DCall Podcast ngày 06/09/2022 – HOSE chính thức triển khai giao dịch lô lẻ từ ngày 12/09/2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/09/2022

1. Thông tin thế giới 

• Nhà máy thép tại châu Âu đóng cửa hàng loạt vì thiếu khí đốt 

– Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Việc Nga cắt giảm khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đang mang đến nhiều thiệt hại cho khối này. Cho đến nay khoảng 3 triệu tấn thép không gỉ của EU đang đứng trước rủi ro. Với chi phí năng lượng tăng cao, nhiều nhà máy đang không đủ khả năng để “bật đèn.” 

– Vào đầu tháng 8, nhà máy Aperam của Bỉ đã đóng cửa cơ sở ở Genk. Ngay sau đó, họ giảm sản lượng tại nhà máy Chatelet của mình. Gần đây hơn, công ty Acrinox của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đưa khoảng 85% nhân viên vào làm việc thời vụ. 

– Nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, ArcelorMittal, là công ty mới nhất thông báo đóng cửa nhà máy ở châu Âu do giá khí đốt và năng lượng tăng cao. ArcelorMittal sẽ đóng cửa một trong hai lò cao của mình tại địa điểm luyện thép ở Bremen, Đức, từ cuối tháng 9 cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do giá năng lượng tăng “cắt cổ”, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua. Giá năng lượng tăng cao đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong sản xuất thép của họ. 

– Không chỉ thép, các nhà máy luyện nhôm ở châu Âu cũng đã đóng cửa trong những tuần gần đây do giá năng lượng cao ngất ngưởng. 

– Tại Đức, một cuộc khảo sát của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, DIHK, cho biết cứ 6 công ty công nghiệp thì có 1 công ty cảm thấy buộc phải giảm sản lượng do giá năng lượng tăng cao. Gần một phần tư số công ty buộc phải cắt giảm sản lượng và một phần tư khác đang trong quá trình thu hẹp sản xuất trở lại do giá năng lượng cao ngất ngưởng, theo khảo sát của 3.500 công ty thuộc mọi lĩnh vực ở Đức. 

• OPEC+ bất ngờ giảm sản lượng 100,000 thùng/ngày từ tháng 10 

– Ngày 05/09, Liên minh giữa các nhà sản xuất dầu mỏ quyền lực nhất, OPEC+ nhất trí giảm nhẹ sản lượng 100,000 thùng/ngày từ tháng 10/2022. Trước đó, phần lớn các chuyên viên phân tích năng lượng đều kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng. 

– Giá dầu đã tăng ngay sau quyết định của OPEC+. Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/09, hợp đồng dầu Brent tăng 2.66% lên 95.49 USD/thùng, còn dầu WTI vọt 2.76% lên 89.27 USD/thùng. 

– Tuyên bố của OPEC+ được đưa ra giữa lúc xung đột năng lượng giữa Nga và phương Tây leo thang. Trong đó, nhiều quốc gia ở châu Âu đang lo ngại về rủi ro suy thoái và tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa đông. 

– Trong khi đó, nhiều thành phần tham gia thị trường năng lượng đang theo dõi sát sao khả năng nguồn cung dầu thô gia tăng từ Iran nếu Tehran có thể khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015. 

• Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất 

– Sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ vào tháng Bảy vừa qua, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẵn sàng đưa ra mức tăng mạnh tiếp theo vào ngày 8/9 tới nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng vọt. 

– Tỷ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Tám vừa qua đã tăng lên 9,1%, mức cao kỷ lục mới và cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra, làm tăng sức ép đối với ECB trong việc nâng lãi suất. 

– Theo chuyên gia Carsten Brzeski thuộc Ngân hàng ING (Hà Lan), “vấn đề duy nhất” đối với cuộc họp sắp tới của ECB là sẽ tăng lãi suất 50 hay 75 điểm cơ bản. 

– Trong khi đó, một thành viên trong ban lãnh đạo ECB, bà Isabel Schnabel, cho rằng ECB cần thể hiện quyết tâm kiềm chế tình trạng giá cả phi mã hiện nay. Theo bà, với cách tiếp cận này, ECB sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với tình trạng lạm phát hiện nay ngay cả khi có nguy cơ tăng trưởng thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. 

– Không chỉ khu vực châu Âu, các ngân hàng trung ương của Canada và Australia cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tuần này. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• PMI tháng 8 đạt 51,7 điểm, ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 

– Theo báo cáo vừa công bố của IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tại Việt Nam đạt 51,7 điểm, tăng so với 51,2 điểm trong tháng 7. Điều này cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt ngành sản xuất của nước ta thời điểm giữa quý III. 

– Với sự phục hồi hoạt động sản xuất sau đại dịch Covid-19, số lượng đơn hàng trong nước và nước ngoài lớn hơn giúp các nhà sản xuất gia tăng sản lượng trong tháng 8 với đà tăng tháng thứ 5 liên tiếp. 

– Tổng số đơn hàng mới tăng, nhu cầu tiêu thụ cải thiện, giá cả cạnh tranh là những yếu tố góp phần tăng chỉ số PMI trong tháng 8. Ngoài ra, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm đáng kể. Đây cũng là mức tăng yếu nhất trong 27 tháng. 

– Để đáp ứng được tiến độ các đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường tuyển dụng lao động. 

– Bên cạnh đó, thời gian giao hàng được rút ngắn lần đầu tiên kể từ tháng 11/2019 nhờ nguồn cung cải thiện, lượng hàng tồn kho giảm. 

– Hoạt động mua hàng cũng tăng lần thứ 11 liên tiếp và hiệu suất bán hàng được cải thiện lần đầu trong 33 tháng. 

– Nhìn chung, phần lớn các nhà sản xuất cho rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ sức cầu tăng, chi phí đầu vào giảm, giá bán và lượng đơn hàng khả quan. 

• HOSE chính thức triển khai giao dịch lô lẻ từ ngày 12/09/2022 

– Nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch chứng khoán lô lẻ của nhà đầu tư, trong thời gian qua, HOSE đã tích cực phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT nâng cấp và thử nghiệm toàn thị trường chức năng giao dịch chứng khoán lô lẻ. 

– HOSE cho biết sau thời gian thử nghiệm hệ thống, tất cả các công ty chứng khoán báo cáo thử nghiệm đạt yêu cầu và cam kết sẵn sàng triển khai. Trên cơ sở đó, được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HOSE sẽ chính thức triển khai giao dịch chứng khoán lô lẻ từ thứ Hai, ngày 12/09/2022. 

– Đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ, nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch có khối lượng từ 1 đến 99 chứng khoán. HOSE đánh giá việc áp dụng giao dịch chứng khoán lô lẻ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua – bán, như dễ dàng bán những chứng khoán lô lẻ còn lại trong tài khoản hoặc mua thêm chứng khoán lô lẻ cho tròn một lô giao dịch (lô chẵn), giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty chứng khoán. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• HSG sắp chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% 

– Ngày 30/08, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức niên độ tài chính 2020-2021, tỷ lệ 20%. Điều này có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới. 

– Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/09. 

– Với hơn 498 triệu cổ phiếu đang lưu hành, HSG cần phát hành gần 99,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. 

• HAI: HOSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu của CTCP Nông dược HAI 

– Cổ phiếu HAI của Công ty CP Nông dược HAI là cổ phiếu tiếp theo trong ‘họ FLC’ nhận quyết định đình chỉ giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). 

– Cụ thể, HOSE đã quyết định đình chỉ giao dịch hơn 182,68 triệu cổ phiếu HAI của Công ty CP Nông dược HAI kể từ ngày 9/9. Lý do được đưa ra là vì cổ phiếu HAI đã nằm trong diện hạn chế giao dịch từ trước, nhưng công ty này vẫn tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Do đó, cổ phiếu HAI thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán của HOSE. 

– Với quyết định kể trên, HAI là cổ phiếu thứ 3 trong ‘họ FLC’ bị đình chỉ giao dịch bắt buộc sau ROS (Công ty CP Xây dựng FLC Faros) và FLC (Tập đoàn FLC).    

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 5/9/2022, thị trường trở lại giao dịch trong trạng thái tích cực với đà tăng điểm của VNINDEX trong phiên sáng. Tuy nhiên đến phiên chiều, VNINDEX đảo chiều giảm điểm và dao động dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán đến từ  cổ phiếu trong rổ VN30. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.277,35 điểm, giảm 3,16 điểm (-0,25%).  

– Về độ rộng thị trường, số lượng mã giảm có ưu thế với 283 mã chiếm tỷ lệ hơn 54% số mã trên sàn HOSE . Thanh khoản tương đương với phiên giao dịch trước đó đạt 13.402,025 tỷ đồng.  

– Áp lực giảm điểm của chỉ số VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng với đại diện là VCB với mức đóng góp giảm 1,678 điểm, BID và VPB có mức giảm quanh 0,6 điểm. Chiều nâng đỡ chỉ số có HPG (1,325 điểm), VNM (+1,059 điểm).  

– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 4/10 nhóm ngành hồi phục là Nguyên vật liệu (+2,89%) tăng tốt nhất khi hưởng lợi từ thông tin nhà máy thép EU đóng cửa hàng loạt, tiếp đến là Năng lượng (1,93%), Tiêu dùng thiết yếu (+1,09%) và Chăm sóc sức khỏe (+0,15%). Chiều ngược lại, nhóm ngành Tiêu dùng giảm 1,28%, các nhóm ngành còn lại đều ghi nhận mức giảm dưới 0,8%. Những nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính và Nguyên vật liệu (quanh 2.600 tỷ đồng), Công nghiệp (1.586 tỷ đồng).   

– Khối ngoại phiên hôm qua bán ròng lên hơn 402 tỷ đồng, tập trung bán nhiều ở mã NVL (-225,08 tỷ đồng), VCB (-39,75 tỷ đồng) và SSI (-34,67 tỷ đồng). Chiều mua ròng có VNM (86,04 tỷ đồng), PVD (60,65 tỷ đồng) và PVS (34,86 tỷ đồng).  

– VNINDEX tiếp tục gặp áp lực bán tại vùng 1.280 điểm, thanh khoản không có sự cải thiện khi khối lượng giao dịch chỉ tương đương với hai phiên giao dịch trước đó và vẫn dưới trung bình 20 phiên. Điểm tích cực là VNINDEX vẫn giữ đi ngang tại vùng 1.270 – 1.280 điểm, những phiên tới nếu vẫn giữ được đà tích cực này với áp lực bán giảm dần thì VNINDEX sẽ có cơ hội tiến tới vùng 1.300 điểm. Ngược lại, nếu áp lực bán chiếm ưu thế thì VNINDEX có thể lùi về quanh 1.250 điểm. 

– Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời/ hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu đang gặp áp lực bán lớn, hạn chế tham gia mua mới với những mã cổ phiếu đã tăng mạnh để tránh rủi ro nếu thị trường có sự điều chỉnh.

——————- 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 06/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest