại châu Âu đang thúc đẩy giá của đồng USD lên cao hơn và dự kiến xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn. 

– Chỉ số đồng USD của WSJ – vốn đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 15 đồng tiền chủ chốt khác – chạm mức đỉnh 20 năm trong tuần trước và hiện đang tăng gần 2.5% trong tháng này. Đồng Euro có giá thấp hơn cả đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2002, trong khi đồng Yên Nhật giảm giá xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối thế kỷ 20. 

– Các nhà quản lý tài sản đang cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm mọi thứ để ngăn lạm phát leo thang. Sau báo cáo lạm phát tăng nóng 9.1% trong tuần trước, Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm vào cuối tháng này. Khoảng cách lãi suất sẽ tiếp tục được nới rộng giữa Mỹ và châu Âu hoặc Nhật Bản. Điều này có thể thu hút nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi suất cao đến với đồng USD. 

– Đà tăng của đồng USD đang lan ra khỏi châu Âu và Nhật Bản. Các đồng tiền vốn được xem như thước đo tâm lý về tăng trưởng kinh tế và cổ phiếu – đã giảm trong những ngày gần đây khi nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc. Đồng AUD đã giảm hơn 10% so với đỉnh xác lập vào tháng 4/2022. 

– Các chuyên viên phân tích trên Phố Wall dự báo đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá khi nỗi sợ về lạm phát, lãi suất ngày càng dâng cao. Morgan Stanley nâng dự báo về USD trong tuần trước và hiện dự báo Euro sẽ có giá 97 xu Mỹ vào cuối tháng 9/2022. 

– Michael Feroli, Chuyên gia kinh tế trưởng Mỹ tại JPMorgan, cho biết biên bản của Fed vào tháng 6 ủng hộ quan điểm USD có khả năng tăng tiếp, họ chấp nhận rằng có thể phải hy sinh tăng trưởng để khôi phục sự ổn định giá cả. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

• Nhập khẩu xăng dầu  trong nước liên tiếp giảm mạnh 

– Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, nhập khẩu xăng dầu đạt 717 nghìn m3, tương đương 812 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 9% giá trị so với tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đi xuống. 

– Bộ Công Thương cho biết trong quý II, nguồn cung xăng dầu dự kiến khoảng 6,7 triệu m3, trong đó sản lượng lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết cung cấp là 1,8 triệu m3 xăng dầu, với mức phân bổ ra thị trường từ 0,59 – 0,63 triệu m3 cho từng tháng 4 5 6. 

– Trong khi, nhu cầu xăng dầu dự kiến khoảng 5,2 triệu m3. Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3. 

– Dù lượng nhập khẩu giảm, giá xăng dầu nhập khẩu tháng 6 vẫn tăng 13% so với tháng 5 và tăng 2,2 lần so với tháng 6/2021, đạt 1.314 USD/m3. Lũy kế 6 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.031 USD/m3, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Từ 0h sáng 11/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện việc điều chỉnh giá xăng dầu, sau 7 lần tăng liên tiếp. Hai yếu tố kết hợp giúp giá xăng dầu giảm mạnh kỳ này, đó là do giá thế giới giảm và việc giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. 

– Trong báo cáo tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 từ 99,63 triệu thùng/ngày xuống 99,58 triệu thùng/ngày. Ngược lại, trong báo cáo tháng 17/7, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tiêu thụ dầu trong năm 2022 ở mức 100,29 triệu thùng/ngày. Tiếp tục cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong thị trường năng lượng có thể sẽ còn gia tăng. 

• Xuất khẩu gỗ tại Việt Nam sang quý III/2022 đã chững lại, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. 

– Tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo quý II/2022, ngành gỗ đạt được tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 56% kế hoạch. Xuất siêu ước đạt 7,508 tỷ USD, tăng 3% so với cùng cùng kì 2021. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. 

– Số liệu của Tổng cục Hải quan công bố hồi đầu tháng 7 cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ riêng trong tháng 6.2022 chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6.2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chỉ đạt 1,03 tỷ USD, giảm tới 18,1% so với cùng kì. 

– Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ bước sang quý III đã chững lại bởi khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp gỗ đã thu hẹp quy mô hoặc phải ngừng sản xuất. Đặc biệt khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc. Sự biến động này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành bởi Hoa Kỳ là một thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

• DRC báo lãi quý 2 giảm 22%  

– Theo BCTC hợp nhất quý 2/2022, CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), doanh thu thuần của DRC đạt gần 1,148 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 10%, về mức gần 205 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 18.8% về còn 17.8%. Tính chung 6 tháng đầu năm, Công ty đem về gần 2,432 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế giảm 12%, về mức 186 tỷ đồng. 

-Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 80%, tương ứng tăng thêm gần 8 tỷ đồng, lên gần 18 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 44%; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 36%; các hoạt động khác biến động không đáng kể. 

– DRC báo lãi ròng giảm mạnh 21%, về mức gần 84 tỷ đồng trong quý 2/2022, lợi nhuận giảm chủ yếu là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh và kinh tế chính trị thế giới biến động, giá xăng dầu tăng cao, tình hình tiêu thụ sụt giảm, các chi phí đầu vào tăng làm lợi nhuận giảm. 

– Năm 2022, DRC đặt mục tiêu doanh thu 4,428 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt giảm 101% và 88% so với thực hiện năm 2021. So với kế hoạch đề ra, DRC đã thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu và hơn 58 % mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

• Digiworld (DGW) lên kế hoạch lãi tăng 87% trong quý III/2022 

– CTCP Thế Giới Số Digiworld (mã chứng khoán: DGW) công bố kế hoạch doanh thu quý III đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 70%; lãi sau thuế 200 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. 

– Công ty đánh giá thời điểm tới là mùa tựu trường, cao điểm hàng năm của mặt hàng laptops & tablets (máy tính xách tay và máy tính bảng) nên kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trở lại ở tất cả các nhãn hàng.  

– Trước đó, trong quý II, doanh nghiệp ước đạt doanh thu 4.801 tỷ đồng, tăng 14%; lãi sau thuế 140 tỷ đồng, tăng 21% so với quý II/2021. Nguyên nhân doanh thu laptop giảm có thể do quý II là quý đầu tiên Việt Nam mở cửa nên người dân tập trung vào các dịch vụ du lịch, giải trí nhiều hơn mua sắm sản phẩm điện tử. 

– Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu 11.810 tỷ đồng, tăng 28% và lãi sau thuế 351 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Digiworld thực hiện được 44-45% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN  

– Phiên giao dịch ngày 18/07/2022, chỉ số VNINDEX mở đầu phiên sáng tạo gap vượt lên trên vùng 1.800, phản ánh lực cầu vượt trội tại phiên ATO. Tuy nhiên, chỉ số liên tục giằng co trong vùng biên độ hẹp khi áp lực bán trên thị trường bắt đầu lớn dần, đặc biệt ở nhóm VN30 và các cổ phiếu vốn hóa lớn. Sang phiên chiều, áp lực bán duy trì tại nhóm vốn hóa lớn khiến VNINDEX đảo chiều giảm điểm. Càng về cuối phiên, áp lực bán nhóm vốn hóa lớn càng gia tăng khiến chỉ số đóng cửa ở sắc đỏ, dừng chân ở mốc 1.176,49, giảm gần 3 điểm. 

– Về độ rộng thị trường, phe mua và phe bán tiếp tục giữ mức cân bằng khi có 229 mã tăng/209 số mã giảm. Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ, đạt 11.233,748 tỷ đồng.  

– Ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VNINDEX chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản và nguyên vật liệu do thông tin từ NHNN chưa nới room tín dụng trong thời gian này, điển hình như VIC (-1,559 điểm), VHM (-1,112 điểm) và HPG (-0,686 điểm). Ở chiều ngược lại, một số mã cổ phiếu có mức tăng tích cực có MSN (+0,509 điểm), FPT (+0,224 điểm) và VIB (+0,188 điểm) 

– Phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận áp lực bán lớn ở 3/10 nhóm ngành, gồm Nguyên vật liệu (-1,55%), Bất động sản (-1,09%), Tiêu dùng (-0,38%). Ngược lại, hồi phục tích cực nhất là nhóm ngành Năng lượng và Công nghệ thông tin (hơn 1%). Các nhóm ngành còn lại có tăng nhẹ, dưới 0,5%. Nhóm ngành tài chính mặc dù giảm nhẹ (-0,03%) nhưng tiếp tục có sự phân hóa khi số mã giảm điểm tương đương số mã tăng điểm. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm Tài chính (2,740 tỷ đồng), Công nghiệp (2.103 tỷ đồng) và Bất động sản (1.179 tỷ đồng).  

– Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 115,93 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu VHM (-44,77 tỷ đồng), HPG (-44,1 tỷ đồng) và DXG (-27,78 tỷ đồng). Đối với chiều mua ròng, khối ngoại giải ngân vào các cổ phiếu VND (+61,86 tỷ đồng), DPG (+34,97 tỷ đồng) và VNM (+26,22 tỷ đồng).  

– VNINDEX vẫn đang đi theo kịch bản đi ngang và tích lũy trong vùng 1.150 – 1.190. Dòng tiền vẫn có xu hướng thận trọng, nhưng đã bắt đầu quá trình luân chuyển từ các nhóm ngành đã tăng nóng như năng lượng, thủy sản, hóa chất… sang dịch vụ tài chính, đầu tư công, bất động sản… Hơn nữa, sự phân hóa còn diễn ra giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và phần còn lại, khi độ rộng thị trường được duy trì ở mức cân bằng nhưng VN30 giảm điểm, phản ánh lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nếu nhóm VN30 kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.200 và bật lên thành công với thanh khoản cải thiện, VNINDEX có thể tiếp tục đà hồi phục lên mốc kháng cự 1.200. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang kiểm tra vùng kháng cự, nên nhà đầu tư cần thận trọng và tránh giải ngân vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng nóng khi dòng tiền hoàn toàn có thể đảo sang các cổ phiếu vốn hóa lớn ở các nhóm tài chính, dịch vụ tài chính hay bất động sản. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest