DCall Podcast ngày 13/09/2022 – Liên minh châu Âu từ bỏ kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI  

• Thái Lan dự kiến tăng lượng gạo xuất khẩu  

– Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2022, Thái Lan đã xuất khẩu được 4,09 triệu tấn gạo, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.  

– Chính phủ nước này dự kiến lượng gạo xuất khẩu trong năm nay là 7,5 triệu tấn gạo, cao hơn so với mục tiêu 7 triệu tấn đã đề ra trước đó.  

– Sự thay đổi được cho là do sản lượng gạo tăng cũng như do việc đồng nội tệ của nước này suy yếu trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu bất ổn.  

– Trong khi đó, thời tiết thuận lợi cũng đã góp phần làm tăng sản lượng gạo nước này, khi đồng baht yếu giúp giá gạo Thái Lan cạnh tranh hơn.  

– Hiện tại, đồng baht đang ở mức gần như thấp nhất so với đồng USD trong hơn 15 năm qua.  

– Bộ Thương mại Thái Lan dự báo sản lượng gạo của nước này trong mùa vụ 2022-2023 có thể đạt 26,92 triệu tấn, tăng 2,09% so với mùa vụ trước đó.  

– Nhu cầu đối với gạo Thái Lan đã tăng cao trong năm nay do các nước tìm cách đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh xung đột tại Ukraine khiến việc nhập khẩu các lương thực khác như bột mì gặp khó khăn.  

• Mỹ sẽ mở rộng danh sách cấm xuất khẩu chip cho Trung Quốc  

– Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ dự định công bố các quy định mới dựa trên các hạn chế được thông báo bằng văn bản từ đầu năm nay cho ba doanh nghiệp gồm KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc.  

– Trước đó, ba công ty này đã tiết lộ nội dung văn bản, trong đó yêu cầu họ không xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cho những nhà máy Trung Quốc có khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến với quy trình dưới 14 nanomet trừ khi người bán có được giấy phép của Bộ Thương mại.  

– Quy định mới cũng hệ thống hóa các hạn chế được Bộ Thương mại thông báo cho hai hãng card đồ họa lớn nhất thế giới Nvidia và AMD, hướng dẫn các công ty ngừng vận chuyển một số chip dùng trong tính toán AI sang Trung Quốc, trừ khi có giấy phép.  

– Các ứng dụng AI như nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiện đã phổ biến trên các thiết bị điện tử tiêu dùng như smartphone. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng trong lĩnh vực quân sự, như dò tìm hình ảnh vệ tinh để phát hiện vũ khí hoặc căn cứ quân sự, lọc dữ liệu trong việc thu thập thông tin tình báo. 

– Một số nguồn tin cho biết các quy tắc này cũng có thể áp đặt các yêu cầu về giấy phép đối với các chuyến hàng có chứa dòng chip bị cấm đến Trung Quốc. 

– Việc biến văn bản thông báo thành quy định sẽ mở rộng tầm áp dụng và buộc những công ty khác của Mỹ tuân thủ hạn chế. Các quy định có thể áp dụng cho những công ty đang cản bước sự thống trị của Nvidia và AMD trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo.  

• Liên minh châu Âu từ bỏ kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga 

– Hôm 9/9, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã họp tại thủ đô Brussels của Bỉ và quyết định từ bỏ kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga.  

 – Nguyên nhân là sáng kiến này không có được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia thành viên. Nhiều nước ở khu vực Trung và Đông Âu vẫn đang nhận được khí đốt từ Nga và sợ rằng nếu áp giá trần sẽ bị Moscow trả đũa, cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ cắt đứt dòng chảy khí đốt tới bất kỳ nước nào áp giá trần.  

– Bộ trưởng năng lượng các nước EU đã đồng ý thu lại một phần doanh thu từ một số doanh nghiệp sản xuất điện và dùng khoản tiền này để hỗ trợ người tiêu dùng.  

– Một số thành viên EU ngày 9/9 đề nghị áp một mức giá trần chung lên tất cả khí đốt nhập khẩu, không riêng gì khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Cao ủy về Năng lượng của EU là bà Kadri Simson cho rằng động thái này là quá rủi ro. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM  

• Giá xăng, dầu đồng loạt giảm hơn 1.000 đồng/lít  

– Liên bộ Công Thương – Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo hướng giảm hầu hết các mặt hàng. Theo đó, từ 15h ngày 12/9, giá xăng RON95 giảm 1.020 đồng/lít, bán ra mức 23.210 đồng/lít, xăng E5 RON92 giảm 1.120 đồng/lít, bán ra là 22.230 đồng/lít.     

– Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, bán ra mức 24.180 đồng/lít. Với mức giảm này, giá dầu diesel vẫn tiếp tục cao hơn giá xăng.  

– Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít; xăng RON95 là 450 đồng/lít, dầu diesel là 90 đồng/lít, dầu hỏa là 200 đồng/lít. Đồng thời nhà điều hành dừng chi Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu.  

– Trên thị trường thế giới, giá dầu gần đây liên tục giảm mạnh, ghi nhận tại Oilprice vào sáng 12/9, giá dầu WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 85,4 USD/thùng, giảm 1,58%; dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ngưỡng 91,5 USD/thùng, giảm 1,39%. Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới xuống thấp khi dữ liệu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu suy yếu, dẫn đến mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.  

• Thu ngân sách nhà nước giảm tốc trong tháng 8/2022 

– Thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 8, Bộ Tài chính cho hay tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng 8/2022 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 46 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng liền trước. 

– Chi tiết hơn, thu nội địa tháng tháng 8 ước đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 43,4 nghìn tỷ đồng so tháng trước do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh… 

– Thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước do giá dầu thấp hơn 9,8 USD/thùng so với tháng trước.  Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 ước đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so tháng 7/2022. 

– Tuy nhiên, với khối lượng thực hiện tốt trong nửa đầu năm nên luỹ kế 8 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, tăng 19,4% so cùng kỳ năm 2021. 

– Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 123,7 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 8 tháng ước đạt 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2021. 

– Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 677,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán. 

– Như vậy, 8 tháng đầu năm năm 2022, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Ngân sách nhà nước thặng dư 251,8 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM  

• DGC: Doanh thu giai đoạn đầu của dự án Khu liên hợp Nhôm – Đắk Nông có thể đạt 430 triệu USD 

– Hiện tại, Đức Giang triển khai dự án khai thác quặng bô xít, chế biến bô xít thành alumin (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong 2025 – 2026) và chế biến alumin thành nhôm (giai đoạn 3) tại tỉnh Đắk Nông. Vốn đầu tư theo kế hoạch có thể lên tới 1,6 tỷ USD. Đây là dự án lớn nhất của Đức Giang tính đến thời điểm hiện tại.  

– Chủ tịch Đào Hữu Huyên cho biết, dự án Khu liên hợp Nhôm – Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. “Với giá Al2O3 hiện tại, giai đoạn đầu của dự án có thể tạo ra doanh thu ngang bằng với mảng kinh doanh photpho hiện tại của Đức Giang là 430 triệu USD”, Giám đốc điều hành Đức Giang thông tin.  

– DGC sẽ thực hiện song song hai dự án Chlor-alkaliviny (CAV) và nhôm-bô xít với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Các chuyên gia kỳ vọng các dự án mới có thể trở thành động lực tăng trưởng dài hạn của DGC trong giai đoạn 2025-2028. Dự án CAV dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động thương mại trong quý IV/2024 và có khả năng đóng góp 20% vào doanh thu trong năm 2025, còn giai đoạn đầu dự án sản xuất alumin của DGC có thể được triển khai vào năm 2025.  

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM  

– Phiên giao dịch ngày 12/9/2022, chỉ số VNINDEX đầu phiên hưng phấn mở gap tăng 7 điểm và diễn biến khá tích cực xuyên suốt phiên sáng. Đến phiên chiều, lực bán gia tăng khiến VNINDEX thu hẹp đà tăng, lùi về đóng cửa gần tham chiếu tại mốc 1.249,62 điểm, tăng 0,84 điểm (+0,07%). 

– Về độ rộng thị trường, phe mua và bán khá cân bằng với nhau khi có 238 mã giảm so với 215 mã tăng. Thanh khoản có sự sụt giảm so với phiên giao dịch trước đó, đạt giá trị hơn 10.747 tỷ đồng. 

– Đóng góp vào việc giữ vững sắc xanh cho chỉ số VNINDEX chủ yếu là cổ phiếu VHM (+1,653 điểm), MWG và VRE với tổng mức đóng góp hơn 1,4 điểm. Chiều ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường có MSN, NVL, VIC với mức giảm điểm quanh 0,4 điểm.   

– Phiên hôm qua 4/10 nhóm ngành giảm điểm với biên độ nhỏ, dưới 0,7% gồm Tài chính, Nguyên vật liệu, Tiêu dùng thiết yếu và Công nghiệp. Trong khi đó, Tiêu dùng (+2%), Chăm sóc sức khỏe (+1,42%) và Năng lượng (+1,35%) là các nhóm ngành tăng tốt. Các nhóm ngành còn lại chỉ tăng nhẹ dưới 1%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Nguyên vật liệu (1.930 tỷ đồng), Tài chính (1.806 tỷ đồng) và Bất động sản (1.421 tỷ đồng). 

– Khối ngoại duy trì mua ròng nhẹ hơn 177 tỷ đồng với đại diện là PVD (72,64 tỷ đồng), HPG (71,37 tỷ đồng) và DGC (60,54 tỷ đồng). Ngược lại, chiều bán ròng có BSR (-26,06) tỷ đồng, GEX (-24,09 tỷ đồng) và VNM (-22,15 tỷ đồng). 

– Phiên giao dịch hôm qua, VNINDEX tuy có sự hưng phấn tăng ngay đầu phiên nhưng đã nhanh chóng quay lại lấp vùng gap ngay trong phiên chiều. Khối lượng giao dịch ở mức thấp cho thấy sự thận trọng của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh tuần này có nhiều thông tin vĩ mô thế giới quan trọng. 

– Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 của Mỹ sẽ được công bố vào đêm ngày 13/9 ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên việc quản trị danh mục, cân nhắc hạ dần tỷ trọng với những cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu của lực mua. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest