Dcall Podcast ngày 12.07.2022 – Giá thép trong nước giảm lần thứ 8 liên tiếp

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/07/2022

1.THÔNG TIN VĨ MÔ 

• Nga giảm nguồn cung, các nước châu Âu rốt ráo ứng phó với khủng hoảng khí đốt  

– Theo phóng viên Thông tân xã Việt Nam tại Berlin, phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, người dân các nước châu Âu đang rất quan ngại cho vấn đề năng lượng vào mùa Đông tới. Trong bối cảnh đó với việc phải chuẩn bị lượng khí đốt dự trữ cho mùa Đông tới, nhiều nước châu Âu đã có những chiến lược riêng để ứng phó với những khó khăn liên quan tới nguồn cung năng lượng. 

– Đối với Pháp, vài tuần qua các đường ống dẫn khí từ Nga tới nước này đã khô cạn. Tuy nhiên, Pháp ít phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga (chỉ chiếm 17% lượng khí đốt nhập khẩu), mà có nhà cung cấp lớn là Na Uy, ngoài ra Pháp cũng có ba trạm khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) có thể kết nối vào mạng lưới đường ống quốc gia. Trước lo ngại về nguồn cung mùa Đông tới, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi người dân tiết kiệm tiêu thụ năng lượng. Trong trường hợp khẩn cấp về năng lượng nhà nước có thể vận hành các nhà máy điện khí và kiểm soát việc cung cấp điện. 

– Đối với Đức, nếu nguồn cung bị ảnh hưởng thì ngành công nghiệp sẽ là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch khẩn cấp của Chính phủ liên bang, ngành công nghiệp – chiếm khoảng 36% tổng lượng tiêu thụ, sẽ tự tìm cách vận hành trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Cho tới nay, bất chấp nguồn cung giảm, các cơ sở tích trữ khí đốt vẫn đang tiếp tục được lấp đầy, ở mức gần 63%. Trong nửa đầu năm 2022, lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức đã giảm 14%. Bộ Kinh tế liên bang Đức cũng bác bỏ những lo ngại về năng lực vận chuyển để nhập khẩu LNG. Nước này cũng sẽ sử dụng ít khí đốt hơn để sản xuất điện, thay vào đó, các nhà máy điện than sẽ được sử dụng cho một giai đoạn chuyển tiếp. 

2.THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

• Giá thép trong nước giảm lần thứ 8 liên tiếp 

– Ngày 9/7, nhiều doanh nghiệp thép trong nước thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm với mức giảm cao nhất lên tới 360.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm thứ 8 của giá thép trong nước trong 2 tháng qua, với tổng mức giảm tới hơn 3 triệu đồng/tấn 

– Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 với giá 16,24 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn. Thép Việt Ý cũng giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 16,16 triệu đồng/tấn và 16,56 triệu đồng/tấn. Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm D10 CB300 xuống 16,51 triệu đồng/tấn. 

– Giới phân tích nhận định, nguyên nhân khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm khiến thị trường thép chững lại. 

– Bên cạnh đó, việc giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn, hoạt động bị đình trệ, dẫn đến nhu cầu thép giảm. Hơn nữa, chính sách quản lý chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng tới nhu cầu thép. 

– Trái ngược với thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn tăng mạnh. Điển hình là xi măng. Kể từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã tăng 3 lần liên tiếp do giá nguyên vật liệu như: than, dầu, thạch cao… tăng cao. 

• Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hơn 4.400 hecta đất làm cao tốc Bắc-Nam 

– Tại phiên họp sáng 11/7, 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết nhất trí thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước như tờ trình của Chính phủ để làm đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Theo đó, chuyển đổi hơn 1.054 ha đất rừng, hơn 1.863 ha đất lâm nghiệp, hơn 1.537 ha đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên để triển khai dự án này. Các diện tích đất này thuộc địa bàn 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. 

– Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ, các bộ, ngành đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, đặt ra mục tiêu là đến năm 2025 có 3.000 km cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc. Quốc hội đã bố trí nguồn lực trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dành cho tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 với yêu cầu đặt ra là trong năm 2022-2023 phải giải ngân xong. 

– Với công tác chỉ đạo quyết liệt từ chính phủ đến các ban ngành thì dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được kì vọng sẽ góp phần cho đầu tư công cuối năm diễn biến tích cực và tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tuyến đường này qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và thành phố Cần Thơ nên sẽ là cầu nối giao thương giữa các tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

• BSR: Ước doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 77% lên hơn 87.000 tỷ đồng 

– CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu đạt 87.052 tỷ đồng; tăng khoảng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. 

– BSR đề ra kế hoạch và giải pháp sản xuất kinh doanh cho 6 tháng cuối năm tập trung vào các nhóm giải pháp như xây dựng và thường xuyên cập nhật các kịch bản SXKD theo giá dầu (80-100-110-120 USD/thùng) làm cơ sở điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt, kịp thời và hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thị trường. 

– Kết quả quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Nhà máy lọc dầu Bình Sơn có những thuận lợi. Bên cạnh giá dầu tăng so với dự báo thì chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô (crack margin) là tương đối cao. 

– Dự báo cho cả năm 2022,  ông Bùi Ngọc Dương – Tổng Giám đốc BSR   chia sẻ: “Năm 2022 BSR có thể có mức lợi nhuận cao hơn lúc cổ phần hóa, tức hơn 7.000 tỷ đồng. Năm nay công sẽ ty thiết lập được con số kỷ lục mới”. 

• HAX: Báo lãi sau thuế công ty mẹ quý 2 gấp gần 13 lần cùng kỳ 

– Theo Báo cáo tài chính riêng vừa công bố, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Mã chứng khoán: HAX) HAX ghi nhận doanh thu thuần quý 2 hơn 1,475 tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh xe chiếm gần 2,854 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ gần 224 tỷ đồng. Không những thế, nhờ biên lãi gộp hơn gấp đôi, từ 4% lên 9%, lợi nhuận gộp của Công ty đạt gần 127 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. 

– Đáng chú ý, doanh thu tài chính tăng đột biến lên gần 12 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 118 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt tăng 16% và 37%, lên 31 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Nhưng, chi phí tài chính lại giảm nhẹ 17%, về gần 3 tỷ đồng. Nhìn chung, nhờ sự tăng trưởng mạnh từ các nguồn doanh thu, HAX báo lãi sau thuế công ty mẹ gần 82 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng trong bối cảnh doanh thu thuần và doanh thu tài chính tăng mạnh. 

– Lũy kế 6 tháng đầu năm, đại lý chính hãng của Mercedes Benz Việt Nam ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt 3,080 tỷ đồng và 138 tỷ đồng, tăng 24% và gấp hơn 2 lần nửa đầu năm trước. 

– Kết quả tăng trưởng mạnh của HAX trong nửa đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính áp dụng lại chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 01/12/2021 và chỉ vừa kết thúc vào ngày 01/06/2022.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN  

– Phiên giao dịch ngày 11/07/2022, chỉ số VNINDEX mở đầu phiên sáng mở gap giảm khoảng 10 điểm khi các mã cổ phiếu họ nhà Vin gặp áp lực bán mạnh.  Đà tiêu cực kéo dài đến tận cuối phiên chiều, sau đó lực cầu tham gia kéo chỉ số VNINDEX lên đóng cửa ở mốc 1.155,29 điểm, giảm 16 điểm (-1,37%)   

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán lan tỏa trên diện rộng khi có tới 319 mã giảm/131 số mã tăng. Số mã giảm chiếm hơn 61% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ, đạt 11.445,141 nghìn tỷ đồng.   

– Ảnh hưởng nhiều nhất đến đà sụt giảm điểm chỉ số VNINDEX xuyên suốt phiên giao dịch hôm qua là 2 mã cổ phiếu trụ VIC và VHM. Tuy vậy, cuối phiên ATC đã có lực cầu lớn tham gia trợ giá 2 mã cổ phiếu này. Thay vào đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng lại có sức giảm điểm mạnh nhất vào cuối phiên khi VCB (-2,452 điểm), TCB (-1,773 điểm) và VPB (-1,284 điểm). Chiều tăng điểm đến từ nhóm ngành bất động sản và đầu tư công, có DIG, GEX, KBC với mức tăng dưới 0,2 điểm.   

– Phiên hôm qua chỉ có nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe tăng điểm (+0,63 điểm). Nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất là Tài chính (-2,7%) và Dịch vụ tiện ích (-2,09%). Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1,5%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trong phiên ngày hôm qua gồm có Tài chính (3.211 tỷ đồng), Công nghiệp (1.819 tỷ đồng), Bất động sản (1.460 tỷ đồng).   

– Khối ngoại phiên giao dịch hôm qua khá cẩn trọng khi chỉ mua ròng với giá trị đạt 5,7 tỷ đồng. Tập trung vào các mã VNM (+53,7 tỷ đồng),  GMD (+26,18 tỷ đồng) và PNJ (+23,91 tỷ đồng). Chiều bán ròng có SSI (-46,72 tỷ đồng), DPM (-41,93 tỷ đồng) và VND (-23,91 tỷ đồng).    

– VNINDEX đã có lực cầu tham gia hỗ trợ khi chỉ số giảm về quanh vùng 1.140 điểm cùng với thanh khoản có sự gia tăng nhẹ. Tuy vậy, lực bán vẫn chiếm ưu thế khi số lượng mã giảm vẫn chiếm trên 61% số mã trên sàn HOSE. Nếu phiên hôm nay lực bán tiếp tục gia tăng thì sẽ khá là tiêu cực cho VNINDEX và có xác suất sẽ rơi về những vùng điểm thấp hơn. Ngược lại, nếu lực cầu tham gia kéo chỉ số lên những vùng điểm cao hơn thì nhà đầu tư cũng cần lưu ý về thanh khoản của thị trường. Trường hợp thị trường tăng điểm mạnh, thanh khoản duy trì ở mức thấp thì nhà đầu tư không nên giải ngân mua đuổi, tránh những nhịp hồi kỹ thuật. VNINDEX sẽ cần đi ngang tích lũy để hấp thụ lực bán tại vùng đáy quan trọng nên nhà đầu tư ưu tiên quan sát, hạn chế tham gia mua mới tại thời điểm này để phòng ngừa rủi ro thị trường điều chỉnh.  

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest