DCall Podcast ngày 13/10/2022 – Standard Chartered: Nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Quỹ Tiền tệ Quốc tế: Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

– Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.

– Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới.

– Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ đạt 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

– Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Điều này phản ánh sản lượng cao hơn dự báo ở châu Âu song hoạt động kinh tế yếu kém ở Mỹ.

– Theo IMF, tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.

• Mỹ: Chỉ số giá sản xuất tháng 9 tăng mạnh hơn dự báo

– Giá sản xuất tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 9/2022 bất chấp các nỗ lực kìm hãm lạm phát của Fed, theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động trong ngày 12/10.

– Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0.2%. Loại trừ thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, chỉ số PPI tăng 0.4% so với tháng trước và 5.6% so với cùng kỳ. Nếu chỉ loại bỏ thực phẩm và năng lượng, PPI gần như đi ngang trong tháng 9/2022.

– Lạm phát đang là vấn đề nổi cộm nhất của nền kinh tế Mỹ trong năm qua khi giá hàng hóa dao động quanh mức đỉnh hơn 40 năm.

– Để ghìm cương lạm phát, Fed đã 5 lần nâng lãi suất với tổng cộng 3 điểm phần trăm và được dự báo sẽ tiếp tục nâng 75 điểm cơ bản vào tháng 11/2022.

– Trong ngày 13/10, Mỹ sẽ công bố dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – vốn là chỉ số đang được theo dõi rất sát sao trong thời gian gần đây.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Standard Chartered: Nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

– Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023 sau khi mức tăng trưởng trong Quý 3 đạt 13,7%. Tăng trưởng GDP của Quý 4 năm nay dự kiến sẽ đạt 4%

– Ngân hàng dự báo lạm phát của Quý 4 sẽ tăng lên 5% và hạ dự báo lạm phát cả năm từ 4,2% xuống 3,3%. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát, áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023. Chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng mức lạm phát trung bình của cả năm 2023 sẽ đạt 5,5%.

– Các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và thực hiện nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 2 lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản vào Quý 4 năm 2022 và Quý 1 năm 2023, đưa mức lãi suất tái cấp vốn lên 6%, sau khi đã nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản lên 5% vào ngày 22 tháng 9 vừa qua.

– Theo Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam Đồng (VND) có thể phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn – Fed duy trì cách tiếp cận diều hâu, đồng USD mạnh, giá cả hàng hóa tăng cao và nhu cầu bên ngoài suy giảm. VND tiếp tục là một đồng tiền mạnh so với các quốc gia đang nổi tại châu Á mặc dù đã có sự giảm giá trong thời gian gần đây.

– Standard Chartered dự báo tốc độ giảm giá của VND sẽ chậm lại trong những tháng tới. Tỷ giá USD-CNY và USD-VND vẫn có sự tương quan chặt chẽ với nhau. Khi tỷ giá USD-CNY đạt đỉnh cũng có thể là lúc tỷ giá USD-VND đạt đỉnh. Ngân hàng dự báo tỷ giá USD-VND sẽ đạt 24.200 vào cuối năm 2022 và 24.000 vào cuối Quý 1 năm 2023, sau đó giảm về mức 23.400 vào cuối năm 2023.

• Lượng xăng dầu nhập khẩu tại TP.HCM giảm mạnh trong tháng 9/2022

– Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan trong tháng 9/2022 cả nước nhập khẩu 627.652 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch hơn 616 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về trị giá, so với tháng 8.

– Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong tháng 9/2022 tại TP.HCM bất ngờ giảm mạnh. Cụ thể, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9/2022 làm thủ tục qua cảng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực III đạt 170.820 tấn, kim ngạch 164,706 triệu USD, giảm 28,82% về lượng và giảm 33,39% về trị giá.

– Mặt hàng xăng nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 9 ở khu vực TP.HCM là nguyên nhân của tình trạng khan hiếm xăng dầu tại đây và nhiều địa phương lân cận trong mấy ngày qua, khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết vì thiếu nguồn cung nên không có nhiên liệu để bán ra.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• PHR: Lãi sau thuế của công ty mẹ quý 3 giảm gần 81% so với cùng kỳ năm ngoái

– Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 3/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần ở mức 322 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 65% kế hoạch quý đề ra. Lợi nhuận sau thuế là 12,3 tỷ đồng, giảm gần 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

– Theo giải trình của công ty, nguyên nhân gây ra sụt giảm lợi nhuận lớn đến từ việc trong quý 3 năm ngoái, công ty nhận được khoản tiền 47,3 tỷ đồng từ việc chia cổ tức của CTCP KCN Nam Tân Uyên và giá bán mủ giảm đã làm lợi nhuận từ bán hàng giảm đồng thời các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ 2021.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cao su Phước Hòa đạt 863,9 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 114% so với cùng kỳ năm trước lên 261 tỷ đồng do trong quý 1, công ty nhận tiền đền bù thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án KCN VSIP 3 là 289 tỷ đồng.

– Như vậy, với kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.252,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 743,9 tỷ đồng năm nay, công ty lần lượt đạt 38% chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ và 35% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm.

• SHB: Được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.700 tỷ đồng– Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho SHB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 9.785 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

– Phương án tăng vốn điều lệ này đã được ĐHĐCĐ SHB thông qua. Sau khi thực hiện ba phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên mức tối đa 36.459 tỷ đồng.

– Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

– Tổng tài sản của SHB đạt hơn 528 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380 nghìn tỷ đồng. Các chỉ số hoạt động kinh doanh ngân hàng đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của NHNN và tiêu chuẩn Basel II.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 12/10/2022, thị trường hồi phục trở lại với đà tăng tốt ngay từ đầu phiên sáng. Sắc xanh được duy trì cho đến kết phiên, VNINDEX đóng cửa ở gần mốc cao nhất 1.034,81 điểm, tăng hơn 28 điểm (+2,84%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán đã suy giảm khi chỉ còn 96 mã giảm/386 mã tăng. Số mã tăng chiếm 73% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản vẫn ở mức trung bình 20 phiên, đạt 11.472 tỷ đồng.

– Dẫn dắt cho sự hồi phục của thị trường tiêu biểu là nhóm ngân hàng và nguyên vật liệu như BID (+2,5 điểm), VCB (+2,4 điểm), CTG (+1,65 điểm), HPG (+1,77 điểm). Chiều ảnh hưởng tiêu cực có HAG, HDC, VCG giảm nhẹ dưới 0,2 điểm.

– 10 nhóm ngành đều ghi nhận hồi phục tốt, tiêu biểu như Nguyên vật liệu (+5,7%), Tài chính (+4,78%). Các nhóm ngành còn lại tăng từ 1,5– 3%. Top 4 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.880 tỷ đồng), Bất động sản (1.628tỷ đồng), Công nghiệp và Nguyên vật liệu (quanh 1.340 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm qua giải ngân mạnh hơn khi nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn sau phiên giảm mạnh trước đó, với giá trị mua ròng hơn 1.236 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu như HPG (+131,58 tỷ đồng), KBC (+128,37 tỷ  đồng) và DGC (+110,92 tỷ đồng). Chiều bán ròng nhẹ có TPB (-14,6 tỷ đồng), VND (-12,76 tỷ đồng) và VCG (-9,95 tỷ đồng).

– Thị trường đã có phiên hồi phục tốt với đà tăng lan tỏa trên diện rộng, theo chiều hướng tích cực, VNINDEX có thể hồi phục lấp lại khoảng gap tại vùng 1.060 – 1.070 điểm. Ngược lại, nếu lực mua không duy trì được trạng thái hiện tại thì khả năng VNINDEX có thể tiếp tục kiểm định lại vùng 1.000 điểm.

– Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trước mỗi quyết định giao dịch, cần chọn lọc kỹ cổ phiếu đã tạo được vùng nền ổn định cùng áp lực bán giảm dần. Hạn chế mua đuổi theo các cổ phiếu đã tăng mạnh phiên hôm qua để tránh rủi ro bẫy tăng giá.

—————————–

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest