DCall Podcast ngày 16.08.2022 – DGW: Đặt kế hoạch lãi sau thuế quý 3/2022 tăng 87% so với cùng kỳ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Nhật Bản: GDP quý 2/2022 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái 

– Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo trong quý 2/2022, GDP thực tế của nước này ước đạt 542.120 tỷ yên (tương đương 4.070 tỷ USD), tăng 0,5% so với quý trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các mức tăng trưởng tương ứng theo dự báo của thị trường là 0,6% và 2,5%. 

– Nguyên nhân chủ yếu giúp nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng dương là do Nhật Bản đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế về dịch COVID-19, từ đó giúp chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, tăng 1,1% trong quý vừa qua. 

– Bên cạnh đó, xuất khẩu của Nhật Bản cũng hồi phục mạnh. Chỉ riêng trong tháng Sáu, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 20,4% lên 8.580 tỷ yên. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp xuất khẩu của nước này tăng. 

– Như vậy, GDP thực tế của Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch 540.840 tỷ yên của quý 4/2019. 

– Tuy nhiên, theo giới phân tích, đà tăng trưởng của Nhật Bản có thể sẽ giảm tốc do lạm phát cao, đồng yên mất giá so với USD và môi trường bên ngoài đang xấu đi. Đáng chú ý, trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Nhật Bản tăng 2,2%, cao nhất trong hơn 7 năm, chủ yếu do tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng. Đây là quý thứ ba liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản cao hơn so với mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. 

• Trung Quốc: Ngân hàng Trung Quốc (PBoC) bất ngờ giảm lãi suất 

– Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm nay nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. 

– Trong thông báo, PBoC giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm áp dụng với các tổ chức tài chính, qua đó “bơm” thêm 400 tỷ Nhân dân tệ (59,33 tỷ USD) vào thị trường. Cơ chế MLF được Trung Quốc áp dụng từ năm 2014 để giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách duy trì thanh khoản bằng cách vay tiền từ ngân hàng trung ương thế chấp bằng cổ phần. 

– Ngoài ra, PBoC cũng giảm chi phí vay “bơm” 2 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại (repo) kỳ hạn 7 ngày, với việc giảm chi phí vay với biên độ tương tự, từ 2,1% xuống còn 2%.  

– Các nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng giới chức Trung Quốc muốn hỗ trợ nền kinh tế bằng sự khác biệt chính sách với các nền kinh tế lớn khác vốn đang tăng mạnh lãi suất. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Việt Nam đứng thứ 11 trong top 50 thị trường logistics mới nổi 

– Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu Agility công bố năm 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan. 

– Thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính sẽ phát triển với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7% từ năm 2021 đến 2026. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và thu hút đầu tư bằng cách thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế. 

– Nhờ vậy, dù gặp khó khăn trong đại dịch, ngành vẫn phát triển do các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) ký với các nước. Cùng với đó, sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, sự bùng nổ thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho ngành. 

– Cũng theo báo cáo của Agility, thị trường logistics Việt Nam đang bị điều phối bởi các công ty nước ngoài chiếm sản lượng thấp hơn nhưng lại chiếm đến khoảng 75% doanh thu. 

– Áp lực từ khối ngoại cũng khiến khối nội phải chuyển mình, sản xuất công nghệ cao và công nghiệp sạch đang là xu hướng phát triển của ngành này. Điều này có thể thấy ở Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên Green Park tại Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng cảnh quan, không gian xanh, đồng thời tích hợp hệ thống quản lý thông minh 24/7. Qua đó, dự án thu hút các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tự nhiên – tái tạo. 

– Việt Nam cũng có tiềm năng để phát triển ngành hậu cần và trở thành trung tâm logistics của khu vực. Chính sách từ nhà nước và cơ sở hạ tầng là những nhân tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• DGW: Digiworld đặt kế hoạch lãi sau thuế quý 3/2022 tăng 87% so với cùng kỳ 

– Trong quý 3, Digiworld lên kế hoạch doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% và 87% so với cùng kỳ. Đây là mùa tựu trường, cao điểm hàng năm của mặt hàng máy tính xách tay và máy tính bảng, do đó  doanh thu của Digiworld được kỳ vọng sẽ tăng trở lại ở tất cả các nhãn hàng. 

– Mảng điện thoại di động được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các model mới và sự gia tăng thị phần của Xiaomi, cộng thêm doanh thu của các sản phẩm iPhone. Hơn nữa, Việt Nam đang dần tắt sóng 2G dẫn đến nhu cầu chuyển đổi điện thoại từ feature phone sang smartphone ngày càng tăng, tạo ra lượng cầu mới cho mảng này. 

– Mảng thiết bị văn phòng, doanh thu sẽ được đóng góp bởi các sản phẩm IOTs, cùng với doanh thu từ các sản phẩm thiết bị gia dụng như tivi Xiaomi, sản phẩm Whirlpool. Bên cạnh đó, doanh thu mảng hàng tiêu dùng được kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý 3 nhờ đóng góp từ các nhãn hàng tiêu dùng và dược phẩm hiện tại. 

– Năm 2022, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 26.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 22% so với thực hiện năm ngoái 

– Công ty đang tiến hành các thương vụ M&A để mở rộng hoạt động kinh doanh. Nếu thành công, công ty được M&A kỳ vọng sẽ đóng góp thêm 7-8% lợi nhuận năm 2022. Ngoài ra, Digiworld còn có các kế hoạch tăng vốn để hợp nhất công ty con trong năm 2023. 

• HAX: Haxaco chi gần 500 tỷ đồng làm bất động sản tại TP.HCM 

– Vừa qua, Hội đồng quản trị của Công ty ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) đã thông qua Nghị quyết số 22/NQ-HĐQT-HAX về việc đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại đường Võ Văn Kiệt, khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. 

– Tổng số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tối đa 470 tỷ đồng. Khu đất này có diện tích 5.798,1 m2, phân khu cao ốc có thể xây dựng tối đa 24 tầng, thuộc dự án khu căn hộ cao tầng N&T Tower của CTCP đầu tư N&T (N&T) và ông Bùi Trung Quân. Khu đất này được Haxaco mua lại để phát triển dự án khu phức hợp kinh doanh xe ô tô kết hợp văn phòng, căn hộ cao cấp. 

– Còn về dài hạn, doanh nghiệp bán lẻ này cũng có kế hoạch lớn với dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Mercedes House. Hiện Haxaco xây dựng một ngôi nhà Mercedes Home dành cho khách đi xe Mercedes-Benz có thể nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm. 

– Do gần chạm đến giới hạn 40% thị phần phân phối cho hãng xe Mercedes Benz nên dư địa tăng trưởng của Haxaco không còn cao.  Nhà sáng lập Đỗ Tiến Dũng từng chia sẻ mong muốn làm bất động sản theo hướng lấy ngắn nuôi dài với các dự án tầm 500 tỷ trở xuống.  

– Như vậy có thể thấy doanh nghiệp đang mở rộng mảng kinh doanh, tìm kiếm đột phá để tăng trưởng tốt hơn trong tương lai thay vì chỉ dừng lại ở việc chiếm lĩnh thị trường ngành phân phối, bán lẻ xe sang.  Tuy nhiên, doanh nghiệp lấn sân sang mảng kinh doanh không phải là thế mạnh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

• DXG: Dự kiến rót thêm 8.000 tỷ đồng vào Bất động sản Hà An 

– CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn huy động từ đợt phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, tương ứng khoảng 6.959 tỷ đồng đã trình tại ĐHĐCĐ năm nay. 

– Theo đó, số tiền thu về sẽ được DXG sử dụng để mua 800 triệu cổ phần phát hành mới trong đợt tăng vốn của CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An. 

– Giá mua dự kiến là 10.000 đồng/cp, có thể được điều chỉnh theo tình hình tại thời điểm mua cổ phần. Như vậy tổng số tiền Đất Xanh Group chi ra để mua số cổ phần trên là khoảng 8.000 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2022, Đất Xanh Group nắm giữ 99,9% cổ phần tại Hà An. 

– Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022, sau khi công ty nhận được tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu. Đất Xanh Group sẽ giao cho ông Bùi Ngọc Đức, người đại diện theo pháp luật của công ty tiến hành các thủ tục hồ sơ cần thiết để phát hành trái phiếu. 

– Được biết, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An được thành lập năm 2018, là công ty con thuộc Đất Xanh Group. Tính đến đầu năm 2021, vốn điều lệ của Hà An là khoảng 3.000 tỷ đồng. Hà An là chủ sở hữu của các dự án dự án chung cư Phú Gia Hưng Apartment; SaigonRes Riverside; Opal Tower; chung cư Thăng Long tại TP HCM và dự án Gem Sky World rộng 92,2 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Chỉ số VNINDEX phiên sáng mở gap tăng nhẹ 6 điểm và sắc xanh được giữ vững khá tốt cho đến cuối phiên chiều. Trong phiên tuy có những nhịp điều chỉnh nhưng đã nhanh chóng hồi phục lại dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Kết phiên, VNINDEX tăng gần 12 điểm, đóng cửa ở mốc 1.274,2 điểm (+0,94%).  

– Về độ rộng thị trường, phe mua chiếm ưu thế với 278 mã tăng/164 mã giảm. Số mã tăng chiếm hơn 53% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự cải thiện, đạt hơn 15.508,553 tỷ đồng. 

– Dẫn dắt đà tăng điểm chỉ số VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu Ngân hàng, tiêu biểu là BID (+2,307 điểm), CTG (+0,974điểm) và có MWG (+0,742 điểm). Chiều giảm điểm chỉ số có VHM, GAS, BCM với tổng mức giảm hơn 0,6 điểm. 

– Phiên hôm qua đà phục hồi lan toả ở tất cả các nhóm ngành, tăng tốt nhất là nhóm ngành Công nghệ thông tin (+3,09%), Tiêu dùng (+2,34%), Tài chính (+1,24%). Các ngành còn lại tăng nhẹ dưới 1%. Top nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (4.514 tỷ đồng), Công nghiệp (2.447 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (1.709 tỷ đồng) 

– Khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 65 tỷ đồng, gồm có các cổ phiếu HPG (184,06 tỷ đồng), HDB (62,4 tỷ đồng), CTG (50,65 tỷ đồng), Trong khi đó, VNM bị bán mạnh (-114,71 tỷ đồng), SSI (-39,48 tỷ đồng), VJC (-24,95 tỷ đồng). 

– Chỉ số VNINDEX tiếp nối đà hồi phục từ tuần trước với khối lượng giao dịch gia tăng trở lại, đồng thuận với đà tăng của chỉ số. Hiện VNINDEX đã tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.280 – 1.300 điểm nên các nhà đầu tư hạn chế mua đuổi với những mã cổ phiếu đã tăng mạnh. Ngoài ra, thứ Năm tuần này là phiên đáo hạn phái sinh tháng 8, thị trường sẽ không tránh khỏi rung lắc, do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro cho danh mục của mình. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest