DCall Podcast ngày 14/10/2022 – Bộ Tài chính: Dự báo CPI cả năm 2022 tăng cao nhất chỉ 3,51%

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Mỹ: Lạm phát tháng 9 tăng mạnh hơn dự báo

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,2% của các chuyên gia.

– CPI tháng 9/2022 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 8,1%.

– Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tháng 9/2022 tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0,4%. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, mức cao nhất trong 40 năm.

– Lạm phát vẫn tăng bất chấp nỗ lực nâng lãi suất quyết liệt của Fed. Dữ liệu CPI tháng 9 càng củng cố khả năng nâng lãi suất thêm 0,75% lần thứ tư liên tiếp của Fed vào kỳ họp tháng 11 tới.

– Bất chấp lo ngại về việc Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng điểm mạnh: Dow Jones đóng cửa ở mốc 30.038,73 điểm, tăng 2,83%. S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt tăng 2,6% và 2,23%.

• Nhật Bản: Đồng Yên tụt xuống mức thấp nhất trong 24 năm

– Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda khẳng định cần phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.

– Sau tuyên bố của Thống đốc BOJ, đồng Yên Nhật đã tụt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm trở lại đây, làm dấy lên câu hỏi rằng liệu các nhà chức trách Nhật Bản liệu có can thiệp một lần nữa để tăng giá đồng nội địa hay không.

– Tỷ giá Yên/USD đã giảm xuống mức 147,27 Yên đổi một USD vào 6h sáng ngày 14/10, vượt qua mốc thấp kỷ lục trước đó. Hồi tháng 9 vừa qua, khi tỷ giá rơi xuống mức 145,9 Yên đổi 1 USD, BOJ đã phải can thiệp với việc bơm gần 20 tỷ USD để mua vào đồng nội tệ. Đây là động thái can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998.

– BOJ là một trong số ít ngân hàng trung ương trên toàn cầu, và duy nhất trong số các nền kinh tế phát triển, vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp trong khi phần lớn các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát và theo kịp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ).

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Bộ Tài chính: Dự báo CPI cả năm 2022 tăng cao nhất chỉ 3,51%

– Sáng 13/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, định hướng các tháng cuối năm 2022.

– Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

– Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá xăng dầu dự báo vẫn biến động phức tạp, khó dự đoán. Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.

– Theo đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,2%).

• Tỷ giá USD/VND trên các thị trường đồng loạt tăng

– Tỷ giá trung tâm ngày 13/10 do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với cặp USD/VND ở mức 23.497 VND/USD, tăng 17 đồng so với ngày hôm qua. Nếu tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, tỷ giá trung bình tăng khoảng 1,5%.

– Tại Vietcombank sáng nay giao dịch quanh ngưỡng 23.810 VND/USD (mua) và 24.120 VND/USD (bán), tăng 40 đồng ở cả hai chiều so với giá chốt phiên chiều qua.

– Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng USD/VND giao dịch phổ biến ở mức 24.301 – 24.351 VND/USD, tăng 70 – 110 đồng mỗi USD ở chiều mua vào, và tăng 90 đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.

– Tính từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 5%, giá bán từ mức 22.920 VND/USD hồi đầu năm, nay dao động quanh mức 24.080 VND/USD do áp lực tăng giá của đồng USD.

– Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 21/9/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD: Baht Thái Lan (giảm 11,6%), Nhân dân tệ của Trung Quốc (giảm 11,6%), Ringgit Malaysia (giảm 9,7% so với USD) và Rupiah Indonesia (giảm 5,4% so với USD).

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• VHC: Doanh thu tại Mỹ và Trung Quốc sụt giảm nhẹ trong tháng 9/2022

– Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9. Theo đó, tháng 9/2022, doanh nghiệp thu về 917 tỷ đồng từ doanh thu xuất khẩu, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, doanh thu xuất khẩu trong tháng 9 của doanh nghiệp vẫn thấp hơn 28% so với tháng 8 trước đó.

– Cụ thể, doanh thu từ mảng cá tra ghi nhận đạt 540 tỷ đồng, tăng 15% so với tháng 9/2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ mảng phụ phẩm đạt 207 tỷ đồng, mảng chăm sóc sức khỏe đạt 57 tỷ đồng, tăng lần lượt 61% và 50% so với tháng 9/2021.

– Về cơ cấu doanh thu theo khu vực, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tại thị trường Trung Quốc là 81 tỷ đồng, tại Mỹ là 320 tỷ đồng, ghi nhận mức sụt giảm nhẹ lần lượt là 4% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tại châu Âu và các thị trường nước khác, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn ghi nhận tăng trưởng tích cực. Đáng kể đến, tại Việt Nam, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng đáng kể 144%, đạt 260 tỷ đồng trong tháng 9/2022.

– Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Hoàn thu về khoảng 10.833 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, doanh thu đến từ thị trường Mỹ đóng góp lớn nhất, chiếm 4.997 tỷ đồng.

– Năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt ra mục tiêu thu về 13.000 tỷ đồng doanh thu, như vậy 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành được 83,3% kế hoạch cả năm.

• POW: Nhận đất thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4– UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định về việc cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) (HoSE: POW) thuê đất thực hiện dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

– Theo đó, UBND tỉnh chấp thuận giao cho PV Power hơn 116.000 m2 đất (đợt 1) tại xã Phước Khánh (Huyện Nhơn Trạch) để sử dụng vào mục đích đất công nghiệp (đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4). Trong đó, diện tích để xây dựng nhà máy hơn 75 ngàn m2 , thời gian sử dụng đến hết năm 2049 và diện tích làm bãi tập kết vật liệu thi công dự án hơn 41 ngàn m2, thời gian sử dụng đến hết năm 2026.

– PV Power được ký hợp đồng thuê đất, nhận chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 13/10/2022, chỉ số VNINDEX dao động quanh mốc tham chiếu trong cả phiên sáng, đã có thời điểm giảm xuống vùng 1.025 điểm nhưng nhanh chóng hồi phục lại. Cuối phiên chiều, nhờ lực đỡ từ nhóm ngân hàng đã giúp VNINDEX tăng hơn 16 điểm, đóng cửa tại mốc 1050.99 điểm (+1,56%).

– Về độ rộng thị trường, ưu thế nghiêng về phe mua với 265 mã tăng/183 mã giảm. Thanh khoản tiếp tục có sự sụt giảm khi chỉ đạt gần 8.900 tỷ đồng.

– Đóng góp cho đà hồi phục của thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID (+2,57 điểm cho VN-INDEX), VCB (+3 điểm), CTG (+1,528 điểm). Chiều ảnh hưởng tiêu cực có MSN (-0,8 điểm cho VN-INDEX), NVL (-0,2 điểm) và VGC (-0,1 điểm).

– 8/10 nhóm ngành tăng điểm trong phiên hôm qua, trong đó tiêu biểu có Nguyên vật liệu (+2,57%) và Tài chính (+2,05%). Các nhóm ngành còn lại có mức tăng nhẹ dưới 1%. Chỉ có duy nhất 2 nhóm ngành ghi nhận mức giảm nhẹ là Chăm sóc sức khỏe (-0,11%) và Năng lượng (-0,02%). Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm có Tài chính (2.369 tỷ đồng), Bất động sản và Nguyên vật liệu (quanh 1.000 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm qua đã giảm giá trị mua ròng xuống còn 452,14 tỷ đồng, các mã được giải ngân mạnh gồm có VNM (103 tỷ đồng), DGC (63,46 tỷ đồng) và HPG (58,68 tỷ đồng). Chiều bán ròng có DXG (-18,64 tỷ đồng), E1VFVN30 (-18,19 tỷ đồng) và SAB (-16 tỷ đồng).

– VNINDEX duy trì đà tăng điểm nhưng thanh khoản lại có sự sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn còn khá thận trọng. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục, hạn chế mua đuổi với những cổ phiếu tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp để tránh rủi ro bẫy tăng giá (bulltrap).

—————————-

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 14/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest