DCall Podcast ngày 06/10/2022 – OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày– Liên minh OPEC+ nhất trí cắt giảm tổng cộng 2 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực ngăn đà giảm của giá dầu, các đại diện OPEC cho biết.

– Đây là đợt giảm sản lượng lớn nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh kể từ năm 2020. Tuy nhiên, động thái này sẽ chỉ có tác động nhỏ tới nguồn cung toàn cầu vì một số thành viên trước đó đã bơm dầu dưới mức hạn ngạch. Điều này có nghĩa một số quốc gia thành viên đã tuân thủ theo mức giới hạn sản lượng mới mà không cần phải cắt giảm sản lượng thêm.

– Với kế hoạch sản lượng mới, sẽ chỉ có 8 quốc gia thành viên trong liên minh cần phải cắt giảm sản lượng thực tế và chỉ phải giảm thêm 880,000 thùng/ngày, theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu sản lượng. Giá dầu Brent biến động mạnh sau quyết định này, hiện đang tăng nhẹ lên mức 91.85 USD/thùng.

– Tuy vậy, quyết định của liên minh OPEC+ có thể tạo thêm cú sốc tới nền kinh tế toàn cầu thông qua việc đẩy giá năng lượng lên cao hơn. Ngoài ra, việc này sẽ làm phiền lòng Mỹ và có thể khiến Washington đưa ra động thái ứng phó. Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã tới thăm Ả-rập Xê-út để đề nghị tăng sản lượng dầu với mục đích kéo giảm giá nhiên liệu.

• Mỹ đạt mốc nợ kỷ lục mới 31.000 tỷ USD, có thể vỡ nợ trong 6 năm nữa

– Nợ quốc gia của Hoa Kỳ lần đầu tiên đạt mức 31 nghìn tỷ đô la vào thứ Hai 3/10, một cột mốc xảy ra 9 tháng sau khi lần đầu tiên đạt 30 nghìn tỷ đô la.

– Tổng dư nợ công hiện đã hơn 31,1 nghìn tỷ USD, theo số liệu từ Bộ Tài chính. Nợ do công chúng nắm giữ, không bao gồm vay nợ nội chính phủ, ở mức khoảng 24,3 nghìn tỷ USD.

– Mức cao mới nhất trong gánh nặng nợ của quốc gia đã thúc đẩy một vòng cảnh báo mới từ các cơ quan giám sát ngân sách, đặc biệt là khi lãi suất tăng, vốn đã bị đẩy đến mức chưa từng thấy trong nhiều năm do nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang.

– Nợ quốc gia Mỹ đã tăng trong những năm gần đây, do hàng nghìn tỷ đô la chi tiêu tài trợ để đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như các chương trình chi tiêu mới và việc cắt giảm thuế năm 2017 của Đảng Cộng hòa.

– Một thập kỷ trước, tổng số nợ là 16,2 nghìn tỷ USD. 5 năm trước, nó là 20,3 nghìn tỷ đô la.

– Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban, cho biết trong một tuyên bố: “Vấn đề còn rắc rối hơn cả vị trí của khoản nợ hiện tại là nó sẽ đi đến đâu”. “Quốc gia của chúng ta phải đối mặt với những thách thức tài chính đáng kể trong thời gian tới. Chỉ còn sáu năm nữa là vỡ nợ và An ninh xã hội mất khả năng thanh toán chỉ còn 12 năm nữa. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã không đưa ra kế hoạch đưa cả hai chương trình vào nền tảng tài khóa vững chắc.”

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Xuất khẩu gỗ ước tính mang về thêm 1,25 tỷ USD trong tháng 9

– Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,25 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng 8, nhưng tăng 75,5% so với tháng 9/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 808 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 88,5% so với tháng 9/2021.

– Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021

– Theo Cục Xuất nhập khẩu, tác động từ các yếu tố lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm.

– Trong đó, Mỹ và EU là những thị trường tiêu thụ chính đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng ở các thị trường này đang tiết kiệm chi tiêu, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là một trong những mặt không thiết yếu, do đó nhu cầu giảm mạnh.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• TNG: Doanh thu 9 tháng đạt hơn 5.200 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái

– Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cho biết, lũy kế doanh thu 9 tháng, Công ty đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và hoàn thành 87,5% kế hoạch năm 2022.

– Trong quý III/2022, doanh thu TNG tiêu thụ đạt 2.018 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng, tương đương 18% so với cùng kỳ. Lũy kế doanh thu 9 tháng, Công ty đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và hoàn thành 87,5% kế hoạch năm 2022.

– Với kết quả thực hiện kế hoạch năm sau 9 tháng, Hội đồng quản trị TNG đã có nghị quyết thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện là 4%/mệnh giá (1 cổ phiếu nhận 400 đồng). Ngày chốt danh sách là 12/10/2022, ngày thanh toán vào 20/10/2022.

– Về kế hoạch lâu dài, trong 5 năm tiếp theo, TNG kỳ vọng đạt mốc doanh thu khoảng 6.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 575 tỷ đồng. Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thị phần ở các thị trường mới nổi, TNG sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang trong nước tới tất cả các tỉnh, thành phố cũng như phân phối ra nước ngoài qua các kênh thương mại điện tử.

• VSC: Dự chi 600 tỷ đồng mua 49% vốn CTCP Vận tải biển Vinaship

– HĐQT CTCP Tập đoàn Container Việt Nam – Viconship (HOSE: VSC) vừa công bố phương án sử dụng vốn trong đợt chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu sắp tới. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chi ra 600 tỷ đồng để sở hữu 49% vốn điều lệ CTCP Vận tải biển Vinaship (UPCoM: VNA).

– Bên cạnh đó, VSC sẽ rót thêm 100 tỷ đồng tăng vốn cho công ty con là công TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh; 100 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để thanh toán tiền nhiên liệu cho các đối tác.

– Thời gian giải ngân vốn dự kiến từ năm 2023 đến năm 2024. Được biết đây là những bước khởi đầu cho công cuộc hiện thực hóa tham vọng trở thành tập đoàn logistic toàn cầu của VSC.

– Về Vinaship, công ty được thành lập vào năm 2006, có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Hiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC (UPCoM: MVN) đang là công ty mẹ của Vinaship với lượng năm giữ 10,2 triệu cổ phiếu VNA, tương đương 51% vốn. Đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực logistic và vận tải biển.

• VHM: Bàn giao gần 1.000 căn nhà tại phân khu Chà Là, Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire

– Mới đây, Công ty Cổ phần Vinhomes (HOSE: VHM) công bố đã bàn giao gần 1.000 căn nhà tại phân khu Chà Là, Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire, tiến tới mục tiêu bàn giao 9.000 căn trong năm 2022. Tốc độ xây dựng và bàn giao kỷ lục chỉ sau 5 tháng ra mắt dự án của Vinhomes đã cho thấy năng lực triển khai mạnh mẽ của Chủ đầu tư; đồng thời khẳng định tính thanh khoản cao của dòng sản phẩm thấp tầng mang thương hiệu Vinhomes trên thị trường bất động sản.

– Các sản phẩm vừa bàn giao cho khách hàng bao gồm biệt thự, nhà liền kề và shophouse thuộc phân khu Chà Là. Dự kiến, tháng 10/2022, Vinhomes sẽ đẩy nhanh tiến độ để tiếp tục bàn giao những căn nhà tại phân khu Chà Là và San Hô, nhằm tiến tới mục tiêu bàn giao 9.000 căn trong năm 2022.

– Dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire có quy mô 458,9 ha, được ra mắt thị trường trong dịp lễ 30/4 – 1/5/2022. Đây là khu đô thị thứ hai thuộc siêu quần thể đô thị biển 1.200ha của Vinhomes nằm ở phía Đông Hà Nội.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 05/10/2022, thị trường có nhịp hồi khá tích cực với sắc xanh bao phủ trên diện rộng. Chỉ số VNINDEX mở gap tăng 14 điểm từ đầu phiên sáng và duy trì nhịp tăng đến cuối phiên, đóng cửa tại mốc 1.104,26 điểm, tăng hơn 26 điểm (+2,42%).

– Về độ rộng thị trường, phe mua lấy lại ưu thế với 392 mã tăng/85 mã giảm. Số mã tăng chiếm hơn 74% số mã trên sàn HOSE. Tuy nhiên thanh khoản có sự sụt giảm khi chỉ đạt gần 9.500 tỷ đồng.

– Đóng góp cho đà tăng chỉ số VNINDEX là cổ phiếu họ nhà VIN như VHM (+3,5 điểm), VIC (+2,914 điểm) và nhóm ngân hàng như CTG (+1,53 điểm), BID (+1,03 điểm). Chiều tác động tiêu cực tới thị trường có ACB, PGV, BHN với tổng mức giảm gần 0,3 điểm.

– Phiên hôm qua cả 10 nhóm ngành đều ghi nhận sự hồi phục, tiêu biểu như Năng lượng (+4,53%), Bất động sản (+3,55%) và Công nghiệp (+3,56%). Các nhóm ngành còn lại tăng dưới 2,7%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.094tỷ đồng), Công nghiệp (1.403 tỷ đồng) và Bất động sản (1.285 tỷ đồng).

– Khối ngoại cũng đảo chiều tích cực hơn khi mua ròng 225,46 tỷ đồng, với các đại diện như VHM (+75,28 tỷ đồng), CTG (+52,83 tỷ đồng) và VIC (+52,24 tỷ đồng). Trong khi đó chiều bán mạnh vẫn là cổ phiếu HPG (-140,71 tỷ đồng), STB (-51,41 tỷ đồng), ngoài ra có DGC (-34,24 tỷ đồng)

– VNINDEX ghi nhận đà bật tăng hơn 26 điểm cho thấy đã có động thái tham gia của lực mua nhưng thanh khoản lại ghi nhận sụt giảm, dòng tiền vẫn còn khá cẩn trọng khi tham gia ở thời điểm hiện tại. Nếu lực mua tiếp tục gia tăng và giữ được mốc 1.100 điểm thì có thể kỳ vọng VNINDEX sẽ quay trở lại vùng kháng cự 1.140 – 1.170 điểm.

– Hiện nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng, hạn chế mua đuổi để tránh rủi ro thị trường có sự điều chỉnh. Cần quan sát thêm để xác nhận đà giảm đã kết thúc hay chỉ là nhịp hồi kỹ thuật trước khi đưa ra quyết định giao dịch.

—————————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest